Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA_THPT NGUYỄN TRÃI

TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI              ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
TỔ NGỮ VĂN                                            MÔN: NGỮ VĂN
        Thời gian: 120 phút
I. Đọc hiểu (3.0 điểm) 
Đọc đoạn văn sau:
          …Phía Đông Nam thành phố, bên kia nhánh sông cùng Vân Dương, là một vùng đất bằng trầm mình trong những khu vườn tre trúc xanh biếc, tên là Vĩ Dạ.
 …Vĩ Dạ là vùng đất bên bờ phía đông sông Hương, là nơi người ta lập vườn theo phong cách dân giã trồng hoa cúc, thường mang lên trung tâm Huế bán để ướp trà, để chơi tết.
…Người bình dân lập vườn theo phong cách dân gian, những hưu quan chán cảnh cân đai, những nghệ sỹ thích đời sống phóng khoáng đều tìm về Vĩ Dạ tụ tập thành một khối cư dân thích tự do mang màu sắc cá nhân. Không nghi ngờ gì nữa chính nơi đây mà người ta có thể tìm thấy chút hương vị tiêu dao của kinh thành Huế từ gốc cỏ bay lên, trong những khu vườn xanh biếc. Vĩ Dạ tồn tại ngàn năm như một nhà ẩn dật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như một buồng phổi hít thở đầy không khí tự do của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá…
(Trích Miền cỏ thơm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, www.tapchisonghuong.com.vn, 7/7/2009) 
            Hãy trả lời những câu hỏi:
Câu 1. Nội dung chính của đoạn văn trên.
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của nó trong những câu văn sau:
Vĩ Dạ tồn tại ngàn năm như một nhà ẩn dật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như một buồng phổi hít thở đầy không khí tự do của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá…
Câu 3. Trong nhịp sống sôi động hiện nay, “những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá” có ý nghĩa gì?
Câu 4. Hình ảnh Vĩ Dạ với “khu vườn” xanh biếc lặp đi lặp lại trong đoạn trích gợi anh/chị nhớ đến câu thơ nào của Hàn Mặc Tử?
II. Phần làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
          Từ không khí nhàn du của Vĩ Dạ, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ với chủ đề: Ý nghĩa của những khoảnh khắc yên tĩnh trong đời.
Câu 2 (5 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước gần gũi, giản dị. Đó là cách nhà thơ đi con đường riêng của mình không lặp lại người khác.
          Anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua đoạn thơ sau đây:
       Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”…mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo  phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
( Trích Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.118 )

