Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

QUẢ NGỌT CỦA CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM

Mới ra trường, một sinh viên sư phạm vừa nhận công tác, lòng nhiệt huyết bừng bừng vì có ngày cũng được áp dụng những kiến thức ở giảng đường đại học vào trong thực tiễn. Trong ánh mắt của người thầy trẻ, chẳng có gì khó đối với một người được đào tạo bài bản từ ngôi trường đại học danh tiếng như thế! Tôi tự tin bước lên lớp trong ánh mắt tò mò vốn rất đáng yêu và nghịch ngơm của học sinh trung học - lứa tuổi tinh nghịch nhất của thời cắp sách đến trường. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba “học trò” mà! Lần đầu tiên lên lớp, con tim hồi hộp trong lồng ngực tôi làm lộ ra cái vẻ ngường ngượng, tôi nhanh chóng trấn an cho con tim trở về bình tĩnh, giống như những giáo viên mới lên lớp, sau lời giới thiệu về bản thân, tôi đưa ra những quy định của riêng tôi mà tôi đã chuẩn bị sẵn từ mấy ngày trước. Một tiếng “ồ” ngạc nhiên đồng thanh của cả lớp vang lên như thể rất khó hiểu, khó chấp hành. Tôi rất bực mình việc học sinh vào lớp sau thầy, vì một lý do không chính đáng, ảnh hưởng đến việc học của lớp. Tôi rất nghiêm khắc với những quy định tôi đưa ra. Chính vì thế, các em dù đang ở chỗ nào trong khuôn viên trường cũng tranh thủ chạy vào lớp ngồi đúng chỗ mỗi khi có tiếng trống báo hiệu đến giờ học của tôi. Thời gian trôi qua, “thứ ba học trò” ấy cũng chấp hành khá tốt, dễ dàng…. Thầy giáo trẻ cảm thấy hãnh diện vì học sinh lớp mình chủ nhiệm cũng bắt đầu vào nền nếp, quy cũ theo ý đồ giáo dục “Tiên học lễ, học hậu văn”” của mình. Nhưng đâu phải công việc suông sẻ như thế và “chỉ thị” của thầy giáo trẻ lúc nào cũng được “học trò” chấp hành nghiêm chỉnh. Một hôm, thầy giáo ấy rất giận vì có đến ba nam sinh vào lớp sau thầy, mà nhất là trong cái lúc các em đứng lên chào. Đâu phải các bạn trong lớp chào các em đâu? Tại sao các em lại vào lớp trong lúc này?- tôi bắt đầu khó chịu và nhắc lại một lần nữa quy định của tôi. Mình phải mời phụ huynh mới được. Sao những học trò này dám làm trái quy định của mình chứ. Ba thư mời được chuẩn bị gởi cho các em sau buổi học hôm đó. Hai trò lặng lẽ nhận thư mời trong ánh mắt rụt rè, còn một trò không thèm nhận thư mời. Thế là thế nào? Tình huống này mình phải làm sao? - tôi nghĩ. Sau khi nhờ tư vấn của thầy lãnh đạo, tôi cũng tìm cách gởi được lá thư này cho phụ huynh. Hôm sau, một tình huống không ngờ nữa xảy ra, trước mặt phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, “trò” lại không biết hối lỗi dù phu huynh và thầy giáo cố gắng hết lời. Lần đầu tiên mới bước vào nghề, gặp phải đứa học trò ngoan cố không chịu hiểu như thế, tôi cảm thấy những cái lý thuyết trên giảng đường kia chưa đủ để giải quyết. Mình phải làm sao với đứa học trò này?. Tôi bắt đầu tham khảo ý kiến của giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong trường. Hay mình là giáo viên mới nên các em muốn thử thách mình? Chắc cũng có thể là vậy! Một làn gió nhẹ thoảng qua, cái mát mẻ dìu dịu dễ chịu của tiết trời buổi sáng làm cho tâm hôn tôi như đang chìm đắm trong thế giới đẹp đẽ nào đó. Đang mơ hồ về một điều xa xăm, tôi bỗng giật mình: ”Thưa thầy cho em xin lối”. Quá bất ngờ, tôi không đoán trước chuyện đó xảy ra. Mới hôm qua qua còn cương lắm mà, sao hôm nay lại nhu thế. Hai tay của em đang chìa cho tôi một phong bì thư. “Thầy về đọc đi ạ và mong thầy tha thứ cho em!”. Một bức thư xin lỗi rất dài và em hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Một cảm giác dễ chịu cứ man mác trong lòng thầy giáo trẻ như cơn gió nhè nhẹ kia đang mang cái lành lạnh mới chớm của khúc giao mùa. Thì ra, mình làm điều đó không sai. Kể từ đó, trò và thầy càng thân thiết nhau hơn, em thường tìm đến tôi để chia sẻ tâm sự của em với tôi. Và em cũng là chiếc cầu nối làm cho hai bến bờ lớp học - thầy chủ nhiệm gần gũi nhau hơn. Kể từ đó, em không một lần tái phạm và còn đậu tốt nghiệp với điểm số khá cao. Mười năm trôi qua, em đã ra đời, có nghề nghiệp ổn định nhưng mỗi khi gặp lại, em đều nhắc đến kỉ niệm khó quên ấy. Một câu chuyện, mười năm qua đến bây giờ tôi mới kể nhưng nó mãi là bài học kỉ niệm trong công tác chủ nhiệm của tôi. Hãy ươm mầm những tâm hồn đẹp và hãy vun bón chúng bằng những điều hay lẽ phải, thì sớm hay muộn ta cũng thu hoạch những quả ngọt trĩu cành.

Quê mình

Tây Ninh đẹp nhất quê mình, Có hồ Dầu Tiếng, nước kinh về đồng. Lúa xanh, mía tốt mát lòng, Nông dân tăng vụ, cho mùa thêm ngô. Nước xanh biêng biếc trong hồ, Đảo Xỉn, đảo Trảng, Đồng Bò xung quanh. Thoai thoải Đồi Thơ đứng cạnh, Nguyên sinh rừng sát màu xanh phủ đầy. Bướm ong uốn lượn từng bầy, Hoa thơm cỏ dại, ngất ngây sắc màu. Hợp quần núi Một với nhau, Tạo nên phong cảnh biết bao hữu tình. Tây Ninh đẹp nhất quê mình, Non xanh nước biếc tạo hình dáng quê!