Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

BÀI THƠ HAY "NHẬT KÝ ĐÔ THỊ HÓA" - MAI VĂN PHẤN

Câu lục phá cách trong 'Truyện Kiều' (Vương Trọng, báo Văn nghệ công an online)

 Cùng là thơ lục bát, nhưng có bài nghe êm dịu, có bài lại trúc trắc, khó đọc. Nguyên nhân ngoài vần ra, còn do điệu, tức là thanh trắc và thanh bằng của các chữ trong câu quyết định điều đó.

Chúng ta biết rằng, với một câu thơ lục bát chuẩn thì chữ thứ 2 của câu lục cũng như của câu bát phải là thanh bằng, chữ thứ tư của mỗi câu phải là thanh trắc(*). Trong 1.627 câu bát của “Truyện Kiều”, câu nào cũng chuẩn, nghĩa là mọi câu đều có chữ thứ hai thanh bằng, chữ thứ tư thanh trắc. Nhưng trong 1.627 câu lục thì không như thế, nghĩa là có một số câu có chữ thứ hai thanh trắc, hoặc chữ thứ tư thanh bằng. Ta tạm gọi những câu lục như vậy là “câu lục lệch chuẩn” hoặc “Câu lục phá cách”. Trước hết ta hãy thống kê những câu lục ấy:

- Mai cốt cách, tuyết tinh thần
- Đau đớn thay phận đàn bà
- Nền phú hậu, bậc tài danh
- Người quốc sắc, kẻ thiên tài
- Khi tựa gối, khi cúi đầu
- Người nách thước, kẻ tay đao
- Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
- Duyên hội ngộ, đức cù lao
- Nước vỏ lựu, máu mào gà
- Tin nhạn vẩn, lá thư bài
- Khi khóe hạnh, khi nét ngài
- Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
- Khi gió gác, khi trăng sân
- Khi hương sớm, khi trà trưa
- Khi chè chén, khi thuốc thang
- Sao chẳng biết ý tứ gì
- Có cổ thụ, có sơn hồ
- Khi Vô Tích, khi Lâm Tri
- Mụ quản gia, vãi Giác Duyên
- Hết nạn nọ, đến nạn kia
- Hại một người, cứu muôn người
- Người một nơi, hỏi một nơi
- Người yểu điệu, kẻ văn chương
- Tưởng bây giờ là bao giờ
- Thêm nến giá, nối hương bình
- Khi chén rượu, khi cuộc cờ.

Như vậy, ta tính được 26 câu lục lệch chuẩn, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,6% tổng số câu lục. Trong 26 câu này thì có đến 21 câu có chữ thứ hai mang thanh trắc, và chỉ 7 câu có chữ thứ tư mang thanh bằng. Với những câu lục bát chuẩn, khi không thất vận, bao giờ nghe cũng êm tai; ngược lại với trắc bằng lệch chuẩn, ngay cả khi chuẩn vần, thường trúc trắc, khó đọc. Thế nhưng khi đọc “Truyện Kiều”, không câu nào ta có cảm giác trúc trắc, ngang ngang, ngay cả những câu lục lệch chuẩn. Nguyên nhân vì sao?

Ta biết rằng thơ lục bát thường ngắt nhịp từng cặp hai chữ một:

Trăm năm/ trong cõi/ người ta (2/2/2)
Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là/ ghét nhau (2/2/2/2)

Phần lớn những câu lục bát trong “Truyện Kiều” cũng được ngắt nhịp như vậy. Thế nhưng ở 26 câu lục lệch chuẩn trên kia, không câu nào Nguyễn Du ngắt theo nhịp 2/2/2 quen thuộc, mà ngắt theo nhịp 3/3. Như vậy, chính nhịp 3/3 trong câu lục có sức mạnh làm tiêu tan sự trúc trắc, cho phép một câu lục lệch chuẩn làm thành viên một cặp lục bát êm dịu, mượt mà. Phải chăng đây cũng là một “bí quyết” mà những người làm thơ lục bát chúng ta cần tham khảo?

