Hiển thị các bài đăng có nhãn 💖Bài mẫu (CT 2018). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn 💖Bài mẫu (CT 2018). Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

BÀI VĂN ĐẠT GIẢI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA 2023

 

BÀI VĂN ĐẠT GIẢI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA 2023

 

Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)

Người xưa có câu "Hữu xạ tự nhiên hương". Quan điểm trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay?

Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)

Có ý kiến cho rằng: "Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình".

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Bài làm

Câu 1:

“Này bông hoa hồng

Giá trị của mày chỉ là khoảnh khắc

Ai biết mày khi đang kết nụ

Ai biết mày khi mày úa tàn

Ôi hoa hồng, hoa hồng

Phút giây này thật tuyệt vời”

(“Mưa Nhã Nam” - Nguyễn Huy Thiệp)

“Phút giây này” chính là thời khắc bông hoa nở ra với toàn bộ sắc hương, là thời khắc một con người tỏa sáng với toàn bộ giá trị sống, tất cả chỉ là một khoảnh khắc, một cơ hội, trong một cuộc đời hữu hạn. Nhận thức được điều ấy, con người khao khát được đem toàn bộ giá trị của mình đến với cuộc đời, khao khát tài năng và phẩm chất của mình được sống trong sự trân trọng của người khác. Người xưa đã có thể yên tâm rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương”, thế nhưng cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn bị thúc giục bởi nhu cầu tìm cách chứng tỏ giá trị sống của mình với cuộc đời…

Người xưa đã sống với niềm tin chắc chắn rằng tài năng lớn lao và cốt cách phi thường tất yếu sẽ được nâng niu và trân trọng, sẽ tìm thấy cơ hội để tỏa sáng trong cuộc đời với toàn bộ giá trị: “Hữu xạ tự nhiên hương” - tài năng ấy, cốt cách ấy, “hương thơm” ấy tất yếu sẽ tỏa ngát trong cuộc đời, sẽ tìm thấy cơ hội để phát huy mọi giá trị, tô điểm cho cuộc đời và “sống” trong sự trân trọng của người. Điều ấy đến một cách “tự nhiên” - tự thân, không cần sự tác động từ bên ngoài, không cần bất kì một yếu tố nào khác ngoài những năng lực, phẩm chất, giá trị, “hương thơm” sẵn có. Thế nhưng, con người hiện đại lại sống trong một nhận thức khác: chúng ta có nhu cầu “xây dựng hình ảnh bản thân” - chúng ta cảm thấy cần phải làm cho người khác biết đến phẩm chất, năng lực, giá trị của mình, cần tạo điều kiện thuận lợi để giá trị của bản thân được chú trọng bởi người khác. Người xưa tin rằng năng lực và phẩm chất thực sự sẽ gặp được cơ hội để tỏa sáng. Con người thời nay lại cảm thấy cần phải tự tạo cơ hội cho sự tỏa sáng ấy, phải làm cho năng lực và phẩm chất của mình được người khác biết đến.

Tài năng to lớn khó lòng bị xã hội bỏ qua. Trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong những thời kì hòa bình, ổn định, trong những xã hội đang trên bước đường tiến tới văn minh, tài năng ấy, phẩm chất ấy luôn có cơ hội để được tỏa sáng và nâng niu, trân trọng. Các triều đại trong lịch sử đều khẳng định coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, các chính phủ, thậm chí cả các tổ chức và doanh nghiệp cũng thường đề ra hàng loạt chính sách “đãi ngộ nhân tài”. Trong những môi trường như vậy, tài năng và phẩm chất đáng trọng dễ dàng tìm thấy cơ hội để nảy nở, để phát huy trọn vẹn mọi giá trị của mình. Tại nước Ý thời Phục hưng, dưới sự ưu đãi của các nhà bảo trợ giàu có và quyền lực, Michelangelo và Da Vinci vươn lên thành những đỉnh cao. Tại kinh thành Vienna của văn chương và âm nhạc, tài năng của Mozart và Beethoven được tỏa sáng rực rỡ. Ngay cả trong những thời kì kém thuận lợi hơn, tài năng vẫn có cơ hội để được đánh thức, vươn lên và tỏa sáng giữa bóng tối, như một sức mạnh để cải tạo hoàn cảnh. Chính trong sự cai trị tàn bạo của Taliban, Malala Yousafzai vươn lên trở thành tiếng nói đại diện cho hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái không được đi học tại quê hương cô, một tiếng nói với khát khao thay đổi cả thế giới… Chỉ cần năng lực và phẩm chất còn trong con người như một thứ hương thơm, nó sẽ tìm thấy cơ hội, sẽ được đánh thức để tỏa lan trong cuộc đời…

Nhưng tài năng cũng có thể sẽ ngủ say, và cái Đẹp cũng sẽ bị tổn hại nếu bị lãng quên như cỏ mọc hoang, không được ai biết tới, không được trân trọng và đánh giá đúng mức. Sự sống hữu hạn khiến cho con người không thể chờ hàng nghìn thế kỉ trong bóng tối đến ngày mình được người khác “phát hiện” ra. Hoàn cảnh ấy làm nảy sinh ở con người nhu cầu xây dựng hình ảnh cho bản thân mình, tạo ra cơ hội, tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự tỏa sáng của chính mình. Xã hội hiện đại làm con người ta sống trong những cuộc cạnh tranh dữ dội giữa các giá trị để tranh giành vị trí trong cuộc đời. Đó là xã hội của những người tiêu dùng, là nơi các doanh nghiệp phải tìm mọi cách chứng tỏ giá trị sản phẩm của mình. Có một tác giả đã nói thẳng thừng: chúng ta là các “nhãn hàng”, cần tìm cách “quảng bá” mình, phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất để giá trị của bản thân được đón nhận, phải tự tạo ra cơ hội, như cách Picasso bỏ tiền thuê sinh viên đến từng hiệu tranh để hỏi: “Ở đây có bán tranh của Picasso không ?”

Nhưng tất cả những việc làm ấy đều là chính đáng, khi chúng ta có trong mình những năng lực đang ngủ yên. Tài năng ấy, phẩm chất ấy xứng đáng nhận được cơ hội, xứng đáng được nâng niu và trân trọng, cần những điều kiện thuận lợi để phát triển đến tận cùng, tận độ. Cần phải nhắc lại rằng: Michelangelo và Da Vinci, Mozart và Beethoven đều gặp những điều kiện thuận lợi để thiên tài bẩm sinh trong họ được khai phá, được bồi dưỡng và nảy nở. Xây dựng hình ảnh cho bản thân là cách để mỗi cá nhân tự tạo cho mình những điều kiện thuận lợi như vậy, tự mở cho mình một con đường đi tới ánh sáng. Tại thị trấn nọ, có một người đàn ông sống bằng nghề chơi piano trong quán rượu. Cuộc sống của anh ta đã có thể cứ tiếp diễn đều đặn như vậy nếu một ngày nọ một ông khách quên không đòi được nghe anh hát. Anh nhạc công piano ban đầu từ chối, anh vẫn luôn tin rằng mình không biết hát. Nhưng sự bướng bỉnh của ông khách kia đã khiến anh phải miễn cưỡng hát một bài. Và sau bài hát ấy, cuộc đời anh thay đổi hoàn toàn. Anh là Nat King Cole - một ca sĩ đã bán được hàng triệu đĩa hát và được cả tổng thống Mĩ mời đến biểu diễn. Tài năng vĩ đại ấy suýt chút nữa không bao giờ được biết đến nếu không nhờ một chút may mắn. Bằng khả năng xây dựng hình ảnh cho bản thân, chúng ta có khả năng tự tạo cho mình vận may ấy, với một chút tự tin để phô bày năng lực của mình với người khác, với một chút chủ động, để ta tự xem xét lại mình và biết được đâu là những tiềm năng đang ngủ quên…

Nhưng tất cả những hình ảnh tốt đẹp ta tự tạo dựng cho mình đều có thể trở thành vô nghĩa và nực cười nếu chúng không đi kèm với một giá trị tương xứng. Khi ấy những lời lẽ to lớn nhất sẽ biến thành sự dối trá đến nực cười, nếu như không là biểu biện của sự ảo tưởng về giá trị thực tế của bản thân. Khi ấy, chúng ta không những làm cho mình trở nên tồi tệ, mà còn làm tổn thương lòng tin nơi người khác. Khi đại dịch qua đi và những tấm màn che giấu sự thật bị vạch ra, chúng ta đã thấy sự thật xấu xí đằng sau những hình ảnh đẹp đẽ được gán cho những chuyến bay “giải cứu” đồng bào, những kit xét nghiệm… Và mọi hình ảnh đẹp đẽ đều trở thành vô nghĩa…

Người xưa chấp nhận một đời sống chịu sự cương tỏa của “thiên mệnh”, chấp nhận sống trong những chức phận đã được xã hội định sẵn. Điều này đem lại một sự yên tâm rằng tài năng đã được sắp đặt sẵn cơ hội để tỏa sáng, để Lí Bạch để có thể phóng túng: “Trời sinh ra ta có tài ắt sẽ được trọng dụng/Ngàn vàng tiêu hết rồi sẽ có trở lại” (“Tương tiến tửu”). Ngay cả khi tài năng và phẩm chất không có cơ hội được bộc lộ, con người cũng đành ngậm ngùi chấp nhận mệnh trời: “Thời lai đồ điếu thành công dị/Vận khứ anh hùng ẩm hận đa” (Đặng Dung). Nhưng thế giới của chúng ta ngày hôm nay vẫn đang biến đổi, chuyển dịch từng giây phút một, chúng ta chưa biết hết cuộc đời sẽ đưa mình tới những phương trời nào. Điều đó khiến chúng ta mất đi sự yên tâm của người xưa, nhưng có được vị thế chủ động nắm giữ cuộc đời mình, có sự tự tin để tiến về phía trước, kiến tạo giá trị mà bản thân mong muốn, tự nắm bắt cơ hội cho sự tỏa sáng của chính mình.

