Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Cái NGÔNG trong bài thơ HẦU TRỜI

1. Ngông là gì?
Ngông là những hành động khác đời gây nên sự chú ý của số đông, mang tính chất ngang tàng, phóng túng, đùa cợt.
Ngông cũng là một cách sống vượt ra ngoài khuôn khổ của xã hội đương thời, thách thức với xã hội. Cách sống ấy mang tính chất chủ quan và coi thường dư luận xã hội.

2. Cái ngông trong văn chương?
Là phản ứng của những người nghệ sĩ tài hoa có cốt cách, tâm hồn khác biệt với người thường, không chấp nhận sự đơn điệu mà luôn phá cách, sống phóng túng, tự do khẳng định cá tính và bản lĩnh của mình; cũng là phản ứng của trí thức có nhân cách trước xã hội mà họ không thể chấp nhận, không muốn nhập cuộc.

3. Cái ngông của thi sĩ Tản Đà.
a. Cái ngông thể hiện ở nội dungbài thơ Hầu trời:
- Cuộc đọc thơ đầy đắc ý của Tản Đà cho Trời và chư tiên nghe giữa chốn “thiên môn đế khuyết”  thể hiện ý thức rất cao về tài năng và tâm cũng là biểu hiện của “cái ngông” Tản Đà.
+       Khẳng định tài năng văn chương thiên phú của mình (Trời và các chư tiên trên trời ngồi tĩnh túc, vỗ tay, khen văn thật tuyệt,…);
+       Không thấy ai đáng là kẻ tri âm với mình ngoài Trời và các chư tiên;
+       Tự nhận mình là người trích tiên bị đày xuống hạ giới để thực hành “thiên lương”.
- Tản Đà trần tình với Trời về tình cảnh khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn nhằm trực tiếp bộc lộ những suy nghĩ, phát biểu quan niệm về nghề văn (gắn với hoàn cảnh xã hội thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta những thập niên đầu của thế kỉ XX).
+       Văn chương là một nghề kiếm sống mới,có người bán kẻ mua, có thị trường tiêu thụ,… Người nghệ sĩ kiếm sống bằng nghề văn rất chật vật, nghèo khó vì “văn chương hạ giới rẻ như bèo”.
+       Những yêu cầu rất cao của nghề văn: nghệ sĩ phải chuyên tâm với nghề, phải có vốn sống phong phú; sự đa dạng về loại, thể là một đòi hỏi của hoạt động sáng tác.
b. Cái ngông thể hiện ở nghệ thuậtbài thơ Hầu trời.
Bài thơ làm theo thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do; giọng điệu thoải mái, tự nhiên; ngôn ngữ giản dị, sống động,…


