Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

ĐỀ-ĐÁP ÁN KT HK2 NGỮ VĂN 10 (2015)

ĐỀ KIỂM TRA HK 2
I/ PHẦN ĐỌC HIỂU ( 3đ)
1)  Nêu những yêu cầu sử dụng tiếng Việt? 
2) Giải thích ý nghĩa nội dung của phần mở đầu  trong bài “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”

II/ PHẦN LÀM VĂN ( 7 điểm)
    Cảm nhận của anh (chị) về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên  (Nguyễn Dữ). Từ đó, trình bày suy nghĩ của mình về tính trung thực.

ĐÁP ÁN
I/ PHẦN ĐỌC HIỂU ( 3đ)
1)  Nêu những yêu cầu sử dụng tiếng Việt? 
- Về ngữ âm và chữ viết.
- Về từ ngữ.
 - Về ngữ pháp.
- Về phong cách ngôn ngữ.
2) Giải thích ý nghĩa nội dung của phần mở đầu  trong bài “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi:
- Tự hào khi so sánh nước ta ngang hàng với Trung Quốc; khẳng định nước ta có nền độc lập tự chủ lâu đời, có lãnh thổ riêng;  phong tục, văn hóa riêng. Nước ta có nhiều người tài, có vua và triều đại riêng; mỗi khi kẻ thù phương bắc xâm lược đều bị đánh bại và lịch sử đã minh chứng điều đó.
- Chính vì thế, Nguyễn Trãi đã nêu lên luận đề chính nghĩa của lập trường kháng chiến là thực hiện “yên dân”, “trừ bạo”- đẹm lại an vui cho dân, vì dân mà diệt trừ kẻ có tội.

II/ PHẦN LÀM VĂN (7 điểm) 
1-Giới thiệu lai lịch của Ngô Tử Văn
2-Phân tích tính cách của Ngô Tử Văn
        a- Tử Văn là người cương trực, yêu chính nghĩa:
 +  Ngô Tử Văn là người rất khẳng khái : thấy sự tà gian là không thể chịu được nên đã đốt đền trừ hại cho dân.
 + Sẵn sàng nhận chức phán sự đền Tản Viên để thực hiện công lí.
       b- Tử Văn dũng cảm, kiên cường:
+ Khi hồn ma tướng giặc đe dọa, Tử Văn không run sợ, vẫn ngồi ngất ngưởng tự nhiên. Vạch mặt tên hung thần trước mặt Diêm Vương.
 + Khi quỷ bắt đi: cãi lại quỷ và tên hung thần họ Thôi.
 + Trước lời quát mắng của Diêm Vương: Tử Văn tâu trình đầu đuôi dùng những lời lẽ cứng cỏi không chịu nhún nhường.
       c- Tử Văn là người giàu tinh thần dân tộc :Tử Văn đã đấu tranh đến cùng để diệt trừ hồn ma tướng giặc cho dân lành, làm sáng tỏ nỗi oan và phục hồi danh vị cho Thổ công nước Việt.
 3-Đánh giá: Trong cuộc xử kiện Tử Văn đã giành chiến thắng: Chiến thắng của Ngô Tử Văn-một kẻ sĩ nước Việt-là sự khẳng định chân lí: chính sẽ thắng tà và thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, quyết tâm đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lí và chính nghĩa.
 4-Nghệ thuật : 
             + Xây dựng cốt truyện giàu kịch tính, kết cấu chặt chẽ.
             + Dẫn dắt chuyện khéo léo nhiều chi tiết gây sự chú ý, hấp dẫn.
             + Cách kể chuyện và miêu tả sinh động, hấp dẫn.
             + Sử dụng yếu tố kì ảo, nhưng vẫn mang nét hiện thực.
* Phần nghị luân xã hội:
    -  Thế nào là tính trung thực?
    -  Những biểu hiện của tính trung thực?
    -  Tác dụng của tính trung thực?
    -  Phê phán những hành vi thiếu trung thực.
    -  Bài học nhận thức và hành động.
C. Kết bài: 
-Khẳng định lại nhân vật và tác phẩm
- Liên hệ bản thân. 
( Lưu ý: HS chỉ được điểm tối đa khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng ).


ĐỀ-ĐÁP ÁN KT HK2.NGỮ VĂN 11 (2015)

ĐỀ KIỂM TRA HK2

I/ PHẦN ĐỌC HIỂU ( 3 điểm )

Đọc khổ thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới :
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
1/ Chỉ ra nghĩa sự việc và nghĩa  tình thái trong câu thơ : Áo em trắng quá nhìn không ra.
2/ Nêu biện pháp nghệ thuật trong khổ thơ.
3/ Câu thơ : Ai biết tình ai có đậm đà ?có những cách hiểu nào ? Ý nghĩa ?

II/ PHẦN LÀM VĂN ( 7 diểm)

Anh (chị) hãy phân tích , cảm nhận  khổ thơ sau:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
( Từ ấy – Tố Hữu )
Ở khổ thơ trên, Tố Hữu đã  biểu hiện niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng . Anh (chị) hãy bàn về mục tiêu, lí tưởng sống của tuổi trẻ hiện nay ?



ĐÁP ÁN
KIỂM TRA MÔN NGỮ VĂN - LỚP 11- HỌC KÌ II

                      
I/ PHẦN ĐỌC HIỂU( 3 điểm )
Đọc khổ thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới : 
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?

1/ Chỉ ra nghĩa sự việc và nghĩa  tình thái trong câu thơ : Áo em trắng quá nhìn không ra 
- Nghĩa sự việc : Áo em trắng, nhìn không ra.
- Nghĩa  tình thái : đánh giá mức độ trắng cao (từ quá)
2/ Nêu biện pháp nghệ thuật trong khổ thơ :
- Điệp ngữ : Mơ khách đường xa.
- Câu hỏi tu từ : Ai biết tình ai có đậm đà ?
3/ Câu thơ : Ai biết tình ai có đậm đà ?
Hai cách hiểu :
- Ai có biết chăng tình cảm ( Hàn Mặc Tử ) vẫn đậm đà với con người và cảnh vật Vĩ Dạ.
- Ai mà biết được tình cảm của ai đó với ai có đậm đà hay không ?
Ý nghĩa : vừa khẳng định, vừa hoài nghi.

II/ PHẦN LÀM VĂN ( 7 diểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng.
- HS biết làm bài văn nghị luận văn học, nghị luận xã hội ( rút ra từ tác phẩm văn học)  bố cục rõ ràng, mạch lạc ( luận điểm, luận cứ rõ ràng ); ít mắc lỗi chính tả , dùng từ, đặt câu.
2. Yêu cầu về kiến thức.
HS có thể trình bày nhiều cách nhưng cần làm rõ các ý ; kiến thức có mở rộng .
a. Mở bài:
Giới thiêu kết hợp giữa NLVH và NLXH .
b. Thân bài: ( 6 đ)
* Phân tích và cảm nhận khổ thơ :Niềm vui lớn của Tố Hữu khi bắt gặp lí tưởng của Đảng.
- Hai câu đầu:
+ Từ “ từ ấy” là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cách mạng.
+ Học sinh phân tích các từ ngữ: bừng, chói; hình ảnh ẩn dụ: nắng hạ, mặt trời chân lí để làm nổi bật ánh sáng của lí tưởng đã mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm .
- Hai câu sau: cụ thể hóa ý nghĩa, tác động của ánh sáng lí tưởng bằng hình ảnh liên tưởng, so sánh: Hồn tôi là một vườn hoa lá – rất đậm hương và rộn tiếng chim; thể hiện vẻ đẹp và sức sống  mới của tâm hồn cũng như hồn thơ Tố Hữu.
- Tổng kết nghệ thuật của khổ thơ .
* Nghị luận xã hội .
- Đánh giá lí tưởng của Tố Hữu .
- Bàn về : mục tiêu, lí tưởng sống  của tuổi trẻ hiện nay .
+ Giải thích mục tiêu, lí tưởng sống là gì?
+ Vai trò của MT, LTS đối với con người, đặc biệt là tuổi trẻ ngày nay ( dẫn chứng) .
+ Phê phán một bộ phận của giới trẻ hiện nay sống lầm đường, lạc lối ( dẫn chứng) .
+ Bản thân nhận thức được việc xác định mục tiêu, lí tưởng sống của tuổi trẻ hiện nay là cần thiết nhưng phải gắn liền với thực tế, với thời đại; phải có nhiệt huyết của tuổi trẻ,…
c. Kết bài:
- Khẳng định giá trị đoạn thơ và ý nghĩa của lí tưởng .
- Có sự kết hợp giữa NLVH và NLXH .
* Lưu ý: Học sinh chỉ được điểm tối đa khi đáp ứng được tất cả các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng; bài viết có sự sáng tạo .


Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Tư liệu hay: "THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ - THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG" - HAY LÀ CÁI TỘT CÙNG CỦA SỰ TÙY TIỆN ?

"THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ - THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG" -
HAY LÀ CÁI TỘT CÙNG CỦA SỰ TÙY TIỆN ?

Báo "Văn Nghệ" số 47, ngày 20 -11-2004 có đăng bài của tác giả Văn Giá nhan đề : "Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về Thơ Mới", nhằm hết lời ca ngợi cuốn tiểu luận : " Ba đỉnh cao Thơ Mới" của Chu Văn Sơn ( NXB Giáo Dục, 2003). Có thể nói, những lời ca ngợi Chu Văn Sơn của Văn Giá nếu dùng cho Hoài Thanh e còn hơi quá, ví dụ : "...Công trình này tự nó đã có dáng dấp của một lý thuyết nghiên cứu riêng, mặc dù tác giả chưa có ý định lập thuyết. Một công trình nghiên cứu được gọi là hay không chỉ có được những kết quả hay mà còn thể hiện được phương pháp nghiên cứu hay, mới mẻ, thú vị. Công trình này có được những phẩm chất như vậy. Tác giả đã thực sự làm mới lại, trẻ lại những gương mặt thi sĩ cách chúng ta chừng 70 năm..."... " Người viết đã như gọi được hồn vía của mỗi nhà thơ hiện lên trang giấy..."... " Chu Văn Sơn đã có một ngôn ngữ phê bình riêng, hiểu theo cả nghĩa rộng như một cách thức tiếp cận riêng, và cả nghĩa hẹp, như một hệ thống từ vựng xác định, mang ấn tín , quyền uy của Chu Văn Sơn"... " Công trình này mang tính chuyên môn cao"... "Công trình này là một minh chứng thuyết phục cho tính chuyên nghiệp của nghiên cứu phê bình văn học..." ... " Với một tinh thần lao động như thế, chữ nghĩa của tác giả đã làm nên tư tưởng, làm nên dấu ấn riêng trên con đường định hình một phong cách nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn..."...

Chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát ba phần của cuốn : " Ba đỉnh cao Thơ Mới" của Chu Văn Sơn ( viết về Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử) xem những lời tụng ca hết cỡ trên của Văn Giá với tác giả này đúng hay sai, xem "tư tưởng", "phong cách", "ấn tín" và "quyền uy" của Chu Văn Sơn là những món gì... Phần đầu tiên, chúng tôi muốn bàn với hai ông Chu Văn Sơn và Văn Giá về linh hồn phần viết về Hàn Mặc Tử của Chu Văn Sơn từ trang 226 đến trang 245 trong cuốn sách đã dẫn với tiêu đề : " THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ - THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG".

Trước hết, chúng tôi muốn bàn về khái niệm : "THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ" do Chu Văn Sơn phát minh ra trên cơ sở nhận xét của Chế Lan Viên về "trường thơ Loạn Quy Nhơn" trong lời tựa cho tập "Điêu tàn" như sau : " Cái gì của nó cũng tột cùng !". Nghe nói Hàn Mặc Tử có ý định đặt tên cho tập thơ " Đau thương" là " Thơ điên", nhưng rồi thi hào bỏ ý định không chuẩn đó. Có lẽ vì điều này mà Chu Văn Sơn lầm tưởng rằng "Đau thương" là "Thơ điên" nên ông đã điên hoá toàn bộ thơ Hàn chăng? Đồng thời, Chu Văn Sơn còn ngây thơ tách câu văn " Cái gì của nó cũng tột cùng" của Chế Lan Viên ra khỏi văn cảnh, ngữ cảnh của nó là bài tựa của chính Chế Lan Viên cho tập "Điêu tàn", để lấy từ "CÁI TỘT CÙNG" này ra làm "mỹ học của cái tột cùng", "thi học của cái tột cùng". Chao ôi, "CÁI TỘT CÙNG SỐNG", tận cùng sống là gì nếu không phải là "CHẾT". Như vậy, theo công thức của Chu Văn Sơn : Thơ điên Hàn Mặc Tử = Thi học của cái tột cùng, theo phép tam đoạn luận, ta có đẳng thức TỘT CÙNG SỐNG = CHẾT = THƠ ĐIÊN... ư ? Có bao nhiêu sự vật (bao gồm sự vật vật chất và sự vật tinh thần), thì cũng có bấy nhiêu cái tột cùng, có thể kể ra VÔ TẬN CÁI TỘT CÙNG như tột cùng tốt, tột xùng xấu, tột cùng thiện, tột cùng ác, tột cùng chim, tột cùng khỉ, tột cùng tuỳ tiện, tột cùng lăng nhăng...Thành ra theo Chu Văn Sơn, ta có thể có hàng tỉ tỉ chủng loại THI HỌC ư ? Cho nên, khái niệm THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG = THƠ ĐIÊN ...là một khái niệm tuỳ tiện, lăng nhăng chẳng hề có cơ sở khoa học gì cả.

Xin hãy nghe Chu Văn Sơn lập thuyết, lập luận : "Chinh phục cái tột cùng, tất nhiên, cần phải có thơ ca của một hình thức tột cùng. Hình thức ấy liệu có thể là gì khác hơn Thơ điên ?". Như vậy, theo Chu Văn Sơn "Thơ điên" không hề là một nội dung, mà nó chỉ là MỘT HÌNH THỨC, tức là THƠ ĐIÊN = MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG. Ở trang 231, Chu Văn Sơn lại viết gần như ngược lại rằng thơ điên không còn thuần tuý là một hình thức như kết luận ban đầu của ông nữa, mà nó có nội dung đấy, như sau : " Và đây là cái gốc của Thơ điên . Đúng thế, nếu ĐAU THƯƠNG LÀ NỘI DUNG SÁNG TẠO, thì ĐIÊN LÀ HÌNH THỨC của sáng tạo ấy" ( Phần chữ in hoa trong bài đều do TMH nhấn mạnh). Qua kết luận này của Chu Văn Sơn, ta có một đẳng thức sau : THƠ ĐIÊN = NỘI DUNG ĐAU THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN. Kết hợp đẳng thức 1 với đẳng thức 2 trên đây, ta có một đẳng thức khá trọn vẹn của Chu Văn Sơn như sau : THƠ ĐIÊN = MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG = NỘI DUNG ĐAU THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN.

Đến mức này, "lý luận" của Chu Văn Sơn đang đẩy "hệ thống điên" của ông vào chốn tắc tị. Vậy, xin hỏi thế nào là MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG ? Chẳng lẽ, CÁI TỘT CÙNG mà Chu Văn Sơn nâng lên thành "Thi học", thành " Nguyên tắc mĩ học đặc thù của Thơ điên" ( trang 227) lại chỉ là một hình thức mà không có nội dung ư ? Hoá ra, theo Chu Văn Sơn, lại có một thứ "THI HỌC", một thứ "MĨ HỌC" chỉ thuần có hình thức mà không có nội dung ư ? Nhưng rồi, sao MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG lại chính là HÌNH THỨC ĐIÊN; hoá ra, rút gọn lại, ta thấy Chu Văn Sơn lại đồng nghĩa CÁI TỘT CÙNG chính là ĐIÊN. Nhưng quả tình luẩn quẩn, lung tung beng, làm sao trong MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG lại chứa nổi cái NỘI DUNG ĐAU THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN đây ? Ôi chao, thuật ngữ kinh dị của Chu Văn Sơn phát minh ra mới lẩm cẩm làm sao : HÌNH THỨC ĐIÊN ? Thế nào là "hình thức điên", rồi "một hình thức tột cùng" thì xin ông Chu Văn Sơn lý giải cho rõ, kẻo chúng tôi người trần mắt thịt không có cách gì nhận thức nổi !

Bây giờ, xin quý độc giả hãy nghe Chu Văn Sơn giải thích từ ĐIÊN ở trang 227 : " Cái tên có phần giật gân của Thơ điên, ngay từ đầu đã có sức mê hoặc giới nghiên cứu. Người ta nghĩ ngay đến việc nhận diện bản chất của ĐIÊN và bản chất Thơ điên. Không ít người đã yên trí với cách nghĩ giản đơn : điên chỉ là một trạng thái bệnh lý, đồng nghĩa với chứng loạn thần kinh, mà không thấy rằng còn có ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG TẠO".

Chao ôi, ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG TẠO là một định đề hết sức phi khoa học của Chu Văn Sơn. Không một trạng thái sáng tạo nào có thể được gọi là sáng tạo nếu nó được sáng tạo trong cơn điên. Bới vì mọi sự sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật đều ra đời trong sự kết hợp giữa cảm xúc và lý trí. ĐIÊN dù trong trường hợp nào, trạng thái nào cũng đều là sự loạn trí, mất hết lý trí, mất hết nhận thức. Không còn nhận thức, không còn lý trí, không còn bộ óc thì làm sao người nghệ sĩ có thể sáng tạo? CÁI ĐẸP của sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng là một cái đẹp của khát vọng CHÂN THIỆN MỸ trong thế giới con người. Khi một kẻ nào đó, một trạng thái nào đó bị coi là điên, tức là mất khả năng nhận thức, mất khả năng NHẬN CHÂN; thiếu cái CHÂN, nghệ thuật cũng đồng thời không đạt tới cái THIỆN. Trong trạng thái ĐIÊN nơi kết luận của Chu Văn Sơn, nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng đã khước từ khả năng CHÂN THIỆN thì làm sao nó có thể đạt được tới cái MỸ là CÁI ĐẸP đích thực thi ca ?

Trong khi định nghĩa : " ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG TẠO" Chu Văn Sơn đã cố tình lờ đi ngữ nghĩa của từ ĐIÊN. Xin xem định nghĩa của ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Bộ GD&ĐT do NXB Văn hoá Thông tin in năm 1999, trang 633 như sau : " ĐIÊN : Ở tình trạng rối loạn thần kinh, không tự chủ được bản thân, phát khùng, rồ dại...". Bảo Thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên, thơ khùng, thơ rồ dại, thơ mất trí là một sự vu khống trắng trợn, phủ nhận sạch trơn thiên tài thi ca Hàn Mặc Tử của Chu Văn Sơn vậy.

Người đọc thơ, hơn nữa là một người nghiên cứu văn học chuyên nghiệp như Chu Văn Sơn, sao lại không biết một nguyên tắc đơn giản là muốn kết luận một điều gì cần phải căn cứ trên văn bản, chứ không căn cứ những lời đồn thổi hay tuyên bố ngoài văn bản dù là của ngay chính tác giả. Trong một số tuyên bố của Hàn Mặc Tử hay Chế Lan Viên thời "trường thơ Loạn Quy Nhơn", có thể các thi sĩ này nghiêng về phần "mê", phần "vô thức", phần "loạn", hoặc toan đặt tên tập thơ mình là "Thơ diên"... cho hợp với phong trào giả điên của thời thế đang tiếp thu cái phần cực đoan của "tượng trưng", "đa đa", "dã thú", "siêu thực"... Nên nhớ rằng những người điên thực sự không bao giờ nhận mình điên. Chỉ những người tỉnh táo mới thậm xưng nói mình điên, như một sự làm dáng nghệ thuật, hoặc chứng tỏ ta đây đã thoát khỏi trường thơ truyền thống...

Thơ Hàn Mặc Tử phần lớn vẫn là sự tiếp thu nghệ thuật trữ tình truyền thống ông cha xưa kết hợp với chất lãng mạn và một chút tượng trưng. Ngay cả những bài thơ mang tựa đề rất điên như "Anh điên" dưới đây của Hàn Mặc Tử cũng vẫn dựa trên thể ngũ ngôn truyền thống với một hiện thực trữ tình, chẳng hề là một thứ "Thơ điên-Thơ khùng" mất hết lý trí như Chu Văn Sơn vu khống : " Anh nằm ngoài sự thực / Em ngồi trong chiêm bao / Cách nhau xa biết mấy / Nhớ thương quá thì sao ? / Anh nuốt phút từng chữ / Anh cắn vỡ lời thơ / Anh cắn cắn cắn / Hơi thở đứt làm tư !". Xin dẫn thêm một bài thơ khác được Hàn Mặc Tử đặt tên là "Em điên" thì vẫn cứ là thứ thơ truyền thống kết hợp tí chút lãng mạn, một vẻ đẹp nền nã, mê đắm kiểu "Gái quê", chẳng hề có sự mất trí, sự rồ dại khùng điên nào như Chu Văn Sơn vu vạ : " Em xé toang hơi gió / Em bóp nát tơ trăng / Em túm muôn trời lại / Em cắn vỡ hương ngàn / Em cười thì sao rụng / Em khóc thì đá bay / Em nhớ chàng quá trí / Mà chàng vẫn không hay !"...