------------hết----------








ĐÁP ÁN
I. Đọc hiểu (3.0 điểm) 
Câu 1. Nội dung chính của đoạn văn trên (0,5đ)
Nét đẹp rất riêng của Vĩ Dạ: không gian sống bình dân, yên tĩnh; nơi những tao nhân mặc khách có những giây phút bình yên với những thú vui tao nhã giữa thiên nhiên trong lành.
* Lưu ý: HS diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng thể hiện được nội trên vẫn cho điểm tối đa.
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của nó trong những câu văn sau (1,5đ)
Vĩ Dạ tồn tại ngàn năm như một nhà ẩn dật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như một buồng phổi hít thở đầy không khí tự do của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá…
-         Biện pháp tu từ: so sánh (0,5đ)
-         Tác dụng: Nhấn mạnh và tạo ấn tượng trong việc miêu tả vẻ đẹp của Vĩ Dạ (0,5đ); khiến cho đối tượng miêu tả hiện lên sinh động, cụ thể hơn (0,5đ)
Câu 3. Trong nhịp sống sôi động hiện nay, “những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá” có ý nghĩa gì? (0,5đ)
-         Đó là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…
-         Đó là cách sống có ý nghĩa cân bằng tâm lý trong cuộc sống sôi động với nhịp độ nhanh như hiện nay…
-        
* Lưu ý: HS có cách trả lời khác nhưng hợp lý vẫn cho điểm tối đa.
Câu 4. Hình ảnh “khu vườn” xanh biếc lặp đi lặp lại trong đoạn trích gợi anh/chị nhớ đến câu thơ nào của Hàn Mặc Tử? (0,5đ)
            Vườn ai mướt quá xanh như ngọc – Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ)
II. Phần làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 đ). Từ không khí nhàn du của Vĩ Dạ, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ với chủ đề: Ý nghĩa của những khoảnh khắc yên tĩnh trong đời.
* Về nội dung, đoạn văn có những ý sau (1,25đ):
- Nêu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của những khoảnh khắc yên tĩnh  trong đời (0,25đ)
- Những khoảnh khắc yên tĩnh trong đời là khoảnh khắc của những thú vui tao nhã, hòa cùng thiên nhiên, để tâm hồn thư thái, nhàn nhã; là khoảnh khắc thanh lọc tâm hồn trong không khí nhàn du. (0,25đ)
- Nêu ý nghĩa: Những khoảnh khắc yên tĩnh giúp ta cân bằng tâm lý, từ đó có hiệu quả trong công việc; yêu đời, lạc quan hơn trong cuộc sống,… (0,5đ)
- Liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc cá nhân để làm rõ ý nghĩa của những khoảnh khắc đó. (0,25đ)
* Về kỹ năng, đoạn văn đảm bảo những kỹ năng: (0,75đ):
- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn (0,25đ)
- Sáng tạo (0,25đ)
- Dùng từ, chính tả, đặt câu (0,25đ)
Lưu ý: Nếu HS viết bài văn thì cho điểm tối đa là 1 điểm.
Câu 2 (5đ).
* Về nội dung, đoạn văn có những ý sau (3,75đ):
 - Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, chương Đất nước; giới thiệu ý kiến và đoạn trích trong đề bài. (0,5)
- Giải thích ý kiến: Ý kiến khẳng định nhà thơ NKĐ đã xây dựng hình ảnh một Đất Nước giản dị, quen thuộc với tất cả mọi người; chứ không phải là một Đất Nước kì vĩ, xa xôi như những tác giả khác. Nội dung đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật đặc biệt. Đây chính là nét riêng - mới mẽ - trong phong cách nghệ thuật của nhà thơ. (0,25)
- Phân tích đoạn thơ để làm rõ ý kiến:
+ Đoạn thơ thể hiện cảm nhận mới mẻ và độc đáo về Đất Nước. (1,0)
++ Tác giả đã cảm nhận Đất Nước trong chiều sâu văn hóa - lịch sử và trong cuộc sống đời thường của mỗi con người. Nhà thơ không dùng niên đại và sự kiện lịch sử để nói về Đất Nước, mà dùng giọng điệu quen thuộc của cổ tích bắt đầu bằng ‘‘ngày xửa ngày xưa…’’.
++ Sự ra đời của Đất Nước gắn với sự ra đời của những truyện cổ tích, của phong tục ăn trầu và tập quán búi tóc sau đầu, của lối sống chung thủy tình nghĩa, của truyền thống chống ngoại xâm kiên cường và bền bỉ, của truyền thống lao động cần cù, của cách ăn cách ở trong sinh hoạt… Nói cách khác, sự ra đời của Đất Nước gắn liền với sự hình thành văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người Việt Nam, gắn với đời sống gia đình. Những gì làm nên Đất nước cũng là những gì làm nên điệu hồn dân tộc, làm nên sự sống của mỗi người. Vì vậy mà Đất Nước hiện lên vừa thiêng liêng, tôn kính, lại vừa gần gũi, thân thiết.
+ Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng cách nói giản dị đến bất ngờ để nói về sự ra đời của Đất Nước: (1,0)
++ Sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian (dùng những hình ảnh gần gũi trong cuộc hằng ngày, những tình cảm gia đình thân thương, những hình ảnh quen thuộc của ca dao, cổ tích, truyền thuyết…). Tác giả chỉ bắt lấy linh hồn của những câu chuyện, những phong tục…để từ đó đem đến cho người đọc những trường liên tưởng sâu xa. Vì vậy mà Đất nước trong mỗi người đẹp một cách riêng đồng thời ĐN hiện lên trong tâm thức người đọc cả một chiều dài văn hóa.
++ Kết hợp chất chính luận và trữ tình. Giọng thơ trữ tình trầm lắng, cảm xúc dồn nén. Nén trong từng câu chữ là vốn sống, vốn văn hóa, tình yêu Đất nước. Ngôn ngữ dung dị.
- Bình luận về ý kiến: (0,5)
+ Đây là một ý kiến chính xác đã khái quát được giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ và thấy được những phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đề tài Đất nước - Đất nước của Nhân dân, của ca dao thần thoại, của đời thường.
            + Mỗi nhà thơ khi sáng tạo cần tạo cho mình một lối đi riêng, đó là con đường duy nhất để khẳng định tên tuối của nhà thơ, sức sống của tác phẩm.
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Hình tượng ĐN trong thơ NKĐ mới lạ, độc đáo nhưng rất gần gũi, dung dị. Đó là cách để tạo nên một nhà thơ NKĐ không lặp lại bất kì nhà thơ nào trong lịch sử văn học nước nhà. (0,5)
* Về kỹ năng, bài văn đảm bảo những yêu cầu: (1,25đ):
- Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5đ)
- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn (0,25đ)
- Sáng tạo (0,25đ)
- Dùng từ, chính tả, đặt câu (0,25đ)