Có những đóa hoa vẫn âm thầm luyện sắc ủ hương trong bóng tối, chúng nở trong thầm lặng, vẻ đẹp ấy không ai biết đến, nhưng có ngày sẽ lộ diện để chinh phục trái tim tất cả. Van Gogh vẫn miệt mài vẽ khi tất cả mọi người vẫn chỉ thấy ở ông một kẻ điên rồ bất tài, để ngày hôm nay, chúng ta đã trả lại cho ông vị trí của thiên tài mà ông xứng đáng. Trước khi xây dựng hình ảnh của mình trong thế giới, những tài năng lớn có thể đã chờ đợi rất lâu trong bóng tối. “Chờ” ở đây không có nghĩa là không làm gì cả, “chờ đợi” là cho bản thân đủ thời gian và cơ hội để trưởng thành, để bồi đắp tài năng và cốt cách, chờ ngày bừng nở trong cuộc đời. Đó không chỉ là hành trình của trí tuệ và hiểu biết, mà còn là hành trình của bản lĩnh và can đảm, can đảm để vươn tới ánh sáng từ trong bóng tối…

Nhờ đó, mặc cho những biến đổi của thế giới, chúng ta, thầm lặng nhưng bền bỉ, vẫn luôn tiến về phía trước, trong sự sống của ta có những giá trị vẫn đang chờ được tỏa sáng…

Câu 2:

Marcel Proust tuyên bố: Mỗi lần một nghệ sĩ lớn xuất hiện sẽ là một lần thế giới được tạo lập lại. Dường như sáng tạo nghệ thuật đã đem cho nhà văn quyền năng của một Đấng sáng tạo - quyền năng để tạo ra một thế giới của riêng mình. Nhưng với vị thế của một “Đấng sáng tạo” như vậy, liệu người nghệ sĩ có tham vọng tự tách mình khỏi loài người ? Hay thực chất, thế giới riêng ấy đến cuối cùng vẫn sẽ quay trở lại với cuộc đời: “Viết văn, cũng chừng ấy kí tự, từng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình”.

Nhà văn - đó là người nghệ sĩ trong lĩnh vực văn chương. Công việc và phương thức lao động của người nghệ sĩ ấy chính là “sáng tạo” - khai sinh, đem lại một điều gì mới mẻ, nó không trùng lặp với những gì đã có, nó mang đậm dấu ấn cá nhân của người đã tạo nên nó. Năng lực sáng tạo trong nghệ thuật giúp cho nhà văn tạo ra cả một “thế giới của riêng mình” - một thế giới nghệ thuật mới không còn trùng khít với hiện thực và cũng không trùng khít với những thế giới nghệ thuật khác. Và mỗi nhà văn đều có khả năng tạo ra một thế giới riêng như vậy, chỉ từ “chừng ấy kí tự, từng ấy con chữ” - từ những vật liệu có giới hạn - điều đó cho thấy năng lực sáng tạo ở mỗi nhà văn là vô cùng to lớn, đến mức ngay cả khi chỉ sáng tạo từ những chất liệu mà ai cũng sử dụng, chỉ xuất phát từ hiện thực quanh mình, một nhà văn tài năng vẫn đủ sức tạo ra cho mình cả một thế giới riêng. Nhưng thế giới riêng ấy không phải chỉ ra đời cho riêng nhà văn - nó không phải là thế giới chỉ dành riêng cho nhà văn, không phải chỉ có ý nghĩa với một mình nhà văn, mà còn có thể có giá trị cho cả cuộc đời, cho tất cả mọi người, cho toàn nhân loại. Bằng khả năng sáng tạo, nhà văn xây dựng nên cho mình cả một thế giới riêng. Một thế giới của riêng nhà văn, nhưng tuyệt nhiên không làm cho nhà văn xa rời loài người…

Quyền năng sáng tạo của nhà văn là vô cùng to lớn. Ngay cả khi chỉ viết với “từng ấy kí tự, từng ấy con chữ”, “từng ấy” hiện thực, “từng ấy” đề tài, mỗi nhà văn tài năng vẫn đủ sức tạo ra cho mình cả một thế giới riêng không trùng lặp. Cá tính sáng tạo đòi được nói tiếng nói riêng của nó, biểu đạt cách cảm, cách nhìn, cách nghĩ riêng của nó - tiếng nói riêng, cái nhìn riêng ấy làm biến đổi hoàn toàn hiện thực theo mong muốn riêng của nhà văn. Vì vậy, ngay cả khi chỉ viết về cùng một hiện thực, khai thác một đề tài, mỗi cá tính lớn vẫn có khả năng tạo ra một thế giới của riêng mình, nói tiếng nói của mình, bộc lộ xúc cảm và cách nhìn của mình. Vầng trăng có của riêng ai, cả trong thơ lẫn trong đời, thế nhưng vầng trăng “nằm sóng soãi trên cành liễu đợi gió đông về để lả lơi” đã trở thành của riêng Hàn Mặc Tử. Thi sĩ còn chẳng ngần ngại khẳng định “chủ quyền” cá nhân đối với vầng trăng: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Buổi chiều trong thơ đã được mặc định quy ước là thời gian của nỗi buồn, nỗi nhớ, của những tâm tình. Nhưng tâm tình của cô gái đi lấy chồng xa trong buổi chiều “trông về quê mẹ” của ca dao nào giống nỗi nhớ quê của Thôi Hiệu nơi lầu Hoàng Hạc. Buổi chiều “dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương” êm ả, tươi vui của Nguyễn Trãi khác hẳn buổi chiều “chim hôm thoi thót về rừng” đầy bồn chồn, bất an của Nguyễn Du. Buổi “chiều mộng” “hòa thơ trên nhánh duyên” đầm ấm, tình tứ của Xuân Diệu không giống buổi chiều “nắng chia nửa bãi” lạnh lẽo, cô quạnh của Huy Cận. Buổi “chiều u Lâu” náo động kí ức, chập chờn dư vang, dư ảnh “bóng chữ” của Lê Đạt không giống “buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường” khủng hoảng, đổ vỡ của Thanh Tâm Tuyền. Hiện thực trong đó ta đang sống, thế giới thực mà ta đã quá quen thuộc không ngừng được tái sinh để trở thành những thế giới mới riêng biệt, nhờ năng lực của những cái Tôi nghệ sĩ độc đáo. Trong thế giới riêng ấy, nhà văn làm mới chính hiện thực bình thường, đôi khi nhàm chán, tưởng như không còn có thể khiến ta bất ngờ, không còn có thể đem lại một cảm xúc mới lạ nào nữa. Sông Đà có gì lạ lẫm nếu chúng ta chỉ coi nó như một đối tượng địa lí? Với cái nhìn ấy, tất cả những tri thức khách quan về con sông: Lưu lượng, dòng chảy, tiềm năng phát triển thủy điện… sẽ được đem ra ánh sáng, và không còn gì là bí ẩn với con người. Thế nhưng Nguyễn Tuân đã tạo ra một con sông Đà của riêng mình, một con sông Đà người ta chưa từng thấy, nó là một vật sống, nó vừa là loài thủy quái - kẻ thù số một của con người lại vừa là cố nhân ăn đời ở kiếp với con người - nó có một tính cách phức tạp, một tâm hồn có chiều sâu bí ẩn chưa một chuyên gia địa chất nào phát hiện. Chính vì thế nó mời gọi sự tái khám phá của chúng ta. Vì thế nó còn đủ sức khơi gợi trong ta niềm hứng thú và say mê ngay cả với những sự vật quen thuộc nhất trong cuộc đời. Mùa thu đã nuôi thi hứng cho muôn đời thi sĩ, nói về mùa thu, chúng ta có cả một hệ thống các hình ảnh ước lệ nhiều khi đã thành cũ mòn. Thế nhưng mùa thu đi vào trong thơ Lê Đạt và ngay lập tức nó trở thành của riêng Lê Đạt : “thu nhà em”. Đó là cả một thế giới mới. “Nắng” và “cúc” có gì lạ lẫm, nhưng “nắng cúc lăm răm vũng nhỏ” thì đích thực là một ấn tượng chưa từng có. Trong cùng một câu thơ, ta thấy nắng thu vàng như hoa cúc, thấy những đốm nắng lăm răm xuyên qua kẽ lá như những chiếc cúc nhỏ đơm trên mặt nước, thấy cả đôi mắt “lá răm” vũng nhỏ trong veo lóng lánh như nắng chiếu vào. Heo may trở thành “nông nỗi heo may”, hương cốm mùa thu đi vào “đồi cốm đường thon ngõ cỏ”, và mùa thu “rất em”. Trong chính những thế giới mới mà nghệ thuật đem lại, những trải nghiệm của chúng ta được làm mới, ta thoát khỏi đời thường chật hẹp để sống trong những cảm xúc đã ngủ quên từ lâu trong một hiện thực đôi khi quá cũ mòn, tẻ nhạt.

