Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

PHÂN BIỆT TÙY BÚT VỚI BÚT KÝ VÀ THƠ VĂN XUÔI

 Bút ký là một thể loại khá gần gũi với tùy bút. Đôi lúc rất khó phân định ranh giới giữa hai thể loại này, nhất là khi cần xem xét ở những tác phẩm cụ thể. Cùng trong quyển sách “Thạch Lam – về tác gia và tác phẩm”, những người biên soạn cũng chưa có được sự nhất trí với nhau. Trong khi Nguyễn Thành Thi với bài viết "Thạch Lam, từ quan niệm về cái đẹp đến những trang vănHà Nội băm sáu phố phường”" khẳng định “Hà Nội băm sáu phô phường” là “một tập tùy bút” đặc sắc và Thạch Lam, cùng với Nguyễn Tuân, “đã có công đặt những viên đá tảng cho lâu đài tùy bút Việt Nam thời hiện đại”, thì ở phần điểm qua “Tác phẩm của Thạch Lam” cuối sách, tác phẩm này lại được ghi rành rành là bút ký. Hoặc như tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân, sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12 hiện hành có đến ba cách định danh thể loại khác nhau: tùy bút, bút ký và tùy bút pha bút ký.

Như đã biệt, sự nhòe lẫn, giao thoa giữa các thể loại là hiện tượng tự nhiên, bởi những quy tắc chật hẹp của loại thể văn học không câu thúc được sức sáng tạo ở những nghệ sĩ tài năng. Chung gốc gác từ ký, nên trong bút ký và tùy bút luôn có sự hiện diện của yếu tố tự sự. Nhưng vai trò của yếu tố này ở mỗi thể loại có điểm khác nhau. Tự sự trong bút ký bao giờ cũng hướng đến mục đích biểu đạt tư tưởng của tác giả: “Bút ký ghi lại những con người và sự việc mà nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó [...]. Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút ký tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khả năng biểu đạt của tác giả đối với các sự kiện được đề cập đến nhằm phát hiện những khía cạnh nổi bật, những ý manhath tưởng mới mẻ và sâu sắc trong các mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa cá nhân và môi trường” (Phan Cự Đệ chủ biên 2004:429). Trong khi đó, tự sự ở tùy bút thường có ý nghĩa như phương tiện để giải bày thế giới tâm hồn, cảm xúc. Nghĩa là, mặc dù đôi khi cũng có màu sắc trữ tình nhưng bút ký thiên về nhận thức, còn cái mạch chính trong tùy bút bao giờ cũng là cảm xúc, suy nghĩ. Về điểm này, Nguyễn Xuân Nam đã rất có lý khi khẳng định: “Bút ký là thể trung gian giữa ký sự và tùy bút [...]. Bút ký cũng không sử dụng hư cấu vào việc phản ánh hiện thực, những nhận xét, suy nghĩ, liên tưởng nhưng ít phóng túng triền miên, mà tập trung thể hiện một tư tưởng chủ đạo nhất định. Có thể nói, làm nổi bật giá trị nhận thức là ý nghĩa hàng đầu của thể loại” (Đỗ Đức Hiểu et al. 2004:173). Nguyễn Văn Hạnh trong Lý luận văn học – vấn đề và suy nghĩ cũng chỉ rõ những điểm tương đồng và dị biệt giữa bút ký với tùy bút: “Bút ký và tùy bút rất gần nhau, nhưng nếu trong tùy bút [...] phần trình bày suy nghĩ, nhận xét, liên tưởng, tưởng tượng của người viết chiếm một tỉ trọng lớn, và do đó tính chất trữ tình thường khá đậm nét, - bút ký việc ghi chép trung thực sự việc được coi trọng hơn [...].Xét về mức độ kết hợp tự sự và trữ tình, về tính chặt chẽ hay phóng khoáng trong tư duy và kết cấu, thì bút ký có thể xem như đứng giữa kỳ sự và tùy bút” (Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương 1998:100).
Một phương diện khác cũng ghi nhận nét tương đông và dị biệt hư cấu, ở một mức độ nhất định. Hư cấu trong tác phẩm ký “không có giữa bút ký với tùy bút là vấn đề hư cấu. Cả hai đều dung hợp được hư nghĩa là thêm vào thực tại một cái gì đó tự nó không có [....]. Nhiều tại những gì bị xem là thừa thãi [...]. Một tác phẩm ký chỉ được sinh thành sau một quá trình hư cấu, trong đó ý thức sáng tạo hoạt động . Nếu hư cấu trong bút ký có thể xuất hiện ở mọi cấp độ, từ đề tài, nhận vật, chi tiết đến tình huống, tư tưởng thì ở tùy bút, hư cấu khắc tâm trạng hoặc mãnh liệt, rõ nét hoặc chỉ bàng bạc, mơ hồ. Nghĩa được sử dụng trong khi người nghệ sĩ cố gắng ghi lại những khoảnh là, nếu hư cấu trong bút ký nhằm ảo hóa, lạ hóa đối tượng thì ở tùy bút, nó giúp hình tượng hóa, hiện thực hóa thế giới tâm hồn chủ quan của con người.
Lời văn tùy bút rất giàu chất thơ, nhưng vẫn có nhiều nét khác với thơ nhau ở chỗ cấu trúc ngữ pháp có tạo nên nhịp điệu, nhạc điệu. Về phương diện hình thức, thơ văn xuôi và tùy bút gần giống khác biệt trong sự vận động của mạch tư tưởng, cảm xúc ở đây là: một bên đi theo nhịp luân vũ (đường tròn), một bên đi theo bước dạo chơi (đường thẳng). Hình ảnh và ngôn ngữ trong thơ bao giờ cũng đòi hỏi một mức độ cách điệu, lý tưởng vì đã khúc xạ, thăng hoa hoàn toàn qua lăng kính chủ quan của thi nhân. Còn trong tùy bút, chất liệu để làm nền cho mạch xúc cảm cần có độ tươi nguyên của hiện thực. Tùy bút đa phần sử dụng lớp nghĩa tường minh của ngôn từ, trong khi thơ văn xuôi lại phát huy tối đa những nét nghĩa hàm ẩn. Do đó, hình tượng nghệ thuật trong thơ văn xuôi có khả năng biến hóa kỳ ảo, lãng mạn hơn. Mặt khác, cũng như tùy bút, thơ văn xuôi thường đậm đà màu sắc trữ tình: “Thơ văn xuôi là một thể thơ thuộc phương thức biểu hiện trữ tình, dựa trên sự bộc lộ xúc cảm trực tiếp qua hình ảnh và tâm trạng […]. Do đó thơ văn xuôi phải phong phú hơn về cảm xúc trữ tình so với văn xuôi trong tự sự, miêu tả hoặc đối thoại”. (Bùi văn Nguyên, Hà Minh Đức 2003:325). Nhưng nếu ở thơ văn xuôi, các yếu tố tư tưởng, tình cảm, cảm xúc thường hòa tan bàng bạc vào tứ thơ, hình tượng thơ thì trong tùy bút, chúng được bộc lộ tương đối trọn vẹn qua từ ngữ, hình ảnh cụ thể, sinh động.
Suy đến cùng, phân biệt tùy bút với thơ văn xuôi chính là phân biệt giữa một thể văn xuôi giàu chất thơ với một thể thơ có hình thức biểu hiện gần như văn xuôi. Trong văn xuôi, tất cả mọi biện pháp nghệ thuật tập trung vào việc làm sáng tỏ chủ đề, tư tưởng của người viết. Còn trong thơ, chính tứ thơ mới là điểm quy chiếu, chi phối cách nhìn, cách cảm và cách thể hiện của tác giả. Tứ thơ là khái niệm trừu tượng để chỉ một chớp sáng tư tưởng, cảm xúc bất chợt thăng hoa trong quá trình suy tư, nghiền ngắm của người nghệ sĩ. Vì thế, ngôn từ, hình ảnh trong thơ văn xuôi bao giờ cũng tập trung hơn, xoáy vào chiều sâu chứ không dàn trải ra bề rộng như trong tùy bút.
(Trích “Về thể loại tùy bút”, Trần Văn Minh)

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

SO SÁNH, ĐÁNH GIÁ HAI TP VĂN HỌC - ĐỖ NGỌC THỐNG

 

I. YÊU CẦU

    Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm là nêu lên một cách thuyết phục những điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm. Cũng có thể chỉ yêu cầu nêu điểm tương đồng hoặc điểm khác biệt về nội dung, hình thức nghệ thuật của hai văn bản, từ đó bàn luận, nhận xét giá trị độc đáo của mỗi văn bản, nhận ra đặc điểm thể loại, vai trò của cá tính sáng tạo, chỉ ra những điểm chung trong quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương,...
    Bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học thường được thực hiện giữa các tác phẩm cùng thể loại. Cũng có thể yêu cầu so sánh, đánh giá giữa hai thể loại khác nhau nhưng thường để khẳng định điểm giống nhau về đề tài, chủ đề và tư tưởng của hai tác phẩm; ví dụ, các tác phẩm Sông núi nước Nam (khuyết danh), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh),... viết với các thể loại rất khác nhau nhưng đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm,... của các tác phẩm ấy có rất nhiều điểm tương đồng.
Sự khác biệt giữa hai tác phẩm thường biểu hiện rõ ở cách thức, nghệ thuật, hình thức thể hiện từ phương thức biểu đạt đến các hình thức, thủ pháp nghệ thuật.
    - Với các văn bản thơ, cần chú ý đến nghệ thuật sử dụng, sáng tạo từ ngữ; các hình ảnh và biểu tượng; cách cấu tứ, các dạng thức của cái “tôi” trữ tình;...
    - Với các văn bản truyện và tiểu thuyết, cần chú ý đến nhân vật, điểm nhìn trần thuật, kết cấu, cách kết thúc truyện, kĩ thuật miêu tả ngoại hình, chân dung và phân tích tâm lí nhân vật,...
    - Với các văn bản kịch, cần chú ý đến mô típ, cốt truyện, hệ thống nhân vật, xung đột kịch, các dạng thức của lời đối thoại, độc thoại,...
    - Với các văn bản kí, cần chú ý đến đề tài, cách tiếp cận vấn đề, cách khai thác số liệu, tài liệu,...
    Có nhiều cấp độ và yêu cầu so sánh, cụ thể: so sánh hai tác phẩm, hai đoạn trích; so sánh hai yếu tố như chi tiết, nhân vật, cốt truyện, tình huống truyện, bối cảnh, ngôi kể, điểm nhìn, biện pháp nghệ thuật, đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng,...
II. LƯU Ý
    - Xác định mục đích so sánh, đánh giá: Việc so sánh không phải để hướng tới mục đích xem tác phẩm nào có giá trị hơn tác phẩm nào mà để nhận ra những khác biệt, sự đa dạng trong cách nhìn và cảm thụ về đời sống; so sánh để làm rõ vấn đề văn học có trong tác phẩm.
    - Xác định nội dung, tiêu chí so sánh: đề tài, chủ đề, thể loại, các biện pháp nghệ thuật, ngôn ngữ,...
    - Đảm bảo cấu trúc chung của một bài nghị luận văn học, tính chính xác của các dẫn chứng, tính chặt chẽ của các lập luận lô gích và tính hình tượng, biểu cảm của ngôn ngữ,...
III. CÁC BƯỚC ĐỂ VIẾT BÀI NGHỊ LUẬN SO SÁNH, ĐÁNH GIÁ HAI TÁC PHẨM VĂN HỌC NHƯ SAU
    + Tìm kiếm đối tượng so sánh (với trường hợp người viết phải tự xác định) theo các định hướng: thể loại, phong cách tác giả, khuynh hướng sáng tác, thời điểm sáng tác. Xác định phạm vi so sánh (giữa hai tác phẩm, hai đoạn trích, hai mô típ,...).
    + Phân tích điểm giống nhau, điểm khác nhau hoặc cả giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm được so sánh. Chỉ ra ý nghĩa của sự giống nhau và khác nhau, từ đó giúp người đọc nhận thấy tính độc đáo, đặc sắc riêng của từng tác phẩm.
    + Bình luận, lí giải về nguyên nhân dẫn đến sự giống và khác nhau giữa hai tác phẩm.
    + Rút ra những nhận thức về đặc điểm thể loại, vai trò của cá tính sáng tạo, quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương,...
    - Để tìm ý và lập dàn ý cho bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học, HS cần đặt ra và trả lời các câu hỏi như:
    + Mục đích so sánh, đánh giá để thuyết phục hoặc làm rõ vấn đề gì?
    + Đối tượng và phạm vi so sánh là hai văn bản, hai tác phẩm nào?
    + Tiêu chí và phương diện cụ thể cần so sánh là gì (nội dung, nghệ thuật)?
    + Hai tác phẩm được so sánh giống hay khác nhau (hoặc cả hai) như thế nào?
    + Có thể rút ra những nhận xét và đánh giá gì về cái hay, cái đẹp, tính độc đáo, nét đặc sắc riêng của mỗi tác phẩm,...?
- Đỗ Ngọc Thống -

SỨ MỆNH CỦA THƠ CA

 Thơ là “những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại điểm trang cho cuộc sống bằng vẻ đẹp muôn màu của nó”. “… Thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng – nó bất diệt như trái tim con người” (William Wordswarth).

Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người và là sáng tạo đặc biệt của loài người. Nó là những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại trang điểm cho cuộc sống bằng vẻ đẹp muôn màu của nó. Tố Hữu từng nói: ”Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã thật tràn đầy”, khi những cảm xúc mãnh liệt đè nặng trái tim nhà thơ không thể nói thành lời, thì khi ấy thơ lại là nơi để giãi bày. Những vần thơ viết ra từ chính sự xúc động trong tâm hồn của nhà thơ trước cuộc đời là những vần thơ có giá trị hơn bao giờ hết.
Mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Mỗi người đọc tinh hoa là một con đường đến với thơ. “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi cảm” (Lưu Trọng Lưu). Thơ ca lại dùng ngôn từ để nói lên cảm xúc, bộc bạch nỗi lòng và gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng. Thế nhưng, ngôn ngữ trong thơ lại có hạn, không cho phép người nghệ sĩ kể lể dài dòng hay phí phạm câu chữ mà họ phải mài giũa ngòi bút cho thật sắc, thật tinh để viết nên những ngôn ngữ cô đọng, hàm súc nhưng đa nghĩa, giàu tính biểu cảm và hình tượng. Lưu Trọng Lư cũng từng viết: “Thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà ý nhiều”. Sáng tác thơ cũng như làm thí nghiệm hóa học, mỗi chữ viết ra không được thừa, cũng không được thiếu, khi ấy ta mới thu được hạt muối kết tinh của nghệ thuật. Hay nói như nhà thơ Nga Maiacopxki: “Quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim cương”. Ngôn ngữ là những tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ, đó là nơi họ nhắn nhủ những tâm tình, trao gửi bao ước mơ, hoài bão. Thế thì đó càng không thể là thứ câu chữ tầm thường, vặt vãnh được.
Không ai muốn đọc một tác phẩm mà ở đó, ta không tìm thấy sự đồng điệu và chia sẻ hay quá xa lạ, như Chế Lan Viên cũng cho rằng: ”Đừng làm những câu thơ đi tìm kiếm sao Kim; Thứ vàng ấy loài người chưa biết đến”. Tài năng và tâm hồn nhà thơ là một yếu tố hết sức quan trọng nhưng công việc của nhà thơ không phải chỉ dừng ở đó, anh phải là người tìm kiếm “hạt thơ trên luống đất của những người dân cày”(Pauxtôpxki). Từ mảnh đất hiện thực và ấp ủ chúng trong trái tim mình, để lại cho đời những “đóa hoa thơ” thật đẹp. Những đóa hoa ấy sẽ trở lại tô điểm cho cuộc đời và cho loài người niềm an ủi, đồng cảm mãnh liệt nhất.
Thơ bao giờ cũng in đậm chữ “đời” trước hết. Cuộc đời không chỉ ban cho nhà thơ nguồn cảm hứng mà cuộc đời còn là nơi khai thác “chất quặng” nguồn từ để tạo nên thơ: “Vạt áo của nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà cuộc đời rơi vãi; Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang” (Chế Lan Viên). Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và “cái tôi” nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng “vỏ bào” (Pauxtôpxki). Nhà thơ phải nhặt những hạt “bụi quý” trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên những “bông hồng vàng” quí giá, đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc thơ, hiểu thơ và yêu thơ, theo cách diễn đạt của Pauxtôpxki.
Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn.”
(Lê Đạt – Vân chữ)
Cái “vân chữ “của một nhà thơ hay một nhà văn thứ thiệt mà Lê Đạt nhắc đến ở đây chính là phong cách tác giả, là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ qua tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân. Đồng thời cũng là để nhấn mạnh đó là yếu tố quan trọng để tạo nên một “người nghệ sĩ thứ thiệt”- một người nghệ sĩ chân chính, có tài năng và có tư chất, có phong cách nghệ thuật riêng biệt không thể trộn lẫn. Từ đó biết được muốn có bài thơ hay thì “mỗi lời thơ đều dính não cân ta” mà “muốn hồn trào ra đầu ngọn bút” là điều rất khó đạt được, viết lên một tác phẩm hay là điều không dễ dàng. Nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định quy luật của quá trình tinh lọc ngôn ngữ thơ: “Thơ phải súc tích, phải rắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường vẫn nhạt vẫn loãng, thi sĩ đem kết đọng lại, tụ lại làm nên những câu thơ đậm đà, tài liệu thì vẫn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hàng ngày, trong những sự rung động của trái tim, của xương thịt nhưng khi đã đem vào thơ thì tài liệu biến đi và thành ngọc châu”. Thật vậy, sáng tạo ngôn ngữ thơ không phải một điều dễ dàng. Người nghệ sĩ phải xoay sở trên một vùng đất chật hẹp, vậy nên họ không thể lãng phí bất cứ từ ngữ nào để diễn tả những cảm xúc hời hạt, tủn mủn, thứ mà họ viết nên phải là ngôn ngữ được chắt lọc và kết tinh từ hàng vạn chất liệu ở đời.
Nhà văn Nga M.Gorki, trong một bức thư gửi nhà đạo diễn Xtanixlapxki có viết: “Nghệ sĩ là con người biết khai thác những ấn tượng riêng – chủ quan của mình, tìm thấy trong những ấn tượng đó là cái giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng”. Những “ấn tượng riêng – chủ quan” của người nghệ sĩ chính là cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống mang tính khám phá và sáng tạo. Có lẽ một trong những cái khác biệt để tạo ra khoảng cách nghệ sĩ và người thường chính là chỗ đó. Không phải ai cầm bút cũng đều là nghệ sĩ. Các nhà văn, nhà thơ cũng vậy. Họ đều có thể viết được thơ, văn nhưng để làm được thơ văn đích thực, cần có sức sống và có chỗ đứng trong lòng người đọc thì không phải ai cũng làm được. Một nhà văn sáng tạo càng độc đáo, đặc sắc thì người đó càng thành công.
Sứ mệnh nhà văn là như một “người nghệ sĩ trung thành của thời đại” (Balzac), phải giúp cho người đọc hình dung những gì đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta tồn tại, nơi đó gây cho người đọc lòng trắc ẩn, tình yêu thương và ý thức phản khác lại cái xấu, tàn ác. Con người cần nhìn thấy những gì họ chưa bao giờ thấy, hiểu những gì chưa bao giờ biết, tất cả những câu trả lời mà độc giả muốn có mà tác giả mang lại đều phải xoay quanh chính cuộc sống hiện tại. Thế giới trong trang thơ mở ra đâu đó luôn tồn tại những hình ảnh gần gũi từ thế giới hiện thực mà ta đang sống, có điều nó mới mẻ và đặc biệt hơn. Chất thơ vốn có trong hiện thực, bởi nếu không có mùa thu đẹp đẽ của cuộc đời thì không có mùa thu của thi ca
Thơ như con sông thời đại cứ vỗ hoài vào bờ, nhưng thơ làm con người đẹp hơn còn sóng nước làm bờ đá mòn bớt đi. Hai sự thật mâu thuẫn nhưng lại đồng nhất, thơ không bào mòn con người mà tăng trưởng con người hơn. Thơ thực sự là một “Người mẹ”, “quảng đại’’ – tức là ta nói về giá trị đích thực của thơ ca, bởi chỉ có thơ ca đích thực, là nghệ thuật thì mới “quảng đại”, bao dung, nhân từ đối với từng con người…

MỐI QH TƯƠNG TÁC GIỮA SÁNG TẠO VÀ TIẾP NHẬN

 Sáng tạo và tiếp nhận văn học luôn là vấn đề bản chất, then chốt của Khoa Nghiên cứu văn học. Và thực tế, các nhà lý luận văn học từ truyền thống đến hiện đại đã quan tâm nghiên cứu mối quan hệ này từ nhiều cấp độ lý luận với nhiều quan niệm khác nhau. Có sáng tạo văn học là có tiếp nhận văn học, dĩ nhiên là sáng tạo phải đi trước một bước để tạo thành văn bản. Sau đó, văn bản được chuyển đến người đọc, được người đọc tiếp nhận, bình giá thì nó mới trở thành tác phẩm. Cứ như vậy, tác phẩm văn học liên tục được làm đầy những giá trị chỉnh thể của chúng từ những tầm đón nhận và tầm đón đợi của nhiều thế hệ người đọc. Có nghĩa là người đọc đồng sáng tạo từ nhiều góc nhìn, nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau và từ bản chất tự trị vốn có của tác phẩm, họ có thể cung cấp nhiều ý nghĩa và giá trị mới khác cho tác phẩm. Những ý nghĩa và giá trị mới ấy, quả thật trong khi sáng tác, tác giả chưa nghĩ đến hoặc chưa tin rằng, chúng lại được người đọc phát hiện thú vị như vậy.

Nói như vậy, không phải lúc nào người đọc cũng có thể mãi làm đầy những giá trị mới cho tác phẩm. Nó chỉ đúng và có giá trị trong giới hạn cho phép mà tác phẩm gợi mở, vẫy gọi. Điều đó có nghĩa là những phát hiện chủ quan, võ đoán ngoài văn bản hay rất xa với nghĩa gốc của văn bản mà người tiếp nhận gán cho sẽ không được thừa nhận. Từ mối quan hệ bản chất như trên của quá trình sáng tạo và thưởng thức văn học, đã làm xuất hiện nhiều quan niệm khác nhau trong lịch sử tiếp nhận văn học. Quan niệm truyền thống đề cao vai trò của chủ thể sáng tạo, trao cho họ một khả năng và phạm vi rất rộng trong việc làm chủ tác phẩm, tạo nghĩa cho tác phẩm. Đến các nhà mỹ học tiếp nhận hiện đại, họ lại chuyển vai trò trên cho người đọc, xem người đọc là nhân tố quan trọng trong quá trình tạo nghĩa cho tác phẩm. Và khi ấy, tác giả xem như đã hết vai trò trọng yếu của mình. Và quan niệm này được nhiều nhà mỹ học và lý luận văn học phương Tây đồng tình. Nhưng qua thực tiễn của quá trình sáng tạo hiện nay, đặc biệt là với chủ nghĩa hậu hiện đại, thì những định vị trên có sự lung lay. Và có nhiều ý kiến cho rằng, với sự tìm tòi, thể nghiệm liên tục của văn học hậu hiện đại, người đọc không kịp hoặc không thể nhận ra những giá trị bản chất của tác phẩm. Chính vì thế, nên chăng, phải điều chỉnh lại mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận văn học. Và phải trao cho tác giả cái quyền định đoạt giá trị tác phẩm của mình ít nhất là ngang, nếu không muốn nói là cao hơn độc giả. Xem ra, ý kiến này trong tình hình văn học thế giới hiện nay, có thể điều hòa được hai quan niệm nói trên. Có nghĩa là tác giả và độc giả đều có vai trò cộng hưởng quan trọng của mình trong quá trình hoạt động văn học mà ở đây, tác phẩm văn học là đối tượng trung tâm của quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học.
Thời gian qua đã xuất hiện những quan niệm trái chiều về cách đánh giá và tiếp nhận văn học. Nhiều tác phẩm đã có cách thể hiện mới lạ và phong phú, khác xa với cách thể hiện truyền thống và họ tự gọi đó là văn học đổi mới hay văn học theo xu hướng hiện đại, hậu hiện đại. Lấy mốc từ năm 2000 trở lại nay, trên văn đàn nước ta đã có những chuyển biến đáng phấn khởi xuất phát từ khát vọng cao đẹp của các nhà văn chân chính là muốn đưa nền văn học nước ta tiến lên phía trước, hội nhập với văn học thế giới. Nhưng quả thật, số tác phẩm như thế hãy còn chưa tương xứng với yêu cầu của độc giả và thời đại. Đặc biệt là vẫn chưa có nhiều tác phẩm neo được sâu đậm trong lòng độc giả.
Về phía người đọc, chúng tôi nhận thấy, ngày nay, khả năng tiếp nhận văn học của họ cũng đa dạng, phong phú và sáng tạo hơn. Đó là nhân tố cần thiết và thuận lợi cho quá trình phát triển của nền văn học dân tộc, kích thích chủ thể sáng tạo liên tục tìm tòi, đổi mới. Vậy tại sao vẫn còn tình trạng nhiễu tiếp nhận trong những tác phẩm cụ thể? Tìm hiểu bản chất của vấn đề trên sẽ phần nào giải thích được những băn khoăn của nhiều người.
Trước hết là ở sự nhận thức của từng chủ thể sáng tạo. Nhà văn bất kỳ ở thời đại nào cũng đều sống trong môi trường văn hóa cụ thể. Họ không thể thoát khỏi sự quy định có tính xã hội-văn hóa ấy. Vậy những tác phẩm của họ-dù sáng tác theo khuynh hướng nào, kiểu tư duy nào cũng được chấp nhận, miễn là tác phẩm ấy phải hay, phải mang chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, vì sự sống và khát vọng cao đẹp của con người, vì giá trị chân-thiện-mỹ của từng thời đại. Hơn nữa, văn học là loại hình nghệ thuật đặc thù, nó phản ánh cuộc sống bằng hình tượng thông qua chất liệu ngôn từ cũng rất đặc thù. Cho nên, nó có thể miêu tả cuộc sống như nó vốn tồn tại. Khả năng đón đầu, dự báo của văn học nhiều lúc đi trước thời đại là chuyện thường thấy trong văn học của nhân loại từ trước đến nay.
Vấn đề là, làm sao để tạo ra cho được một thời đại mới trong văn học, tạo ra được cuộc cách mạng trong văn chương? Điều ấy, các văn nghệ sĩ phải tìm tòi, thể nghiệm. Tìm tòi, thể nghiệm không chỉ cho riêng mình-dù lúc đầu là thế. Nhưng quan trọng hơn là sau những tìm tòi, thể nghiệm ấy, chúng phải trở thành vệ tinh để thu hút mọi chủ thể sáng tạo học tập, cộng hưởng và cuối cùng tạo ra một phong trào rầm rộ với hệ thi pháp độc đáo, mới mẻ, làm chuyển biến cho cả một thời kỳ hoặc một giai đoạn văn học với nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc. Và đặc biệt là thi pháp văn chương của cả phong trào ấy được bạn đọc đón nhận. Nếu tạo ra được những chuyển biến có tính cách mạng hợp quy luật như thế thì nền văn học giai đoạn ấy, thời kỳ ấy sẽ sống mãi, có giá trị như một nối tiếp giá trị mới cho từng chặng hành trình của cả tiến trình văn học.
Dĩ nhiên là chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, những hạn chế, bất cập ở phía người đọc, đặc biệt là người đọc phổ thông, bình thường trước những đổi thay của đời sống văn học đương đại thế giới và trong nước là có thật. Chưa kể đến những thực tế có liên quan đến văn học hậu hiện đại thì vấn đề lại càng phức tạp hơn. Lúc ấy, những giới hạn của thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận cũng là một thực tế. Cũng chính lúc ấy, Khoa Nghiên cứu văn học lại phải thể hiện vài trò là “mỹ học và triết học” đang vận động của mình để định hướng các vấn đề có liên quan đến quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn học về mặt lý luận, lý thuyết để những gì còn tiềm ẩn, tranh cãi được thể hiện lên một cách hiển minh và khoa học, nhằm định hướng thẩm mỹ cho người đọc và cả người sáng tác.
PGS, TS HỒ THẾ HÀ
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

NHẠC TÍNH TRONG THƠ

 

Hiểu như thế nào về nhạc tính trong thơ?

Bàn về nhạc tính trong thơ, thực chất là nói đến khả năng tạo nên những cấu trúc, tổ hợp âm thanh dựa trên đặc tính âm học của lời, của ngôn ngữ.

Thơ có lúc được xem như là sự giao thoa giữa âm và ý. Mallarmé còn dị biệt hơn khi “liên kết những từ mà sức mạnh gợi cảm không được sinh ra từ ý nghĩa mà lại chỉ từ sự “rung động của âm thanh”. Chính hiệu quả về mặt âm thanh (nhịp điệu - nhạc tính) mà thơ khẳng định được tư cách loại hình của mình trong tương quan với các loại hình khác.

Thanh âm trong cơ chế “lặp lại” trên trục ngữ đoạn (kết hợp) đã tạo nên “một kiến trúc đầy âm vang” (Đỗ Đức Hiểu). Đó là nhạc tính của thơ. Tu từ học ngữ âm đã chỉ rất rõ hiệu quả của các kết hợp âm trong cấu trúc ngôn từ dựa trên những “tham số thanh học của ngôn ngữ” (Nguyễn Phan Cảnh). Trên bình diện lý luận, nhạc tính được tạo nên bởi sự hòa điệu của âm thanh (giai điệu) và nhịp điệu. Tuy vậy, bản thân âm thanh lại chưa phải là giai điệu. Âm thanh được tổ chức theo cường độ, trường độ, nhịp độ trong thời gian mới trở thành giai điệu. Tiếng Việt có đặc tính là đơn âm, đơn lập và nhiều thanh điệu với những âm sắc đa dạng nên có nhiều điều kiện, cơ hội để tổ chức, kết hợp, phối dàn nhạc.

Thơ Việt Nam đương đại kiến tạo nhạc tính dựa trên ba yếu tố: vần điệu, âm điệu và nhịp điệu.