------------hết----------

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2017 – 2018

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TÂY NINH
   ___________________

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2017 – 2018
Ngày thi: 3 tháng 6 năm 2017
Môn thi: NGỮ VĂN (Chuyên)
Thời gian làm bài: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
---------------------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi có 01 trang, thí sinh không phải chép đề vào giấy thi)
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 2:
…Tuy nhiên, nhiều năm gần đây lễ hội không còn yên vui như xưa. Sau nhiều năm bị cấm triệt để vì bị coi là trò mê tín dị đoan, đến nay lễ hội được khôi phục, mở cửa hết cỡ, bất chấp lễ hội gì, hành lễ ra sao. Trong các lễ hội ấy những người trẻ tham gia nhiệt tình nhất, ăn thua nhất, “máu me” nhất.
…Ở hội Xuân Đỉnh (Hà Nội), họ vác cả kiệu thánh đâm nát kính chiếc xe hơi của một phụ nữ vô ý chắn đường bất chấp người này quỳ xuống lạy lục van xin. Ở lễ hội đền Trần, những người trẻ đạp lên đầu lên cổ nhau, giật cả bảo kiếm trên bàn thờ, rồi lấy tiền chà xát lên kiếm.
Kinh hoàng nhất là lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Sau khi con lợn bị dây trói căng ra bốn phía, “đao phủ” chặt một nhát đứt đôi con lợn thì những người trẻ tranh nhau lấy tiền quết máu lợn.
Không hiểu khi chà xát tiền lên kiếm báu, lên máu lợn người ta nghĩ đến cái gì? Nghĩ đến công danh cho bản thân hay lợi lộc cho gia đình? Liệu có ai trong số họ nghĩ đến tội ác?
(Trích “Những người trẻ ở lễ hội”, Đoàn Lê Giang, www.tuoitre.vn, 7/3/2015) 
Câu 1. Anh/chị hãy nhận xét về thái độ của tác giả thể hiện trong đoạn trích?
Câu 2. Xác định một biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy trong đoạn văn sau: Không hiểu khi chà xát tiền lên kiếm báu, lên máu lợn người ta nghĩ đến cái gì? Nghĩ đến công danh cho bản thân hay lợi lộc cho gia đình? Liệu có ai trong số họ nghĩ đến tội ác?
II. PHẦN LÀM VĂN (8.0 điểm)
Câu 1 (3 điểm)
Hãy viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Trách nhiệm là yếu tố cơ bản cần phải có để xây dựng và phát triển nhân cách của mỗi con người.
Câu 2 (5 điểm)
            Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, trong bài “Việt Bắc”, Tố Hữu đã viết:
"Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?"
(“Việt Bắc” - Tố Hữu)
Những dòng thơ trên gợi cho anh/chị liên tưởng đến lời tâm sự của tác giả nào trong một bài thơ mà anh/chị đã học ở chương trình Ngữ văn lớp 9, tập một? Anh/chị hãy chỉ rõ điểm đồng điệu giữa ý thơ của Tố Hữu và tâm sự của nhà thơ đó. Hãy phân tích niềm tâm sự sâu kín của tác giả trong bài thơ anh/chị đã tìm được.
----------Hết---------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ và tên thí sinh………………………………..Số báo danh……………………………………...

Chữ kí của cán bộ coi thi 1:……………………Chữ kí của cán bộ coi thi 2:……………………….

”Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”. (Euripides).