Chính vì sự đọc không kỹ, chưa biết cách đọc thơ Hàn hay vì một nguyên nhân nào đó mà việc Chu Văn Sơn xoá sổ Hàn Mặc Tử bằng cách vu cáo thơ ông là Thơ điên, thơ khùng, thơ mất trí, thơ rồ dại lại được Văn Gía ca ngợi hết lời trên báo Văn Nghệ là một việc không sao hiểu nổi. Chỉ trong phần viết về Hàn Mặc Tử, Chu Văn Sơn tung ra bao nhiêu điều tuỳ tiện, lăng nhăng núp dưới bóng khoa học. Chẳng hạn như việc Chu Văn Sơn tách

Thơ Hàn Mặc Tử ra khỏi lãnh địa THƠ TRỮ TÌNH vì nó là THƠ ĐIÊN như sau : "Trong thơ trữ tình, việc chủ thể phân thân, hoá thân vào các đối tượng hết sức khác nhau để cất lên những tiếng nói trữ tình phong phú khác lạ không còn là điều xa lạ nữa. Ở Thơ điên, tình hình có khác hơn...". Hoá ra, theo Chu Văn Sơn, vì Thơ Hàn Mặc Tử là Thơ Điên nên nó không phải là thơ trữ tình ?

Ở phần đầu, Chu Văn Sơn cho rằng Thơ Điên từ trong Thơ Mới (1932-1945) mà ra nhưng rất khác Thơ Mới. Nhưng đến đoạn cuối, ông quên mình đã nói điều này, để đến nỗi viết ngược lại rằng THƠ ĐIÊN và THƠ MỚI là hai loại khác nhau : "Nếu Thơ Mới là hành trình đi mãi vào địa hạt cái tôi, thì Thơ Điên mang cái tham vọng muốn tới chỗ sơn cùng thuỷ tận của cái tôi đó. Nếu Thơ Mới là nỗi cô đơn của con người, thì Thơ Điên là trạng thái chót cùng hoàn toàn quá tải của cô đơn...". Hoá ra Thơ điên Hàn Mặc Tử không nằm trong lãnh địa của Thơ Mới ư ?

Chu Văn Sơn còn đưa cái thứ thơ mất lý trí, thơ rồ dại, phi nhân ( vì con người không còn trí não thì không còn là người hoàn chỉnh nữa) do ông "phát minh" ra rồi gán cho Hàn Mặc Tử, đặng ca ngợi hết lời cái thuật ngữ "thơ điên" là đã vượt lên trên cả siêu thực, tượng trưng, hiện đại như sau : " Xem ra, Siêu thực, Tượng trưng, Hiện đại... đều là những cái ô chật chội đối với thể hình ngoại chuẩn của Thơ điên". Để kết luận, Chu Văn Sơn khái quát rất tuỳ tiện như sau : " THƠ ĐIÊN - chỉ có thể là chính nó- Tiếng thơ của những cái tột cùng". Với định nghĩa về Thơ Điên thoáng tới mức vô bờ bến như thế này, ta có thể theo Chu Văn Sơn mà kết luận Thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... thảy đều là THƠ ĐIÊN CẢ. Vì sao vậy ? Vì thơ của các thi sĩ kia đều là THƠ CỦA CÁI TỘT CÙNG. Này nhé : Xuân Diệu là tột cùng yêu, Nguyễn Bính là tột cùng nông thôn, Chế Lan Viên là tột cùng ma, Lưu Trọng Lư là tột cùng ngơ ngác, Huy Cận là tột cùng vũ trụ... Ngay cả với định nghĩa THƠ ĐIÊN LÀ TIẾNG THƠ CỦA CÁI TỘT CÙNG của Chu Văn Sơn thì những đại thi hào dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng sẽ bị Chu Văn Sơn xếp vào rọ THƠ ĐIÊN mất thôi; vì Thơ Nguyễn Trãi là thơ của tột cùng buồn đau, thơ Nguyễn Du là thơ của cái tột cùng hay, tột cùng kêu thương, thơ Hồ Xuân Hương là cái tột cùng bản ngã, tột cùng cái tôi...

Và học theo phương pháp luận về "mỹ học của cái tột cùng", "thi học của cái tột cùng là thơ điên", một thứ thơ dùng "hình thức điên" mà diễn đạt các khái niệm u u ơ ơ nơi bài viết trên của Chu Văn Sơn và bài ca ngợi của Văn Gía, cho phép chúng tôi được bắt chước hai ông mà thưa lời cuối rằng : những điều các ông "phát minh" ra trên đây quả thực là CÁI TỘT CÙNG TUỲ TIỆN vậy .,.

28-11-2004
(source : "Thế Giới Mới số 614, ngày 4-12-2004)

Tư liệu hay: VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA VÀ NAY TRONG VĂN HỌC

LÊ XUÂN

VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA VÀ NAY
TRONG VĂN HỌC

        Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam in đậm dấu ấn trong thơ ca, nhạc, họa, điêu khắc… và mãi bất tử với thời gian. Họ đã góp phần làm nên vẻ đẹp của văn hoá dân tộc.

       Phụ nữ Việt Nam (PNVN) từ xưa tới nay vốn mang vẻ đẹp thầm lặng thoang thoảng như hương quế giữa rừng xa:
                                          Em như cây quế giữa rừng
                                Ngát thơm ai biết, lẫy lừng ai hay.

Đó là vẻ đẹp chân quê, giản dị và đáng yêu. Ở họ không phải lúc nào cũng là liễu yếu đào tơ, là cái bóng của người đàn ông mà luôn tiềm ẩn một sức mạnh chẳng kém gì nam giới. Họ là một nửa của cuộc sống nhân loại. Nhà văn M. Gôrky (người Nga) đã nói: Không có mặt trời thì hoa không nở/ Không có mẹ hiền, anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?.

      Từ xưa, phụ nữ ta đã có truyền thống chống ngoại xâm: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Trong cuộc dựng nước và giữ nước đã có nhiều phụ nữ nổi tiếng như: Bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan… đã làm cho quân giặc nhiều phen bạt vía kinh hồn. Hai Bà Trưng đã từng:
                                      Hồng quần nhẹ bước chinh yên
                               Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thùy.
     Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu hy sinh anh dũng của các chị: Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Chiên, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng, Võ Thị Thắng, chị Út Tịch, mẹ Tơm, mẹ Suốt, bà Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa v.v. Quyết tâm đánh giặc đến cùng của các mẹ, các chị là Còn cái lai quần cũng đánh (Người mẹ cầm súng – Nguyến Thi)

        Trên lĩnh vực Văn học Nghệ thuật, Giáo dục, Khoa học… nhiều phụ nữ là những nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ  nhạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ  tài năng như: Diệu Nhân (người Phú Thọ)- một thiền sư, nữ sĩ thời Lý; Nguyễn Thị Duệ (người Chí Linh- Hải Dương, bà Huyện Thanh Quan (tức Nguyễn Thị Hinh), người Hà Nội- một nhà thơ tài hoa ở thế kỷ thứ XIX; bà Bảng Nhãn (tức Lê Thị Liễu)- nữ sĩ nổi tiếng ở đất Quảng Nam; và các nhà thơ như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… cho tới Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Cầm, Sương Nguyệt Ánh, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Thuý Bắc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dương Thị Xuân Qúy v.v.

       Trên bất kỳ lĩnh vực nào, ở giai đoạn lịch sử nào ta cũng đều bắt gặp tên tuổi của những phụ nữ nổi tiếng, làm vẻ vang dân tộc. Cả thế giới đều tôn vinh phụ nữ. Chúng ta hãy nhìn lại những quan niệm về vẻ đẹp của người PNVN xưa và nay. Vẻ đẹp ấy biểu hiện qua hình thể, lý tưởng và lẽ sống, trí tuệ và tâm hồn. Hay nói một cách khác đó là vẻ đẹp về hài hoà giữa hình thức và nội dung

        Trước CMT8 phần lớn PNVN nhuộm răng đen, búi tóc đuôi gà, mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao… Ca dao-dân ca, thơ văn, nhạc hoạ đã ghi lại:
                                           Một yêu tóc bỏ đuôi gà
                                    Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên
                                            Ba yêu má lúm đồng tiền
                                    Bốn yêu răng nhuộm hạt huyền thêm xinh
                                           Năm yêu con mắt hữu tình…
Hay như những câu:
          “Những người con mắt lá dăm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”
          “Ai làm cái nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.
          “Ngó lên đầu tóc em bao/ Chéo khăn em bịt dạ nào chẳng xiêu”.
          “Cô kia bới tóc đuôi gà/ Nắm đuôi cô lại hỏi nhà cô đâu?”
          “Bước lên xe đầu đội khăn rằn/ Dáng đi yểu điệu, ngồi gần say mê”
          “Răng đen ai nhuộm cho mình/ Để duyên mình đẹp, để tình mình ưa”
          “Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”.v.v…

Hoặc trong thơ Nguyễn Bính:
                                              Nào đâu cái yếm lụa sồi
                                       Cái dây lưng đủi nhuộm hồi sang xuân
                                             Nào đâu cái áo tứ thân
                                      Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?  (Chân quê).

      Một thời cha ông ta lại quan niệm người phụ nữ có khuôn mặt chữ điền mới đẹp Mặt chữ điền lắm tiền nhiều ruộng. Đó là vẻ đẹp phúc hậu, đã từng đi vào thơ Hàn Mặc Tử: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Đây thôn Vĩ Dạ). Đến thời hiện đại vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ thật lắm màu nhiều sắc. Cái áo tứ thân của mẹ ta xưa đã được cách điệu thành áo dài với nhiều kiểu dáng. Tà áo em bay bay, bay bay trong nắng dịu dàng/ Aó bay trên đường như mây xuống phố/ Áo trên sân trường tựa cánh chim câu. Đẹp biết bao quê hương cho em chiếc áo nhiệm màu! (Một thoáng quê hương - Từ Huy và Thanh Tùng).