Âm nhạc vốn là loại hình nghệ thuật thời gian. Với loại hình này, các yếu tố vật chất được loại bỏ, đồng nghĩa với việc loại bỏ các quy chiếu không gian, hướng đến “nội cảm thuần túy” (Hegel). Dựa trên đặc tính âm học của từ, tổ chức trong những đơn vị thời gian nhất định đã đem đến nhạc tính cho thơ. Nguyễn Phan Cảnh đã phân xuất kỹ lưỡng bằng các thao tác của ngữ âm học để chỉ ra: kỹ thuật tạo nhạc bằng âm điệu dựa trên đặc tính thanh điệu của từ. Như thế, ông đã lưu ý đến khả năng của yếu tố siêu đoạn tính. Ông phân định thanh cao gồm Ngang - Ngã - Sắc, thanh thấp gồm Huyền - Hỏi - Nặng. Một kỹ thuật tạo nhạc khác là dựa trên đặc tính âm học của nguyên âm và phụ âm. Nguyễn Phan Cảnh chỉ ra nguyên âm có đặc tính Bổng/ Khép (I), Bổng/ Mở (E), Trầm/ Khép (U), Trầm/ Mở (O) … Còn phụ âm, ông lưu ý đến những phụ âm vang (m, n, nh, ng), những phụ âm tắc (p, t, ch, c) …

Thơ Việt Nam đương đại kiến tạo nhạc tính dựa trên ba yếu tố: vần điệu, âm điệu và nhịp điệu. Về mặt loại hình, nhạc tính được tạo nên bởi vần điệu đến giai đoạn hiện nay không còn quan trọng nữa. Tuy vậy, vần điệu vẫn tồn tại, thậm chí là một dòng chảy khá lớn trong thơ đương đại. Biểu hiện của kiểu thơ này chính là các tác phẩm sáng tác theo thể thơ truyền thống: lục bát, năm chữ, bảy chữ, tám chữ,… với tổ chức vần chân hoặc vần lưng: Thôi em cứ việc đi tìm/ Cho môi khỏi héo cho tim khỏi tàn/ Biết đâu cuối bến trần gian/ Người xưa vẫn đợi em sang một bờ/ Gia tài tôi mấy vần thơ/ Trót đem đổi lấy dại khờ ngày yêu/ Tóc xanh đổ tím bóng chiều/ Lấy chi mua nổi những điều em mong ("Dỗi" - Lê Quốc Hán). Vần thơ tạo nên sự liên kết về mặt thanh âm do cấu trúc lặp lại tại các vị trí hiệp vần. Âm thanh được tổ chức, lặp lại trên trục thời gian, theo những nhịp độ (tempo) nhất định tạo nên nhạc tính.

Đối với thơ lục bát, thường là nhịp chẵn, đều đặn và hài hòa, khiến cho nhạc tính của thơ lục bát khi nghe cảm giác du dương, êm ái, dễ đi vào lòng người. Nhạc tính của lục bát nói riêng và các thể thơ có vần nói chung đều hướng tới cấu trúc này, nghĩa là tổ hợp thanh âm dựa trên sự lặp lại ở những vị trí nhất định trên chuỗi ngôn ngữ: Tháng giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời/ Tháng giêng ngày mỏng quá/ Nỗi buồn nghe cũ rồi/ Mà bên kia tờ lịch/ Nỗi niềm mưa xót rơi/ Tháng giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa/ Theo giọt mưa cầu phúc/ Tiếng chuông từ bi mơ/ Tháng giêng mưa dưới bến/ Mỏng mai cô lái đò/ Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ ("Mưa tháng Giêng" - Nguyễn Việt Chiến). Thơ Việt đương đại phát triển đến thời điểm hiện tại đã giải trừ sứ mệnh của vần điệu để hướng tới một cấu trúc tự do, thông thoáng hơn: nhịp điệu. Nhịp giữ cho âm thanh không rơi vào hỗn độn, hay đúng hơn là tổ chức âm thanh theo những ý hướng nhất định.

Âm thanh tự nó chưa phải âm nhạc. Chỉ khi nào, âm thanh được tổ chức trong thời gian, với cấu trúc lặp lại, khi đó mới hình thành nhịp - giai điệu là tiền đề của nhạc tính trong thơ. Với những nhà thơ mà tư duy tượng trưng trở thành đòi hỏi có tính bản thể của sáng tạo, “âm - nhạc - của - ngôn - ngữ” vừa là phương tiện nhưng đồng thời cũng là mục đích.

Chất thơ chính là chất nhạc: Chờ em đường dương cầm xanh/ dậy thì nõn dương cầm phố/ Chờ em đường dương cầm sương/ chúm chím nụ dương cầm biếc/ Chờ em đường dương cầm sim/ vằng vặc ngực dương cầm trinh/ Chờ em đường dương cầm khuya/ ôi cái im đêm thơm mọng/ Chờ em đường dương cầm trăng/ ứa nhụy, lạnh dương cầm xuân/ Chờ em đường dương cầm mưa/ giọt giọt lá buồn dạ khúc/... Xào xạc lòng tay khuya/ Anh về lối dương cầm lạnh ("Serenade 3" - Dương Tường).

Sáng tác của Dương Tường phát huy thế mạnh của “con âm” trong tổ chức lời thơ, giống như một bản nhạc. Vấn đề đặt ra, tự thân âm nhạc giải trừ các liên quan đến vật chất. Chỉ có âm thanh trong thời gian. Âm thanh lại trừu tượng,… Bởi thế, các thi sĩ tượng trưng đã tận dụng tính chất trừu tượng này nhằm biểu đạt sự âm u, sâu xa, kín đáo ẩn mật của tinh thần.

Dĩ nhiên, như đã nói, âm - nhạc - của - ngôn - ngữ không thể cạnh tranh được với ngôn - ngữ - âm - nhạc. Có chăng, các thi sĩ đề cao âm nhạc, nhạc tính trong thơ bởi thấy được ý nghĩa của nó trong việc đưa con người đến với sự tự do hoàn toàn, như Valéry nói: “Âm nhạc đưa chúng ta trở về với chính mình”. Trở về với chính mình nghĩa là trở về bản thể.

Một đặc điểm nổi bật của con người đương đại là tinh thần hướng tới các giá trị nhân bản, phát huy tối đa những giá trị bản thể, cất lời về tư cách hiện hữu của mình trong không thời gian, trong lịch sử. Và chỉ với âm nhạc, nhạc tính, những kín nhiệm của tinh thần mới có cơ hội được bộc lộ một cách đầy đủ.

Trong động thái ấy, thơ đương đại đã dịch chuyển từ Chữ - Nghĩa sang Chữ - Âm - Nghĩa. Cái nghĩa này cũng không chỉ là nghĩa tự vị, nghĩa ngôn ngữ học, mà đó là “chức năng thi ca” của ngôn ngữ thơ. R.Jakobson đã hết sức lưu ý: “Chỉ trong thi ca, bằng sự lặp lại đều đặn của những đơn vị tương đương với thời gian của chuỗi ngôn từ đã mang lại một kinh nghiệm sánh bằng - kinh nghiệm về thời gian âm nhạc”.

Tư duy âm nhạc là tư duy tượng trưng. Chỉ bằng âm thanh, những tổ chức giai điệu trong thời gian, nhịp độ, cao độ, trường độ,… cho phép hình thành các giao hưởng của thanh âm mà ta gọi là nhạc. Thông thường, như nhiều người đã thực hành, việc sử dụng các âm mở, vang, có vần bằng, cao bổng,… mang lại hiệu quả tốt hơn cho mục đích nhạc tính. Tuy vậy, đó chỉ là phần nổi lên của thanh âm trong một giao thoa, cộng hưởng nhất định. Sẽ rất cần các âm khác chìm, đục, tối, thấp,… để tạo nên các cú “bồi”, làm nẩy các thanh âm vang mở,… Như thế, chúng ta cần phải nói đến một thi pháp “giao thoa và cộng hưởng” (Chu Văn Sơn) mà không chỉ đề cập đến những gì nghe thấy. Nếu không có những bè trầm, những khoảng thấp, tối, đục, chuỗi thanh âm trong thời gian sẽ khó có thể ngân lên thậm chí có nguy cơ biến thành một hợp âm hỗn độn, xô bồ.