Đọc lại 26 câu lục trên kia, ta thấy rằng, chúng không chỉ được ngắt theo nhịp 3/3; mà chỉ trừ ba câu: “Đau đớn thay phận đàn bà”, “Sao chẳng biết ý tứ gì”, “Người một nơi, hỏi một nơi”, còn 23 câu lục còn lại, mỗi câu được chia ra hai phần, tạo thành một cặp tiểu đối 3-3 hoàn chỉnh, và khi đó đọc lên nghe thuận tai hơn ba câu trên kia dù ngắt nhịp 3/3 nhưng không tạo thành tiểu đối.

Như trên đã nói, lục bát chuẩn thường có âm điệu du dương, lên bổng xuống trầm theo quy luật. Tuy nhiên nó cũng có “tác dụng phụ” là dẫn đến sự đơn điệu, nhất là đối với những bài thơ dài hay những truyện thơ hàng ngàn câu. Có đôi khi những câu lệch chuẩn giống như con ngựa bất kham dễ quật ngã những nài ngựa. trình độ hạn chế, nhưng với những nài ngựa giỏi thì tìm được cái hay ở chúng. Với “đàn ngựa ngôn ngữ” thì Nguyễn Du là nài ngựa kỳ tài, có phép riêng để sử dụng những con ngựa lệch chuẩn, để cho lục bát trong “Truyện Kiều” giàu âm điệu, tiết tấu, tránh được sự đơn điệu thường tình.

Cũng cần lưu ý rằng, khi không thể ngắt nhịp 3/3 thì đại thi hào tìm cách hoán vị các từ, chứ không chịu để cho câu lục lệch chuẩn xuất hiện. Ví dụ như khi nói về Hoạn Thư:

Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta thường nói nết “ăn ở”, chứ không mấy khi nói “ở ăn”. Nguyễn Du thừa biết điều ấy, nhưng nếu dùng “ăn ở” thì chữ thứ hai câu lục mang thanh trắc: “Ăn ở thì nết cũng hay”, không thể ngắt theo nhịp 3/3, thế là “con ngựa bất kham” này không có “chiêu ngắt nhịp” để trị, không thể dùng được, nên đành phải hoán vị hai chữ đầu câu để đưa nó về một câu lục chuẩn.

Để giúp các bạn dễ nhớ 26 câu lục trên, tôi ghép chúng lại trong một bài lục bát như sau:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, phong trần khác xa
Đau đớn thay phận đàn bà
Sống làm vợ khắp người ta, tội tình
Nền phú hậu, bậc tài danh
Tình đầu ngắn ngủi sau dành phần ai
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Vô duyên, chỉ để vắn dài dòng châu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Bên nhau ai biết về sau thế nào
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào đến ngay
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
Chắt chiu bao thuở, một ngày sạch lau
Duyên hội ngộ, đức cù lao
Nhẹ tình, nặng hiếu lòng đau biệt nhà
Nước vỏ lựu, máu mào gà
Tính toan của Mã nghe mà sởn gai
Tin nhạn vẩn, lá thư bài
Khi khóe hạnh, khi nét ngài, mà kinh!
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình, chiếc thân
Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ
Khi hương sớm, khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, vần thơ họa đàn
Khi chè chén, khi thuốc thang
Không hay địa ngục, thiên đàng là chi
Sao chẳng biết ý tứ gì
Cho chàng buồn bã tội vì Hoa Nô
Có cổ thụ, có sơn hồ
Đêm Quan Âm Các lần mò trốn đi
Khi Vô Tích, khi Lâm Tri
Thương thay thân gái chuyển di bao miền
Mụ quản gia, vãi Giác Duyên
Mấy lần gặp gỡ, mấy phen chia lìa
Hết nạn nọ, đến nạn kia
Biết bao giờ mới yên bề thảnh thơi?
Hại một người, cứu muôn người
Người một nơi, hỏi một nơi, lầm đường
Người yểu điệu, kẻ văn chương
Đoàn viên một cuộc tình thương vô bờ
Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Tưởng bây giờ là bao giờ, nét xinh
Thêm nến giá, nối hương bình
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan…

Dùng bao câu chữ làng nhàng
Chỉ mong chuyên chở hạt vàng văn chương!