Nhưng liệu thế giới nghệ thuật có phải một “tháp ngà” đóng khép với cuộc đời đang diễn ra trên mặt đất này? Liệu nhà văn có thể rút lui vào cõi riêng ấy để chẳng còn biết đến nỗi khổ đau của con người?

Trong khi sáng tạo thế giới riêng của mình, một nhà văn có tài năng và nhân cách tìm đường quay trở về với cuộc đời thực, với số phận và nỗi đau của loài người. Nhà văn có thể viết chỉ vì nhu cầu cá nhân, nhưng một tác phẩm vĩ đại không bao giờ chỉ có ý nghĩa với riêng người tạo ra nó. Nhà văn không viết cho mình, thậm chí cũng không viết chỉ cho con người thời đại mình, mà viết cho con người ở mọi thời đại, mọi thế hệ, xuyên qua mọi cách biệt văn hóa, sắc tộc, tín ngưỡng, đẳng cấp. Trong thế giới của tác phẩm, có thể có những thực trạng vẫn đi theo cuộc đời chúng ta hôm nay, những sự thật vẫn còn ý nghĩa với con người ngày hôm nay. Đó là sức mạnh của tư tưởng lớn, tầm nhìn rộng, cái nhìn sâu sắc bao trùm cả thế giới, để làm cho thế giới ấy tái sinh trong nghệ thuật - thế giới của loài người, không phải của riêng nhà văn. Khi ấy, tác phẩm có khả năng sống lâu hơn người khai sinh ra nó. Khi Engels nói: tiểu thuyết Balzac cho ông hiểu về thời đại Balzac rõ hơn mọi tài liệu chính trị - xã hội học đương thời, điều đó có nghĩa Balzac đã “sống” lâu hơn cả thời đại mình, để cảnh báo chúng ta về nguy cơ tha hóa vẫn còn ở lại với con người ngày hôm nay. Khi Chế Lan Viên nói “Không có Du thế kỉ này đành tay không”, điều đó chứng tỏ Nguyễn Du đã làm cho thời đại mình cùng “sống” lại vói thời đại của chúng ta ngày hôm nay. Kiều sống lâu hơn cả xã hội phong kiến, sống lâu hơn cả những chuẩn mực “trung” “hiếu”, “tiết”, “trinh”, “lễ”, “nghĩa” mà người ta từng dùng để đánh giá nàng. Vì trước khi Kiều là người “tài sắc” hay “hiếu nghĩa”, nàng đã là một con người. Nàng mang trong mình căn tính nhân loại, nàng đại diện cho con người nói chung trong tư thế đối diện với định mệnh. Nàng là một con người có đầy đủ ý thức về sự sống người, về sứ mệnh LÀM NGƯỜI của mình. Gặp Kim Trọng bên mồ Đạm Tiên, Kiều của Thanh Tâm tài nhân cho là sự ngẫu nhiên, nhưng Kiều của Nguyễn Du đã phát hiện ở đó hai con đường cho số phận mình:

“Người mà đến thế thì thôi

Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không ?”

Con đường của Đạm Tiên, của những kiếp tài hoa bạc mệnh, đưa tới nỗi đau và cái chết. Nhưng con đường tình yêu được gợi mở bởi Kim Trọng thì mở ra cả một chân trời chưa từng biết đến, nó không hứa hẹn điều gì, nhưng đầy mời gọi: “biết có duyên gì hay không ?”. Chính vì thế mà có bước chân “xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”. Chính vì thế mà có nỗi lo âu: “Bây giờ rõ mặt đôi ta/Biết đây rồi nữa chẳng là chiêm bao?”. Vì thế, Kiều là kẻ dấn thân vào cõi vô định, nàng sẽ phải đau khổ, nàng sai lầm, nàng thường xuyên thất bại, nàng có lúc trở nên thật thảm hại: “Thân lươn bao quản lấm đầu”… Nhưng chính vì thế nàng là con người. Là con người, chúng ta dấn bước tiến vào con đường định mệnh khi còn chưa biết nó sẽ đưa mình đến kết cục nào. Có thể ta sẽ thất bại. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta là con người. Hamlet là vậy. Lão Santiago của Hemingway là vậy. Họ đại diện cho cả loài người trong những cuộc đối đầu với định mệnh. Điều đó khiến cho họ bước ra từ thế giới riêng của nhà văn để đứng cùng nhân loại, xuyên qua những rào cản thời đại, văn hóa, tư tưởng. Nguyễn Trãi - con người sống cách chúng ta năm thế kỉ cũng trở nên thật gần gũi:

“Trăm năm trong cuộc nhân sinh

Người như cây cỏ thân hình nát tan

Hết ưu lạc đến bi hoan

Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay”

(“Côn Sơn ca”)

Nhận thức ấy đâu chỉ đúng với riêng Nguyễn Trãi, nó là tình thế chung của cả nhân loại. Trong hoàn cảnh ấy, những người rất khác nhau về văn hóa, đẳng cấp đều có thể có chung nhau một ý thức: “Hiền ngu khó sánh hai đàng/ Đều làm cho thỏa được như ý mình”. Trong nhận thức ấy, Nguyễn Trãi đã trở nên rất gần gũi với Xuân Diệu - con người nhận thức được sự hữu hạn của đời người và cảm thấy sự cần thiết phải sống cho thỏa lòng yêu với cuộc đời, phải hưởng thụ mọi giá trị của cuộc đời. Thế giới mà nhà văn đem lại đã xóa nhòa mọi rào cản, định kiến, cả những quy ước xã hội, để đem con người lại gần con người, để phá tan những mối bất hòa sắc tộc hay đẳng cấp, để ta có thể nhìn vào kẻ khác và nhận ra ở đó một con người giống như mình. Như điều Victor Hugo đã làm cho tên tử tù ấy (“Ngày cuối cùng của một tử tù”). Tên tử tù mà tất cả mọi người đều khinh ghét, cả xã hội đều ghê tởm y như một thứ ung nhọt cần loại bỏ, thực chất y cũng là con người như tất cả chúng ta. Y có một bà mẹ, một người vợ, một đứa con gái đã quên mặt cha, y có trí tuệ và tâm hồn, y có một cuộc đời, như tất cả chúng ta, và giờ đây, bị tước đoạt, bởi chúng ta. Hiểu được điều này, có lẽ ta có thể hiểu được sự bất bình của Hugo nhìn thấy từng đám đông lũ lượt kéo nhau đi xem hành quyết tử tù, háo hức như đi dự hội. Văn chương đã đập tan những bức tường ngăn cách con người với con người, nó làm cho chúng ta có cơ hội thấu hiểu nhau, đồng cảm với nhau, thương xót cho nhau…

Đối với những nhà văn chân chính, thế giới riêng trong văn chương không bao giờ là một lối thoát để con người chạy trốn khỏi thực tại phũ phàng. Ngay cả khi trong văn chương ta chỉ thấy một thế giới lí tưởng chẳng có trong thực tại, đó cũng chỉ là một hiện thực như mong muốn của nhà văn về cái nên có, cần có trong cuộc sống. Nếu không có nó, cuộc đời sẽ trở nên quá đỗi tàn bạo và buồn khổ. Nhà văn suốt đời làm thư kí trung thành cho thời đại như Balzac cũng là một người lãng mạn. Trong “Miếng da lừa”, giữa một thế giới tối tăm làm tha hóa những tâm hồn trong sạch nhất, ta vẫn thấy hình bóng nàng Pauline như một hình nahr hoàn hảo về cái đẹp, cái thiện, một thiên thần. Trong căn nhà thiếu sáng của lão Grandet bủn xỉn, nàng Eugenie Grandet vẫn lớn lên với một trái tim cao thượng, nàng “hào phóng” đến độ sẵn sàng trao cả tính mạng mình cho tình yêu. Tình yêu của nàng là một tình yêu lí tưởng mà nhân loại nghìn đời khao khát. Nhân loại vẫn khao khát cái Đẹp…