1. Giải thích khái niệm của đề bài (câu nói)
+ Giải thích câu nói:
“Tại sao chỉ có nơi gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương số phận ?”
    Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người và là gốc rễ của mọi điều tốt đẹp nhất cuộc sống. Gia đình không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành nhân cách của một đứa trẻ mà còn góp phần lớn tạo ra những thành công khi trưởng thành.
   Trong thế kỷ 21, trước những thử thách mới từ cuộc sống hiện đại, vai trò của gia đình cũng có nhiều thay đổi, khi những hình mẫu gia đình nhiều thế hệ dần ít đi thay vào đó là gia đình hạt nhân, rất đơn lẻ. Vì vậy, dịp lễ lễ Tết chính là cơ hội để bạn hướng con về nguồn cội và dạy con hiểu về tầm quan trọng của gia đình một cách sâu sắc nhất.
   = > Vì gia đình có giá trị bền vững và vô cùng to lớn không bất cứ thứ gì trên cõi đời này sánh được, cũng như không có bất cứ vật chất cũng như tinh thần nào thay thế nổi.
    Chính gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, chở che cho ta khôn lớn?
    Giáo dục gia đình là nhân tố quan trọng và có vai trò thiết thực trong tiến trình “thành nhân” của một con người; Đứa trẻ được sinh ra là kết quả tình yêu của cha mẹ, là hạnh phúc, tương lai của gia đình và của xã hội.
     Chính trong gia đình mà con người học được bài học đầu tiên là tình thương yêu nhau, được thể hiện qua tình yêu giữa các thành viên trong gia đình. Trong tình yêu đó, các thành viên sẵn sàng hy sinh cho nhau, thậm chí ngay cả tính mạng của mình: chẳng hạn sự hy sinh của cha mẹ suốt đời tận tụy vì con cái. Có những câu chuyện cảm động về sự hy sinh lớn lao của người mẹ nuôi con bằng chính những giọt máu của mình…
     Gia đình là môi trường lành mạnh quan trọng nhất trong việc dưỡng nuôi và đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
    Từ trước tới nay, gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu tố quyết định đối với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trẻ em là thành phần quan trọng cấu thành gia đình.
    Chăm sóc trẻ em được tiến hành trên cả 2 mặt: Vật chất và tinh thần. Gia đình với khả năng cao nhất của mình cung cấp cho trẻ em những điều kiện tốt nhất để phát triển về thể chất. Trong điều kiện hiện nay, kinh tế gia đình về cơ bản đã được nâng lên với mức ổn định khá giả vì vậy các bậc cha mẹ cần dành cho trẻ không chỉ về điều kiện vật chất mà cần chú trọng chăm sóc về mặt trí tuệ.
      Để tạo môi trường chăm sóc thuận lợi, cha mẹ cần tạo một bầu không khí yêu thương, đoàn kết, gắn bó quan tâm giữa các thành viên gia đình, cho dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng khi có trẻ em trong gia đình thì các thành viên phải cố gắng bỏ qua những mâu thuẫn, xích mích để cho trẻ em luôn luôn có cảm tưởng rằng ngôi nhà của mình chính là tổ ấm.
Từ môi trường gia đình, con người bước ra một môi trường rộng lớn và phức tạp hơn, đó là môi trường xã hội, và tất cả những gì con người hấp thụ trước đây trong gia đình sẽ hình thành nên lối sống và cung cách ứng xử trong các mối tương quan xã hội. Cho nên, đời sống gia đình yên ổn, lành mạnh và hạnh phúc thì xã hội sẽ trật tự, ổn định và bớt đi những tệ nạn xã hội.
– Suy ra vấn đề cần bàn bạc ở đây là:
     Vai trò, giá trị của gia đình đối với con người.
Giáo dục trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn và hình thành nên nhân cách con người. Trong quá trình giáo dục đó, nhân cách và đường hướng giáo dục của cha mẹ, bầu khí gia đình có một vai trò đặc biệt.
    Quan điểm giáo dục hiện nay coi gia đình là một trong ba môi trường giáo dục trẻ em. Tuy nhiên gia đình vẫn là trường học đầu tiên và suốt đời của mỗi con người. Đó là bởi vì gia đình có trách nhiệm, là tình cảm và cũng là quyền uy (ông bà, cha mẹ, anh, chị).
     Gia đình thực hiện chức năng giáo dục thông qua 3 giai đoạn phát triển của trẻ em: từ 1-3 tuổi, từ 3-6 tuổi và từ 6-18 tuổi.
    Cả ba giai đoạn trên, trẻ em được giáo dục, dậy dỗ của gia đình lớn lên chịu ảnh hưởng các chuẩn mực trong gia đình và dần dần tiếp cận các chuẩn mực ngoài xã hội.
    Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, mỗi thành viên trong gia đình tuỳ thuộc vị trí của mình ( ông, bà, cha, mẹ, anh, chị) phải trở thành những tấm gương sáng cho con trẻ học tập, làm theo.
   Thời gian cha mẹ đi làm, cũng là thời gian con đi học, cha mẹ về con lại đi học thêm kể cả ngày nghỉ… Bữa cơm tối nhiều khi không đủ các thành viên, thời gian dành cho việc trò chuyện, chia sẻ với con trẻ không phải lúc nào cũng đáp ứng kịp thời. Trong khi đó việc giáo dục con em giống như “mài sắt thành kim” cần thời gian, cần sự kiên trì, đầu tư công việc… Sự lơi lỏng, chủ quan tham công tiếc việc của một số cha mẹ đã dẫn đến những hậu quả thật đáng tiếc: trẻ em hư hỏng, lang thang bị cuốn vào vòng xoáy các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật..v..v.
    Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em! Đó là thông điệp chung mà nhân loại tiến bộ đã kỳ vọng, trông đợi và tin tưởng vào thế hệ tương lai. Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là trách nhiệm không chỉ của mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội. Để thế hệ trẻ hôm nay thực sự là những chủ nhân tương lai của đất nước, trách nhiệm đầu tiên là của mọi gia đình, gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con trẻ, là thành trì an toàn, phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và trẻ em.
2. Giải thích, chứng minh vấn đề:
Có thể triển khai các ý:
   + Mỗi con người sinh ra và lớn lên, trưởng thành đều có sự ảnh hưởng, giáo dục to lớn từ truyền thống gia đình (dẫn chứng: văn học, cuộc sống).
   + Gia đình là cái nôi hạnh phúc của con người từ bao thế hệ: đùm bọc, chở che, giúp con người vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
3. Khẳng đinh, bàn bạc mở rộng vấn đề:
   + Khẳng định câu nói đúng.
Bởi đã nhìn nhận thấy được vai trò, giá trị to lớn của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, là nền tảng để con người vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, câu nói chưa hoàn toàn chính xác.
Bởi trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không được sự chở che, đùm bọc, giáp dục, nâng đỡ của gia đình nhưng vẫn thành đạt, trở thành con người hữu ích của xã hội.
   + Câu nói trên đã đặt ra vấn đề cho mỗi con người, xã hội:

Bảo vệ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó cần: trong gia đình mọi người phải biết thương yêu, đùm bọc chở che nhau; phê phán những hành vi bạo lực gia đình, thói gia trưởng….

Suy nghĩ của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”

1. Mở bài:

– Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích và mục đích đúng đắn của việc học.
– Mỗi thời đại, con người có mục đích học tập không giống nhau. Tổ chức UNESCO đã đề xướng… nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.

2. Thân bài:

a. Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESCO:


– Học để biết:
+ Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống “trường đời”.
+ “Học để biết” là mục đích đầu tiên của việc học. “Biết” là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống…
+ Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc…
+ Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, “biết người”, “biết mình”, biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho “Đắc nhân tâm”…

– Học để làm:
+ “Học để làm” là mục đích tiếp theo của việc học. “Làm” là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học – “Học đi đôi với hành”.
+ Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hội.
+ Ví dụ: Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ… đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
+ Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.

– Học để chung sống:
+ Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. “Chung sống” là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử… để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc “biết”, “làm”.
+ Bởi lẽ, “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.

– Học để tự khẳng định mình:
+ Là mục đích sau cùng của việc học. “Tự khẳng định mình” là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống.
+ Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất…

b. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:
– Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện.
– Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học. Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu.
– Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình. Ví dụ: Học sinh không biết viết đơn xin nghỉ học đúng quy cách; kĩ sư giỏi, được đào tạo bài bản mà không chế tạo được những công cụ trong sản xuất nông nghiệp; có học vị, bằng cấp nhưng cách ứng xử thì vụng về, lối sống lại thiếu văn hóa…

c. Bài học về nhận thức và hành động của bản thân:
– Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy “làm người”…
– Mục đích học tập này giúp người học:
+ Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập.
+ Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế.
+ Học phải đi đôi với hành để khẳng định mình. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội.
3. Kết bài:
– Khẳng định vai trò của học tập: học để không bị ngu dốt, nghèo nàn và lạc hậu. Học để khẳng định sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại.

– Liên hệ bản thân: Đã xác định được mục đích đúng đắn cho việc học của mình chưa? Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?