      Nhà thơ Nguyễn Duy đã đã nhớ lại một thời áo trắng sân trường:
                                             Thướt tha áo trắng nói cười
                                      Để ta thương nhớ một thời áo nâu  (Áo trắng má hồng).
Nhà thơ Lê Đình Cánh thì:
                                            Ở đâu tôi cũng phải lòng
                                   Những cô thôn nữ nâu sồng áo quê   (Cảnh nghèo)
 Còn nhà thơ Phạm Đình Ân lại bị hút hồn bởi chiếc áo nâu của cô gái:
                                          Anh yêu áo trắng, áo hồng
                                     Lại càng yêu đến vô cùng: áo nâu!   (Áo nâu)
 Hoặc anh cảm nhận được vẻ đẹp nền nã của chiếc áo đen mà em đã mặc trong cái thuở ban đầu:
                                           Aó đen ai mặc tình cờ
                                   Để cho ai nhớ bây giờ ai quên?
                                     … Thanh tao nào phải kén màu
                                   Sắc đen ngậm ánh sáng vào bên trong…  (Áo  đen).

Nhà thơ Bùi Văn Bồng trong một buổi chiều tà bên bờ sông Hậu khi nhìn thấy cô gái Nam Bộ mặc áo bà ba, chèo xuồng ba lá đã quên cả lối về, vì đã quá đam mê trước vẻ đẹp của tà áo diệu kỳ này:
                                    … Dòng sông thì rộng mênh mông
                                   Aó em lại thắt eo hông làm gì
                                         Khen ai khéo chít đường ly
                                  Để cho tà áo thầm thì lời quê.
                                                                          (Aó bà ba)

Vẻ đẹp của chiếc áo bà ba ấy cũng đã hơn một lần được nhạc sĩ Nhật Trường- Trần Thiện Thanh ngợi ca: Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/ Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon.
    Nhưng có lẽ vẻ đẹp lâu bền nhất của người con gái và có sức quyến rũ lạ kỳ là cái duyên ngầm. Chẳng thế mà khi chồng giận, cô gái đã khéo nhỏ nhẹ:
                                            Chồng giận thì vợ làm lành
                                    Miệng cười tủm tỉm: rằng anh giận gì?

chứ không như cô gái khác quá vội vàng và dứt khoát để chia tay:
                                          Đất xấu vắt chẳng nên nồi
                                    Anh đi lấy vợ để tôi lấy chồng.
Hoặc có cô thẳng thừng tuyên bố:
                                            Chồng gì anh, vợ gì tôi
                                     Chẳng qua là cái nợ đời cầm tay.

Hạnh phúc của vợ chồng, của gia đình đôi khi chỉ vì một sự tự ái, một chút nghi ngờ thiếu cảm thông là có thể đổ vỡ. Nhưng đa số PNVN rất giàu lòng vị tha và có đức hy sinh. Có người đã tự hạ mình xuống tận cùng để giữ gìn hạnh phúc:
                                            Chàng ơi phụ thiếp làm chi
                                     Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Hoặc có khi hạnh phúc đã tan vỡ,  người vợ đã chia tay anh chồng phụ bạc rồi nhưng vẫn còn khuyên và lo cho anh:
                                            Anh về lấy vợ bên sông
                                    Còn tôi tơ tưởng lấy con ông lái đò
                                           Phòng khi sóng cả, gió to
                                     Để tôi còn kịp chở đò đưa anh.

Anh đã có vợ khác, tôi đã có chồng, nhưng tôi vẫn độ lượng cứu giúp anh những lúc thất cơ lỡ vận,  khi anh gặp phải cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Thế mới biết tấm lòng vị tha của PNVN đẹp biết chừng nào!

    Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đã làm một cuộc đổi đời cho dân tộc. Những cô yếm thắm răng đen, sột soạt quần nâu, mặc áo tứ thân đã cầm súng, cầm cuốc đi phá đường, cản bước tiến của thực dân Pháp, gác lại mọi chuyện gia đình:

                                         Nhà em phơi lúa chưa khô
                                  Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
                                       Nhà em con bế con bồng
                                 Em cũng theo chồng đi phá đường quan.  (Tố Hữu)

Họ là những phụ nữ ba đảm đang, ba sẵn sàng việc nước, việc nhà để chồng con yên tâm đánh giặc. Đã có biết bao bà mẹ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im (Tạ Hữu Yên). Có mẹ ở Hà Bắc đã vá hơn hai trăm chiếc áo cho bộ đội, chiến sĩ: …Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo/ Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/ Đời mẹ nghèo thương áo rách/ Áo rách nên thương/ (Nguyễn Văn Tý). Người mẹ trong bài thơ Đất quê ta mênh mông của Dương Hương Ly đã Ðào hầm từ lúc tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm ròng tiếng cuốc vọng năm canh. Tấm lòng mẹ rộng mênh mông như luỹ như thành, có thể dấu cả sư đoàn dưới đất. Chính những việc làm tưởng như nhỏ nhoi của các mẹ, các chị đã góp phần làm nên một Dáng đứng Việt Nam, một sức mạnh Việt Nam tạc vào thế kỷ. Những bà má ở Hậu Giang, bà Bầm ở Trung du, bà Bủ ở Việt Bắc, mẹ Tơm ở Thanh Hoá, mẹ Suốt ở Quảng Bình, chị Út Tịch ở Cầu Kè, Trà Vinh… và biết bao các mẹ, các chị đã đi vào thơ ca, nhạc, hoạ. Chị Út Tịch với quyết tâm đánh Mỹ đến cùng Còn cái lai quần cũng đánh. Những cô gái người Pa cô, Vân Kiều đi tải đạn, và tay vót chông miệng hát không nghỉ. Những cô gái Châu Yên ở Tây Bắc với bàn tay vén khéo Đụng vào khung cửi vải thành hoa/ Vung nắm tấm hoá ra đàn gà, thế mà các cô đã dùng súng trường hạ thần sấm, con ma của không lực Huê kỳ. Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), tuổi đẹp như trăng rằm từ 18 đến 20 đã ngã xuống để làm xanh một khoảng trời con gái (Lâm Thị Mỹ Dạ). Nhiều cô gái Em ở nông trường hay ra biên giới miệng vẫn hát vang lời ca Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao! Những cô giáo ở Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hay ở vùng sâu, vùng xa hy sinh cả tuổi xuân để đem chữ Cụ Hồ tới đàn em thơ ở các bản làng dân tộc xa xôi, hẻo lánh. Cô giáo người Tày Tô Thị Rĩnh đã dùng tiếng đàn để thu hút các em học sinh người Hmông tới lớp, lấy đồng lương ít ỏi của mình để mua tập vở cho các em. Ta hãy nghe lời tự hát, tự ru lòng mình đến rơi nước mắt của các cô giáo ở một bản làng heo hút vùng cao:

                                            Ở rừng tự hát ru nhau
                                     Lá trầu chị héo, quả cau em già
                                           Ước ao có một gian nhà
                                     Có trưa đưa võng đón bà lên chơi…   (Em đi - Lê Đình Cánh).

Những người PNVN đẹp trong lao động, đẹp trong chiến đấu, và trong đời thường họ càng đẹp hơn. Người vợ đã nén nỗi đau, tiễn chồng ra trận và hứa với anh: Lúa tốt lắm anh ơi/ Giải thi đua em giật (Trần Hữu Thung), vẫn luôn xoè bàn tay bấm đốt , nhìn hoa bưởi, hoa chanh mà mong ngày anh về. Chị không mang nỗi buồn bi luỵ như người chinh phụ xưa trong buổi tiễn đưa:
                                  Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
                                  Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
                                        Ngàn dâu xanh ngắt một màu
                                 Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?      (Chinh phụ ngâm)

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã cảm nhận được vẻ đẹp kín đáo của một cô gái nông thôn gói bông bưởi vào chiếc khăn tay tặng người yêu ngày mai ra trận: Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…/Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi. Nhiều cuộc chia tay đẹp như cánh nhạn lai bồng dưới một trời phượng đỏ.

        Những người mẹ, người vợ ở hậu phương luôn làm yên lòng người đi chiến đấu. Nàng dâu và mẹ chồng càng thương nhau hơn: Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong… (Xuân Quỳnh). Người mẹ nào mà chẳng thấy mát lòng hả dạ khi nghe những lời tâm tình của nàng dâu như thế!  Người phụ nữ hôm nay không còn là những cô gái xưa trong thơ Nguyễn Bính: Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già. Họ cũng không hoá đá như nàng Tô Thị xưa. Họ là một nửa của vẻ đẹp cuộc sống, và chiếm hơn 50% dân số nhân loại.

      Vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn của người PNVN ngày nay đã được nâng lên một bước phù hợp với thời đại trong xu thế hội nhập toàn cầu, nhưng vẫn giữ được tính dân tộc đậm đà. Họ vẫn phát huy vẻ đẹp của một thời anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và còn mang vẻ đẹp về trí tuệ. Nhiều chị em là những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ … ngang hàng hoặc vượt nam giới. Những hoa hậu, á hậu, hoa khôi, người đẹp thời trang hôm nay là những sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, biết hát hay, múa giỏi, trả lời ứng xử tinh thông. Họ không còn là những người đẹp trong cung cấm xưa để điểm tô cho ngai vàng phong kiến. Họ đang viết tiếp trang sử oanh liệt của Bà Triệu, Bà Trưng dưới thời đại mới, và họ có mặt khắp nơi trên mọi nẻo đường của Tổ quốc.


        Vẻ đẹp của người PNVN in dấu ấn đậm trong thơ ca, nhạc, họa, điêu khắc… và mãi bất tử với thời gian. Họ đã góp phần làm nên vẻ đẹp của văn hoá dân tộc.  Chúng ta hãy cùng chia sớt nỗi đau của các mẹ, các chị trong quá khứ, và cùng vui, cùng tự hào với những gì mà các mẹ, các chị đã góp phần làm nên vẻ đẹp của phụ nữ trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

Tư liệu hay: Thi pháp “gói rào” trong Chiếc thuyền ngoài xa

CHU VĂN SƠN 
Nguyễn Minh Châu và thi pháp “gói rào” trong Chiếc thuyền ngoài xa

      Tổ  chức sao cho văn bản đạt đến độ súc tích nhất vốn là đòi hỏi muôn thuở của nghệ thuật ngôn từ. Trong những tình thế xã hội nào  đó, đòi hỏi này còn khắt khe hơn, có khi là chuyện sống còn. Khi ấy, văn bản không chỉ là một tiếng nói nghệ thuật cô đúc, mà còn là một ẩn ngữ. Nó trông chờ ở người đọc không phải một tấc lòng tri âm thông thường. Trong thiên tiểu luận nổi tiếng Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa, Nguyễn Minh Châu từng có những tâm sự cay đắng về viết văn ở ta, rằng nhà văn “vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ1. “Gói trong bao lần lá, rào sau bao tầng chữ”, cái điều cực chẳng đã ấy, oái oăm thay đã trở thành một nét thi pháp khá phổ biến của chính ông và không chỉ riêng ông. Tạm gọi là thi pháp “gói rào”. Đó là cách tổ chức văn bản theo lối phù phép: lấy thực làm hư, lấy hư làm thực; phụ làm chính, chính làm phụ; chìm làm nổi, nổi làm chìm…sao cho tư tưởng ẩn kín, kẻ cạn lòng khó nhận ra, kẻ hẹp lòng khó bắt bẻ.