---------

(*): Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du không sử dụng thể lục bát gieo vần ở chữ thứ tư câu bát, nên ở đây không bàn về thể thơ đó.

THƠ THỜI SINH VIÊN

 

Chiều nay không có em

Thành phố như nín thở

Trái tim như ngừng đập

Lòng người như muốn khóc

 

Em có biết tại sao?

Vì anh yêu em lắm

Yêu cuồng dại si mê

Yêu như chưa bao giờ.

 

Em là hoa hồng thắm

Tô hồng mảnh đời anh

Em là linh hồn chúa

Trong trắng và đáng yêu.

 

Em ơi giờ ở đâu ?

Hãy nghe lời anh nói

Tim anh như chuông vọng

Gọi em về bên anh.

 

Anh vẫn đang chờ em

Hai trái tim đồng điệu

Hòa khúc nhạc ân tình

Mãi mãi suốt đời anh.



BÀI THƠ CHƯA ĐẶT TÊN

 

Bạn bè lâu gặp lại

Vui mừng khôn tả xiết

Nên không thốt thành lời

Bạn ơi bạn có hiểu?

 

Gặp bạn vui đến nỗi

Chỉ biết nhìn nhau cười

Lâu thật lâu mới nói

Chỉ vài tiếng mà thôi!

 

Còn bạn tôi đã hiểu

Gặp nhau bạn đã nhắc

Lời nhật ký ngày nào

Tôi chỉ mũm mỉm cười.

 

Chẳng phải tôi vô tình

Vui cũng không kém bạn

Bạn chớ trách lòng mình

Ta là bạn của nhau.

(Viết lúc còn sinh viên, khi gặp lại một người bạn thời trung học, tại thành phố HCM)



BÀI THƠ "MỘT NGÀY Ở THÀNH PHỐ"

 

MỘT NGÀY Ở THÀNH PHỐ

( Viết 15/5/2000)

Một ngày ở thành phố

Bao câu hỏi hiện về

Trẻ em không đi học

Lang thang trên nẻo đường

Đi tìm chút tình thương.

 

Một ngày ở thành phố

Bao câu hỏi hiện về

Người già không nhà ở

Lê thân chốn vỉa hè

Bơ vơ giữa chợ người

Biết đâu là mái ấm.

 

Một ngày ở thành phố

Lòng mang nặng nỗi buồn

Nơi đô thị phồn hoa

Có mảnh đời bất hạnh

Rồi ngày mai về quê

Câu hỏi vấn vương theo…




BÀI THƠ "MÙA XUÂN VÀNG ÁO EM BAY" - MAI DUYÊN THANH

 

MÙA XUÂN VÀNG ÁO EM BAY

(Mai Duyên Thanh.

Thân tặng em Trần Văn Tâm, giáo sinh.

23/3/2000)

Yêu sao màu áo em vàng

Mềm như cánh bướm nhẹ nhàng bay bay

Không còn tuổi má hây hây

Cho tôi hôn nhẹ má gầy em yêu

Tóc em bụi phấn vương nhiều

Cho tôi làm ngọn gió chiều mơn man

Sân trường hoa điệp nở vàng,

Hoa rơi trải thảm lót đường em đi

Mùa xuân vừa mới trở về

Bên trang giáo án, mơ gì hả em?

Cho tôi làm ngọn lửa đèn,

Soi trong khóe mắt em nhìn tin yêu!

Đầu năm sương muối còn nhiều

Rồi đây nắng ấm bao nhiêu hẹn hò!

Cho tôi lứa tuổi học trò

Để nghe em giảng những giờ văn chương.

Tiếng em hoà tiếng quê hương

Buồn vui theo những chặng đường đấu tranh.