Suy nghĩ về câu “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”

1. Mở bài:

– Trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện và học tập, phấn đấu, không phải ai cũng xác định một cách đúng đắn, rõ ràng những tiêu chí để đánh giá đúng giá trị bản thân.
– Giá trị của một con người được thể hiện, khẳng định qua suy nghĩ, nhận thức hay lời nói, hành động?
– Nhà triết học cổ đã có gợi ý: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Theo M. Xi-xê-rông, hành động mới chính là thước đo mọi phẩm chất của con người.
2. Thân bài:

a. Giải thích nội dung câu nói:

Đức hạnh là phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm hồn tốt đẹp của con người.
– Hành động: những việc làm cụ thể có ý thức, có mục đích.
– Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động: đạo đức, phẩm cách tốt đẹp của con người phải được thể hiện qua hành động, thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Đức hạnh sẽ soi đường, định hướng cho hành động. Và hành động phải là tấm gương phản ánh đức hạnh, luôn luôn song hành, gắn bó mật thiết với đức hạnh.

b. Phân tích, chứng minh tính đúng đắn của câu nói:

– Vì sao “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”?
+ Hành động sẽ thể hiện trực tiếp giá trị, bản chất của một con người.
+ Những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn, cao cả chỉ là biểu hiện bản chất, giá trị con người ở dạng tiềm ẩn, trừu tượng, khó nhận biết.
+ Lời nói tuy cũng biểu hiện trực tiếp bản chất một con người nhưng không có độ tin cậy cao: “Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm”.
+ Héc-béc (Anh) cũng khẳng định: “Câu trả lời ngắn nhất là hành động”.

– Đức hạnh là cội nguồn của hành động, là cơ sở chi phối hành động của một con người:

Một người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha sẽ luôn có những hành động ứng xử đẹp đẽ, cao thượng:

. Một đứa trẻ lễ độ, có học thức:
 sẽ dắt cụ già qua đường khi thấy cụ đi lại khó khăn.
. Một chàng trai hào hiệp, có nghĩa khí: ra tay cứu giúp người cô thế bị hà hiếp.
. Một người mẹ có tấm lòng nhân hậu: cưu mang một đứa trẻ lang thang cơ nhỡ dù nhà mẹ chẳng khá giả gì.
+ Ngược lại: mọi hành động tàn ác, đố kị, giẫm đạp lên tình người chắc chắn bắt nguồn từ những kẻ phi đạo lí, tâm hồn bị tha hóa.

– Hành động là biểu hiện cụ thể của đức hạnh:

+ Nhà thơ – chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu: 
Không mệt mỏi dùng văn chương để chiến đấu vì dân vì nước. Ông còn khẳng khái khước từ tên tỉnh trưởng người Pháp khi hắn định mua chuộc ông: “Đất chung còn mất thì đất riêng có nghĩa lí gì.” Đó là biểu hiện rõ nét nhất lòng yêu nước thương dân, bất hợp tác với giặc của cụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Suốt đời phấn đấu, hi sinh cho dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, trẻ em ai cũng được học hành… Bác sống giản dị, vị tha, nhân ái chan hòa với thiên nhiên và con người. Hành động của Bác thống nhất với quan niệm nhân sinh, đạo đức của Người, là minh chứng cho những lời Bác căn dặn, dạy bảo cán bộ, thanh thiếu niên.
+ Những năm tháng chiến tranh: lớp lớp thanh niên gác tình riêng, hi sinh hạnh phúc cá nhân để lên đường chiến đấu đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Đó là biểu hiện cụ thể của phẩm chất anh hùng, lòng yêu nước sâu sắc.
+ Trong cuộc sống hôm nay: biết bao người có hành động đẹp đẽ, cao thượng vì hạnh phúc của người khác. Tất cả là biểu hiện sinh động của những tấm lòng giàu đức hạnh.
c. Phê phán, bác bỏ:

– Lối sống đạo đức suông, đạo đức giả.
– Lối sống, hành động vị kỉ, sống vô bổ, đua đòi.
d. Bàn bạc, rút ra bài học:

– Với tuổi trẻ học đường: cần rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp. Cụ thể:
+ Xác định được lí tưởng, mục đích sống cao đẹp.
+ Tự giác, thường xuyên rèn luyện thể chất, chăm lo sức khỏe bản thân.
+ Xây dựng cho mình một lối sống đẹp: nhân ái, năng động, tự tin, có trách nhiệm với tương lai của chính mình và của đất nước.
+ Có ý chí, quyết tâm vượt khó, có lòng say mê, sáng tạo, các định được phương pháp học tập khoa học để tích lũy, làm giàu tri thức; biết vận dụng hiệu quả những tri thức, hiểu biết ấy vào cuộc sống…
– Bản thân mỗi người: cần có những hành động cụ thể:
+ Quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ những người thân.
+ Tham gia tích cực, tự nguyện các hoạt động xã hội, từ thiện.
+ Tránh xa, tích cực đấu tranh chống lại những tệ nạn xã hội có sức cám dỗ tuổi trẻ: nghiện hút, trộm cắp, đua xe…
+ Đoạn tuyệt với những thói quen xấu mà tuổi trẻ thường mắc phải: sống buông thả, đua đòi, lười biếng, cẩu thả, vô tâm, ích kỉ; những hành vi, lối ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng…
– Chính mình:
+ Đã xác định cho mình lí tưởng, mục đích sống đúng đắn chưa?
+ Có kiên trì theo đuổi lí tưởng, mục đích đó không?
+ Trong lối sống của mình, có gì cần phát huy, có gì cần khắc phục, thay đổi?
+ Cần từ bỏ những thói quen xấu nào?
3. Kết bài:

– Bài học có ý nghĩa nhất mà bản thân đúc kết được từ câu nói: Mỗi con người có cách tự bộc lộ, tự khẳng định mình khác nhau, song cách tự bộc lộ, tự khẳng định mình ngắn nhất, thuyết phục nhất là thông qua hành động và bằng hành động.

– Hành động cũng là thước đo tin cậy nhất để nhận biết, đánh giá bản chất, giá trị tốt đẹp của con người. Đó là một chân lí.

Tình thương là hạnh phúc của con người

Hoa trái của tĩnh lặng là cầu nguyện
Hoa trái của nguyện cầu là niềm tin
Hoa trái của niềm tin là hạnh phúc
Hoa trái của hạnh phúc là tình yêu thương.
      Vâng! Những dòng thơ trên những khúc hát ru nhẹ nhàng gieo vào lòng người bao cảm xúc. Có khi nào bạn đã băng qua đường quá vội vã? Có bao giờ bạn đã không kịp ngắm nhìn vẻ đẹp của một đóa hoa? Có món quà nào của cuộc sống mà bạn không nâng niu cất giữ? Đừng đợi đến ngày mai mới nhận ra cuộc sống đã yêu thương bạn biết nhường nào. Con người chúng ta không sống đơn độc. Chúng ta sinh ra để yêu thương lẫn nhau. Và tình yêu thương là hạnh phúc của con người.
      Tình yêu thương là gì, bạn biết không? Từ lúc mới sinh ra chúng ta đã được yêu thương rồi. Khi bạn còn nằm trong bụng mẹ, có phải bạn đã cảm nhận được bàn tay dịu dàng của mẹ vỗ về, nghe được những lời thủ thỉ ngọt ngào không? Đó chính là tình yêu thương! Rồi khi bạn cất tiếng khóc đầu tiên, có phải bạn đã thấy gương mặt sung sướng của bố, nghe được tiếng reo vui mừng của mọi người không? Đó chính là tình yêu thương! Rồi bạn trải qua thời thơ ấu trong vòng tay ấm áp, trong tiếng ru hời của mẹ, nghe được những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ của bà. Đó cũng chính là tình yêu thương! Khi bạn đi học, có phải bạn bè luôn ở bên cạnh chia sẻ buồn vui với bạn? Đó cũng chính là tình yêu thương!
     Những điều bình dị ấy khiến bạn luôn mỉm cười. Và tình yêu thương làm cho bạn được hạnh phúc. Yêu thương là món quà duy nhất làm giàu cho người nhận nhưng không làm nghèo đi người đã sẻ chia nó. Trong đêm tối tăm đến mức bạn không thể thoát ra được, hãy tin rằng yêu thương là ánh sáng tràn về soi rọi khắp nơi, cho bạn thấy được cánh cửa của hạnh phúc. Trong lúc bạn đớn đau nhất vì đánh mất những thứ vô cùng quan trọng, hãy tin rằng yêu thương là liều thuốc hữu hiệu nhất để xoa dịu vết thương. Trong lúc bạn vấp ngã trong cuộc sống hãy tin rằng yêu thương là cái nắm tay đỡ bạn dậy và dìu bạn đi tiếp trong cuộc đời. Khi bạn cảm thấy cô đơn chán chường hãy tin rằng yêu thương là khúc nhạc dịu êm xua tan đi đêm trống vắng. Hãy cứ tin rằng yêu thương là chìa khóa mang đến hạnh phúc cho bạn. Hạnh phúc là khi bạn nghe tiếng chim hót mỗi sớm. Hạnh phúc là được ở bên cạnh những người mà bạn yêu thương. Hạnh phúc là được tự do, được làm những gì có ích cho đời. Hạnh phúc có đôi khi chỉ là cái siết tay, là ánh mắt nhìn nhau lưu luyến, là cái ôm thật chặt khi sắp chia xa. Hạnh phúc là những điều rất bình dị, rất nhỏ nhoi, nhưng tất cả đều bắt đầu từ tình thương yêu to lớn. Thật hạnh phúc khi người ta biết cho đi tình yêu thương mà không cần nhớ đến, biết nhận và không hề quên. Tình thương yêu chỉ đẹp, chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng ta biết cho đi chứ không phải cố gắng níu giữ lại thật chặt. Bởi khi níu giữ lại tình yêu thương là chúng ta vô tình níu giữ lại hạnh phúc đã qua, mà hạnh phúc miễn cưỡng có bao giờ vui, có bao giờ ý nghĩa? Hãy cứ để mọi thứ trôi qua, cho dù theo thời gian, mọi thứ rồi sẽ tàn phai nhưng tình yêu thương vẫn luôn còn đó, và hạnh phúc mới luôn được sinh ra.