Cũng có thể gọi đó là hư chiêu2. Có lẽ khi gói rào, Nguyễn Minh Châu chỉ cầu kĩ, cầu kín để tư tưởng có thể qua được những săm soi thôi. Hẳn ông không mong gói rào trở thành chiêu pháp gì. Ấy thế mà nó đã thành một chiêu đặc sắc, khiến tác phẩm của ông có được sự súc tích của những ẩn ngữ hấp dẫn. Viết trước thời đổi mới, nếu không rành chiêu này, Nguyễn Minh Châu đã không thể có được những tác phẩm độc đáo như Bức tranh, Bến quê, Khách ở quê ra, Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Chợ tết,… đặc biệt là Chiếc thuyền ngoài xa. Đến lượt người đọc, nếu không biết gỡ rào, mở gói thì khó nhận thấy tư tưởng thực được tác giả giấu kín.

      1. Gói rào tình huống và triết luận vô ngôn

      Mỗi thể loại nghệ thuật là một ngôn ngữ. Dấn thân vào một thể loại thực chất là nỗ  lực không ngừng để làm chủ thứ ngôn ngữ  ấy. Kẻ viết thường phải qua những trải nghiệm sáng tạo lâu dài, thậm chí sinh tử, mới có thể nói được tiếng nói của nó. Muốn gói rào, càng phải lão luyện tiếng nói này. Còn người đọc, chừng nào nghe được tiếng nói riêng đó, chừng ấy mới có thể xem là đã đọc được nó. Truyện ngắn cũng thế thôi. Truyện ngắn vẫn nói bằng một ngôn ngữ riêng. Thế nhưng, người ta thường đọc truyện ngắn như là truyện thì nhiều, còn đọc truyện ngắn như là truyện ngắn thì chưa nhiều. Ví như, vào một truyện ngắn, mới chỉ dừng lại ở nhân vật, tình tiết, chi tiết, ngôn ngữ… mà chưa nắm bắt được tình huống truyện, thì xem như chưa nghe được tiếng nói thực sự của nó. Vì tình huống mới chính là hạt nhân của một chỉnh thể truyện ngắn3.

      Nhưng chỉ ra tình huống là điều đâu có dễ. Trong những tác phẩm gói rào lại càng không dễ. Chả thế mà xung quanh Chiếc thuyền ngoài xa, vẫn có hai cách nhìn nhận khác hẳn nhau: 1) cho là tình huống nghịch lí4; 2) xem là tình huống nhận thức5. Vậy tình huống của Chiếc thuyền ngoài xa là nghịch lí hay nhận thức ?


      Tôi cho rằng nó gồm cả hai. Tuy nhiên, chúng không đồng đẳng. Có thể nói đây là dạng tình huống “hai trong một”. Chẳng phải thế sao? Đọc truyện này, có lẽ ai cũng bị hút vào câu chuyện gia đình hàng chài và xem nó là hạt nhân duy nhất rồi, những tình tiết khác chỉ là râu ria. Theo đó, tình huống truyện được xác định là một tình thế, cụ thể là tình thế nghịch lí. Một người vợ tốt mà luôn bị chồng hành hạ; luôn bị hành hạ dã man mà luôn từ chối mọi can ngăn; cả đời bị bạo hành mà một mực gắn bó với kẻ bạo hành; thà bị bỏ tù chứ nhất quyết không bỏ kẻ hành hạ mình; chồng đánh vợ, con đánh bố; bị chồng đánh đập đau đớn thì nín thinh, nhìn con đánh bố vì che chở mình lại van xin khóc lóc… Một cuộc sống như thế còn gì nghịch lí hơn? Nhưng, đó đã là tất cả chưa? Chưa. Lùi xa một chút sẽ thấy chuyện gia đình này lại nằm lọt thỏm trong một cái khung rộng hơn: chuyến đi thực tế tới làng chài miền duyên hải của nghệ sĩ Phùng. Đây mới là sự kiện trùm lên cả thiên truyện. Bình thường, việc kể bắt đầu bằng một chuyến công tác chỉ là phần dựng, tạo không khí, nghĩa là một phần rất phụ nhằm dẫn vào phần chính6. Nhưng đây không thế. Phần tưởng phụ, hóa ra không hề phụ. Bởi trong chuyến đi theo lệnh vị trưởng phòng này, đã diễn ra trong Phùng một cuộc đối chứng âm thầm giữa thực tế khách quan với ý tưởng chủ quan của chính vị thủ trưởng ấy. Một chuyến đi đã phá vỡ hoàn toàn nhận thức lâu nay của Phùng, đảo lộn những gì đã thành lề thói cố hữu trong lối làm nghệ thuật của anh và cơ quan.

Trong vai người kể chuyện, Phùng không chỉ muốn kể về một gia đình hàng chài, mà còn muốn trình bày những vỡ lẽ của một nghệ sĩ khi giáp mặt với cái thực tế tệ hại ấy. Bởi thế, kiểu tình huống bao trùm toàn truyện lại là một sự kiện nghiêng về nhận thức. Còn cái tình thế nghịch lí của gia đình hàng chài kia chỉ là một tình huống nhỏ lồng vào tình huống lớn. Và cảnh đời nghịch lí đó chính là nút thắt của cả hai sự nhận thức ở Phùng: 1) nhận thức hẹp về thực trạng cuộc sống; 2) và nhận thức rộng về sự trái ngược giữa thực trạng cuộc sống với ý đồ nghệ thuật của trưởng phòng.

      Như  vậy, có thể tạm gọi tình huống lớn là “tình huống nguyên phát”, còn tình huống nhỏ là “tình huống thứ phát”. Ở đây, thứ phát xuất hiện sau mà lại hiện hình trước, trong khi nguyên phát xuất hiện trước nhưng chỉ hiện hình đầy đủ sau khi toàn truyện đã hoàn tất. Kẻ cạn lòng, theo thói quen, thường bị hút hoàn toàn vào tình tiết trung tâm (cuộc sống gia đình hàng chài - thứ phát), dễ quên đi tình tiết dẫn chuyện (chuyến công tác của Phùng theo lệnh trưởng phòng – nguyên phát), bởi xem nó chỉ như phần dựng truyện thôi. Nhưng, đâu chính? đâu phụ? Làm sao nói chắc. Chiêu gói rào này khác nào một trò ẩn nấp, ú tim? Nếu mỗi tình huống là một tiếng nói, thì ở đây ta cần nghe thấy cả hai tiếng nói, chúng vừa song hành vừa hòa giọng với nhau.

      Muốn nghe đúng tiếng nói của tình huống, không thể không đặt nó trong tương quan với toàn truyện. Theo tính thống nhất của một chỉnh thể, tình huống, nhân vật và ngôn ngữ trong một truyện ngắn phải ăn nhập với nhau để định dạng cho tác phẩm. Thường thường, một truyện ngắn có tình huống nhận thức làm hạt nhân, thì theo lẽ tự nhiên, nó hay hướng tới một kiểu nhân vật tương ứng là kiểu con người tư tưởng, và tìm tới một ngôn ngữ tương thích là ngôn ngữ nghiêng về triết lí. Đủ cả ba yếu tố này, thì nó có diện mạo chung là truyện ngắn triết luận. Dạng này khéo viết thì mỗi tác phẩm như một thiên triết luận sống động bằng tự sự, còn viết vụng thì thành truyện ngắn luận đề. Không ít truyện của Nguyễn Minh Châu đã sa vào luận đề. Chính ông đã tự thấy nhược điểm đó7. Thuộc kiểu truyện ngắn triết luận, Chiếc thuyền ngoài xa đã vượt thoát tính luận đề lộ liễu cũng như lối triết luận quen dùng để trở thành một tuyệt phẩm. Bằng cách nào vậy? Cách gói rào: triết luận mà như không, như không mà triết luận. Tinh thần triết luận ẩn chứ không phô. Hư chiêu là thế. Cả nhân vật và tác giả không cần ra mặt thuyết lý rông dài bằng lời trực tiếp. Đúng như cách ông tâm đắc là khi đã tạo được một tình huống, một cái cốt “có sức chứa gọn chủ đề thì ngòi bút truyện ngắn cũng không cần phải chạy rông nữa, và cũng có thể bớt đi những đoạn biện luận triết lý lòng thòng8. Tiếng nói triết luận của Chiếc thuyền ngoài xa trước hết được ẩn kín trong một cốt truyện với một kiểu tình huống như thế.

      Các khía cạnh triết luận được cài trong từng chặng của mạch truyện, gắn với những vỡ lẽ của Phùng. Khía cạnh đầu tiên thật dễ dàng nhận thấy. Bởi nó đã bật ngay lên qua hai cảnh đối lập mà Phùng liên tiếp chạm mặt khi tới làng chài. Cảnh chiếc thuyền ngoài xa tươi sáng, thơ mộng, êm đềm. Và cảnh bạo hành tồi tệ, dã man, nhức nhối của chính cái gia đình sống trên chiếc thuyền đó. Một nhìn bề ngoài, từ xa. Một nhìn vào trong, sát gần. Đối mặt với nghịch cảnh ấy, điều đang vỡ ra trong nhận thức của người nghệ sĩ này là gì, nếu không phải cái đẹp bề ngoài thường che lấp cái xấu bên trong? Đến với cuộc sống mà chỉ đứng ngoài, đứng từ xa, anh sẽ chỉ thấy được cái bề ngoài. Nghệ thuật chỉ bằng lòng với việc “chụp ảnh” cái bề ngoài là thứ nghệ thuật giả dối. Cái đẹp giả dối là cái đẹp phi đạo đức. Người nghệ sĩ chỉ đứng từ xa để vồ chụp hiện thực là người không bao giờ đến được, thấy được sự thực cuộc đời. Kẻ bằng lòng với lối làm nghệ thuật như thế là loại nghệ sĩ hời hợt, vô trách nhiệm với cuộc sống này.

