Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Bài viết số 2: “Thời gian qua, hiện tượng những “giang hồ" mạng như Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền… bỗng nổi như cồn nhờ sự tung hô trên mạng xã hội, đã dấy lên những mối lo ngại về sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của giới trẻ.”


Đề bài:
Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận về hiện tượng sau:
“Thời gian qua, hiện tượng những “giang hồ" mạng như Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền… bỗng nổi như cồn nhờ sự tung hô trên mạng xã hội, đã dấy lên những mối lo ngại về sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của giới trẻ.”
(“Thần tượng”lệch lạc - Hồi chuông báo động trong giới trẻ; Hoàng Lân; http://hanoimoi.com.vn; ngày 5/4/2019)
Gợi ý
Mở bài: Giới thiệu hiện tượng những “giang hồ" mạng như Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền… và mối lo ngại ngại về sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của giới trẻ.
Thân bài:
-          Tóm tắt hiện tượng:
+ Khá “Bảnh”: Tên thật là Ngô Bá Khá (sinh năm 1993). Từng đi tù về tội Cố ý gây thương tích. Sau khi ra tù (2017), anh sử dụng YouTube bằng tài khoản “Khá Bảnh” với gần 2 triệu người theo dõi. Khá Bảnh dừng ôtô trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng rồi cùng 7 thanh niên khác đứng giữa đường chụp ảnh đăng lên mạng, thường xuyên livestream chia sẻ nhiều điều thú vị về chính bản thân mình, những clip nhảy múa, lắc lơ trong bar,… đặc trựng là điệu nhảy Vinahouse đang gây sốt trong giới trẻ,…thu hút hàng triệu lượt xem.
+ Dương Minh Tuyền hay còn được gọi là “Thánh chửi” (SN 1986) cũng được xem như hiện tượng mạng khi sở hữu kênh Youtube với trên 500 nghìn lượt theo dõi. Tuyền nổi tiếng và được chú ý nhờ những video chửi tục, gây sốc. Trong các video, Tuyền thường xuất hiện với hình ảnh một gã giang hồ, xăm trổ. Những video giải quyết, thách đố đánh nhau đều được Tuyền ghi lại và tung lên mạng. Năm 2016, đối tượng này từng bị Công an TP Bắc Ninh bắt giữ và khởi tố vì hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. 
+ Ngoài Khá Bảnh và Dương Minh Tuyền, hàng loạt kênh youtube được xây dựng theo mô típ “xã hội đen” với lối sống phản cảm tương tự như: D. Trọc H.Đ (64 nhìn lượt theo dõi), H. hoa hồng (31 nghìn lượt theo dõi), Ng. Trọc Official (147.000 subscribe)… cũng được xem là các hiện tượng mạng, thu hút sự chú ý của cộng đồng.
-          Phân tích:
+ Thực trạng: Nhân vật có tiền án, tiền sự, từng vào tù ra tội nhưng khi khoe những “chiến tích” bất hảo trên mạng xã hội không những không bị tẩy chay, lên án mà lại tạo được sức hút rất lớn của cộng đồng mạng và sự hùa theo cổ vũ của đám đông học sinh, sinh viên. Đỉnh điểm của sự lệch lạc thần tượng này là những “giang hồ mạng” xuất hiện, rất đông học sinh, trẻ em ra đường bu lại, hú hét, la làng la xóm, chụp hình rồi ôm hôn đụng chạm các kiểu và sẵn sàng share, like, comment bất cứ thứ gì thấy trên trang của giang hồ mạng, ... Đây cũng là điều khiến nhiều bậc cha mẹ thấy sốc và bừng tỉnh nhận ra giới trẻ, con em mình đang hâm mộ những thần tượng xấu.
+ Nguyên nhân:
++ Nguyên nhân khiến giới trẻ bị lệch lạc trong hâm mộ thần tượng là xuất phát từ cuộc sống hiện đại, nhiều phụ huynh bận rộn với công việc, mưu sinh mà phó mặc con cái cho nhà trường, xã hội. Để con không quấy phá, ngoan ngoãn nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng mạnh tay sắm các trang thiết bị hiện đại và phó mặc con mình cho thế giới ảo. Cũng vì tiếp xúc với thế giới ảo không có định hướng mà các bạn trẻ ngày nay mới có nhiều thần tượng lệch lạc trên mạng như Khá “bảnh”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền…
++ Một phần là do truyền thông mạng xã hội tung hô trước khiến các em lầm tưởng đó là thần tượng tốt và học làm theo. Điều này rất nguy hiểm bởi các em đa số đều đang trong độ tuổi phát triển về tâm sinh lý, hình thành nhân cách… nếu không được định hướng tốt sẽ làm hại cả một thế hệ con trẻ .