Bước ra khỏi thế giới riêng của mình để nhập thân vào nhân loại là công việc của một tư tưởng lớn lao - đủ lớn để bước ra khỏi những giới hạn của thời đại, vượt qua mọi ranh giới tín ngưỡng, sắc tộc, đẳng cấp, ý thức hệ để đến được với con người:

“xác ngụy nằm ruồi muỗi bu đầy

những đôi mắt bệch màu hoa dại

những gương mặt trẻ măng xanh tái

những bàn tay đen đủi chai dầy

các anh ơi, đừng trách chúng tôi

các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi”

(“Những đứa trẻ buồn” - Lưu Quang Vũ)

Ở đó, không còn địch - ta, chỉ còn con người với con người. Tư tưởng lớn như vậy cần một xã hội có khả năng dung chứa nó, chấp nhận nó, cho phép nó lên tiếng. Tư tưởng lớn thường khó được thấu hiểu, và sự thật thường khó chấp nhận…

Nhờ đó, những tác phẩm vĩ đại còn ra đời, vượt qua mọi giới hạn ngăn trở, để dẫn lối cho con người đi tới tương lai…

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

BÀI THƠ HAY "THUỐC ĐẮNG" CỦA MAI VĂN PHẤN

 

THUỐC ĐẮNG

                     (Cho Ngọc Trâm)

 

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                    Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...

 

Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.

 

Mồ hôi keo thành chai tay

Mùa xuân tràn vào chén đắng

Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc òa vu vơ.

 

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố.

(Mai Văn Phấn. Rút từ tập "Giọt nắng", Hội Văn nghệ Hải Phòng, 1992)

Lời bình của em Trần Thị Mai Hương, HS Lớp 11A9 trường THPT Hiệp Hoà số 3, tỉnh Bắc Giang

 

Cốt lõi của nhân đạo là lòng yêu thương, bản chất của nó là chữ tâm đối với con người. Trước hết chúng ta hãy lắng nghe nỗi lòng của con người thông qua những tác phẩm viết về tình yêu thương, tình mẫu tử, phụ tử. Bài thơ "Thuốc đắng" của nhà thơ Mai Văn Phấn là một bài thơ hay, mang ý nghĩa nhân văn của tình phụ tử và triết lý nhân sinh sâu sắc, có ý nghĩa lớn lao về cuộc sống đời người.

      

Mai Văn Phấn là gương mặt thơ ca tiêu biểu của Việt Nam bởi những nỗ lực cách tân không mệt mỏi. Ông là nhà thơ có ý thức học hỏi những nền thơ ca hiện đại đi trước, sẵn sàng thu nạp kỹ thuật của các trường phái, triết thuyết để thử nghiệm làm mới, làm khác biệt tác phẩm của mình. Thơ ông nghiêng về lý trí, điêu luyện về dùng chữ, tân kỳ trong áp dụng các kỹ thuật trường phái thơ ca khác nhau, xử lý hài hòa giữa thành tựu thơ ca truyền thống và sự cách tân hiện đại. Tác phẩm thơ "Thuốc đắng" được sáng tác năm 1990, đã nhận được Giải thưởng Văn học mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (của UBND TP Hải Phòng). Với lời tâm sự của người cha đối với đứa con bị ốm, bài thơ ca ngợi tình cảm mà người cha dành cho con, qua đó gửi gắm thông điệp: cuộc đời này nhiều chông gai và bão tố, người cha muốn con mình phải nhìn ra và chấp nhận nếm trải nó để lớn lên và trưởng thành.

     

Tình cảm người cha dành cho con được thể hiện ngay từ khổ thơ đầu. Mở đầu với cơn sốt của người con và hình ảnh cha bên cạnh chăm sóc. Cơn sốt như thiêu rụi thể xác con khiến cho cha bộc lộ sự lo lắng. Nếu như con phải chịu nỗi đau về thể xác, thì trong đáy lòng của người cha là nỗi đau tinh thần, phức hợp bao cảm xúc khôn tả. Nhìn thể xác con phải chịu đựng, phải gồng mình trong cơn sốt, người cha thương lắm! Người cha cảm thấy như mình có thể hóa "thành tro nữa". Cơn sốt của con mang một giá trị biểu tượng. Hành động "giữ tay con" và "cha đổ": đây là những động từ mạnh thể hiện sự thô bạo, áp chế cha cho con uống thuốc. Cha đã nhận thức về hoàn cảnh nếu không cho con uống thuốc thì cơn sốt sẽ không hạ. Suy cho cùng những hành động ấy của cha xuất phát từ tình yêu thương con mà thành. Dù cha không cam lòng để con phải nếm vị đắng ấy, dân gian xưa có câu "Thuốc đắng dã tật", thuốc tuy có vị đắng nhưng như vậy mới giúp con được. Sau hành động có phần thô bạo ấy lại là sự ngậm ngùi của cha mà "thả lòng chén vơi". Con đã được cho uống thuốc, chén cũng đã vơi nhưng trong lòng cha còn xót xa vô cùng! Khổ thơ dường như đã dồn nén cả ý và tứ, cha còn nỗi lo, một nỗi lo đau đáu trong tình trạng của con hiện tại. Nghệ thật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư, có thể thấy tình cảm cha dành cho con lớn tới dường nào.

    

Những suy nghĩ của cha vẫn chưa ngớt, suy nghĩ cho con trước cuộc sống sau này. Lời độc thoại nội tâm "Con ơi" - cha tự nói với lòng mình. Và những suy nghĩ gợi lên từ hình ảnh bắt con uống thuốc đắng để khỏi bệnh. Hình ảnh "sương" và "cánh hoa mỏng mảnh", sương muốn hiện hữu thành hạt vẫn phải vắt, phải trải qua đêm lạnh chắt chiu mới có được; cánh hoa muốn tỏa hương từ sự mỏng mảnh của mình vẫn phải nhờ tới chùm rễ cay chứ không thể tự mình bung nở hương thơm. Hai hình ảnh tuy nhỏ bé, đơn giản nhưng mang tính triết lí cao. Con cũng giống như sương sớm, như cánh hoa ấy và cha nghĩ về những thử thách chông gai con sẽ phải đối diện, trải qua sau này để con có thể hoàn thiện, phát triển bản thân làm nên giá trị riêng mình.

    

Dòng suy nghĩ vẫn cứ tiếp nối, cha nghĩ về chính cuộc đời mình. Câu thơ "Mồ hôi keo thành chai tay", mồ hôi và hình ảnh chai tay thể hiện sự vất vả, lam lũ khổ cực. Đôi bàn tay đã bị chai sạn theo thời gian trong cuộc sống. Được "keo" lại cho thấy sự gồng gánh trải qua từ rất lâu - minh chứng của thời gian để lại. Hình ảnh mùa xuân, chén đắng xuất hiện: mùa xuân là mùa khởi đầu trong năm, mang theo sức sống, sự tươi đẹp và những điều tốt lành hi vọng đối lập với hình ảnh chén đắng là chén thuốc nhỏ, chứa vị đắng của thuốc hay ẩn trong cái đắng ấy là vị đời mà cha đã phải trải qua chua chát. Động từ "tràn" mang giá trị biểu đạt hàm nghĩa cao, sau những đắng cay gian khổ ấy sẽ có sự hạnh phúc, niềm tin tươi đẹp tới. Những vị đắng cay từ chén nhỏ kia sẽ được mùa xuân mang hương vị ngọt ngào cùng  bao điều tốt đẹp, xua tan đi vị đắng của đời. Niềm hi vọng trong cuộc sống bão tố, đôi khi chỉ cần mạnh mẽ trong tinh thần là đủ. Câu thơ "Tuổi cha nước mắt lặng lặng" - một cuộc sống đã từng trải qua trong nước mắt, sống trong những khổ cực và chỉ biết nuốt nước mắt vào trong của cha, giờ bỗng ùa về trong hồi ức. Âm thầm chịu đựng "Sự thật khóc òa vu vơ", trước những khó khăn mà hoàn cảnh sống của cha mang đến, những sự thật mà không thể làm gì khác và cha khi đó vẫn là một đứa trẻ. Trẻ con khi phải chịu những tiêu cực ấy, việc có thể làm chỉ là khóc, cha đã sống như thế của một tuổi thơ bi hạnh. Cho tới bây giờ cha vẫn không có cho mình một niềm vui trọn vẹn. Và hiện tại ở cương vị người cha, của một người đã đi hơn nửa cái dốc cuộc đời, cha hi vọng khi con lớn lên sẽ không phải sống như cha đã từng trải, mà hãy vươn lên mạnh mẽ, hi vọng con có thể sống hạnh phúc trong chính cuộc đời mình.