Ca dao nồng thắm nghĩa tình

Tôi xin tặng một câu dành cho em.

Lời ru nào của mẹ hiền

Ngọt thơm dòng sữa đưa con vào đời!

Tôi thèm nghe tiếng à ơi

Võng đưa kẽo kẹt của thời bé thơ

Tôi thèm nghe truyện ngày xưa

Tìm trong cổ tích ước mơ của đời

Nâng niu từng chút tình người

Dẫu trong gian khó vẫn ngời niềm tin

Mùa xuân vàng áo bên thềm

Yêu người gieo hạt, yêu thêm cuộc đời.


* Cô Mai Duyên Thanh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Khuyến, Q10, TP HCM. Thật bất ngờ và vô cùng xúc động, trong ngày chia tay kết thúc đợt thực tập, cô đã tặng quà và bài thơ này cho giáo sinh thực tập. Thật trân quý tình cảm của cô dành cho em. Nhớ mãi thời gian tập sự ở trường này và mãi nhớ về cô...


Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

Bài thơ: THẦY TÂM

 

THẦY TÂM

Giáo viên Ngữ văn

Dạy học lớp em,

Nào có ai khác

Ngoài thầy Tâm đây!

 

Thầy giảng chi tiết

Chúng em ngồi nghe,

Thầy ra câu hỏi

Chúng em trả lời.

 

Khi trả lời sai

Thì thầy không mắng

Khi trả lời đúng

Thì thầy khen ngay.

 

Chúng em rất quý

Người thầy dạy Văn

Nào có ai khác

Ngoài thầy Tâm đây!

             (Nguyễn MĐK*)

*Em Minh Đăng học sinh lớp 10A10, năm học 2023-2024.




CẤU TRÚC ĐỀ THI HSG TỈNH

BÀI LÀM NLXH ĐỀ THI HSG QUỐC GIA NĂM 2024

 

BÀI LÀM CÂU 1 (NLXH) KÌ THI HSG QUỐC GIA

Câu 1: Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay.

Vũ trụ của chúng ta là một vần xoay không có điểm kết thúc. Hay nói cách khác, khi được tạo hóa trao cho sinh mệnh, con người thường nương theo đó mà trôi trên vòng quay số phận mà không tìm được điểm dừng chân. Kim đồng hồ cứ tích tắc quay, thời gian không chờ đợi và bốn mùa cứ mãi luân chuyển, nếu vần xoay ấy vô tình ngưng lại, phải chăng vũ trụ sẽ có sự xáo trộn? Có lẽ rằng, việc thần linh trao cho chúng ta “đôi cánh sinh mệnh” và trôi dạt trong vũ trụ là một đặc ân khó lòng chối từ. Chính bởi lẽ đó mà ta thường luôn băn khoăn về sống phải khẳng định giá trị của bản thân. Trong thời đại ngày nay, nhiều người trẻ đưa ra lựa chọn “Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội” là phương cách khẳng định giá trị, có nên hay không khi lựa chọn phương cách ấy? Đây là một dấu hỏi lớn đặt ra cần phải truy tìm căn nguyên.