Thanh âm của ngôn ngữ, nhạc tính trong thơ chính là một thủ thuật tượng trưng đồng thời cũng là một biểu tượng về những điều tinh vi, kín đáo và sâu xa của thế giới, của tâm hồn con người. Các thi sĩ tìm đến nhạc tính như tìm đến một nguồn sống, nguồn thơ ở tầng cao hơn của tư duy và mỹ cảm. Và cũng có lẽ, chỉ trong những đặc tính siêu hình, trừu tượng của âm nhạc, con người mới thực sự tìm thấy sự tự do, mới thực sự trở về với chính mình như điều P. Valéry đã từng nhấn mạnh.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

BÀI THƠ HAY "THUỐC ĐẮNG" CỦA MAI VĂN PHẤN

 

THUỐC ĐẮNG

                     (Cho Ngọc Trâm)

 

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                    Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...

 

Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.

 

Mồ hôi keo thành chai tay

Mùa xuân tràn vào chén đắng

Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc òa vu vơ.

 

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố.

(Mai Văn Phấn. Rút từ tập "Giọt nắng", Hội Văn nghệ Hải Phòng, 1992)

Lời bình của em Trần Thị Mai Hương, HS Lớp 11A9 trường THPT Hiệp Hoà số 3, tỉnh Bắc Giang

 

Cốt lõi của nhân đạo là lòng yêu thương, bản chất của nó là chữ tâm đối với con người. Trước hết chúng ta hãy lắng nghe nỗi lòng của con người thông qua những tác phẩm viết về tình yêu thương, tình mẫu tử, phụ tử. Bài thơ "Thuốc đắng" của nhà thơ Mai Văn Phấn là một bài thơ hay, mang ý nghĩa nhân văn của tình phụ tử và triết lý nhân sinh sâu sắc, có ý nghĩa lớn lao về cuộc sống đời người.

      

Mai Văn Phấn là gương mặt thơ ca tiêu biểu của Việt Nam bởi những nỗ lực cách tân không mệt mỏi. Ông là nhà thơ có ý thức học hỏi những nền thơ ca hiện đại đi trước, sẵn sàng thu nạp kỹ thuật của các trường phái, triết thuyết để thử nghiệm làm mới, làm khác biệt tác phẩm của mình. Thơ ông nghiêng về lý trí, điêu luyện về dùng chữ, tân kỳ trong áp dụng các kỹ thuật trường phái thơ ca khác nhau, xử lý hài hòa giữa thành tựu thơ ca truyền thống và sự cách tân hiện đại. Tác phẩm thơ "Thuốc đắng" được sáng tác năm 1990, đã nhận được Giải thưởng Văn học mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (của UBND TP Hải Phòng). Với lời tâm sự của người cha đối với đứa con bị ốm, bài thơ ca ngợi tình cảm mà người cha dành cho con, qua đó gửi gắm thông điệp: cuộc đời này nhiều chông gai và bão tố, người cha muốn con mình phải nhìn ra và chấp nhận nếm trải nó để lớn lên và trưởng thành.

     

Tình cảm người cha dành cho con được thể hiện ngay từ khổ thơ đầu. Mở đầu với cơn sốt của người con và hình ảnh cha bên cạnh chăm sóc. Cơn sốt như thiêu rụi thể xác con khiến cho cha bộc lộ sự lo lắng. Nếu như con phải chịu nỗi đau về thể xác, thì trong đáy lòng của người cha là nỗi đau tinh thần, phức hợp bao cảm xúc khôn tả. Nhìn thể xác con phải chịu đựng, phải gồng mình trong cơn sốt, người cha thương lắm! Người cha cảm thấy như mình có thể hóa "thành tro nữa". Cơn sốt của con mang một giá trị biểu tượng. Hành động "giữ tay con" và "cha đổ": đây là những động từ mạnh thể hiện sự thô bạo, áp chế cha cho con uống thuốc. Cha đã nhận thức về hoàn cảnh nếu không cho con uống thuốc thì cơn sốt sẽ không hạ. Suy cho cùng những hành động ấy của cha xuất phát từ tình yêu thương con mà thành. Dù cha không cam lòng để con phải nếm vị đắng ấy, dân gian xưa có câu "Thuốc đắng dã tật", thuốc tuy có vị đắng nhưng như vậy mới giúp con được. Sau hành động có phần thô bạo ấy lại là sự ngậm ngùi của cha mà "thả lòng chén vơi". Con đã được cho uống thuốc, chén cũng đã vơi nhưng trong lòng cha còn xót xa vô cùng! Khổ thơ dường như đã dồn nén cả ý và tứ, cha còn nỗi lo, một nỗi lo đau đáu trong tình trạng của con hiện tại. Nghệ thật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư, có thể thấy tình cảm cha dành cho con lớn tới dường nào.

    

Những suy nghĩ của cha vẫn chưa ngớt, suy nghĩ cho con trước cuộc sống sau này. Lời độc thoại nội tâm "Con ơi" - cha tự nói với lòng mình. Và những suy nghĩ gợi lên từ hình ảnh bắt con uống thuốc đắng để khỏi bệnh. Hình ảnh "sương" và "cánh hoa mỏng mảnh", sương muốn hiện hữu thành hạt vẫn phải vắt, phải trải qua đêm lạnh chắt chiu mới có được; cánh hoa muốn tỏa hương từ sự mỏng mảnh của mình vẫn phải nhờ tới chùm rễ cay chứ không thể tự mình bung nở hương thơm. Hai hình ảnh tuy nhỏ bé, đơn giản nhưng mang tính triết lí cao. Con cũng giống như sương sớm, như cánh hoa ấy và cha nghĩ về những thử thách chông gai con sẽ phải đối diện, trải qua sau này để con có thể hoàn thiện, phát triển bản thân làm nên giá trị riêng mình.

    

Dòng suy nghĩ vẫn cứ tiếp nối, cha nghĩ về chính cuộc đời mình. Câu thơ "Mồ hôi keo thành chai tay", mồ hôi và hình ảnh chai tay thể hiện sự vất vả, lam lũ khổ cực. Đôi bàn tay đã bị chai sạn theo thời gian trong cuộc sống. Được "keo" lại cho thấy sự gồng gánh trải qua từ rất lâu - minh chứng của thời gian để lại. Hình ảnh mùa xuân, chén đắng xuất hiện: mùa xuân là mùa khởi đầu trong năm, mang theo sức sống, sự tươi đẹp và những điều tốt lành hi vọng đối lập với hình ảnh chén đắng là chén thuốc nhỏ, chứa vị đắng của thuốc hay ẩn trong cái đắng ấy là vị đời mà cha đã phải trải qua chua chát. Động từ "tràn" mang giá trị biểu đạt hàm nghĩa cao, sau những đắng cay gian khổ ấy sẽ có sự hạnh phúc, niềm tin tươi đẹp tới. Những vị đắng cay từ chén nhỏ kia sẽ được mùa xuân mang hương vị ngọt ngào cùng  bao điều tốt đẹp, xua tan đi vị đắng của đời. Niềm hi vọng trong cuộc sống bão tố, đôi khi chỉ cần mạnh mẽ trong tinh thần là đủ. Câu thơ "Tuổi cha nước mắt lặng lặng" - một cuộc sống đã từng trải qua trong nước mắt, sống trong những khổ cực và chỉ biết nuốt nước mắt vào trong của cha, giờ bỗng ùa về trong hồi ức. Âm thầm chịu đựng "Sự thật khóc òa vu vơ", trước những khó khăn mà hoàn cảnh sống của cha mang đến, những sự thật mà không thể làm gì khác và cha khi đó vẫn là một đứa trẻ. Trẻ con khi phải chịu những tiêu cực ấy, việc có thể làm chỉ là khóc, cha đã sống như thế của một tuổi thơ bi hạnh. Cho tới bây giờ cha vẫn không có cho mình một niềm vui trọn vẹn. Và hiện tại ở cương vị người cha, của một người đã đi hơn nửa cái dốc cuộc đời, cha hi vọng khi con lớn lên sẽ không phải sống như cha đã từng trải, mà hãy vươn lên mạnh mẽ, hi vọng con có thể sống hạnh phúc trong chính cuộc đời mình.