    

"Con đang ăn gì trong mơ?", trong giấc mơ của con, giấc mơ của tuổi hồn nhiên ngập tràn màu hồng vô tư lự. Nhưng thực sự đó chỉ là cơn "mơ", giấc mơ của sự hi vọng chứa niềm khao khát về cuộc sống. Là ước mơ của con và cũng là mong ước của cha, cha luôn bên cạnh cùng con hướng tới những điều tốt đẹp. Hình ảnh người cha để chén lên cửa sổ là một biểu tượng, như cất lại trong kí ức của cha và cả của con. Bài thơ "Thuốc đắng" được xem là khai mở con đường thơ của Mai Văn Phấn, chiếc chén đặt trên cửa sổ cũng chính là tâm điểm trong không gian của tác phẩm này. Xuất hiện từ năm 1990 đến nay, đã gần 40 năm, đó như một minh chứng cho tình phụ tử vô cùng cao đẹp. "Đáy chén chắc còn bão tố", chén thuốc đầy vị đắng con đã uống hết. Bão tố là những khó khăn thử thách trong hành trình sống và trải nghiệm, khi con trưởng thành, tựa như cha đã trải qua sóng gió cuộc sống. Con uống đã cạn vị đắng trong chén nhỏ kia, nhưng có thể dư vị của chén thuốc trong đời sống, dưới đáy cái chén vô hình và hữu hình khác sẽ vẫn còn nổi lên những trận bão tố. Khi con lớn lên, cha mong con sẽ mang theo những suy nghĩ và những cảm xúc của cha lúc này, con phải trưởng thành và luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách để thành công.

    

Bài thơ thể hiện tình phụ tử thật cao cả và sâu sắc: cách người cha yêu thương con, dạy con đối diện với những thử thách của cuộc sống. Ở đây, dường như không có bài học đạo đức nào, chỉ có những  sự thật trần trụi và đắng chát cha muốn con nhìn ra, để có thể chấp nhận và đối diện với nó khi con lớn lên. Bên cạnh đó còn là những âu lo cha nghĩ cho con. Người cha ấy mang trong mình niềm hi vọng và mơ ước: con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc ý nghĩa.

    

Cuộc sống là một hành trình trải nghiệm, hành trình dài và mỗi người đều có cho mình những bước đi riêng. Trên con đường ấy chẳng một ai có thể cùng ta bước đi mãi mãi. Đối diện với những khó khăn chúng ta phải vượt qua chính mình. Con người khi trưởng thành kéo theo những suy nghĩ, cảm xúc, bản thân có sự thay đổi, phải thích nghi với chính bản thân mình với chính cuộc sống của mình. Dù là khó khăn vấp ngã cũng không được lùi bước, hãy lấy đó làm động lực để phát triển bản thân hướng về cuộc sống phía trước, con đường mình đã chọn là vươn tới ước mơ.

    

Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư. Bài thơ "Thuốc đắng" là một tác phẩm nghệ thuật, là kết quả của tình yêu thương: tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng với cuộc sống. Tiếng lòng của nhà thơ được thể hiện thông qua nghệ thuật đặc sắc của ngôn ngữ thi ca. "Thuốc đắng" được viết theo thể thơ tự do, với nhiều hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, là tấm lòng, tình yêu thương vô bờ bến của người cha dành cho con. Những âm điệu trong bài thơ chói gắt, đầy kịch tính. Giọng thơ độc thoại - trữ tình của tác giả. Nước ta vào đầu những năm 90, những tàn dư của tư tưởng bảo thủ thời bao cấp vẫn còn ngự trị trong xã hội, ẩn sâu dai dẳng trong góc khuất mỗi con người. Câu chuyện người con gái bé bỏng của tác giả phải uống thuốc đắng cũng giống như xã hội ta khi ấy mang những căn bệnh nặng cần phải kịp thời chữa trị. Vậy muốn chấm dứt căn bệnh trầm kha ấy nhất định phải có thuốc chữa, dù đó là loại thuốc có vị “đắng”.

    

Bài thơ "Thuốc đắng" thể hiện tình cảm phụ tử thiêng liêng, mang giá trị nhân văn sâu sắc về cuộc sống. Hiểu cuộc sống vốn là như thế: có tốt - xấu, có ngọt ngào - đắng cay, có may mắn - rủi ro, để từ đó không kỳ vọng ảo tưởng, mà nhìn nhận và đón nhận cuộc sống như nó vốn có. Giống như người cha trong bài thơ mong con có bản lĩnh để bình thản đối mặt, sẵn sàng đón nhận mọi thử thách; đồng thời, có tình yêu cuộc sống, để thấy mọi khía cạnh của vẻ đẹp mà cuộc sống mang lại. Điều ấy khiến tất cả chúng ta đều nhận thức rằng, cái đắng cay đôi khi cũng nằm trong hạnh phúc.

 

BÀI THƠ HAY "NHẬT KÝ ĐÔ THỊ HÓA" - MAI VĂN PHẤN

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

BÀI LÀM NLXH ĐỀ THI HSG QUỐC GIA NĂM 2024

 

BÀI LÀM CÂU 1 (NLXH) KÌ THI HSG QUỐC GIA

Câu 1: Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay.

Vũ trụ của chúng ta là một vần xoay không có điểm kết thúc. Hay nói cách khác, khi được tạo hóa trao cho sinh mệnh, con người thường nương theo đó mà trôi trên vòng quay số phận mà không tìm được điểm dừng chân. Kim đồng hồ cứ tích tắc quay, thời gian không chờ đợi và bốn mùa cứ mãi luân chuyển, nếu vần xoay ấy vô tình ngưng lại, phải chăng vũ trụ sẽ có sự xáo trộn? Có lẽ rằng, việc thần linh trao cho chúng ta “đôi cánh sinh mệnh” và trôi dạt trong vũ trụ là một đặc ân khó lòng chối từ. Chính bởi lẽ đó mà ta thường luôn băn khoăn về sống phải khẳng định giá trị của bản thân. Trong thời đại ngày nay, nhiều người trẻ đưa ra lựa chọn “Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội” là phương cách khẳng định giá trị, có nên hay không khi lựa chọn phương cách ấy? Đây là một dấu hỏi lớn đặt ra cần phải truy tìm căn nguyên.


    Từ lúc sinh ra cho tới thời điểm hiện tại, mỗi khoảnh khắc bạn được sống chính là một “điểm chạm” trong chuyến hành trình. Helen Keller cũng đã từng bộc bạch rằng: “Cuộc sống là một chuỗi bài học cần phải sống mới hiểu được”. Như vậy, hiểu một cách đơn giản “trải nghiệm” chính là những gì ta đã trải qua và thu nhận trên hành trình sống. Nó bắt nguồn từ những quan sát, những va vấp khám phá không ngừng. Hơn tất cả, sự trải nghiệm chính là chất xúc tác để ta tích lũy thêm được tri thức và kinh nghiệm sống trong cuộc đời. Và sự trải nghiệm ấy cần được ghi lại bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể ghi lại trong trí nhớ, ghi lại bằng những trang giấy hoặc ghi lại bằng những hình ảnh chất chứa nhiều kỉ niệm. Nói dễ hiểu hơn “ghi lại” là một hình thức giúp chúng ta có thể ghi nhớ được những điều đáng nhớ trong cuộc sống. Trước đây, con người thường trải nghiệm để ghi lại cảm xúc cũng như chiêm nghiệm của mình tuy nhiên xã hội thay đổi, thời buổi công nghệ số hiện đại lên ngôi nên một hình thức ghi lại những kỉ niệm của con người xuất hiện thêm đó là đăng hình ảnh lên mạng xã hội”, đây là một hình thức phổ biến của con người trong xã hội ngày nay, đây quả thực là một bước tiến để con người có thể ghi lại những khoảnh khắc nhanh hơn, lưu giữ lâu hơn mà vẫn có thể kết nối mọi người với nhau. Tuy nhiên tất cả mọi thứ đều có hai mặt lợi-hại, sự chia sẻ lên mạng xã hội ấy giờ đây kèm theo hành động “tức thời”, đó là sự chia sẻ thiếu chín chắn, sự vội vàng chưa suy nghĩ thấu đáo, đăng lên trong cảm xúc nhất thời. Nhiều người lại cho rằng khi có trải nghiệm, đã ghi lại thì bắt buộc phải đăng lên mạng xã hội hoặc đơn giản chỉ là đăng để khoe dù đó không phải là cuộc sống của mình, vậy mới là cập nhật theo xu hướng, đi theo số đông và đó là phương cách khẳng định giá trị của bản thân, từ đó hình thành nên sự nhất thời trong việc chia sẻ khoảnh khắc lên mạng xã hội.


