Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa quý thầy giáo, cô giáo!
Lời đầu tiên, tôi xin chúc quý vị đại biểu, quý thầy giáo cô giáo mạnh
khoẻ, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Trong
không khí sôi nổi, phấn khởi của cả nước hướng về ngày nhà giáo Vn 20/11, tôi vô
cùng tự hào tôi là một giáo viên, và vô cùng xúc động khi được cảm
tưởng về Ngày Nhà giáo Việt Nam, về nghề dạy học.
Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa quý thầy giáo, cô giáo!
Ngày 20-11 hằng năm là ngày truyền
thống của ngành giáo dục Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm công tác
trồng người. Từ thưở nhỏ, bắt đầu đến trường mỗi người đều có trong
trái tim mình một hình dáng người thầy, người cô. Theo năm tháng,
người thầy người cô ấy đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong
tâm tưởng và ngày càng lớn dần thêm, trở thành thần tượng của học
trò. Những trò chơi “làm thầy làm cô” thời tuổi thơ cho thấy hình
ảnh thầy cô là niềm mơ ước của mỗi đứa trẻ. Lớn lên, những câu ca
dao dân gian đã ngấm ngầm vào suy tư của mỗi người. Kể làm sao cho
hết những câu ca dao mượt mà, từ trong dân gian thể hiện niềm tôn kính
của xã hội với người thầy: “Ơn thầy soi lối mở đường - Cho con vững bước
dặm trường tương lai”, “Mấy ai là kẻ không thầy - Thế gian thường nói đố mày
làm nên”, “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi - Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”,…
Tất cả những tâm niệm ấy đã tạo niềm tin cho những người thầy,
người cô quyết định chọn nghề dạy học và sống chết với nghề, dẫu
đôi khi cũng trăn trở về đời sống nhà giáo nhưng không bỏ nghề bởi
trót mang nghiệp vào thân. Và tôi tin rằng, tất cả quý thầy cô giáo
đang ngồi ở đây cũng như tôi rất yêu nghề dạy học và tự hào mình là
một giáo viên.
Trong tâm thức của mỗi người, dù
sống trong thời đại nào: cổ sơ hay hiện đại, nông nghiệp hay công
nghiệp, hay thời đại công nghệ số, công nghệ AI thì hình ảnh người
thầy vẫn được gắn với những phẩm chất nhất
định về tri thức, thái độ, tình cảm, đạo đức…, mà nếu thiếu những điều đó thì
sẽ không được coi là nhà giáo, hoặc không đủ sự nhìn nhận về một nhà giáo.
Chẳng hạn, người ta
thường nói: “Ông ấy nhìn đứng đắn như một thầy giáo”, hay “Anh ấy chỉn chu như
một thầy giáo”, hay “Cô ấy có phong thái như giáo viên”; hoặc khi đánh
giá không tốt về một người nào đó, người ta thường nói: “Cái ngữ ấy mà làm
thầy bà gì?”, “Làm thầy làm cô ai lại làm như vậy?”… Rõ ràng, hình ảnh
người thầy người cô vẫn còn nguyên mẫu, vẫn còn đẹp đẽ, vẫn được trân
trọng, nâng niu trong khối óc và trái tim mọi người, cho dù thỉnh
thoảng vẫn có nghe đâu đó những câu chuyện không hay không vui liên quan
đến môi trường mô phạm, có dấu hiệu rạng nứt mối quan hệ tốt đẹp
ngàn đời giữa thầy cô và học trò, giữa thầy cô và phụ huynh. Tuy
nhiên, đó chỉ là số ít – “con sâu làm rầu nồi canh”.
Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa quý thầy giáo, cô giáo!
Nghề dạy học trong thế kỷ XXI - thế kỷ tri thức và số hóa, nhà
giáo phải đổi mới phương pháp dạy học, để thích ứng với tốc độ hiện đại hóa của
xã hội, nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục phẩm chất và năng
lực cho học sinh. Với sự phát triển của internet, thiết bị thông minh,
trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, phần mềm ứng dụng,... thì phương pháp dạy học cũng thay đổi. Đã qua rồi cái
thời thầy cô chỉ truyền đạt kiến thức, học sinh chỉ lắng nghe, sau đó thực
hành. Phương pháp dạy học được xác định lại trong thời đại cách mạng
công nghiệp 4.0. Học sinh có thể tìm kiếm kiến thức từ mạng internet, sau đó
thuyết trình, tranh luận, phản biện và chiếm lĩnh kiến thức. Thầy cô là
người dẫn dắt, giải đáp thắc mắc và đưa ra kết luận cuối cùng. Để làm được điều
này, thầy cô phải là người thầy hiện đại, tức có năng
lực về khoa học - môn học - hoạt động giáo dục; năng lực nghiệp vụ sư phạm -
năng lực công nghệ và ứng dụng công nghệ trong dạy học,... Bên cạnh đó, xã
hội phát triển theo hướng cởi mở thì người thầy, người cô phải hiện đại
ở phong cách. Vẫn phải mẫu mực, vẫn là mô phạm nhưng có hơi thở của thời
đại. Nên thân thiện và có phong cách đời thường, thực tế; có thể có cái tôi dù
rằng không nên quá khác biệt để góp phần thích ứng và dựng xây văn hóa học
đường, văn hóa sư phạm; văn minh trong nhận thức, sẻ chia, đánh giá; nhân văn
trong tiếp cận, ứng xử... Làm được những điều đó quả không đơn giản, phải
không quý thầy cô?
Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa quý thầy giáo, cô giáo!
Trong ngày hội lớn của
ngành giáo dục, là một nhà giáo, tôi vô cùng xúc động trước tấm chân tình, sự
quan tâm của xã hội, của các bậc phụ huynh, đã giành những tình cảm tốt đẹp
nhất cho các nhà giáo trong ngày hôm nay. Tôi chân thành biết ơn và nguyện
noi theo các thế hệ nhà giáo đi trước đã làm vẻ vang ngành giáo dục nói
chung và làm rạng rỡ truyền thống dạy học của trường THPT Nguyễn Trãi
nói riêng. Trong mái trường này, tôi nhận thấy có những người thầy
người cô đã dốc hết tâm huyết của mình cho nghề, tiễn hết lớp trò
này đến lớp trò khác bước vào đời mà không hề thấy mệt mỏi. Trong sâu thẳm trái tim, thầy cô như những con tằm nhả
tơ từ gan ruột, đã trải cả đời mình trên phấn trắng, bảng đen. Những giờ lên lớp, lời
giảng bài của thầy cô như mang nặng dáng núi, hình sông; như có cánh cò quê
hương trong khúc hát dân ca, có trời cao đất rộng, có chân lý cuộc đời… Vậy
mà, khi sắp về hưu vẫn còn luyến lưu mái trường, luyến lưu viên phấn
trắng bảng đen và luyến lưu đồng nghiệp, luyến lưu học sinh. Họ là những người thầy, người cô rất mực khả kính, những
người đã dành cả đời mình tận tụy, chắt chiu từng giọt tinh hoa của nhân loại,
làm thành mật ngọt nuôi dưỡng bao thế hệ trẻ lớn lên trở thành công dân có ích
cho đời.
Là giáo viên kế tục
truyền thống ấy, tôi cảm thấy thật hạnh phúc bởi chúng tôi đang tiếp nối sự
nghiệp cao quý ấy. Nhân buổi họp mặt kỉ niệm ngày NGVN hôm nay, tôi xin bày tỏ
tấm lòng tri ân sâu sắc đến những người thầy người cô đã và đang cống
hiến cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Tôi xin hứa sẽ cố gắng tự
học, tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp
giảng dạy, trao dồi phẩm hạnh, rèn luyện phong cách chuẩn mực để
giữ mãi ánh hào quang của nghề dạy học như một nhà văn Nga đã nói: “Dưới
ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”;
hay cố Thủ tướng
Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những
nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo". Vâng, người thầy
người cô vinh dự đã lớn nên trọng trách càng nặng nề, tính chuẩn mực, mô phạm
đòi hỏi càng cao, người thầy giáo cô giáo phải “khuôn vàng thước ngọc” là
"Tấm gương cho học sinh noi theo", để xứng đáng niềm tin yêu của
xã hội, góp phần xây dựng đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng giàu
mạnh, văn minh, phồn vinh và phát triển.
Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa quý thầy giáo, cô giáo!
Để giáo viên hoàn thành được
thiên chức mà xã hội giao phó, tôi có 3 điều ước như sau: Thứ
nhất, đời sống của nhà giáo được cải thiện, đáp ứng được
nhu cầu cuộc sống để họ dành hết thời gian chuyên tâm vào giảng dạy.
Thứ
hai, những bậc cha mẹ học sinh đừng quá nuông chiều con cái gây
áp lực cho giáo viên, giao hết việc dạy dỗ con cái cho thầy cô ở
trường; hãy hợp tác tích cực với thầy cô vì sự tốt đẹp của con mình.
Xin các vị đừng nói lời cay đắng, miệt thị nhà giáo chúng tôi. “Muốn sang hãy bắc cầu Kiều – Muốn con
hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Thứ ba, ngành giáo dục cần
nghiên cứu giảm áp lực cho giáo viên về hồ sơ sổ sách. Theo đó, giáo
viên còn phải đối mặt với hàng chục kỳ thi lớn nhỏ, từ lĩnh vực chuyên môn đến
những cuộc thi không chuyên như tìm hiểu pháp luật, giao thông, công đoàn... Hãy
tạo điều kiện tốt nhất cho những nhà giáo chúng tôi toàn tâm toàn ý
làm công việc của nhà giáo.
Lời cuối trong
xúc cảm ngày 20/11 hôm nay, tôi kính chúc quý thầy quý cô đã nghỉ hưu
thật khỏe, viên mãn bên người thân yêu và hãy tin tưởng vào thế hệ
kế tục trẻ trung, năng động. Kính chúc quý đồng nghiệp đang đứng trên
bục giảng mạnh khỏe, duy trì nhiệt huyết, sáng tạo trong dạy học, góp
phần thực hiện chương trình 2018 thành công, xứng đáng là người thầy
người cô hiện đại. Kính chúc quý vị đại biểu, và những những người
đang âm thầm lặng lẽ làm việc trong nhà trường nhiều niềm vui và
hạnh phúc, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong công tác và trong cuộc
sống. Trân trọng kính chào!