      Song, nếu chỉ có thế, tinh thần triết luận chưa khác là bao so với Nam Cao mấy chục năm trước. Vào sâu trong gia cảnh ấy, chứng kiến người vợ hàng chài van xin kể lể ở tòa án, Phùng còn biết thêm nhiều điều khác. Thì ra, phía sau cái dáng chịu đòn đến trơ lì vô cảm kia của người vợ, là sự kiên cường, gan góc. Phía sau bộ dạng chịu xúc phạm đến nhẫn nhục, lì lợm, là đức hy sinh lớn của tình mẫu tử. Phía sau vẻ ù lì thất học, lại là một người sắc sảo, “thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời”. Và, khuất sau hành vi côn đồ, vô đạo của thằng con đánh bố, là tình thương sâu nặng dành cho người mẹ. Việc đánh bố của thằng Phác chỉ là hành vi trả đũa manh động của một tình thương bế tắc. Song, bất ngờ hơn là những nhận thức về cái gã hàng chài “độc ác và tàn nhẫn nhất thế gian”. Hẳn ban đầu, nhận thức giản đơn kiểu thời chiến đã khiến Phùng đinh ninh rằng cái xấu cái ác này có nguồn gốc từ phía địch, chắc gã là lính ngụy cũ. Nghe bà vợ nói, hóa ra không. Hơn thế, gã còn trốn lính. Nó có nguồn gốc từ rượu chè chăng? Cũng không. Thậm chí, người vợ ao ước: “Giá mà lão uống rượu…thì tôi còn đỡ khổ”. Hay nguồn gốc từ bản tính của lão? Cũng không nốt. Trước, lão vốn là một “anh con trai cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh đập vợ”. Và bây giờ, mỗi khi đánh vợ, lão cũng không có bộ mặt hả hê hay lạnh lùng thường thấy ở những kẻ có bản chất tàn ác, trái lại, lão cũng “rên rỉ đau đớn”.

Không phải từ phía địch, không phải từ tệ nạn xã hội thông thường, cũng không phải từ bản tính. Vậy, từ đâu ? Cách trần thuật như thế dường như đã ẩn chứa câu trả lời. Thì ra, cái ác cái xấu này có nguồn gốc từ tình trạng mông muội về ý thức làm người. Cụ thể là mông muội về giá trị người, giá trị sống. Do tù hãm trong một đời sống quẩn quanh, quay lưng với thế giới bên ngoài, do tự cầm tù trong một tập quán lạc hậu, một kiểu ý thức tăm tối, mà con người và cuộc sống ở đây đã bị hoang hóa9. Họ không biết đến thế nào là cuộc sống xứng đáng của con người. Không biết đến quyền làm người, giá trị người. Hạnh phúc lớn nhất đối với họ chỉ là khi con người được ăn no. Họ coi đẻ nhiều con là một cái tội đáng chịu bạo hành. Hành hạ đã trở thành một thứ sinh hoạt thường nhật. Thói tàn nhẫn của đàn ông cũng như sự chịu đựng vô lí của đàn bà, thật oái oăm, đã trở thành phong tục lâu đời. Họ cứ sống hoang dã như loài thú mà vẫn đinh ninh đang sống cuộc sống người. Té ra, gã vừa là tội phạm, lại vừa là nạn nhân. Chẳng phải thế sao? Là kẻ đứng đầu cuộc sống mà luôn bạo hành cuộc sống, lão là tội phạm. Bị chìm lú trong một kiểu ý thức mù lòa trùm lên cả chốn này quá lâu đời, lão là nạn nhân. Đối mặt với những sự thực ấy, điều gì đang vỡ ra trong đầu người nghệ sĩ này, nếu không phải là trong đời sống, cái xấu bề nổi thưòng che lấp những cái đẹp, cái đáng cảm thông bề sâu ? Bởi vậy, một người nghệ sĩ, chỉ đứng ngoài “chụp ảnh” hiện thực, thì không bao giờ hiểu thấu được cuộc đời. Sự thật và cái đẹp sẽ luôn trốn chạy trước họ. Chỉ khi nào đặt trọn vẹn cái tâm của mình vào cuộc đời, luôn dấn thân vào cuộc sống, người nghệ sĩ mới có cơ đến được với sự thật và cái đẹp, mới làm tròn trách nhiệm của mình.

      Một khía cạnh triết luận khác hiện lên khi Phùng nhận thức có “cái gì vừa vỡ toang ra trong đầu” bạn mình. Phùng là một nghệ sĩ, Đẩu là một cán bộ tòa án, nên mối quan tâm của họ không giống nhau. Nếu vỡ lẽ của Phùng thuộc mối quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật, thì ở Đẩu là con người và những giải pháp xã hội. Vốn là một người lính, Đẩu đã đem nguyên vẹn lối nghĩ thời chiến để hiểu và giải quyết việc thời bình. Thấy “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” mà vẫn khăng khăng gắn bó, gợi ý li hôn lại lạy lục xin đừng, thì Đẩu đã phải kêu lên “không thể nào hiểu được!”. Đến khi thấu hết lời người đàn bà hàng chài, thì trong đầu vị Bao công cấp huyện ấy mới có cái gì chợt vỡ toang ra. Trước sự thật ấy, cái vừa vỡ toang kia còn có thể là gì nếu không phải trong cuộc sống, bao việc tưởng vô lí nhưng xem ra lại có lí riêng, nhiều chuyện ngỡ đơn giản, kì thực, hết sức phức tạp? Không thể đem thiện chí và ý chí đơn thuần giải quyết mà xong được. Như thế, Phùng và Đẩu chỉ là hai nửa của một Nguyễn Minh Châu, cùng bày tỏ một mối lo âu chung về cuộc đời, cùng nói lên một nhận thức chung về trách nhiệm của những người chèo lái cuộc sống đối với số phận con người. Song, ngẫm lại, triết luận này dù sâu sắc và đầy trăn trở là thế, nhưng vẫn chỉ là nhận thức hẹp và đâu đã gai góc gì.

      Tinh thần triết luận trên được nói lên, chủ yếu, qua tình huống thứ phát. Phải đến khi nó hoàn tất, nghĩa là lúc Phùng rời khỏi làng chài về lại cơ quan, kết thúc chuyến đi, thì tình huống nguyên phát mới lộ dạng đầy đủ, nghĩa là khía cạnh nhận thức rộng mới hiện hình. Bấy giờ người ta mới nghe rõ tiếng nói của nó: cuộc sống hoàn toàn khác những gì ông trưởng phòng muốn; tuân theo trưởng phòng, chỉ có thể làm được thứ nghệ thuật xa rời sự thật đời sống, chỉ thành thứ nghệ sĩ vô tâm trước số phận con người. Xem ra, tiếng nói còn ở mức phải chăng trên kia đã gói kĩ, rào kín cái tiếng nói quan trọng và gai góc này. Kẻ cạn lòng đinh ninh câu chuyện chỉ có tiếng nói thứ nhất và không ngờ có tiếng nói thứ hai. Ấy là hư chiêu vậy.

      Một tình huống như thế, quả thực, đã giúp tác giả  bớt được khá nhiều “lời biện luận triết lí lòng thòng”. Nói đúng hơn, tác giả đã giấu kín những lời cần nói vào trong tình huống và mạch truyện, để có thể yên tâm với dạng triết luận vô ngôn - triết luận không bằng lời triết lí.

      2. Biểu tượng hay ẩn tượng

      Là  một thể loại tự sự, nhưng truyện ngắn còn nói bằng cả một loại ẩn ngữ tưởng chỉ là độc quyền của hội họa và thơ ca: những hình ảnh giàu tính tượng trưng. Điều này không còn xa lạ. Tuy nhiên, do tính mơ hồ đa nghĩa và tính độc lập tương đối của nó, nên việc cắt nghĩa những hình ảnh này rất dễ tùy tiện. Sự cắt nghĩa chỉ tin cậy khi đặt nó trong tương quan với toàn thể câu chuyện, tình huống truyện, hay nói theo cách của chính ông, là phải nhìn nó “trong con mắt xét nét của chủ đề10. Tính chất nhận thức, phẩm chất triết luận của Chiếc thuyền ngoài xa chắc chắn sẽ kém sắc nét, nếu thiếu đi tiếng nói từ những hàm ý tượng trưng ẩn trong các hình ảnh, hình tượng bàng bạc khắp truyện. Yêu cầu gói rào đã khiến Nguyễn Minh Châu kiên trì một hư chiêu: mài nhẵn hết những cạnh sắc nhô ra, dìm sâu ẩn ý vào lòng mỗi hình ảnh. Bởi thế những tượng trưng thông thường dường như đã thành ẩn tượng.

       Có lẽ ít ai không nắm bắt được hàm nghĩa tượng trưng trong hình ảnh Chiếc thuyền ngoài xa nằm ngay ở nhan đề. Nó là hình ảnh một cuộc sống nhìn từ xa, nhìn bề ngoài tưởng êm đềm, tươi đẹp, thơ mộng; lại gần, vào trong thì tồi tệ, man rợ, nhức nhối. Gần cuối truyện, vẫn là hình ảnh chiếc thuyền ấy, nhưng trước một cơn giông tố lớn đang ập đến. Hàm ý tượng trưng mạnh hơn. Người nghĩ gần chỉ xem nó là cảnh báo về một cuộc sống trước cơn bão bạo lực. Người nghĩ xa có thể thấy nó là dự cảm về cơn bão đổi thay lớn đang đến gần. Đặt trong mạch truyện, nếu nghĩa trước thuộc về lớp nổi, thì nghĩa sau mới thuộc lớp chìm, lớp gan ruột nhất. Dầu vậy, đó vẫn chưa phải những gì khó thấy.

      Ở cặp nhân vật trưởng phòng và Phùng thì hàm nghĩa tượng trưng có lẽ kín hơn, bởi có vẻ nó chỉ thuộc phần dựng truyện, thuộc ngoại biên của mạch truyện, chứ chưa phải nội dung chính, y như chả có gì quan trọng. Nhưng, chính đây là một hư chiêu thần tình về mối quan hệ giữa lãnh đạo và nghệ sĩ, chính trị và văn nghệ trước thời đổi mới. Chỉ vài nét mà ra ngay chân tướng trưởng phòng. Ông chỉ muốn thứ nghệ thuật như bộ lịch kia thôi. Bộ lịch “Không có con người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật”. Một thứ nghệ thuật không quan tâm đến con người. Hiện thực trong đó chỉ là những hình ảnh thật êm đềm, tươi đẹp và thơ mộng. Dù vào mùa ấy đã hết sương thì cũng phải đi tìm cho bằng được sương. Ông đã muốn, thì phải có. Xa rời thực tế, bất chấp sự thật, chủ quan, duy ý chí, chẳng phải đó là thói quen của lãnh đạo văn nghệ trước đổi mới hay sao? Nếu răm rắp tuân thủ, Phùng chỉ làm được thứ nghệ thuật minh họa cho ý của trưởng phòng. Chuyến vào thực tế này đã khiến anh vỡ lẽ: cuộc sống không phải như thế, nghệ thuật chân chính không phải như thế. Phùng đã lẳng lặng trải qua một đối chứng chua xót giữa nghệ thuật minh họa ý đồ cấp trên và nghệ thuật nói lên ý muốn cuộc sống.