    Không phải tự nhiên mà phương cách sống này cần phải suy ngẫm. Bởi vì chính bản thân ta cũng đang nhận ra rằng sự chia sẻ trên mạng xã hội hiện nay đang ngày càng phổ biến và nó đang dần mất đi tính thiết thực. Thay vào đó, mọi người chỉ đăng lên với mục đích để khoe, để cập nhật tình hình hay giải tỏa cảm xúc cá nhân. Hằng ngày, việc đầu tiên chúng ta làm là cầm ngay lấy chiếc điện thoại khi thức giấc, vào các nền tảng mạng xã hội như facebook, instagram xem hôm nay có thông tin gì mới không, hay có những người một ngày buộc phải đăng ít nhất một hình ảnh của bản thân lên để có thông báo, kéo tương tác dẫn đến tình trạng sống ảo trên mạng xã hội, có những người còn cố tạo ra vẻ ngoài hào nhoáng, đắp lên mình những thứ không phải của mình để cố tình tạo ra lớp vỏ bọc đẹp đẽ trên mạng xã hội. Tình trạng này đang xuất hiện ngày càng nhiều và gây ra nhiều vấn đề đáng báo động nên ta không nên coi “trải nghiệm - ghi lại - tức thời” chia sẻ lên mạng xã hội là một phương cách duy nhất để thể hiện bản thân.


    Thực tế, mạng xã hội giống như một thế giới phẳng, ở đó con người không bị ngăn cản bởi các yếu tố địa lí. Chỉ cần đăng ký tài khoản là chúng ta có thể kết bạn với mọi người, không bị giới hạn bởi quốc gia, khu vực, giới tính, độ tuổi. Đó còn là nơi giúp mình có được cơ hội thể hiện bản thân, là nơi kết nối mọi người trên thế giới với nhau thông qua một nút chạm. Tuy nhiên, nó lại được ví như con dao hai lưỡi bởi các mặt trái của nó đem lại khi ta sử dụng không đúng cách. Việc chia sẻ những khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống là một điều tốt nhưng nếu mang trong mình suy nghĩ nhất định phải chia sẻ lên mạng xã hội để người ta biết đến mình, để mình không thua kém người ta, để phô trương những vỏ bọc ảo, kéo về lượt ngưỡng mộ hay lời khen không có thật thì đấy chính là biểu hiện của sống ảo, sống giả dối. Bạn bắt gặp hình ảnh một người bạn cũ chụp ảnh với nhà lầu, xe sang, đi du lịch khắp nơi với nhiều quần áo, túi xách hàng hiệu. Bất giác bạn cũng muốn sống một cuộc sống như vậy, lòng ghen tị, đố kị nổi lên và bạn không muốn thua kém người bạn ấy nên bạn tự tạo ra vỏ bọc như vậy để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Đó là điển hình của việc chạy theo một hình mẫu không phù hợp làm mất đi giá trị thực tế của bản thân. Ngoài ra còn có trường hợp họ coi mạng xã hội là ngôi nhà thứ hai, gần như là thế giới song song với thế giới ngoài đời thực. Bất kì khoảnh khắc nào họ cũng đăng tải lên. Sáng sớm thức dậy việc đầu tiên họ làm là đăng một dòng trạng thái chào buổi sáng, tất cả các khoảnh khắc ăn uống, ngủ nghỉ sinh hoạt họ đều chia sẻ lên mạng xã hội. Không chỉ là sinh hoạt thường ngày, với khía cạnh cảm xúc họ cũng phải chia sẻ, từ những cảm xúc tích cực cho đến tiêu cực cũng được cập nhật. Nhiều khi những lời lẽ tiêu cực nhất cũng được đưa lên khiến cho mạng xã hội từ nơi kết nối mọi người trở thành một nơi tạp nham không ai hiểu được. Nếu là người dùng mạng xã hội chắc hẳn gần đây bạn cũng sẽ thấy rầm rộ vụ việc hai tiktoker là Haley và Louis có những lời lẽ không hay về nhau trên mạng xã hội dù trước đây họ từng là bạn thân. Họ kể hết thói hư tật xấu của bạn mình và đưa nó lên mạng xã hội. Cộng đồng mạng sẽ chẳng quan tâm ai đúng ai sai trong vụ việc này nhưng cá nhân hai cô gái sẽ trở thành mục tiêu bị cười chê bởi vì những gì họ làm chẳng khác gì một trò hề ở trên mạng xã hội. Như vậy, không nên chọn cách đưa tất cả lên mạng xã hội, đó không phải là phương cách duy nhất để thể hiện giá trị bản thân.

 

Mỗi cá nhân khi sinh ra đã là một phiên bản duy nhất, một cá thể đặc biệt không giống bất kì ai. Vậy nên việc chạy đua để trở nên giống với hình mẫu không phù hợp đó là việc bất khả kháng bởi hoàn cảnh mỗi người là khác nhau. Có rất ít người sinh ra đã “ở vạch đích”. Vì thế, nhiều người trong chúng ta cũng đã từng ước mơ được giàu có, xinh đẹp và lộng lẫy như hình mẫu mà mình thần tượng. Hơn hết, chúng ta luôn ao ước mình sẽ từ “cô bé lọ lem” biến thành một “nàng công chúa”, từ một “cậu bé chăn cừu” trở thành một “chàng hoàng tử”. Khi chúng ta có được điều mà mình muốn, chắc chắn cảm xúc lúc đó sẽ là thỏa mãn, vui thích. Tuy nhiên với một vẻ ngoài hào nhoáng, xinh đẹp, lộng lẫy chỉ thu hút được những ánh mắt hiếu kì và đố kị mà thôi. Sau đó, người ta sẽ dần quên mất bạn đã từng xinh đẹp, đã từng giàu có như thế nào. Để rồi, bạn vẫn sẽ cô đơn, lạc lõng, sống trong tự ti và lại thèm khát được người ta chú ý. Giá trị của mỗi người sẽ không nằm ở những thứ phù phiếm bên ngoài mà nó nằm sâu bên trong nội tâm của con người, để khẳng định giá trị, có lẽ mỗi người chúng ta cần tập trung phát triển bản thân. Trước hết, bạn cần phải biết được điểm mạnh, điểm yếu cá nhân để có định hướng học tập và phát triển. Khi đã xác định được điều đó hãy cố gắng tu dưỡng những giá trị bên trong như trí tuệ, tâm hồn, đạo đức, nhân phẩm, kĩ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp… Có lẽ bạn thấy những giá trị đề cập trên đây có phần nhàm chán, sáo rỗng nhưng từ muôn đời nay, nó vẫn là thước đo chuẩn xác nhất về giá trị của một con người. Ngoài ra, nếu bạn biết chăm lo cho đời sống tinh thần của mình, rèn luyện cho mình một tư duy tốt để suy nghĩ tích cực hơn, tạo ra được nhiều giá trị cho bản thân, cho cuộc sống xung quanh thì đó mới chính là phương cách tốt nhất khẳng định giá trị của bản thân. Người ta sẽ chẳng tôn trọng những cái bạn phô khoe mà họ chỉ ngưỡng mộ những giá trị thật mà bạn sở hữu, bạn làm được cho cộng đồng và cuộc sống vậy nên hãy tự tìm cho mình một phương cách phù hợp, mạng xã hội chỉ là một công cụ để hỗ trợ chứ không phải là một sự lựa chọn phương cách. Tôi bất chợt nhớ đến Khánh Vy, nữ MC trẻ của đài VTV, chị chính là một ví dụ tiêu biểu cho thế hệ gen Z tạo ra giá trị cá nhân. Nổi tiếng từ video “Hot girl 7 thứ tiếng” trên mạng xã hội nhưng chị không dừng lại ở đó, chị luôn kiên trì học tập, cố gắng trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và giờ đây Khánh Vy đã có đủ sự nghiệp, tri thức và cả sự nổi tiếng. Vậy nên hãy khai phá giá trị bên trong của bạn, mạng xã hội chỉ là công cụ để hỗ trợ, không phải là phương cách duy nhất.


    Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, hãy cố gắng trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều người không thích sự trải nghiệm nên bỏ qua những cơ hội mới mẻ, sống ảo trên mạng xã hội nhưng lại thiếu kiến thức thực tế. Đây chính là một sự thiếu sót nếu không biết tận dụng cơ hội của các bạn trẻ. Sự thiếu kiến thức thực tế này khiến họ nhất thời xúc động và đăng nhiều dòng trạng thái lên mạng xã hội một cách thái quá và không kiểm soát khiến việc chia sẻ kỉ niệm trở nên “nhất thời” và nghĩ đây là cách khẳng định giá trị. Đây là quan niệm sai lầm, vậy nên hãy cố gắng thay đổi để chọn ra một phương cách phù hợp để khẳng định giá trị của bạn.