      Vì sao chúng ta phải yêu thương lẫn nhau? Vì chúng ta là con người, và vì Thượng Đế luôn rất công bằng. Người có thể ban cho ai đó giọng hát ngọt ngào như chim sơn ca, nhưng cũng có quyền lấy đi của họ ánh sáng của đôi mắt. Người có thể ban cho người nghệ sĩ đôi tay lả lướt trên những phím đàn, nhưng cũng có quyền tước đi khả năng nghe được âm thanh của sự sống. Người có thể ban cho bạn tài năng xuất chúng nhưng cũng có quyền đẩy bạn vào bể khổ của cuộc đời. Người không ban tặng cho ai sự hoàn hảo. Bởi thế, con người chúng ta ai cũng có khiếm khuyết, ai cũng có khó khăn, ai cũng cần một bờ vai để tựa khi mệt mỏi, ai cũng cần một lời động viên chân thành. Và ai cũng cần có tình yêu thương để chia sẻ. Để đêm sẽ qua và ngày mới lại đến, để ánh sao kia vẫn chiếu sáng cho bầu trời đêm, để thời gian vẫn cứ trôi, để con người vẫn cảm nhận được hạnh phúc.
Đừng bao giờ nói không còn yêu thương khi bạn vẫn còn bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của cuộc sống. Đừng bao giờ nói không còn yêu thương khi bạn vẫn còn cảm thấy hạnh phúc bên cạnh người thân. Đừng bao giờ nói không còn yêu thương khi ánh mắt của ai đó vẫn có thể níu giữ được bạn. Đừng bao giờ nói không còn yêu thương khi bạn vẫn cảm nhận được trái tim mình muốn đem lại hạnh phúc cho ai đó. Hãy cứ yêu thương chân thành dù biết có thể không được đáp lại, vì biết đâu bạn sẽ tìm được hạnh phúc cho riêng mình trong chính hành động ấy? Bởi yêu thương là món quà mà Thượng Đế chia đều cho mỗi người, ai cũng tình yêu thương, ai cũng có quyền được hạnh phúc.
      Có người hỏi tôi: “Phải yêu thương thế nào?”. Cuộc sống bây giờ quá vội vã, ai ai cũng nghĩ chỉ có tiền bạc, quyền lực, danh vọng mới có thể đem lại hạnh phúc cho mình và người xung quanh. Như vậy quả thực là sai lầm. Bởi những thứ đó chỉ có thể đem lại hạnh phúc về vật chất, chứ không giúp gì cho tinh thần. Hãy cứ trải lòng mình ra với cuộc sống và cứ yêu thương. Hãy đi chậm lại để cảm nhận được vẻ đẹp của giọt sương mai buổi sớm. Hãy ngừng bước để lắng nghe tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Hãy dắt tay một bà lão qua đường. Hãy ôm chặt mẹ và nói: “Con yêu mẹ!” mỗi ngày. Yêu cuộc sống, yêu những sự vật xung quanh, yêu người thân bè bạn cũng chính là yêu thương bản thân mình, cũng chính là cho mình một cơ hội để khám phá nét đẹp của cuộc sống, cho mình một cơ hội để biết thế nào là hạnh phúc.

      Nguyện cho bạn đủ sự thanh thản để yêu thương. Nguyện cho bạn có đủ sự can đảm để yêu thương cả những người gây đau khổ cho bạn. Nguyện cho bạn có đủ sự thông thái để hiểu rằng yêu thương là sức mạnh của niềm tin, là cánh cửa dẫn đến hạnh phúc. Khi bạn tìm thấy niềm vui của mình trong hạnh phúc của người khác nghĩa là bạn đã biết yêu thương. Hãy cứ yêu thương đi, và bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Không bao giờ là quá trễ để nói lời yêu thương, để mang lại hạnh phúc cho mình và cho người khác.