      Và  cũng trong chuyến thực tế này, Phùng mới thấy ra cái màn sương mà trưởng phòng mong muốn. Suốt cả chuyến đi, màn sương trắng như sữa khi mặt trời chiếu vào có màu hồng hồng là hình ảnh luôn ám ảnh Phùng, và ám vào cả thiên truyện11. Đây là hư chiêu đã đến mức quái chiêu. Phải là ngòi bút bậc thầy mới có thể tạo được ẩn ý tượng trưng kiểu ấy. Ông để màn sương tự nói, tịnh không hở ra bất cứ triết lí bằng lời nào về nó. Màn sương hồng tô điểm làng chài - phủ lên cảnh trí một chất thơ để cuộc sống luôn hiện ra trong vẻ êm đềm, tươi đẹp - không khỏi khiến người đọc liên tưởng đến ánh trăng xanh lừa dối từng phủ lên cuộc sống lầm than trong Giăng sáng của Nam Cao mấy chục năm trước. Ở đây, nó là gì, nếu không phải là một tượng trưng về thứ nghệ thuật tô hồng cuộc sống nhan nhản trước đổi mới? Kể lại những đối lập gay gắt giữa cảnh chiếc thuyền ngoài xa êm ả trong sương với cảnh bạo hành dã man nhức nhối, Phùng đã chia sẻ những day dứt trong lòng mình. Anh đang trải qua một đối chứng riết róng giữa nghệ thuật của màn sương hồng và nghệ thuật của cuộc sống lầm than. Tuy nhiên, ở tình thế trong tác phẩm, Phùng chưa thể công khai từ bỏ. Phùng vẫn phải mang bức ảnh màn sương hồng về cho trưởng phòng. Và nó “vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong những gia đình sành nghệ thuật”. Điều đáng nói là, nếu nhìn lâu hơn, bao giờ Phùng cũng thấy người đàn bà khốn khổ ấy “đang bước ra khỏi tấm ảnh”. Người đàn bà là hiện thân của cuộc sống bấy giờ. Cuộc sống thực không chịu ở yên trong cái bức ảnh hời hợt ấy.

Bức ảnh sương mà ngay cả chụp bằng đen trắng cũng cứ thấy hiện ra cái màu hồng hồng của thứ nghệ thuật nặng về tô hồng hiện thực vốn ngự trị suốt thời đó. Vâng, về công việc, Phùng vẫn còn phải giao nộp những bức sương hồng, nhưng, về tư tưởng, ý thức của anh đã xuyên thủng màn sương hồng, lòng người nghệ sĩ này đã thuộc về những kiếp lầm than rồi. Từ sâu thẳm lòng Phùng, đó là cuộc li khai với thứ nghệ thuật mà trưởng phòng chủ trương. Chẳng phải hình ảnh này chính là một tuyên ngôn lặng lẽ ư? Có thể coi Chiếc thuyền ngoài xa là một Giăng sáng của thời đại mới chứ sao! Ở Nam Cao thời trước là cuộc lựa chọn quyết liệt để từ bỏ thứ nghệ thuật là ánh trăng lừa dối, đến với nghệ thuật là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than, nghĩa là từ bỏ nghệ thuật vị nghệ thuật đến với nghệ thuật vị nhân sinh. Còn ở Nguyễn Minh Châu bây giờ có khác. Cũng day dứt giữa nghệ thuật là màn sương hồng và nghệ thuật là tiếng đau khổ thời mới, nhưng đây là lựa chọn khác, lựa chọn quyết liệt giữa: nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị cấp trên12. Về mặt này, có thể xem Chiếc thuyền ngoài xa chính là một lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa được viết bằng truyện ngắn.

      Một  ám ảnh khác là những chiếc xe tăng hỏng và  xe rà mìn sét gỉ trên bãi biển. Bao giờ cảnh bạo hành cũng diễn ra bên những chiếc xe hỏng này là  một sắp đặt đầy ẩn ý thuộc về hư  chiêu của Nguyễn Minh Châu. Đã có người lờ mờ cảm thấy trong hình ảnh này chứa một ẩn ý nào đó. Tuy nhiên, cho rằng chúng là một ám chỉ về cái xấu và cái ác kia như một tàn tích của chiến tranh, thì e không sát. Ẩn ngữ nào trong hình ảnh này? Đó là cuộc đối chứng giữa hai thứ bạo lực: bạo lực của thời chiến và bạo lực của thời bình; một đã bị tiêu diệt, một đang hoành hành. Bạo lực này còn chưa lùi xa, đã sinh ra bạo lực khác. Bạo lực thời chiến khủng khiếp là thế đã bị đánh gục. Còn bạo lực thời bình, hóa ra, dai dẳng và đáng sợ hơn nhiều. Bởi bạo lực thời chiến đến từ phía địch, bạo lực thời bình nằm sẵn trong ta. Đây là cuộc đối chứng của hai thứ xe tăng: xe tăng sắt thép và xe tăng mù. Xe tăng sắt thép thì tiêu diệt sinh mệnh con người, còn chiếc xe tăng mù đang hàng ngày trút bạo lực xuống cuộc sống vốn đầy nhọc nhằn này thì hủy diệt thứ khác, khó thấy hơn: phẩm giá người, chất người trong cuộc sống con người. Mà chống lại thứ xe tăng mù này, xem ra, khó khăn phức tạp gấp bội phần. Nhưng không chống được nó, thì rồi cuộc sống sẽ ra sao? đời sống con người, tư cách người, phẩm giá người trong cuộc sống này sẽ ra sao ? Cuộc đối chứng này hẳn sẽ còn ám ảnh lâu dài đối với hết thảy người đọc chúng ta.

      Cũng không thể không thấy ẩn ý của Nguyễn Minh Châu trong con dao găm của thằng Phác. Không hiểu sao cái thằng Phác này lại cứ xui tôi nhớ đến thằng bé Heng của Nguyên Ngọc (dưới bút danh Nguyễn Trung Thành) trong truyện ngắn nổi tiếng Rừng xà nu. Đúng là một đứa bé của văn học sử thi và một thằng bé của văn học thế sự. Thời sử thi, người lớn là hình mẫu của trẻ con. Heng hết sức hãnh diện khi thấy mình giống anh lực lượng T’Nú. Thằng bé Heng là hình ảnh của sự tiếp bước, là bằng chứng cho sức sống bất diệt của xà nu: “cây mẹ ngã xuống cây con mọc lên, đố chúng nó diệt hết rừng xà nu này đấy!”. Khẩu súng trường phết đít của nó mang niềm tin mãnh liệt của tác giả vào chân lí thời sử thi: “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!13. Còn ở đây, bố thằng Phác, kẻ đứng đầu đời sống đang nêu một tấm gương xấu xa tồi tệ. Thì thằng Phác là một sự trả đũa đối với người lớn. Con dao găm là niềm lo âu về sự rối loạn trong gia đạo hay lời cảnh báo đau đớn về một tất yếu rằng: hôm nay bố nó đã cầm xanhtuya, thì ngày mai nó sẽ cầm dao găm ? Thật là đáng sợ. Một chiêu pháp hư, một nguy cơ thực.