 

Quả thật, nếu được làm những điều mình muốn thì sẽ rất hạnh phúc, tuy nhiên nếu làm những điều khiến giá trị bản thân thấp đi là điều không đáng. Không có hạnh phúc nào mà không đến từ hành động. Nhìn nhận lại bản thân, tôi thấy cá nhân mình cũng thích có những trải nghiệm mới mẻ, thích ghi lại những trải nghiệm nhưng đôi lúc tôi vẫn chưa chọn được phương thức khẳng định giá trị cá nhân, chưa tập trung vào cách thức rèn luyện bản thân, tập trung vào tri thức và tôi đang dần thay đổi điều này. Tôi tập cho mình những thói quen tích cực như đọc những trang sách hay, học những kiến thức mới mẻ, dù là nhỏ thôi nhưng nó cũng khiến tôi hạnh phúc.


    “Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình, miễn là hạnh phúc” (Nghệ sĩ Thành Lộc). Câu nói đầy lắng đọng này giúp chúng ta thấu hiểu hơn về cách sống của mỗi người, Xuân Diệu cũng từng nói: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”, vậy nên không cần phải chạy theo bất kì ai. Đừng vì những những xu hướng nhất thời mà không tìm ra phương thức khẳng định giá trị của bản thân một cách đúng đắn. Cuộc đời có vô vàn phương cách khẳng định giá trị, bạn đã tìm ra phương thức để mình tỏa sáng hay chưa?

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

BÀI LÀM NLXH ĐỀ THI HSG QUỐC GIA NĂM 2023

 

BÀI LÀM ĐỀ THI HSG QUỐC GIA (NLXH)

Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

Người xưa có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương". Quan điểm trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay.

Bài của Huyền Trang, HSG QG năm 2020

"Picasso từng là một họa sĩ vô danh. Ông đã dùng 15 đồng bạc cuối cùng trong túi để thuê sinh viên dạo quanh hàng tranh và hỏi: "Ở đây có bán tranh của Picasso không?". Sau đó chưa đầy một tháng, tên tuổi ông lan khắp Paris và ông trở nên nổi tiếng. Câu chuyện này của Picasso ngày nay được người ta lan truyền như một bài học điển hình của việc quảng bá và truyền thông thương hiệu cá nhân, nhưng liệu có mâu thuẫn với quan điểm "Hữu xạ tự nhiên hương" của người xưa hay chăng?

Như chất xạ mang trong mình hương thơm đặc biệt thì ắt sẽ tự lan tỏa và thu hút xung quanh; mỗi người nếu mang trong mình giá trị riêng, tư chất riêng thì ắt sẽ được công nhận, một cách tự nhiên không gượng ép.

Nikola Tesla chưa từng phải tự nhận mình là "cha đẻ của công nghệ thời hiện đại", nhưng cả thế giới đều mệnh danh nhà bác học này như thế vì những phát minh đi trước thời đại của ông. William Shakespeare có thể sẽ chỉ mãi là một chân nhắc tuồng hoặc một diễn viên vô danh trong nhà hát, nếu không tài tình sáng tác nên những tác phẩm vừa kịch tính, vừa sâu sắc phản ánh được khủng hoảng của thời đại, để trở thành một nhà soạn kịch danh tiếng. Dù trong bất kì lĩnh vực nào, khi mỗi chúng ta hoàn thành được trách nhiệm và bổn phận của bản thân, đó đã là điều quý giá vô cùng. Khi ấy, ta đã vô hình trung kiến tạo nên một giá trị nhất định. Mà đã là giá trị, tự nhiên sẽ tỏa sáng mà chẳng cần bất kì ánh đèn sân khấu nào.

Tập trung vào việc phát triển bản thân, tự khắc cái "tôi" của ngày hôm nay sẽ khác với cái "tôi" của ngày hôm qua, có thể trưởng thành hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Cũng giống như mỗi ngày bước lên một nấc thang mới, bạn sẽ bước đến một đỉnh cao mà không cần phải giới thiệu, người ta cũng biết bạn là ai. Còn khi sự tập trung của chúng ta bị phân tán vào việc "làm sao để được nhiều người biết đến hơn?", "làm sao để trở nên nổi tiếng?", để rồi bất chấp tất cả mà đánh đổi sự nổi lên nhất thời của mình bằng những tai tiếng còn lại mãi về sau. Thì khi ấy, giá trị ở đâu ta đã kiến tạo? Trước khi đặt ra câu hỏi trách móc rằng sao cuộc đời bạc bẽo quá, không cho mình nổi một sự công nhận, thì hãy tự hỏi lại chính mình đã làm được những gì để đòi hỏi một sự ghi công?

Song, trong một thời đại bùng nổ và cạnh tranh thông tin, thời đại mà bất kỳ cái gì cũng cần được quảng cáo rầm rộ và nhờ truyền thông để nâng tầm giá trị, thì liệu "hữu xạ" có còn "tự nhiên hương", liệu cứ hoàn thiện bản thân là sẽ tự thu hút những cơ hội? Nhiều người chắc hẳn sẽ trả lời rằng: Không! Đã qua rồi cái thời mà "tiếng lành đồn xa", tỏa hương ngồi chờ ong bướm đến. Thời đại hiện nay với những sự thay đổi chóng mặt đòi hỏi chúng ta phải chủ động và hành động quyết liệt chứ chẳng thể "há miệng chờ sung". Người ta chẳng còn ngạc nhiên với những thương hiệu toàn cầu vẫn ngày ngày quảng cáo và phủ sóng trên khắp các kênh truyền thông, từ truyền hình đến mạng xã hội…

Quả thực, vật đổi sao dời, thời thế thay đổi đã là quy luật tất yếu. Nhưng thời thế không phải là cái cớ cho việc gồng mình xây dựng hình ảnh cá nhân một cách giả tạo, rồi tự an ủi rằng ngày nay phải làm thế cho hợp thời.

Quả thực, sống là không chờ đợi, là chủ động nắm bắt cơ hội cho chính mình. Nhưng sống chủ động cũng chẳng phải cái cớ cho sự vội vã và nóng lòng muốn thành công sớm, để rồi bất chấp đốt cháy giai đoạn, ngụy tạo và giả dối.

Đừng vội vin vào câu chuyện của Picasso để ngụy biện rằng, không tự quảng bá mình thì sẽ chẳng ai biết đến. Vì trước khi nghĩ đến chuyện tự truyền thông, Picasso cũng phải vẽ những bức họa, dấn thân vào nghệ thuật sáng tạo, cũng phải có một giá trị nào đó để đem đến cho người. Và mọi sự ghi nhận, nể phục đều trên nền tảng của cái chất rất riêng mà chúng ta có, chứ không phải qua việc "gióng trống khua chiêng" cho một bản sao nhạt nhòa hoặc phô trương cho sự dị biệt lố lăng.

Xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hôm nay là cần thiết. Nhưng linh hồn của việc tạo dựng hình ảnh ấy là cái chất bên trong, cái giá trị mà chúng ta có, chứ chẳng phải một cái vỏ rỗng tuếch. "Hữu xạ tự nhiên hương" vẫn đúng, vì bức thông điệp quan trọng nhất trong quan niệm này của người xưa là hướng mỗi con người đến sự phát triển và hoàn thiện bản thân mình, tập trung nâng tầm giá trị mình bằng chính cách mình sống và cách mình ứng xử. Và "tự nhiên hương" giống như quả ngọt cho quá trình đi tìm phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, cũng là một sự lựa chọn. Chúng ta có thể chọn "tự nhiên hương", cũng có thể chọn chủ động truyền thông thương hiệu cá nhân, chỉ cần có điều cốt lõi là "hữu xạ" thì mọi con đường đều là đáng quý.

Nhìn lại lời nhận xét của Einstein dành cho vua hề Charlot: "Ngài chỉ diễn câm thế mà mọi người trên thế giới đều hiểu. Ngài chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại". Phải chăng, cũng vì thế chúng ta càng có thể có niềm tin rằng: Chỉ cần mình thực sự là ánh sáng, thì mình ắt sẽ tỏa sáng…"

Bài làm 2 (Sưu tầm)

Albert Einstein đã từng nhận định: “Cái tôi và sự hiểu biết tỉ lệ nghịch với nhau. Hiểu càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu càng ít, cái tôi càng to”. Thật vậy, sông càng sâu thì càng phẳng lặng, núi càng cao lại càng cúi đầu. Điều này gợi nhắc tôi nhớ đến câu nói “Hữu xạ tự nhiên hương”. Thế nhưng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, câu nói này đã khiến ta phải suy nghĩ đến quan niệm xây dựng hình ảnh bản thân có còn “Hữu xạ tự nhiên hương” hay không?