    Từ lúc sinh ra cho tới thời điểm hiện tại, mỗi khoảnh khắc bạn được sống chính là một “điểm chạm” trong chuyến hành trình. Helen Keller cũng đã từng bộc bạch rằng: “Cuộc sống là một chuỗi bài học cần phải sống mới hiểu được”. Như vậy, hiểu một cách đơn giản “trải nghiệm” chính là những gì ta đã trải qua và thu nhận trên hành trình sống. Nó bắt nguồn từ những quan sát, những va vấp khám phá không ngừng. Hơn tất cả, sự trải nghiệm chính là chất xúc tác để ta tích lũy thêm được tri thức và kinh nghiệm sống trong cuộc đời. Và sự trải nghiệm ấy cần được ghi lại bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể ghi lại trong trí nhớ, ghi lại bằng những trang giấy hoặc ghi lại bằng những hình ảnh chất chứa nhiều kỉ niệm. Nói dễ hiểu hơn “ghi lại” là một hình thức giúp chúng ta có thể ghi nhớ được những điều đáng nhớ trong cuộc sống. Trước đây, con người thường trải nghiệm để ghi lại cảm xúc cũng như chiêm nghiệm của mình tuy nhiên xã hội thay đổi, thời buổi công nghệ số hiện đại lên ngôi nên một hình thức ghi lại những kỉ niệm của con người xuất hiện thêm đó là đăng hình ảnh lên mạng xã hội”, đây là một hình thức phổ biến của con người trong xã hội ngày nay, đây quả thực là một bước tiến để con người có thể ghi lại những khoảnh khắc nhanh hơn, lưu giữ lâu hơn mà vẫn có thể kết nối mọi người với nhau. Tuy nhiên tất cả mọi thứ đều có hai mặt lợi-hại, sự chia sẻ lên mạng xã hội ấy giờ đây kèm theo hành động “tức thời”, đó là sự chia sẻ thiếu chín chắn, sự vội vàng chưa suy nghĩ thấu đáo, đăng lên trong cảm xúc nhất thời. Nhiều người lại cho rằng khi có trải nghiệm, đã ghi lại thì bắt buộc phải đăng lên mạng xã hội hoặc đơn giản chỉ là đăng để khoe dù đó không phải là cuộc sống của mình, vậy mới là cập nhật theo xu hướng, đi theo số đông và đó là phương cách khẳng định giá trị của bản thân, từ đó hình thành nên sự nhất thời trong việc chia sẻ khoảnh khắc lên mạng xã hội.


    Không phải tự nhiên mà phương cách sống này cần phải suy ngẫm. Bởi vì chính bản thân ta cũng đang nhận ra rằng sự chia sẻ trên mạng xã hội hiện nay đang ngày càng phổ biến và nó đang dần mất đi tính thiết thực. Thay vào đó, mọi người chỉ đăng lên với mục đích để khoe, để cập nhật tình hình hay giải tỏa cảm xúc cá nhân. Hằng ngày, việc đầu tiên chúng ta làm là cầm ngay lấy chiếc điện thoại khi thức giấc, vào các nền tảng mạng xã hội như facebook, instagram xem hôm nay có thông tin gì mới không, hay có những người một ngày buộc phải đăng ít nhất một hình ảnh của bản thân lên để có thông báo, kéo tương tác dẫn đến tình trạng sống ảo trên mạng xã hội, có những người còn cố tạo ra vẻ ngoài hào nhoáng, đắp lên mình những thứ không phải của mình để cố tình tạo ra lớp vỏ bọc đẹp đẽ trên mạng xã hội. Tình trạng này đang xuất hiện ngày càng nhiều và gây ra nhiều vấn đề đáng báo động nên ta không nên coi “trải nghiệm - ghi lại - tức thời” chia sẻ lên mạng xã hội là một phương cách duy nhất để thể hiện bản thân.