thuyết minh bánh canh Trảng Bàng

“Ai về xứ ấy Trảng Bàng -Mua giúp một ràng bánh tráng phơi sương”. Đó là món ăn đặc sản của vùng đất “Đánh Pháp, Pháp đã chạy dài – Đánh Mỹ, Mỹ phải cút ngay xuống tàu”. Tuy nhiên, về vùng đất anh hùng Trảng Bàng, còn có một đăc sản níu kéo bước chân du khách thập phương nữa là món “bánh canh Trảng Bàng”.
Bánh canh Trảng Bàng được nấu từ nguyên liệu chính là gạo, thịt heo và thêm một chút gia vị gia vị. Nhưng qua quá trình chế biến công phu và khéo léo của người Trảng Bàng đã cho ra đời những tô bánh canh đậm đà hương vị, hấp dẫn thực khách ngay từ lần đầu tiên thưởng thức.
Cọng bánh canh có độ lớn gấp 2 lần sợi bún, được chế biến từ bột gạo. Để có những sợi bánh canh trắng ngần, người ta thường chọn gạo nàng thơm. Sau khi ngâm thật kỹ qua đêm để đạt đủ độ mềm cần thiết, gạo được đem xay nhuyễn thành bột, rồi đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt. Cọng bánh đạt chuẩn phải bùi, trắng và không quá dai. Nếu cọng bánh dai thì nó không khác gì bánh phở, đây là điểm khác biệt của món ăn này.
Nước lèo của món bánh canh Trảng Bàng gần giống như món phở hay bún măm. Tuy nhiên, nước lèo của món bánh canh phải thật trong, đậm đà hương vị thịt heo nạc. Điều cốt lõi làm nên bánh canh Trảng Bàng là nước mắm ăn cùng với bánh canh và bánh tráng ăn trước đó. Bánh tráng được ăn cùng với bánh canh là bánh tráng nướng phơi sương. Còn rau cuốn bánh tráng chủ yếu là rau rừng, rau sông và một số rau trồng trộn lại. Rau sông gồm nhiều loại như trâm ổi, trâm sắn, rau mặt trăng, bứa... Mỗi thứ mang hương vị khác nhau như chua, chát hay cả chát lẫn chua. Các loại rau này không bóng bẩy nhưng cũng đủ vẻ mơn mởn, tươi xanh để hấp dẫn thực khách. Đó là màu xanh của ngọn bù lời, màu đỏ bầm của rau trâm ổi, rau câu, màu vàng chanh của cọng bứa, màu hồng phấn của lá mặt trăng…Để có được những loại rau vừa kể, người hái rau sông phải tìm ở hai bờ Vàm Cỏ Đông. Chúng mọc tự nhiên quanh các triền sông và sống nhờ vào hơi thở của sông nước. Nhiều thực khách rất thích thú với đĩa rau sống ăn kèm, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên dân dã và thân thiện mới môi trường. Thậm chí có ý kiến cho rằng, nếu bánh canh Trảng Bàng không có đĩa rau sống thì nó chưa chắc đã nổi tiếng như thế.

Đối với thịt heo, phải là thịt tươi sống và không dùng thịt heo quá già vì có thể làm cho nước lèo bị đục. Nếu để ý thì thịt heo món bánh canh Trảng Bàng thơm ngon và ngọt hơn vì chúng được nuôi dưỡng riêng, tự nhiên, khác với thịt heo bán đại trà ngoài chợ. Thịt heo gồm các loại thịt nạc, đùi hay giò, móng được rửa sạch, bỏ vào nồi nước luộc đun nhẹ cho sôi dần. Khi vừa chín tới phải vớt ra ngay, thả vào nước nguội để tạo độ trắng mịn cho thịt. Đặc biệt, nước sử dụng để luộc thịt phải là nước giếng trong, không sử dụng nước máy, nước mưa.
Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách phải đảm bảo cả về chất lượng lẫn mỹ thuật. Tô bánh canh bốc khói nghi ngút, mùi thơm thanh dịu của nước lèo; với vị cay của ớt đỏ, tiêu xay, hành xanh; vị béo ngọt của thịt heo ắt hẳn chiếm được cảm tình của của mọi người kén ăn. Phải nói rằng, bánh canh Trảng Bàng không chỉ đơn thuần là đặc sản địa phương, mà còn mang trong mình nỗi nhớ niềm thương về mảnh đất Tây Ninh đầy nắng nhiều gió.
Thương hiệu bánh canh Trảng Bàng giờ đã lan khắp nơi trong cả nước. Nhưng về với Trảng Bàng, hương vị đặc sắc của món ăn gắn liền với những địa chỉ quen thuộc ở thị trấn như Hoàng Minh, Út Huệ, Năm Dung,… Hầu hết người dân ở đây đã sử dụng bữa ăn sáng bằng món bánh canh Trảng Bàng như một thói quen hàng ngày. Cùng với bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng được coi như nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Tây Ninh, khó lòng mà trộn lẫn.
Theo Hanoimoi.com.vn, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đề cử món ăn bánh canh Trảng Bàng là một trong số năm món ăn xác lập kỷ lục châu Á. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc cho người dân xứ Trảng nói riệng, người dân tỉnh Tây Ninh nói chung.