    

"Con đang ăn gì trong mơ?", trong giấc mơ của con, giấc mơ của tuổi hồn nhiên ngập tràn màu hồng vô tư lự. Nhưng thực sự đó chỉ là cơn "mơ", giấc mơ của sự hi vọng chứa niềm khao khát về cuộc sống. Là ước mơ của con và cũng là mong ước của cha, cha luôn bên cạnh cùng con hướng tới những điều tốt đẹp. Hình ảnh người cha để chén lên cửa sổ là một biểu tượng, như cất lại trong kí ức của cha và cả của con. Bài thơ "Thuốc đắng" được xem là khai mở con đường thơ của Mai Văn Phấn, chiếc chén đặt trên cửa sổ cũng chính là tâm điểm trong không gian của tác phẩm này. Xuất hiện từ năm 1990 đến nay, đã gần 40 năm, đó như một minh chứng cho tình phụ tử vô cùng cao đẹp. "Đáy chén chắc còn bão tố", chén thuốc đầy vị đắng con đã uống hết. Bão tố là những khó khăn thử thách trong hành trình sống và trải nghiệm, khi con trưởng thành, tựa như cha đã trải qua sóng gió cuộc sống. Con uống đã cạn vị đắng trong chén nhỏ kia, nhưng có thể dư vị của chén thuốc trong đời sống, dưới đáy cái chén vô hình và hữu hình khác sẽ vẫn còn nổi lên những trận bão tố. Khi con lớn lên, cha mong con sẽ mang theo những suy nghĩ và những cảm xúc của cha lúc này, con phải trưởng thành và luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách để thành công.

    

Bài thơ thể hiện tình phụ tử thật cao cả và sâu sắc: cách người cha yêu thương con, dạy con đối diện với những thử thách của cuộc sống. Ở đây, dường như không có bài học đạo đức nào, chỉ có những  sự thật trần trụi và đắng chát cha muốn con nhìn ra, để có thể chấp nhận và đối diện với nó khi con lớn lên. Bên cạnh đó còn là những âu lo cha nghĩ cho con. Người cha ấy mang trong mình niềm hi vọng và mơ ước: con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc ý nghĩa.

    

Cuộc sống là một hành trình trải nghiệm, hành trình dài và mỗi người đều có cho mình những bước đi riêng. Trên con đường ấy chẳng một ai có thể cùng ta bước đi mãi mãi. Đối diện với những khó khăn chúng ta phải vượt qua chính mình. Con người khi trưởng thành kéo theo những suy nghĩ, cảm xúc, bản thân có sự thay đổi, phải thích nghi với chính bản thân mình với chính cuộc sống của mình. Dù là khó khăn vấp ngã cũng không được lùi bước, hãy lấy đó làm động lực để phát triển bản thân hướng về cuộc sống phía trước, con đường mình đã chọn là vươn tới ước mơ.

    

Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư. Bài thơ "Thuốc đắng" là một tác phẩm nghệ thuật, là kết quả của tình yêu thương: tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng với cuộc sống. Tiếng lòng của nhà thơ được thể hiện thông qua nghệ thuật đặc sắc của ngôn ngữ thi ca. "Thuốc đắng" được viết theo thể thơ tự do, với nhiều hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, là tấm lòng, tình yêu thương vô bờ bến của người cha dành cho con. Những âm điệu trong bài thơ chói gắt, đầy kịch tính. Giọng thơ độc thoại - trữ tình của tác giả. Nước ta vào đầu những năm 90, những tàn dư của tư tưởng bảo thủ thời bao cấp vẫn còn ngự trị trong xã hội, ẩn sâu dai dẳng trong góc khuất mỗi con người. Câu chuyện người con gái bé bỏng của tác giả phải uống thuốc đắng cũng giống như xã hội ta khi ấy mang những căn bệnh nặng cần phải kịp thời chữa trị. Vậy muốn chấm dứt căn bệnh trầm kha ấy nhất định phải có thuốc chữa, dù đó là loại thuốc có vị “đắng”.

    

Bài thơ "Thuốc đắng" thể hiện tình cảm phụ tử thiêng liêng, mang giá trị nhân văn sâu sắc về cuộc sống. Hiểu cuộc sống vốn là như thế: có tốt - xấu, có ngọt ngào - đắng cay, có may mắn - rủi ro, để từ đó không kỳ vọng ảo tưởng, mà nhìn nhận và đón nhận cuộc sống như nó vốn có. Giống như người cha trong bài thơ mong con có bản lĩnh để bình thản đối mặt, sẵn sàng đón nhận mọi thử thách; đồng thời, có tình yêu cuộc sống, để thấy mọi khía cạnh của vẻ đẹp mà cuộc sống mang lại. Điều ấy khiến tất cả chúng ta đều nhận thức rằng, cái đắng cay đôi khi cũng nằm trong hạnh phúc.

 

BÀI THƠ HAY "NHẬT KÝ ĐÔ THỊ HÓA" - MAI VĂN PHẤN

Câu lục phá cách trong 'Truyện Kiều' (Vương Trọng, báo Văn nghệ công an online)

 Cùng là thơ lục bát, nhưng có bài nghe êm dịu, có bài lại trúc trắc, khó đọc. Nguyên nhân ngoài vần ra, còn do điệu, tức là thanh trắc và thanh bằng của các chữ trong câu quyết định điều đó.

Chúng ta biết rằng, với một câu thơ lục bát chuẩn thì chữ thứ 2 của câu lục cũng như của câu bát phải là thanh bằng, chữ thứ tư của mỗi câu phải là thanh trắc(*). Trong 1.627 câu bát của “Truyện Kiều”, câu nào cũng chuẩn, nghĩa là mọi câu đều có chữ thứ hai thanh bằng, chữ thứ tư thanh trắc. Nhưng trong 1.627 câu lục thì không như thế, nghĩa là có một số câu có chữ thứ hai thanh trắc, hoặc chữ thứ tư thanh bằng. Ta tạm gọi những câu lục như vậy là “câu lục lệch chuẩn” hoặc “Câu lục phá cách”. Trước hết ta hãy thống kê những câu lục ấy:

- Mai cốt cách, tuyết tinh thần
- Đau đớn thay phận đàn bà
- Nền phú hậu, bậc tài danh
- Người quốc sắc, kẻ thiên tài
- Khi tựa gối, khi cúi đầu
- Người nách thước, kẻ tay đao
- Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
- Duyên hội ngộ, đức cù lao
- Nước vỏ lựu, máu mào gà
- Tin nhạn vẩn, lá thư bài
- Khi khóe hạnh, khi nét ngài
- Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
- Khi gió gác, khi trăng sân
- Khi hương sớm, khi trà trưa
- Khi chè chén, khi thuốc thang
- Sao chẳng biết ý tứ gì
- Có cổ thụ, có sơn hồ
- Khi Vô Tích, khi Lâm Tri
- Mụ quản gia, vãi Giác Duyên
- Hết nạn nọ, đến nạn kia
- Hại một người, cứu muôn người
- Người một nơi, hỏi một nơi
- Người yểu điệu, kẻ văn chương
- Tưởng bây giờ là bao giờ
- Thêm nến giá, nối hương bình
- Khi chén rượu, khi cuộc cờ.

Như vậy, ta tính được 26 câu lục lệch chuẩn, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,6% tổng số câu lục. Trong 26 câu này thì có đến 21 câu có chữ thứ hai mang thanh trắc, và chỉ 7 câu có chữ thứ tư mang thanh bằng. Với những câu lục bát chuẩn, khi không thất vận, bao giờ nghe cũng êm tai; ngược lại với trắc bằng lệch chuẩn, ngay cả khi chuẩn vần, thường trúc trắc, khó đọc. Thế nhưng khi đọc “Truyện Kiều”, không câu nào ta có cảm giác trúc trắc, ngang ngang, ngay cả những câu lục lệch chuẩn. Nguyên nhân vì sao?

Ta biết rằng thơ lục bát thường ngắt nhịp từng cặp hai chữ một:

Trăm năm/ trong cõi/ người ta (2/2/2)
Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là/ ghét nhau (2/2/2/2)

Phần lớn những câu lục bát trong “Truyện Kiều” cũng được ngắt nhịp như vậy. Thế nhưng ở 26 câu lục lệch chuẩn trên kia, không câu nào Nguyễn Du ngắt theo nhịp 2/2/2 quen thuộc, mà ngắt theo nhịp 3/3. Như vậy, chính nhịp 3/3 trong câu lục có sức mạnh làm tiêu tan sự trúc trắc, cho phép một câu lục lệch chuẩn làm thành viên một cặp lục bát êm dịu, mượt mà. Phải chăng đây cũng là một “bí quyết” mà những người làm thơ lục bát chúng ta cần tham khảo?

Đọc lại 26 câu lục trên kia, ta thấy rằng, chúng không chỉ được ngắt theo nhịp 3/3; mà chỉ trừ ba câu: “Đau đớn thay phận đàn bà”, “Sao chẳng biết ý tứ gì”, “Người một nơi, hỏi một nơi”, còn 23 câu lục còn lại, mỗi câu được chia ra hai phần, tạo thành một cặp tiểu đối 3-3 hoàn chỉnh, và khi đó đọc lên nghe thuận tai hơn ba câu trên kia dù ngắt nhịp 3/3 nhưng không tạo thành tiểu đối.

Như trên đã nói, lục bát chuẩn thường có âm điệu du dương, lên bổng xuống trầm theo quy luật. Tuy nhiên nó cũng có “tác dụng phụ” là dẫn đến sự đơn điệu, nhất là đối với những bài thơ dài hay những truyện thơ hàng ngàn câu. Có đôi khi những câu lệch chuẩn giống như con ngựa bất kham dễ quật ngã những nài ngựa. trình độ hạn chế, nhưng với những nài ngựa giỏi thì tìm được cái hay ở chúng. Với “đàn ngựa ngôn ngữ” thì Nguyễn Du là nài ngựa kỳ tài, có phép riêng để sử dụng những con ngựa lệch chuẩn, để cho lục bát trong “Truyện Kiều” giàu âm điệu, tiết tấu, tránh được sự đơn điệu thường tình.

Cũng cần lưu ý rằng, khi không thể ngắt nhịp 3/3 thì đại thi hào tìm cách hoán vị các từ, chứ không chịu để cho câu lục lệch chuẩn xuất hiện. Ví dụ như khi nói về Hoạn Thư:

Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta thường nói nết “ăn ở”, chứ không mấy khi nói “ở ăn”. Nguyễn Du thừa biết điều ấy, nhưng nếu dùng “ăn ở” thì chữ thứ hai câu lục mang thanh trắc: “Ăn ở thì nết cũng hay”, không thể ngắt theo nhịp 3/3, thế là “con ngựa bất kham” này không có “chiêu ngắt nhịp” để trị, không thể dùng được, nên đành phải hoán vị hai chữ đầu câu để đưa nó về một câu lục chuẩn.

Để giúp các bạn dễ nhớ 26 câu lục trên, tôi ghép chúng lại trong một bài lục bát như sau:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, phong trần khác xa
Đau đớn thay phận đàn bà
Sống làm vợ khắp người ta, tội tình
Nền phú hậu, bậc tài danh
Tình đầu ngắn ngủi sau dành phần ai
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Vô duyên, chỉ để vắn dài dòng châu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Bên nhau ai biết về sau thế nào
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào đến ngay
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
Chắt chiu bao thuở, một ngày sạch lau
Duyên hội ngộ, đức cù lao
Nhẹ tình, nặng hiếu lòng đau biệt nhà
Nước vỏ lựu, máu mào gà
Tính toan của Mã nghe mà sởn gai
Tin nhạn vẩn, lá thư bài
Khi khóe hạnh, khi nét ngài, mà kinh!
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình, chiếc thân
Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ
Khi hương sớm, khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, vần thơ họa đàn
Khi chè chén, khi thuốc thang
Không hay địa ngục, thiên đàng là chi
Sao chẳng biết ý tứ gì
Cho chàng buồn bã tội vì Hoa Nô
Có cổ thụ, có sơn hồ
Đêm Quan Âm Các lần mò trốn đi
Khi Vô Tích, khi Lâm Tri
Thương thay thân gái chuyển di bao miền
Mụ quản gia, vãi Giác Duyên
Mấy lần gặp gỡ, mấy phen chia lìa
Hết nạn nọ, đến nạn kia
Biết bao giờ mới yên bề thảnh thơi?
Hại một người, cứu muôn người
Người một nơi, hỏi một nơi, lầm đường
Người yểu điệu, kẻ văn chương
Đoàn viên một cuộc tình thương vô bờ
Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Tưởng bây giờ là bao giờ, nét xinh
Thêm nến giá, nối hương bình
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan…

Dùng bao câu chữ làng nhàng
Chỉ mong chuyên chở hạt vàng văn chương!

---------

(*): Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du không sử dụng thể lục bát gieo vần ở chữ thứ tư câu bát, nên ở đây không bàn về thể thơ đó.

THƠ THỜI SINH VIÊN

 

Chiều nay không có em

Thành phố như nín thở

Trái tim như ngừng đập

Lòng người như muốn khóc

 

Em có biết tại sao?

Vì anh yêu em lắm

Yêu cuồng dại si mê

Yêu như chưa bao giờ.

 

Em là hoa hồng thắm

Tô hồng mảnh đời anh

Em là linh hồn chúa

Trong trắng và đáng yêu.

 

Em ơi giờ ở đâu ?

Hãy nghe lời anh nói

Tim anh như chuông vọng

Gọi em về bên anh.

 

Anh vẫn đang chờ em

Hai trái tim đồng điệu

Hòa khúc nhạc ân tình

Mãi mãi suốt đời anh.



BÀI THƠ CHƯA ĐẶT TÊN

 

Bạn bè lâu gặp lại

Vui mừng khôn tả xiết

Nên không thốt thành lời

Bạn ơi bạn có hiểu?

 

Gặp bạn vui đến nỗi

Chỉ biết nhìn nhau cười

Lâu thật lâu mới nói

Chỉ vài tiếng mà thôi!

 

Còn bạn tôi đã hiểu

Gặp nhau bạn đã nhắc

Lời nhật ký ngày nào

Tôi chỉ mũm mỉm cười.

 

Chẳng phải tôi vô tình

Vui cũng không kém bạn

Bạn chớ trách lòng mình

Ta là bạn của nhau.

(Viết lúc còn sinh viên, khi gặp lại một người bạn thời trung học, tại thành phố HCM)



BÀI THƠ "MỘT NGÀY Ở THÀNH PHỐ"

 

MỘT NGÀY Ở THÀNH PHỐ

( Viết 15/5/2000)

Một ngày ở thành phố

Bao câu hỏi hiện về

Trẻ em không đi học

Lang thang trên nẻo đường

Đi tìm chút tình thương.

 

Một ngày ở thành phố

Bao câu hỏi hiện về

Người già không nhà ở

Lê thân chốn vỉa hè

Bơ vơ giữa chợ người

Biết đâu là mái ấm.

 

Một ngày ở thành phố

Lòng mang nặng nỗi buồn

Nơi đô thị phồn hoa

Có mảnh đời bất hạnh

Rồi ngày mai về quê

Câu hỏi vấn vương theo…