“Hữu xạ tự nhiên hương” là một thành ngữ Hán Việt mà ở đó, từng từ đều mang nét nghĩa riêng. “Hữu” có nghĩa là hiện hữu, tồn tại còn “xạ” là hương thơm xạ hương. Từ “xạ” có nguồn gốc từ tuyến hươu xạ sống ở phía Nam Trung Quốc. Chất xạ có mùi rất đặc trưng, thơm một cách đặc biệt. “tự nhiên hương” được hiểu là có mùi từ nhiên, hương thơm tự nhiên, xuất phát từ bản thân vật chủ mà không cần tác động. Như vậy, nếu ghép nghĩa của các từ lại, ta sẽ hiểu được câu nói này. Giống như chất xạ mang trong mình hương thơm khác biệt ắt sẽ được trọng dụng và yêu thích, “Hữu xạ tự nhiên hương” đề cập đến vấn đề bản thân con người nếu có “hương thơm”, có “chất riêng” thì sẽ tự thu hút, hấp dẫn những thứ khác. Hiểu một cách sâu xa hơn, câu thành ngữ Hán Việt này mang lại cho chúng ta bài học triết lý làm người về sự khiêm tốn. Nếu ta sống lương thiện, sống có đức, có tài thì người khác sẽ tự nhận ra điểm tốt của ta mà không cần phải khoe khoang, phô bày. Nếu trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ cần ta tận tâm, tận lực làm tốt bổn phận và trách nhiệm của bản thân thì sẽ đến một lúc “hữu xạ” và sẽ “tỏa hương” mà không cần bất kỳ tuyên bố phô trương, ầm ĩ nào. Cuốn sách chữ Hán “Tam tự kinh” có câu nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Trong bản thân mỗi con người đều có bản tính hiền lành, lương thiện nhưng liệu trong quá trình trưởng thành, tu dưỡng, ta có giữ và phát huy được phẩm chất đó không hay là dễ dàng bị dụ dỗ, sa đọa và làm những điều lầm lỡ. Vì vậy “Hữu xạ tự nhiên hương” còn là lời khuyên con người nên tu tâm dưỡng tính, rèn sức luyện tài ắt sẽ không phụ lòng.

Con người từ khi sinh ra đều là những trang giấy trắng, là những số không tròn trĩnh. Trong quá trình lớn lên và trưởng thành, mỗi người tự gây dựng, gặt hái được những thành tích cho bản thân theo những con đường khác nhau. Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, khi mỗi người đều hoàn thành tốt công việc, làm tròn bổn phận và trách nhiệm của bản thân thì sẽ kiến tạo nên những giá trị nhất định. Những điều đó nó sẽ tự tỏa sáng theo cách riêng mà không cần bất kỳ ánh đèn sân khấu nào soi chiếu. Đồng thời khi tập trung phát triển và hoàn thiện cái “tôi” của riêng mình thì theo thời gian, ta của ngày hôm nay sẽ tốt hơn ta của ngày hôm qua. Ngày qua ngày, ta trưởng thành hơn, có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm sống hơn. Khi trên người hội tụ đầy đủ những giá trị, phẩm chất tốt đẹp thì tự khắc, người đời tự biết đến ta là ai? Đó là bản chất của “Hữu xạ tự nhiên hương”.

 

 

Nhìn rộng ra thế giới, người ta biết đến tên tuổi của William Shakespeare là người “Hữu xạ tự nhiên hương”. Có lẽ nếu ông không sáng tác những tác phẩm nổi tiếng, mang đặc trưng riêng của bản thân, được người đời biết đến là nhà soạn kịch danh tiếng thì mãi mãi chỉ là một diễn viên vô danh trong nhà hát hay là một chân nhắc tuồng. Với những phát minh vĩ đại dành cho nhân loại, nhưng Einstein cũng chưa bao giờ khẳng định mình là một người tài giỏi: “Tôi chỉ là một người bình thường như bao người khác thôi, cũng sống và làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người nổi tiếng”. Thật vậy, những người nổi tiếng chân chính đều là người kiến tạo những giá trị cần thiết và có ích cho cuộc sống của nhân loại nhưng chẳng một ai thừa nhận mình là người tài giỏi. Chính điều đó đã thu hút ánh nhìn của mọi người về họ và họ cứ tỏa sáng theo cách riêng của bản thân giống như vì sao tinh tú trên bầu trời bao la.

Trong thời đại hiện nay, việc xây dựng hình ảnh cá nhân là điều quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Điều đó vừa là động lực thúc đẩy ta tiến bộ, phát triển qua từng ngày đồng thời sẽ đem đến lợi ích cho chính bản thân mình. Nếu xây dựng được hình ảnh cá nhân tốt từ ban đầu, ta sẽ tiết kiệm được thời gian cho những thử nghiệm, hạn chế sai sót, vấp ngã. Có lẽ chúng ta không quá xa lạ với Trần Khánh Vy - người biết đến với biệt danh đầu tiên là hot girl 7 thứ tiếng. Dù ban đầu, cô cũng gây tranh cãi về khả năng phát âm nhiều ngoại ngữ của mình nhưng đó cũng chính là động lực Khánh Vy trưởng thành như hiện tại. Cô đã từng bước, đặt từng viên gạch để xây dựng thương hiệu cá nhân như hiện nay với bảng thành tích học tập khủng tại Học viện ngoại giao, trở thành Host của IELTS Face Off đồng thời là người dẫn chương trình của chương trình truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia”. Cô là người truyền cảm hứng rất nhiều cho các bạn trẻ về năng lượng sống tích cực và con đường chinh phục ngoại ngữ. Phải nói cô là một trong số những người trẻ gây dựng thương hiệu rất thành công.

Đại Văn hào Lev Tolstoy đã từng nói “Người ta như một phân số mà tử số là giá trị thật của người ta, còn mẫu số là giá trị mà người ta tưởng tượng là mình có. Mẫu số càng to thì phân số càng nhỏ. Khi mẫu số là vô cùng tận thì phân số bằng không”. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay, liệu “Hữu xạ” có “tự nhiên hương”? Giữa thời đại vật chất quyết định ý thức, liệu con người có bị cuốn theo xã hội đồng tiền để bất chấp tất cả mà đánh đổi sự nổi lên nhất thời của mình bằng những tai tiếng về sau hay không? Liệu có người “không hữu xạ” mà vẫn được mọi người biết đến không? Đó là những câu hỏi khiến ta phải băn khoăn, trăn trở. Quả thật, trong thời đại bùng nổ và cạnh thông tin như hiện nay, có một bộ phận không nhỏ sợ rằng thế giới không biết mình là ai nên đã quảng cáo rầm rộ và nhờ truyền thông để nâng tầm giá trị. Lâu dần, người ta chẳng còn ngạc nhiên với việc quảng cáo khác xa với sự thật, từ cá nhân cho đến tập thể, thương hiệu. Đôi lúc, nhiều người không có “hữu xạ” nhưng vẫn muốn được người đời biết đến nên đã làm những điều vốn dĩ bản thân không có, sống không thật với lương tâm. Vì nóng lòng muốn nổi tiếng, muốn thành công nên đã ngụy tạo bằng chứng, giả dối.

Ngày nay, xây dựng hình ảnh cá nhân, gây dựng thương hiệu là điều cần thiết nhưng không phải vì vậy mà bất chấp mọi thủ đoạn. Dù “hữu xạ” rồi “tự nhiên hương” hay “hữu xạ” nhưng dùng những cách khác nhau để người khác biết đến thì đều đáng quý, chỉ cần “hữu xạ” một cách đúng nghĩa bởi khi đã “hữu xạ” thì “tự nhiên hương” chính là những trái ngọt mà ta xứng đáng được nhận. Thay vì xây dựng bản thân bằng những điều rỗng tuếch thì hãy tạo dựng hình ảnh ấy là những giá trị, những “chất” bên trong con người. Chỉ cần mình là ánh sáng, mình thực sự vẫn sẽ tỏa sáng hay nói cách khác, việc của mình không phải là đuổi theo những vì tinh tú mà tỏa nắng như ánh mặt trời.

“Hữu xạ tự nhiên hương” là một thông điệp đúng đắn, trường tồn mãi theo thời gian. Khi chúng ta có niềm tin vào bản thân là ánh sáng thì chắc chắn sẽ tỏa sáng. Ngắm nhìn thế giới tươi đẹp, tôi nhận ra bản thân còn những điều chưa tốt. Nhưng qua câu thành ngữ này, tôi muốn tỏa sáng theo cách riêng của bản thân nên chắc chắn, tôi sẽ lập ra kế hoạch cụ thể để hành động, hoàn thiện và phát triển bản thân. Và tôi tin rằng qua từng ngày, tôi sẽ trưởng thành hơn và sẽ “Hữu xạ tự nhiên hương” theo năm tháng.

Trong bức thư thứ 805 của quyển sách “999 lá thư gửi cho chính mình” được chắp bút bởi Miêu Công Tử có đoạn viết “Đừng đuổi theo một con ngựa. Hãy dành thời gian trồng cỏ, đợi đến khi xuân sang hoa nở, tự khắc sẽ có một đàn tuấn mã tìm đến để bạn tùy ý lựa chọn”. Ta hãy cứ hoàn thiện bản thân qua từng ngày, là phiên bản tốt nhất của chính mình rồi sẽ “Hữu xạ tự nhiên hương”. Hãy khiêm tốn, hãy học hỏi rồi sẽ có thật nhiều cánh cửa rộng mở với bạn.