    Thực tế, mạng xã hội giống như một thế giới phẳng, ở đó con người không bị ngăn cản bởi các yếu tố địa lí. Chỉ cần đăng ký tài khoản là chúng ta có thể kết bạn với mọi người, không bị giới hạn bởi quốc gia, khu vực, giới tính, độ tuổi. Đó còn là nơi giúp mình có được cơ hội thể hiện bản thân, là nơi kết nối mọi người trên thế giới với nhau thông qua một nút chạm. Tuy nhiên, nó lại được ví như con dao hai lưỡi bởi các mặt trái của nó đem lại khi ta sử dụng không đúng cách. Việc chia sẻ những khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống là một điều tốt nhưng nếu mang trong mình suy nghĩ nhất định phải chia sẻ lên mạng xã hội để người ta biết đến mình, để mình không thua kém người ta, để phô trương những vỏ bọc ảo, kéo về lượt ngưỡng mộ hay lời khen không có thật thì đấy chính là biểu hiện của sống ảo, sống giả dối. Bạn bắt gặp hình ảnh một người bạn cũ chụp ảnh với nhà lầu, xe sang, đi du lịch khắp nơi với nhiều quần áo, túi xách hàng hiệu. Bất giác bạn cũng muốn sống một cuộc sống như vậy, lòng ghen tị, đố kị nổi lên và bạn không muốn thua kém người bạn ấy nên bạn tự tạo ra vỏ bọc như vậy để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Đó là điển hình của việc chạy theo một hình mẫu không phù hợp làm mất đi giá trị thực tế của bản thân. Ngoài ra còn có trường hợp họ coi mạng xã hội là ngôi nhà thứ hai, gần như là thế giới song song với thế giới ngoài đời thực. Bất kì khoảnh khắc nào họ cũng đăng tải lên. Sáng sớm thức dậy việc đầu tiên họ làm là đăng một dòng trạng thái chào buổi sáng, tất cả các khoảnh khắc ăn uống, ngủ nghỉ sinh hoạt họ đều chia sẻ lên mạng xã hội. Không chỉ là sinh hoạt thường ngày, với khía cạnh cảm xúc họ cũng phải chia sẻ, từ những cảm xúc tích cực cho đến tiêu cực cũng được cập nhật. Nhiều khi những lời lẽ tiêu cực nhất cũng được đưa lên khiến cho mạng xã hội từ nơi kết nối mọi người trở thành một nơi tạp nham không ai hiểu được. Nếu là người dùng mạng xã hội chắc hẳn gần đây bạn cũng sẽ thấy rầm rộ vụ việc hai tiktoker là Haley và Louis có những lời lẽ không hay về nhau trên mạng xã hội dù trước đây họ từng là bạn thân. Họ kể hết thói hư tật xấu của bạn mình và đưa nó lên mạng xã hội. Cộng đồng mạng sẽ chẳng quan tâm ai đúng ai sai trong vụ việc này nhưng cá nhân hai cô gái sẽ trở thành mục tiêu bị cười chê bởi vì những gì họ làm chẳng khác gì một trò hề ở trên mạng xã hội. Như vậy, không nên chọn cách đưa tất cả lên mạng xã hội, đó không phải là phương cách duy nhất để thể hiện giá trị bản thân.

 

Mỗi cá nhân khi sinh ra đã là một phiên bản duy nhất, một cá thể đặc biệt không giống bất kì ai. Vậy nên việc chạy đua để trở nên giống với hình mẫu không phù hợp đó là việc bất khả kháng bởi hoàn cảnh mỗi người là khác nhau. Có rất ít người sinh ra đã “ở vạch đích”. Vì thế, nhiều người trong chúng ta cũng đã từng ước mơ được giàu có, xinh đẹp và lộng lẫy như hình mẫu mà mình thần tượng. Hơn hết, chúng ta luôn ao ước mình sẽ từ “cô bé lọ lem” biến thành một “nàng công chúa”, từ một “cậu bé chăn cừu” trở thành một “chàng hoàng tử”. Khi chúng ta có được điều mà mình muốn, chắc chắn cảm xúc lúc đó sẽ là thỏa mãn, vui thích. Tuy nhiên với một vẻ ngoài hào nhoáng, xinh đẹp, lộng lẫy chỉ thu hút được những ánh mắt hiếu kì và đố kị mà thôi. Sau đó, người ta sẽ dần quên mất bạn đã từng xinh đẹp, đã từng giàu có như thế nào. Để rồi, bạn vẫn sẽ cô đơn, lạc lõng, sống trong tự ti và lại thèm khát được người ta chú ý. Giá trị của mỗi người sẽ không nằm ở những thứ phù phiếm bên ngoài mà nó nằm sâu bên trong nội tâm của con người, để khẳng định giá trị, có lẽ mỗi người chúng ta cần tập trung phát triển bản thân. Trước hết, bạn cần phải biết được điểm mạnh, điểm yếu cá nhân để có định hướng học tập và phát triển. Khi đã xác định được điều đó hãy cố gắng tu dưỡng những giá trị bên trong như trí tuệ, tâm hồn, đạo đức, nhân phẩm, kĩ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp… Có lẽ bạn thấy những giá trị đề cập trên đây có phần nhàm chán, sáo rỗng nhưng từ muôn đời nay, nó vẫn là thước đo chuẩn xác nhất về giá trị của một con người. Ngoài ra, nếu bạn biết chăm lo cho đời sống tinh thần của mình, rèn luyện cho mình một tư duy tốt để suy nghĩ tích cực hơn, tạo ra được nhiều giá trị cho bản thân, cho cuộc sống xung quanh thì đó mới chính là phương cách tốt nhất khẳng định giá trị của bản thân. Người ta sẽ chẳng tôn trọng những cái bạn phô khoe mà họ chỉ ngưỡng mộ những giá trị thật mà bạn sở hữu, bạn làm được cho cộng đồng và cuộc sống vậy nên hãy tự tìm cho mình một phương cách phù hợp, mạng xã hội chỉ là một công cụ để hỗ trợ chứ không phải là một sự lựa chọn phương cách. Tôi bất chợt nhớ đến Khánh Vy, nữ MC trẻ của đài VTV, chị chính là một ví dụ tiêu biểu cho thế hệ gen Z tạo ra giá trị cá nhân. Nổi tiếng từ video “Hot girl 7 thứ tiếng” trên mạng xã hội nhưng chị không dừng lại ở đó, chị luôn kiên trì học tập, cố gắng trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và giờ đây Khánh Vy đã có đủ sự nghiệp, tri thức và cả sự nổi tiếng. Vậy nên hãy khai phá giá trị bên trong của bạn, mạng xã hội chỉ là công cụ để hỗ trợ, không phải là phương cách duy nhất.


    Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, hãy cố gắng trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều người không thích sự trải nghiệm nên bỏ qua những cơ hội mới mẻ, sống ảo trên mạng xã hội nhưng lại thiếu kiến thức thực tế. Đây chính là một sự thiếu sót nếu không biết tận dụng cơ hội của các bạn trẻ. Sự thiếu kiến thức thực tế này khiến họ nhất thời xúc động và đăng nhiều dòng trạng thái lên mạng xã hội một cách thái quá và không kiểm soát khiến việc chia sẻ kỉ niệm trở nên “nhất thời” và nghĩ đây là cách khẳng định giá trị. Đây là quan niệm sai lầm, vậy nên hãy cố gắng thay đổi để chọn ra một phương cách phù hợp để khẳng định giá trị của bạn.

 

Quả thật, nếu được làm những điều mình muốn thì sẽ rất hạnh phúc, tuy nhiên nếu làm những điều khiến giá trị bản thân thấp đi là điều không đáng. Không có hạnh phúc nào mà không đến từ hành động. Nhìn nhận lại bản thân, tôi thấy cá nhân mình cũng thích có những trải nghiệm mới mẻ, thích ghi lại những trải nghiệm nhưng đôi lúc tôi vẫn chưa chọn được phương thức khẳng định giá trị cá nhân, chưa tập trung vào cách thức rèn luyện bản thân, tập trung vào tri thức và tôi đang dần thay đổi điều này. Tôi tập cho mình những thói quen tích cực như đọc những trang sách hay, học những kiến thức mới mẻ, dù là nhỏ thôi nhưng nó cũng khiến tôi hạnh phúc.


    “Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình, miễn là hạnh phúc” (Nghệ sĩ Thành Lộc). Câu nói đầy lắng đọng này giúp chúng ta thấu hiểu hơn về cách sống của mỗi người, Xuân Diệu cũng từng nói: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”, vậy nên không cần phải chạy theo bất kì ai. Đừng vì những những xu hướng nhất thời mà không tìm ra phương thức khẳng định giá trị của bản thân một cách đúng đắn. Cuộc đời có vô vàn phương cách khẳng định giá trị, bạn đã tìm ra phương thức để mình tỏa sáng hay chưa?