      Có lẽ, trong Chiếc thuyền ngoài xa những hình ảnh kiểu như thế không chỉ có thế.
      3. Nói dzậy mà không phải dzậy
      Tôi mượn cách nói hài hước này, nhưng để nói đến một khía cạnh hoàn toàn nghiêm túc: cách gói rào của Nguyễn Minh Châu trong lời văn nghệ thuật. Suốt đời, ông luôn miệt mài noi theo các bậc thầy truyện ngắn để gắng đạt tới cái độ“mỗi câu, mỗi chữ, mỗi tình ý đều thấm đượm chủ đề14. Bình thường đã kĩ thế, khi phải gói rào, còn kĩ hơn nữa. Bởi, giờ đây, hơn cả sự súc tích, mỗi tình ý của chủ đề lại còn phải“giấu đi”, phải “gói trong bao lần lá, rào sau bao tầng chữ” nữa.
      Gói rào đối với tình huống và biểu tượng, dầu sao, vẫn dễ yên bề hơn. Bởi nó có chỗ  ẩn náu là tính mơ hồ. Còn với lời văn là  loại vật liệu hiển thị, gói làm sao? rào làm sao? quả  là rách việc muôn phần. Vậy mà Nguyễn Minh Châu vẫn có hư chiêu độc đáo, gọi vui là “nói dzậy mà không phải dzậy” ! Tức là cách tương tác về ngôn từ trong văn bản thế nào đó để lời hiện ý ẩn, lời hướng này, ý hướng khác, muốn hiểu trúng lời riêng phải đặt vào mạch chung, vào đúng luồng tương tác đó.
      Mỗi lời văn trong văn bản thường mang một giọng điệu tương ứng. Giọng điệu là phần hồn của lời văn. Bởi giọng là thái độ cảm xúc của chủ thể, là một hiện thân của tư tưởng tác giả. Trong nghệ thuật của ngôn từ, nhiều khi ý không nằm trong nghĩa của lời mà lại nằm ở giọng bao bọc mỗi lời, bao bọc cả một chuỗi phát ngôn. Việc nhập giọng với lời, tách giọng khỏi lời, tráo giọng cho lời… để tạo những hiệu quả nghệ thuật riêng, đều là dụng công của những tay bút bậc thầy. Đối với yêu cầu gói rào, dụng công này thực sự thành một tuyệt chiêu. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, nhân vật trưởng phòng là đối tượng bị phê phán. Nhưng phê phán bằng giọng gay gắt trực diện thì bất lợi và thất cách. Nguyễn Minh Châu đã gói thái độ phê phán vào giọng bình đạm, có khi còn là giọng tán dương, hàm ơn nữa. Nếu có phê trực diện thì chỉ như những phàn nàn vặt vãnh vô hại về tiểu tiết, tựa hồ trách yêu thôi: “Trưởng phòng tôi là một người sâu sắc, lại cũng lắm sáng kiến đến cái mức có khi bọn chúng tôi trong cơ quan phát mệt vì anh”. Vì thế, vị lãnh đạo hiện ra toàn bằng những lời đề cao, nào là “sâu sắc”, “lắm sáng kiến”, nào là “quả quyết”, “cặp mắt đầy tinh khôn”… Ngay cả khi nói đến cái chủ trương rất đáng lên án là chỉ muốn làm tập lịch về thuyền và biển, “Không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật”, tác giả cũng chỉ kể lại khách quan bình thản. Thoáng đọc, hẳn ai cũng thấy thuần những đánh giá ưu ái đấy chứ ! Vậy sắc thái phê phán ở đâu? Ta chỉ thấy thật rõ nét khi câu chuyện dần dần hoàn tất. Nhất là qua sự đối lập gay gắt giữa cái nghệ thuật mà trưởng phòng muốn với cái thực trạng tồi tệ của hiện thực đời sống. Sự đối lập ấy đã lật ngược hết những gì trước đó. Lúc này, nó mới làm bật lên tính chất mai mỉa sâu cay đối với những phẩm chất “sâu sắc”, “quả quyết”, “tinh khôn”, “lắm sáng kiến” kia, cũng như dậy lên cái ý vị cay đắng, phẫn uất của người kể khi thuật lại những lời quả quyết “Không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật” đó. Bấy giờ, càng quả quyết, càng tệ hại. Chúng ta cũng có thể thấy một hiệu quả như thế đối với giọng điệu ngây ngất cùng những lời mô tả đầy hoa mĩ lãng mạn của Phùng trước cái cảnh “đẹp tuyệt đỉnh” ở phần đầu truyện. Chỉ sang phần sau, khi cái thực trạng man rợ, kinh hoàng, vô đạo đức bày ra, những đau xót sâu sắc và chân thực của Phùng trước sự thực đời sống được bộc lộ, ta mới thấy ra thái độ mai mỉa, phẫn uất của Nguyễn Minh Châu đối với sự ngây ngất, với vẻ lãng mạn thơ mộng, với cái được gọi là “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” đó. Và mai mỉa nhất chính là cái câu tấm tắc tán dương: “chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Bởi trong tương quan đối lập này, cái đẹp kiểu đó mới vô đạo đức làm sao! Ghìm thái độ vào giọng, giấu giọng vào mạch, dùng tình huống để đảo lộn giọng trong lời trần thuật, đó chẳng phải một hư chiêu phục vụ yêu cầu gói rào thật kín kẽ của Nguyễn Minh Châu sao?
      Là  người hết sức am tường truyện ngắn, ông luôn ý  thức rằng thể loại khắt khe này không cho phép thừa, dù chỉ là một tiểu tiết vẩn vơ: “Một đoạn tả cảnh, một đoạn đối thoại, một nhân vật chỉ vẽ phác qua hay tả kĩ lưỡng, một sự việc hoặc một chi tiết có hay không có, tất cả đều được qui định bởi con mắt xét nét của chủ đề15. Đòi hỏi trở nên gắt gao hơn khi người viết còn phải gói rào. Đã đọc Chiếc thuyền ngoài xa không thể không biết đến một hư chiêu khác của Nguyễn Minh Châu, tạm gọi là “bâng quơ hóa”. Ông tạo ra những nhân vật thoáng qua, những tình tiết không đâu, những lời nói bâng quơ, tưởng chừng chả đáng để tâm, nhưng kì thực, “tất cả đều được qui định bởi con mắt xét nét của chủ đề”. Cuộc sống tồi tệ đầy nghịch lí của gia đình hàng chài là hình ảnh thu nhỏ của một thực trạng nhức nhối. Người đàn bà khốn khổ kia là hiện thân của đời sống ấy. Thực trạng có nguy cơ tiêu diệt mất đời sống này.

Một nhà văn nặng lòng với đời không thể không trăn trở về những giải pháp. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, qua những nhân vật rất phụ, qua những lời tưởng rất bâng quơ, ta thấy Nguyễn Minh Châu đã kín đáo nói đến nhiều giải pháp. Qua lời của Đẩu, có thể thấy hai giải pháp: hoặc li hôn, hoặc hòa thuận. Li hôn là điều không thể, bởi người đàn bà nặng lòng gắn bó này đã từ chối. Kêu gọi hòa thuận càng không thể, bởi như vậy vô hình trung tiếp tay cho nạn bạo lực, là kêu gọi con người chịu đựng sự bạo hành dã man vô lí, là duy trì tình trạng sống hoang hóa, man rợ, không ra con người. Đây là những giải pháp dễ thấy. Qua lời cô y tá, một giải pháp tiêu cực khác đã được nói lên: từ chối cuộc sống, tẩy chay thực tại – “thà tôi chết già, các anh đừng tưởng, thà tôi làm gái già suốt đời”. Người ta sinh ra cần phải sống cuộc đời mình trong thực tại này như một con người, từ chối, tẩy chay đâu phải tích cực. Con dao găm của thằng Phác cũng chính là một giải pháp và là giải pháp vô cùng lo ngại. Bố đánh mẹ đã là điều khốn nạn, con đánh bố còn khốn nạn hơn. Không thể lấy bạo lực vô đạo để giải quyết bạo lực trái đạo được. Nó không những không giải quyết được gì mà còn chính là biểu hiện tệ hại nhất của một cuộc sống man rợ, một thực tại khổ nhục.

      Vậy thì giải pháp nào? Thiếu nữ áo tím đẹp như nàng tiên cá đang đợi trên chiếc mủng dập dềnh ngoài bến kia, đứa con gái sắp sửa vào đời đó có được sống cuộc sống xứng đáng với con người không, hay lại lặp lại kiếp sống khốn khổ của mẹ nó? Giải pháp nào cho niềm mong chờ đau đáu, khắc khoải này? Bằng tiên cảm của một nghệ sĩ thiết tha với số phận con người và đất nước, Nguyễn Minh Châu đã đặt kì vọng vào một giải pháp khác, cũng được nói đến ở ngay trong tác phẩm này. Ấy là lại phải cách mạng. Và cũng bằng cách nói có cái vẻ ngoài rất bâng quơ, kì thực đầy tâm huyết, tạm gọi là “quán tính chữ”. Để có thể nói được chữ “cách mạng” ấy, ông đã phải gói bọc nó dưới bao lần lá, rào nó bằng bao tầng chữ. Cụ thể, ông đã cho chữ này xuất hiện trước đó qua miệng người đàn bà hàng chài nhiều lần: “từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ …”, rồi “từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho”, rồi “mong các chú cách mạng thông cảm cho”.

 Theo cái đà, cái “quán tính” của những chữ ấy, ông mới kín đáo đưa ra chữ cần thiết, nhân khi nói về thằng Phác “giống như lột ra từ cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ, và không khéo sẽ còn hành hạ mụ cho đến khi chết – nếu cách mạng không về”. Do quán tính của các chữ “cách mạng” được dùng trước đó, kẻ cạn lòng dễ đồng nhất chữ này cũng giống, cũng mang nghĩa như các chữ trên kia. Tức là chỉ cuộc cách mạng giải phóng vừa qua. Nhưng không phải. Trước kia, mụ đâu có bị hành hạ thế này. Mụ chỉ bị bạo hành tàn bạo sau khi nước đã giải phóng, cách mạng đã về thôi. Và hiện thời mụ đang bị hành hạ khủng khiếp kia mà. Vì thế, chữ “cách mạng” trong câu “cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ, và không khéo sẽ còn hành hạ mụ cho đến khi chết – nếu cách mạng không về” đã không còn chỉ cuộc cách mạng đã qua, mà ám chỉ một cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng sẽ cứu người đàn bà ấy khỏi tình trạng hành hạ hiện thời. Đúng vậy, chỉ có thể giải quyết được tình trạng này bằng một cuộc đổi thay lớn, một cuộc cách mạng thật sự thôi. Viết những dòng ấy vào cuối năm 1983, Nguyễn Minh Châu dường như đã tiên cảm về một cuộc thay đổi lớn cần phải đến và đang đến gần. Hình ảnh cơn giông tố lớn cuối truyện đã khắc sâu, tô đậm thêm điều này. Vài năm sau đó, đất nước đã tiến hành một cuộc đổi thay ngang tầm một cuộc cách mạng. Đó chẳng phải là bằng chứng cho tiên cảm tuyệt vời của nhà văn hay sao ? Nhờ chiêu “quán tính chữ” ấy, nhà văn của chúng ta mới có thể kí thác, “cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống” một cách kín nhẹm thế. Thật hú vía, vào năm 1983, kẻ đọc hẹp lòng mà nhận ra nghĩa đó của chữ cách mạng kia, hẳn là “mạng” ông đã bị “cách” rồi. 

      Một chiêu khác của Nguyễn Minh Châu là “vu hồi chữ”. Nghĩa là dạng gói rào, bằng cách: muốn hiểu đúng nghĩa của chữ đang đọc, phải vòng lại sau để hiểu nghĩa của nó được dùng trước đó. Không ít kẻ  cạn lòng khi đọc câu kết “Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn vào đám đông” đã yên chí rằng chữ “chắc chắn” này là kết thúc lạc quan. Bởi nó thể hiện sức mạnh, lòng tự tin, hứa hẹn rằng người đàn bà ấy bắt đầu đứng lên để đấu tranh. Bé cái nhầm. Trong toàn truyện chẳng có bằng chứng nào cho thấy mụ có ý đấu tranh cả. Trước sau, chỉ có cam chịu, nhẫn nhục. Vả lại, chữ “chắc chắn” đây có nhằm nói về sức mạnh bên trong của mụ cũng như niềm lạc quan của tác giả đâu! Chỉ cần vòng trở lại đoạn trước, sẽ thấy ngay chữ “chắc chắn” chẳng qua chỉ diễn tả cái dáng miền biển ở nhân vật mà thôi. Bởi, tả dáng đi của gã chồng vũ phu, Nguyễn Minh Châu cũng dùng chữ này: “Lão đi chữ bát, bước từng bước chắc chắn”. Như thế, dáng bước chắc chắn hòa vào đám đông của mụ không phải là tín hiệu của niềm lạc quan, trái lại, thể hiện niềm lo âu của tác giả. Bởi nó chính là khái quát cuối cùng: tình trạng khốn khổ này không hề cá biệt, cả đám đông kia, ai cũng là một người đàn bà như thế.

      Phải lão luyện những hư chiêu này, đáng phục thay, cũng đáng thương thay !

                                                       Côn Sơn, tháng 3/2010