+ Hậu quả: Khi giới trẻ bị ảnh hưởng bởi một thần tượng xấu trên mạng sẽ khiến nhiều giá trị cuộc sống của người đó bị đảo lộn, những điều tốt đẹp trở cũng nên lu mờ trước mắt họ. Khi đó hành vi xấu, thói giang hồ, côn đồ cũng được tung hô, đón nhận và có chỗ để phát triển trong tâm trí của các bạn trẻ. Điều này rất nguy hiểm trong việc hình thành, hoàn thiện nhân cách trong lứa tuổi thành thiếu niên, nhi đồng.
-          Bình luận:
+ Phê phán: Cần phê phán những trang mang không kiểm soát những video phản cảm của những “giang hồ" mạng như Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền… Cũng cần phê phán sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của giới trẻ.
+ Hướng khắc phục:
            ++ Để định hướng đâu là cái tốt, cái xấu trong xã hội, chính cha mẹ cũng phải làm gương và luôn đồng hành, chia sẻ cùng các con trong học tập cũng như cuộc sống. Nghĩa là luôn lắng nghe, chia sẻ với con mọi lúc mọi nơi, thậm chí phải hóa thân mình vào lứa tuổi của con, làm bạn với con để cảm nhận những gì chúng đang nghĩ. Một khi phụ huynh làm bạn được với con thì mới tìm được cách bảo vệ con trước những thông tin xấu và giúp con có nền tảng vững vàng hơn khi bước vào cuộc sống hiện đại.
            ++ Để ngăn chặn những thần tượng xấu, trước tiên truyền thông cần giáo dục lý tưởng sống lành mạnh, đạo đức, hướng các em về những tấm gương người tốt, việc tốt. Có lẽ do truyền thông đăng tin ồ ạt, mạng xã hội cũng rầm rộ khiến các em cảm thấy "ngộp", bão hòa thông tin, "choáng" và thiếu định hướng. Vì vậy, vấn đề giáo dục các em cần cả xã hội phải vào cuộc. Đối với truyền thông, cần có sự lan tỏa tốt, cần định hướng cho các em.
++ Việc quản lý mạng xã hội cũng rất bức thiết trong thời đại hiện nay. Mạng xã hội đúng là thành tựu khoa học của xã hội nhưng chúng ta cần có những giải pháp tiết chế những mặt trái của nó.
++ Chính các bạn trẻ cũng phải sáng suốt chọn những thông tin, những video nhân văn, tử tế để trang bị kĩ năng sống, bồi dững tâm hồn trong sáng, cao đẹp hơn,…để trở thành người có ích cho xã hội.
+ Bài học:
++ Qua các sự việc được nêu ở trên, em thấy được hai mặt về việc hâm mộ thần tượng ở thanh thiếu niên: sống có thần tượng cũng là một nét văn hóa. Nhưng vấn đề là nét văn hóa ấy cần được người hâm mộ thể hiện, kiểm soát và điều chỉnh một cách phù hợp để giúp bản thân vươn lên, tiến bộ không ngừng.
++ Thần tượng phải góp phần làm cho người hâm mộ ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, sống tốt đẹp và sống có ý nghĩa hơn. Vì vậy, em sẽ học hỏi điều tốt đẹp từ thần tượng chứ không phải sùng bái một cách điên cuồng rồi đua đòi, bắt chước theo những thói hư tật xấu mà bỏ bê học hành có khi dẫn đến bệnh hoang tưởng.
++ Từ những hành động của thanh thiếu niên dành cho thần tượng của mình một cách thái quá, em rút được kinh nghiệm: chọn cho mình một thần tượng phù hợp để học ở đó thái độ cầu tiến, đề ra cho mình hướng đi, lối sống đúng đắn… Chứ không phải bắt chước thái quá gây phản cảm cho người khác và có khi làm hại đến bản thân mình.
Kết bài: Hiện tượng thần tượng trong giới trẻ là bình thường. Hãy thần tượng những người tốt, có nghĩa cử cao đẹp để từ đó chúng ta có định hướng sống tốt hơn. Đó chính là văn hóa thần tượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét