Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

NHẬN ĐỊNH LÍ LUẬN VĂN HỌC

 

1.     “Trong đau khổ có tư tưởng” – (Fyodor Dostoevsky)

2.     “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật” – (Tô Hoài)

3.     “Không có tiếng nói riêng, không mang lại những điều mới mẻ cho văn chương mà chỉ giẫm theo đường mòn thì tác phẩm nghệ thuật sẽ chết.” (Leonit Leonop)

4.     “Có thể vượt qua giới hạn lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xóa mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình.” ( Tagore)

5.     “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng, chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng có giá trị khái quát và làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng.” ( M.Gorki)

6.     “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư.” (Lê Ngọc Trà)

7.     “Văn học nằm ngoài các định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” (Shchedrin)

8.     “Tương lai chỉ thuộc về những ai nắm được phong cách” (Victor Hugo)

9.     “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có.” (Nam Cao)

10.  “Bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu thơ mà chỉ còn thấy tình người và tôi muốn thơ phải thật là gan ruột của mình” (Tố Hữu)

11.  “Nhân giả trí nhân” (Người có lòng nhân luôn thương con người) (Khổng Tử)

12.  “Tác phẩm văn học là sự cưới xin giữa ngoại vật và nội tâm nhà văn” (Xuân Diệu)

13.  “Nghệ thuật không tái tạo những gì ta thấy đúng hơn là nó mở mắt cho ta” (Picasso)

14.  “Khi văn xuôi đã đạt tới mức toàn Thiện Toàn Mỹ thì về bản chất nó đã thực là thơ” (Paustovsky)

15.  28. “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”. (Nguyên Ngọc)

16.  “Văn học chỉ phơi bày thực trạng đời sống con người, nêu lên những vấn đề nhân bản của nó” (Cao Hành Kiện)

17.  “Ngôn ngữ của thi ca khác với ngôn ngữ của đời sống ở chỗ là nó gợi ra được những liên tưởng phong phú, khơi dậy ở tâm hồn con người những rung động sâu xa, biến những tầm thường của đời sống thành những gì lãng mạn, cao cả” (Lâm Ngữ Đường)

18.  “Đời sống xanh tươi là cội nguồn sâu xa của văn học”(Goethe)

19.  “Chỉ có cuộc đời rộng rãi, chỉ có trường đời vô thường định mới dạy cho người ta biết được những câu đẹp đẽ”( Nguyễn Tuân )

20.  “Mỗi bài thơ mà hôm nay tôi trao vào tay bạn đọc thân mến là nảy sinh cùng với mầm mống trên cái cây xao động của cuộc đời đang nở hoa. Coi thường quyển sách này sẽ là tàn nhẫn bởi vì nó gắn liền khăng khít với bản thân cuộc đời tôi.” (Lorca)

21.  “Ý nghĩa trong thơ tôi là do bạn đọc cho nó” (P. Valery)

22.  “Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn…” (Lê Đạt)

23.  “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi” (Lưu Trọng Lư)

24.  “Thơ không cần nhiều từ ngữ. Nó cũng không quan tâm đến hình xác của sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và truyền đi 1 chút linh hồn cùa cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ” (Nguyễn Đăng Mạnh)

25.  “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người trước cuộc đời” (Tố Hữu)

26.  “Cái bóng của độc giả luôn luôn cúi xuống sau lưng nhà văn, ngay khi mà nhà văn ngồi trước trang giấy trắng.” (Aimatov)

27.  “Bài thơ là sợi dậy truyền tình cảm cho người đọc” (Nguyễn Đình Thi)

28.  “Cuộc sống là cánh đồng màu mở để cho thơ bén rễ sinh sôi” (Puskin)

29.  “Câu thơ phải luôn bất ổn và xôn xao – Không thể nằm yên mà ngủ được nào” (Chế Lan Viên)

30.  “Sáng tác thơ là một việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể” (Xuân Diệu)

31.  “Câu thơ hay là câu thơ có kahr năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người” (Chu Văn Sơn)

32.  “Khi tác phầm kết thúc, ấy là sự sống của nó mới thực sự bắt đầu” (Aimatov)

33.  “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa” (Xuân Diệu)

34.  “Đụng chạm với cuộc sống hằng ngày tâm trạng nảy lên bao nhiêu hình ảnh như lúc búa đập vào sắt trên đe. Người làm thơ lượm lặt những tia sáng ấy, kết thành một bó sáng. Đó là hình ảnh thơ” (Nguyễn Đình Thi)

35.  “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng” (Hoài Thanh)

36.  “Nhà văn là người đi tìm, gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu)

37.  “Ý hết mà lời dừng, ấy là lời rất mừng trong thiên hạ. Nhưng lời dừng mà ý chưa hết lại càng hay tuyệt” (Lê Quý Đôn)

38.  “Khi sáng tạo ra chữ, những chữ nảy mầm mới là những chữ đích thực” (Berton Brech)

39.  “Những tình cảm rất quý có thể trở nên tầm thường khi diễn đạt ra thành lời” (Gogon)

40.  “Tình huống là cái sống còn của truyện ngắn” (Nguyễn Minh Châu)

41.  “Chủ đề là một ý tưởng nảy mầm trong vốn kinh nghiệm của tác giả, do cuộc sống mách bảo cho tác giả, nhưng vẫn còn ẩn náu trong cái vốn ấn tượng của anh ta dưới một dạng thức chưa hình thành và đòi hỏi phải được thể hiện trong những hình tượng, thúc đẩy tác giả tìm cách hình tượng hóa nó” (M. Gorky)

42.  “Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm” (Leonardo DeVinci)

43.  “Nhà thơ gói tâm tình mình vào trong thơ. Người đọc mở ra bỗng thấy tâm tình của chính mình” (Lưu Quý Kỳ)

44.  “Tôi thấy văn chương của mình (và cả bản thân mình) sao giống trái sầu riêng quá trời, có người thích, khen thơm, có người bưng mũi quay đi vì chê nó nặng mùi. Nhưng khi bắt đầu kết trái, sầu riêng đâu định trước sẽ dâng tặng cho riêng ai, nên chẳng bẻ mình bẻ mẩy để lấy lòng người…” (Nguyễn Ngọc Tư)

45.  “Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình” (Nguyễn Ngọc Tư)

46.  “Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín” (Nguyễn Tuân)

47.  “Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi” (Rasul Gamzatov)

48.  “Mỗi người viết văn chỉ có khả năng thành công qua những cái mình thông thuộc” (Tô Hoài)

49.  “Làm thơ có lúc như lấy người điếc lác ù tai làm bạn tri âm,

Cứ phải hét vào tai những tiếng nói thầm.

Làm thơ có lúc là thi sĩ câm

Ra hiệu bằng tay, bằng mắt, bằng toàn thân,

Đóng kịch để nói điều rất thật”

(Tri âm – Chế Lan Viên)

_____________________________________

50. “Ôi! chỉ cần một độc giả dù vô tâm đến mấy

Là cũng đủ cho nhà thơ thoát khỏi vạc dầu

Và bay lên chín tầng cao”.

(Sợ nhất – Chế Lan Viên)

51. “Những phong thư anh gửi cho hư vô đều bị trả về

Dù tem vẽ các vĩ nhân, thần thánh.

Chi bằng anh đưa cho cô hàng xóm ở hàng rào bên cạnh

Viết cho người độc giả bình thường gần gụi đọc thơ anh”

(Chế Lan Viên)

52. “Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người, thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần cho con người, nâng con người lên” (Tố Hữu)

53. “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp.” (Sóng Hồng)

54. “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. (Voltaire)

55. “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm. (Pauxtopxki)

56. “Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người” (Đặng Thai Mai)

57. “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” (Nguyễn Văn Siêu)

58. “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân” (Nam Cao)

59. “Những gì tôi viết ra là những gì thương yêu nhất của tôi, những ước mong nhức nhối của tôi” (Nguyên Hồng)

60. “Quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đấy. Từ một tình huống ấy bộc lộ bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ tâm trạng” (Nguyễn Đăng Mạnh)

61. “Truyện hay đến một mức nào đó thì thành thơ” (Paustovsky)

62. “Nhà thơ là phu chữ” (Lê Đạt)

63. “Đọc một câu thơ tức là ta gặp gỡ một tâm hồn con người” (Antone France)

64. “Những con chữ ấy phải như những đóa hoa tu từ” (Nguyễn Tuân)

65. “Điều quan trọng nhất của một nhà văn không phải cái anh ta viết được nhiều mà là sáng tạo ra cái mới” (Trần Đình Sử)

66. “Nhà thơ phải nếm trải chua cay mặn ngọt của đời thì thơ mới có dư vị” (Goethe)

67. “Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay” (Xuân Diệu)

68. “Văn học bao giờ cũng phải trả lời những câu hỏi của ngày hôm nay bao giờ cũng phải đối thoại với những người đương thời với những câu hỏi cấp bách của đời sống.” (Nguyễn Minh Châu)

69. “Thơ ca đồng hành với con người và thực hiện thức tỉnh những lương tri đang ngủ” (Evtusenko)

70. “Hãy biết rằng chính trái tim bạn đang lên tiếng và rên rỉ khi tay bạn viết.” (Alfret de Musse)

71. “Bài thơ hay là một sinh vật có thân xác. Mỗi câu, mỗi từ đều có lý do. Kỹ thuật làm thơ cũng nghiêm túc như người lính trong quân đội. Đổi một câu, một chữ là sai ở trọng tâm bài thơ, bài thơ sai lệch, sa ngã” (Xuân Diệu)

72. “Thơ không phải lời cũng không phải lời, có ý thức mà không phải ý thức, vô thức nhưng không hẳn là vô thức. Thơ là sự thể hiện cao nhất của nhà thơ” (Thanh Thảo)

73. “Thơ đưa tôi đến những bến bờ không thể chạm tới” (Lưu Quang Vũ)

74. “Con đường thơ gồm nhiều con đường khác nhau của mỗi người. Không có một con đường chung cho tất cả. Có thể nói, con đường thơ chính là số mệnh của nhà thơ.” (Lê Đạt)

75. “Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy.” (Phạm Văn Đồng)


Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

BÀI VĂN ĐẠT GIẢI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA 2023

 

BÀI VĂN ĐẠT GIẢI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA 2023

 

Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)

Người xưa có câu "Hữu xạ tự nhiên hương". Quan điểm trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay?

Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)

Có ý kiến cho rằng: "Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình".

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Bài làm

Câu 1:

“Này bông hoa hồng

Giá trị của mày chỉ là khoảnh khắc

Ai biết mày khi đang kết nụ

Ai biết mày khi mày úa tàn

Ôi hoa hồng, hoa hồng

Phút giây này thật tuyệt vời”

(“Mưa Nhã Nam” - Nguyễn Huy Thiệp)

“Phút giây này” chính là thời khắc bông hoa nở ra với toàn bộ sắc hương, là thời khắc một con người tỏa sáng với toàn bộ giá trị sống, tất cả chỉ là một khoảnh khắc, một cơ hội, trong một cuộc đời hữu hạn. Nhận thức được điều ấy, con người khao khát được đem toàn bộ giá trị của mình đến với cuộc đời, khao khát tài năng và phẩm chất của mình được sống trong sự trân trọng của người khác. Người xưa đã có thể yên tâm rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương”, thế nhưng cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn bị thúc giục bởi nhu cầu tìm cách chứng tỏ giá trị sống của mình với cuộc đời…

Người xưa đã sống với niềm tin chắc chắn rằng tài năng lớn lao và cốt cách phi thường tất yếu sẽ được nâng niu và trân trọng, sẽ tìm thấy cơ hội để tỏa sáng trong cuộc đời với toàn bộ giá trị: “Hữu xạ tự nhiên hương” - tài năng ấy, cốt cách ấy, “hương thơm” ấy tất yếu sẽ tỏa ngát trong cuộc đời, sẽ tìm thấy cơ hội để phát huy mọi giá trị, tô điểm cho cuộc đời và “sống” trong sự trân trọng của người. Điều ấy đến một cách “tự nhiên” - tự thân, không cần sự tác động từ bên ngoài, không cần bất kì một yếu tố nào khác ngoài những năng lực, phẩm chất, giá trị, “hương thơm” sẵn có. Thế nhưng, con người hiện đại lại sống trong một nhận thức khác: chúng ta có nhu cầu “xây dựng hình ảnh bản thân” - chúng ta cảm thấy cần phải làm cho người khác biết đến phẩm chất, năng lực, giá trị của mình, cần tạo điều kiện thuận lợi để giá trị của bản thân được chú trọng bởi người khác. Người xưa tin rằng năng lực và phẩm chất thực sự sẽ gặp được cơ hội để tỏa sáng. Con người thời nay lại cảm thấy cần phải tự tạo cơ hội cho sự tỏa sáng ấy, phải làm cho năng lực và phẩm chất của mình được người khác biết đến.

Tài năng to lớn khó lòng bị xã hội bỏ qua. Trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong những thời kì hòa bình, ổn định, trong những xã hội đang trên bước đường tiến tới văn minh, tài năng ấy, phẩm chất ấy luôn có cơ hội để được tỏa sáng và nâng niu, trân trọng. Các triều đại trong lịch sử đều khẳng định coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, các chính phủ, thậm chí cả các tổ chức và doanh nghiệp cũng thường đề ra hàng loạt chính sách “đãi ngộ nhân tài”. Trong những môi trường như vậy, tài năng và phẩm chất đáng trọng dễ dàng tìm thấy cơ hội để nảy nở, để phát huy trọn vẹn mọi giá trị của mình. Tại nước Ý thời Phục hưng, dưới sự ưu đãi của các nhà bảo trợ giàu có và quyền lực, Michelangelo và Da Vinci vươn lên thành những đỉnh cao. Tại kinh thành Vienna của văn chương và âm nhạc, tài năng của Mozart và Beethoven được tỏa sáng rực rỡ. Ngay cả trong những thời kì kém thuận lợi hơn, tài năng vẫn có cơ hội để được đánh thức, vươn lên và tỏa sáng giữa bóng tối, như một sức mạnh để cải tạo hoàn cảnh. Chính trong sự cai trị tàn bạo của Taliban, Malala Yousafzai vươn lên trở thành tiếng nói đại diện cho hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái không được đi học tại quê hương cô, một tiếng nói với khát khao thay đổi cả thế giới… Chỉ cần năng lực và phẩm chất còn trong con người như một thứ hương thơm, nó sẽ tìm thấy cơ hội, sẽ được đánh thức để tỏa lan trong cuộc đời…

Nhưng tài năng cũng có thể sẽ ngủ say, và cái Đẹp cũng sẽ bị tổn hại nếu bị lãng quên như cỏ mọc hoang, không được ai biết tới, không được trân trọng và đánh giá đúng mức. Sự sống hữu hạn khiến cho con người không thể chờ hàng nghìn thế kỉ trong bóng tối đến ngày mình được người khác “phát hiện” ra. Hoàn cảnh ấy làm nảy sinh ở con người nhu cầu xây dựng hình ảnh cho bản thân mình, tạo ra cơ hội, tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự tỏa sáng của chính mình. Xã hội hiện đại làm con người ta sống trong những cuộc cạnh tranh dữ dội giữa các giá trị để tranh giành vị trí trong cuộc đời. Đó là xã hội của những người tiêu dùng, là nơi các doanh nghiệp phải tìm mọi cách chứng tỏ giá trị sản phẩm của mình. Có một tác giả đã nói thẳng thừng: chúng ta là các “nhãn hàng”, cần tìm cách “quảng bá” mình, phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất để giá trị của bản thân được đón nhận, phải tự tạo ra cơ hội, như cách Picasso bỏ tiền thuê sinh viên đến từng hiệu tranh để hỏi: “Ở đây có bán tranh của Picasso không ?”

Nhưng tất cả những việc làm ấy đều là chính đáng, khi chúng ta có trong mình những năng lực đang ngủ yên. Tài năng ấy, phẩm chất ấy xứng đáng nhận được cơ hội, xứng đáng được nâng niu và trân trọng, cần những điều kiện thuận lợi để phát triển đến tận cùng, tận độ. Cần phải nhắc lại rằng: Michelangelo và Da Vinci, Mozart và Beethoven đều gặp những điều kiện thuận lợi để thiên tài bẩm sinh trong họ được khai phá, được bồi dưỡng và nảy nở. Xây dựng hình ảnh cho bản thân là cách để mỗi cá nhân tự tạo cho mình những điều kiện thuận lợi như vậy, tự mở cho mình một con đường đi tới ánh sáng. Tại thị trấn nọ, có một người đàn ông sống bằng nghề chơi piano trong quán rượu. Cuộc sống của anh ta đã có thể cứ tiếp diễn đều đặn như vậy nếu một ngày nọ một ông khách quên không đòi được nghe anh hát. Anh nhạc công piano ban đầu từ chối, anh vẫn luôn tin rằng mình không biết hát. Nhưng sự bướng bỉnh của ông khách kia đã khiến anh phải miễn cưỡng hát một bài. Và sau bài hát ấy, cuộc đời anh thay đổi hoàn toàn. Anh là Nat King Cole - một ca sĩ đã bán được hàng triệu đĩa hát và được cả tổng thống Mĩ mời đến biểu diễn. Tài năng vĩ đại ấy suýt chút nữa không bao giờ được biết đến nếu không nhờ một chút may mắn. Bằng khả năng xây dựng hình ảnh cho bản thân, chúng ta có khả năng tự tạo cho mình vận may ấy, với một chút tự tin để phô bày năng lực của mình với người khác, với một chút chủ động, để ta tự xem xét lại mình và biết được đâu là những tiềm năng đang ngủ quên…

Nhưng tất cả những hình ảnh tốt đẹp ta tự tạo dựng cho mình đều có thể trở thành vô nghĩa và nực cười nếu chúng không đi kèm với một giá trị tương xứng. Khi ấy những lời lẽ to lớn nhất sẽ biến thành sự dối trá đến nực cười, nếu như không là biểu biện của sự ảo tưởng về giá trị thực tế của bản thân. Khi ấy, chúng ta không những làm cho mình trở nên tồi tệ, mà còn làm tổn thương lòng tin nơi người khác. Khi đại dịch qua đi và những tấm màn che giấu sự thật bị vạch ra, chúng ta đã thấy sự thật xấu xí đằng sau những hình ảnh đẹp đẽ được gán cho những chuyến bay “giải cứu” đồng bào, những kit xét nghiệm… Và mọi hình ảnh đẹp đẽ đều trở thành vô nghĩa…

Người xưa chấp nhận một đời sống chịu sự cương tỏa của “thiên mệnh”, chấp nhận sống trong những chức phận đã được xã hội định sẵn. Điều này đem lại một sự yên tâm rằng tài năng đã được sắp đặt sẵn cơ hội để tỏa sáng, để Lí Bạch để có thể phóng túng: “Trời sinh ra ta có tài ắt sẽ được trọng dụng/Ngàn vàng tiêu hết rồi sẽ có trở lại” (“Tương tiến tửu”). Ngay cả khi tài năng và phẩm chất không có cơ hội được bộc lộ, con người cũng đành ngậm ngùi chấp nhận mệnh trời: “Thời lai đồ điếu thành công dị/Vận khứ anh hùng ẩm hận đa” (Đặng Dung). Nhưng thế giới của chúng ta ngày hôm nay vẫn đang biến đổi, chuyển dịch từng giây phút một, chúng ta chưa biết hết cuộc đời sẽ đưa mình tới những phương trời nào. Điều đó khiến chúng ta mất đi sự yên tâm của người xưa, nhưng có được vị thế chủ động nắm giữ cuộc đời mình, có sự tự tin để tiến về phía trước, kiến tạo giá trị mà bản thân mong muốn, tự nắm bắt cơ hội cho sự tỏa sáng của chính mình.

Có những đóa hoa vẫn âm thầm luyện sắc ủ hương trong bóng tối, chúng nở trong thầm lặng, vẻ đẹp ấy không ai biết đến, nhưng có ngày sẽ lộ diện để chinh phục trái tim tất cả. Van Gogh vẫn miệt mài vẽ khi tất cả mọi người vẫn chỉ thấy ở ông một kẻ điên rồ bất tài, để ngày hôm nay, chúng ta đã trả lại cho ông vị trí của thiên tài mà ông xứng đáng. Trước khi xây dựng hình ảnh của mình trong thế giới, những tài năng lớn có thể đã chờ đợi rất lâu trong bóng tối. “Chờ” ở đây không có nghĩa là không làm gì cả, “chờ đợi” là cho bản thân đủ thời gian và cơ hội để trưởng thành, để bồi đắp tài năng và cốt cách, chờ ngày bừng nở trong cuộc đời. Đó không chỉ là hành trình của trí tuệ và hiểu biết, mà còn là hành trình của bản lĩnh và can đảm, can đảm để vươn tới ánh sáng từ trong bóng tối…

Nhờ đó, mặc cho những biến đổi của thế giới, chúng ta, thầm lặng nhưng bền bỉ, vẫn luôn tiến về phía trước, trong sự sống của ta có những giá trị vẫn đang chờ được tỏa sáng…

Câu 2:

Marcel Proust tuyên bố: Mỗi lần một nghệ sĩ lớn xuất hiện sẽ là một lần thế giới được tạo lập lại. Dường như sáng tạo nghệ thuật đã đem cho nhà văn quyền năng của một Đấng sáng tạo - quyền năng để tạo ra một thế giới của riêng mình. Nhưng với vị thế của một “Đấng sáng tạo” như vậy, liệu người nghệ sĩ có tham vọng tự tách mình khỏi loài người ? Hay thực chất, thế giới riêng ấy đến cuối cùng vẫn sẽ quay trở lại với cuộc đời: “Viết văn, cũng chừng ấy kí tự, từng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình”.

Nhà văn - đó là người nghệ sĩ trong lĩnh vực văn chương. Công việc và phương thức lao động của người nghệ sĩ ấy chính là “sáng tạo” - khai sinh, đem lại một điều gì mới mẻ, nó không trùng lặp với những gì đã có, nó mang đậm dấu ấn cá nhân của người đã tạo nên nó. Năng lực sáng tạo trong nghệ thuật giúp cho nhà văn tạo ra cả một “thế giới của riêng mình” - một thế giới nghệ thuật mới không còn trùng khít với hiện thực và cũng không trùng khít với những thế giới nghệ thuật khác. Và mỗi nhà văn đều có khả năng tạo ra một thế giới riêng như vậy, chỉ từ “chừng ấy kí tự, từng ấy con chữ” - từ những vật liệu có giới hạn - điều đó cho thấy năng lực sáng tạo ở mỗi nhà văn là vô cùng to lớn, đến mức ngay cả khi chỉ sáng tạo từ những chất liệu mà ai cũng sử dụng, chỉ xuất phát từ hiện thực quanh mình, một nhà văn tài năng vẫn đủ sức tạo ra cho mình cả một thế giới riêng. Nhưng thế giới riêng ấy không phải chỉ ra đời cho riêng nhà văn - nó không phải là thế giới chỉ dành riêng cho nhà văn, không phải chỉ có ý nghĩa với một mình nhà văn, mà còn có thể có giá trị cho cả cuộc đời, cho tất cả mọi người, cho toàn nhân loại. Bằng khả năng sáng tạo, nhà văn xây dựng nên cho mình cả một thế giới riêng. Một thế giới của riêng nhà văn, nhưng tuyệt nhiên không làm cho nhà văn xa rời loài người…

Quyền năng sáng tạo của nhà văn là vô cùng to lớn. Ngay cả khi chỉ viết với “từng ấy kí tự, từng ấy con chữ”, “từng ấy” hiện thực, “từng ấy” đề tài, mỗi nhà văn tài năng vẫn đủ sức tạo ra cho mình cả một thế giới riêng không trùng lặp. Cá tính sáng tạo đòi được nói tiếng nói riêng của nó, biểu đạt cách cảm, cách nhìn, cách nghĩ riêng của nó - tiếng nói riêng, cái nhìn riêng ấy làm biến đổi hoàn toàn hiện thực theo mong muốn riêng của nhà văn. Vì vậy, ngay cả khi chỉ viết về cùng một hiện thực, khai thác một đề tài, mỗi cá tính lớn vẫn có khả năng tạo ra một thế giới của riêng mình, nói tiếng nói của mình, bộc lộ xúc cảm và cách nhìn của mình. Vầng trăng có của riêng ai, cả trong thơ lẫn trong đời, thế nhưng vầng trăng “nằm sóng soãi trên cành liễu đợi gió đông về để lả lơi” đã trở thành của riêng Hàn Mặc Tử. Thi sĩ còn chẳng ngần ngại khẳng định “chủ quyền” cá nhân đối với vầng trăng: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Buổi chiều trong thơ đã được mặc định quy ước là thời gian của nỗi buồn, nỗi nhớ, của những tâm tình. Nhưng tâm tình của cô gái đi lấy chồng xa trong buổi chiều “trông về quê mẹ” của ca dao nào giống nỗi nhớ quê của Thôi Hiệu nơi lầu Hoàng Hạc. Buổi chiều “dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương” êm ả, tươi vui của Nguyễn Trãi khác hẳn buổi chiều “chim hôm thoi thót về rừng” đầy bồn chồn, bất an của Nguyễn Du. Buổi “chiều mộng” “hòa thơ trên nhánh duyên” đầm ấm, tình tứ của Xuân Diệu không giống buổi chiều “nắng chia nửa bãi” lạnh lẽo, cô quạnh của Huy Cận. Buổi “chiều u Lâu” náo động kí ức, chập chờn dư vang, dư ảnh “bóng chữ” của Lê Đạt không giống “buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường” khủng hoảng, đổ vỡ của Thanh Tâm Tuyền. Hiện thực trong đó ta đang sống, thế giới thực mà ta đã quá quen thuộc không ngừng được tái sinh để trở thành những thế giới mới riêng biệt, nhờ năng lực của những cái Tôi nghệ sĩ độc đáo. Trong thế giới riêng ấy, nhà văn làm mới chính hiện thực bình thường, đôi khi nhàm chán, tưởng như không còn có thể khiến ta bất ngờ, không còn có thể đem lại một cảm xúc mới lạ nào nữa. Sông Đà có gì lạ lẫm nếu chúng ta chỉ coi nó như một đối tượng địa lí? Với cái nhìn ấy, tất cả những tri thức khách quan về con sông: Lưu lượng, dòng chảy, tiềm năng phát triển thủy điện… sẽ được đem ra ánh sáng, và không còn gì là bí ẩn với con người. Thế nhưng Nguyễn Tuân đã tạo ra một con sông Đà của riêng mình, một con sông Đà người ta chưa từng thấy, nó là một vật sống, nó vừa là loài thủy quái - kẻ thù số một của con người lại vừa là cố nhân ăn đời ở kiếp với con người - nó có một tính cách phức tạp, một tâm hồn có chiều sâu bí ẩn chưa một chuyên gia địa chất nào phát hiện. Chính vì thế nó mời gọi sự tái khám phá của chúng ta. Vì thế nó còn đủ sức khơi gợi trong ta niềm hứng thú và say mê ngay cả với những sự vật quen thuộc nhất trong cuộc đời. Mùa thu đã nuôi thi hứng cho muôn đời thi sĩ, nói về mùa thu, chúng ta có cả một hệ thống các hình ảnh ước lệ nhiều khi đã thành cũ mòn. Thế nhưng mùa thu đi vào trong thơ Lê Đạt và ngay lập tức nó trở thành của riêng Lê Đạt : “thu nhà em”. Đó là cả một thế giới mới. “Nắng” và “cúc” có gì lạ lẫm, nhưng “nắng cúc lăm răm vũng nhỏ” thì đích thực là một ấn tượng chưa từng có. Trong cùng một câu thơ, ta thấy nắng thu vàng như hoa cúc, thấy những đốm nắng lăm răm xuyên qua kẽ lá như những chiếc cúc nhỏ đơm trên mặt nước, thấy cả đôi mắt “lá răm” vũng nhỏ trong veo lóng lánh như nắng chiếu vào. Heo may trở thành “nông nỗi heo may”, hương cốm mùa thu đi vào “đồi cốm đường thon ngõ cỏ”, và mùa thu “rất em”. Trong chính những thế giới mới mà nghệ thuật đem lại, những trải nghiệm của chúng ta được làm mới, ta thoát khỏi đời thường chật hẹp để sống trong những cảm xúc đã ngủ quên từ lâu trong một hiện thực đôi khi quá cũ mòn, tẻ nhạt.

Nhưng liệu thế giới nghệ thuật có phải một “tháp ngà” đóng khép với cuộc đời đang diễn ra trên mặt đất này? Liệu nhà văn có thể rút lui vào cõi riêng ấy để chẳng còn biết đến nỗi khổ đau của con người?

Trong khi sáng tạo thế giới riêng của mình, một nhà văn có tài năng và nhân cách tìm đường quay trở về với cuộc đời thực, với số phận và nỗi đau của loài người. Nhà văn có thể viết chỉ vì nhu cầu cá nhân, nhưng một tác phẩm vĩ đại không bao giờ chỉ có ý nghĩa với riêng người tạo ra nó. Nhà văn không viết cho mình, thậm chí cũng không viết chỉ cho con người thời đại mình, mà viết cho con người ở mọi thời đại, mọi thế hệ, xuyên qua mọi cách biệt văn hóa, sắc tộc, tín ngưỡng, đẳng cấp. Trong thế giới của tác phẩm, có thể có những thực trạng vẫn đi theo cuộc đời chúng ta hôm nay, những sự thật vẫn còn ý nghĩa với con người ngày hôm nay. Đó là sức mạnh của tư tưởng lớn, tầm nhìn rộng, cái nhìn sâu sắc bao trùm cả thế giới, để làm cho thế giới ấy tái sinh trong nghệ thuật - thế giới của loài người, không phải của riêng nhà văn. Khi ấy, tác phẩm có khả năng sống lâu hơn người khai sinh ra nó. Khi Engels nói: tiểu thuyết Balzac cho ông hiểu về thời đại Balzac rõ hơn mọi tài liệu chính trị - xã hội học đương thời, điều đó có nghĩa Balzac đã “sống” lâu hơn cả thời đại mình, để cảnh báo chúng ta về nguy cơ tha hóa vẫn còn ở lại với con người ngày hôm nay. Khi Chế Lan Viên nói “Không có Du thế kỉ này đành tay không”, điều đó chứng tỏ Nguyễn Du đã làm cho thời đại mình cùng “sống” lại vói thời đại của chúng ta ngày hôm nay. Kiều sống lâu hơn cả xã hội phong kiến, sống lâu hơn cả những chuẩn mực “trung” “hiếu”, “tiết”, “trinh”, “lễ”, “nghĩa” mà người ta từng dùng để đánh giá nàng. Vì trước khi Kiều là người “tài sắc” hay “hiếu nghĩa”, nàng đã là một con người. Nàng mang trong mình căn tính nhân loại, nàng đại diện cho con người nói chung trong tư thế đối diện với định mệnh. Nàng là một con người có đầy đủ ý thức về sự sống người, về sứ mệnh LÀM NGƯỜI của mình. Gặp Kim Trọng bên mồ Đạm Tiên, Kiều của Thanh Tâm tài nhân cho là sự ngẫu nhiên, nhưng Kiều của Nguyễn Du đã phát hiện ở đó hai con đường cho số phận mình:

“Người mà đến thế thì thôi

Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không ?”

Con đường của Đạm Tiên, của những kiếp tài hoa bạc mệnh, đưa tới nỗi đau và cái chết. Nhưng con đường tình yêu được gợi mở bởi Kim Trọng thì mở ra cả một chân trời chưa từng biết đến, nó không hứa hẹn điều gì, nhưng đầy mời gọi: “biết có duyên gì hay không ?”. Chính vì thế mà có bước chân “xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”. Chính vì thế mà có nỗi lo âu: “Bây giờ rõ mặt đôi ta/Biết đây rồi nữa chẳng là chiêm bao?”. Vì thế, Kiều là kẻ dấn thân vào cõi vô định, nàng sẽ phải đau khổ, nàng sai lầm, nàng thường xuyên thất bại, nàng có lúc trở nên thật thảm hại: “Thân lươn bao quản lấm đầu”… Nhưng chính vì thế nàng là con người. Là con người, chúng ta dấn bước tiến vào con đường định mệnh khi còn chưa biết nó sẽ đưa mình đến kết cục nào. Có thể ta sẽ thất bại. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta là con người. Hamlet là vậy. Lão Santiago của Hemingway là vậy. Họ đại diện cho cả loài người trong những cuộc đối đầu với định mệnh. Điều đó khiến cho họ bước ra từ thế giới riêng của nhà văn để đứng cùng nhân loại, xuyên qua những rào cản thời đại, văn hóa, tư tưởng. Nguyễn Trãi - con người sống cách chúng ta năm thế kỉ cũng trở nên thật gần gũi:

“Trăm năm trong cuộc nhân sinh

Người như cây cỏ thân hình nát tan

Hết ưu lạc đến bi hoan

Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay”

(“Côn Sơn ca”)

Nhận thức ấy đâu chỉ đúng với riêng Nguyễn Trãi, nó là tình thế chung của cả nhân loại. Trong hoàn cảnh ấy, những người rất khác nhau về văn hóa, đẳng cấp đều có thể có chung nhau một ý thức: “Hiền ngu khó sánh hai đàng/ Đều làm cho thỏa được như ý mình”. Trong nhận thức ấy, Nguyễn Trãi đã trở nên rất gần gũi với Xuân Diệu - con người nhận thức được sự hữu hạn của đời người và cảm thấy sự cần thiết phải sống cho thỏa lòng yêu với cuộc đời, phải hưởng thụ mọi giá trị của cuộc đời. Thế giới mà nhà văn đem lại đã xóa nhòa mọi rào cản, định kiến, cả những quy ước xã hội, để đem con người lại gần con người, để phá tan những mối bất hòa sắc tộc hay đẳng cấp, để ta có thể nhìn vào kẻ khác và nhận ra ở đó một con người giống như mình. Như điều Victor Hugo đã làm cho tên tử tù ấy (“Ngày cuối cùng của một tử tù”). Tên tử tù mà tất cả mọi người đều khinh ghét, cả xã hội đều ghê tởm y như một thứ ung nhọt cần loại bỏ, thực chất y cũng là con người như tất cả chúng ta. Y có một bà mẹ, một người vợ, một đứa con gái đã quên mặt cha, y có trí tuệ và tâm hồn, y có một cuộc đời, như tất cả chúng ta, và giờ đây, bị tước đoạt, bởi chúng ta. Hiểu được điều này, có lẽ ta có thể hiểu được sự bất bình của Hugo nhìn thấy từng đám đông lũ lượt kéo nhau đi xem hành quyết tử tù, háo hức như đi dự hội. Văn chương đã đập tan những bức tường ngăn cách con người với con người, nó làm cho chúng ta có cơ hội thấu hiểu nhau, đồng cảm với nhau, thương xót cho nhau…

Đối với những nhà văn chân chính, thế giới riêng trong văn chương không bao giờ là một lối thoát để con người chạy trốn khỏi thực tại phũ phàng. Ngay cả khi trong văn chương ta chỉ thấy một thế giới lí tưởng chẳng có trong thực tại, đó cũng chỉ là một hiện thực như mong muốn của nhà văn về cái nên có, cần có trong cuộc sống. Nếu không có nó, cuộc đời sẽ trở nên quá đỗi tàn bạo và buồn khổ. Nhà văn suốt đời làm thư kí trung thành cho thời đại như Balzac cũng là một người lãng mạn. Trong “Miếng da lừa”, giữa một thế giới tối tăm làm tha hóa những tâm hồn trong sạch nhất, ta vẫn thấy hình bóng nàng Pauline như một hình nahr hoàn hảo về cái đẹp, cái thiện, một thiên thần. Trong căn nhà thiếu sáng của lão Grandet bủn xỉn, nàng Eugenie Grandet vẫn lớn lên với một trái tim cao thượng, nàng “hào phóng” đến độ sẵn sàng trao cả tính mạng mình cho tình yêu. Tình yêu của nàng là một tình yêu lí tưởng mà nhân loại nghìn đời khao khát. Nhân loại vẫn khao khát cái Đẹp…

Bước ra khỏi thế giới riêng của mình để nhập thân vào nhân loại là công việc của một tư tưởng lớn lao - đủ lớn để bước ra khỏi những giới hạn của thời đại, vượt qua mọi ranh giới tín ngưỡng, sắc tộc, đẳng cấp, ý thức hệ để đến được với con người:

“xác ngụy nằm ruồi muỗi bu đầy

những đôi mắt bệch màu hoa dại

những gương mặt trẻ măng xanh tái

những bàn tay đen đủi chai dầy

các anh ơi, đừng trách chúng tôi

các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi”

(“Những đứa trẻ buồn” - Lưu Quang Vũ)

Ở đó, không còn địch - ta, chỉ còn con người với con người. Tư tưởng lớn như vậy cần một xã hội có khả năng dung chứa nó, chấp nhận nó, cho phép nó lên tiếng. Tư tưởng lớn thường khó được thấu hiểu, và sự thật thường khó chấp nhận…

Nhờ đó, những tác phẩm vĩ đại còn ra đời, vượt qua mọi giới hạn ngăn trở, để dẫn lối cho con người đi tới tương lai…

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

TRUYỆN NGẮN VÀ NHỮNG ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA TRUYỆN NGẮN

Truyện ngắn là gì? 
    Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ, nội dung thể loại truyên ngắn bao gồm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự, sử thi… nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ. 
    Tác phẩm bao giờ cũng tồn tại trong những hình thức thể loại nhất định. Lý luận văn học đã mặc định “không có tác phẩm nào tồn tại ngoài hình thức quen thuộc của thể loại”. Truyện ngắn cũng là một thể loại tác phẩm phổ biến, nên có những đặc trưng riêng của nó.
    Truyện ngắn thiên về lối kể kết hợp giữa sự thật đời sống với khả năng hư cấu, tưởng tượng. Khác với tiểu thuyết về dung lượng, truyện ngắn “tập trung mô tả một mảnh đất của cuộc sống, một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của xã hội” (Nguyễn Xuân Nam, Từ điển Văn học, tập 2, NXB KHXH, Hà Nội, 1984, tr.457). 
    Một thiên truyện ngắn có thể trở thành một “tòa lâu đài” chứa đựng cả tinh thần thời đại nếu như thực sự nằm dưới ngòi bút có tài. Nhà văn chỉ cần “Vẽ một con báo qua mảng lông mà vẫn biết là con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần” (Lỗ Tấn). Trên thế giới, đạt được điều đó, số nhà văn chỉ đếm được trên đầu ngón tay: G.Maupassant, A.Daudet, A.Chekhov, E.Hemingway, J.London, Lỗ Tấn, Nam Cao… Sức mạnh trong sáng tác của các bậc thầy này phần nhiều ở tính chất điển hình và minh xác một hình tượng, trong đó con người và cuộc sống được bọc lộ. Với điển hình đó, người đọc liên tưởng đến một giai đoạn lịch sử, một thời đại dân tộc. Lúc này, truyện ngắn trở thành “tấm bia kỷ niệm vĩ đại”, trở thành “tòa đại lầu chứa đựng cả tinh thần thời đại” như Lỗ Tấn đã nói. 
    Nếu như kịch “được xây dựng trên cơ sở những mâu thuẫn lịch sử, xã hội, hoặc những xung đột muôn thuở mang tính toàn nhân loại” (Từ điển Thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi, NXB GD, 1992, tr.114); thơ chủ yếu phản chiếu cuộc sống bằng thế giới cảm xúc, nội tâm, tình cảm của chủ thể nhân vật trữ tình – nhà thơ; tiểu thuyết là loại hình “chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn của nó”; thì truyện ngắn thường “hướng tới việc khắc họa một hình tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống con người” (Từ điển thuật ngữ văn học, sách đã dẫn), là sự hội tụ đa chiều trong khoảng khắc như “mặt xén ngang của cuộc sống”. 
Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn. 
    Về cốt truyện: Cùng một thể loại văn xuôi tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn vừa có những nét chung lại có những nét riêng của mình. Đặc trưng chung của thể hiện đầu tiên ở cốt truyện. Cốt truyện là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự và tác phẩm kịch thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Truyện ngắn là thể loại có cốt truyện nhưng nhìn chung biến hóa hơn tiểu thuyết. Truyện ngắn có nhân vật, được thể hiện qua lời kể, trần thuật. Cả hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết đều chú trọng vai trò của người kể chuyện. Song điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa truyện ngắn và tiểu thuyết là truyện ngắn có hình thức kể chuyện nhỏ – tức là “truyện ngắn”. Nó chỉ đề cập đến một vài biến cố riêng của cuộc sống con người. Số lượng nhân vật cũng không nhiều, vì hầu hết các truyện ngắn xây dựng rất ít các sự kiện, ít biến cố. Tình tiết trong truyện ngắn vì thế thường được lựa chọn rất kỹ, chỉ ghi lại những tình huống nào tiêu biểu nhất, đủ sức cho người đọc hình dung cả quá trình sống của nhân vật. Cũng vì vậy mà “dung lượng hiện thực trong cuộc sống phản ánh có mức độ” (Lê Tư Chỉ, Để phân tích truyện ngắn, NXB Trẻ, 1996, tr.19). 
    Dựa vào cốt truyện, có thể chia làm hai loại truyện. Truyện không có cốt truyện (hoặc cốt truyện rất mờ nhạt): do chủ ý nghệ thuật của nhà văn chỉ nhằm thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật trong mối liên hệ với hoàn cảnh. Truyện chỉ có những ý tưởng, không có sự kiện gay cấn, thời gian cụ thể, thậm chí không có đầu đuôi (truyện ngắn Thạch Lam). Truyện ngắn có cốt truyện rất chú ý xây dựng những tình tiết, sự kiện bộc lộ tính cách của nhân vật và thúc đẩy hướng phát triển, vận động của mạch truyện. Bản thân cốt truyện là hệ thống các sự kiện, được chia theo lớp lang từ đầu đến cuối truyện. Các sự kiện càng gay cấn, nổi bật càng tạo kịch tính, sức hấp dẫn cho truyện (CHÍ PHÈO – Nam Cao). 
    Về dung lượng: Truyện ngắn có dung lượng nhỏ, ngắn gọn mà cô đúc nên có sức ám ảnh lớn. Nó tập trung vào một hoặc một vài biến cố trong một không gian, thời gian nhất định, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và sự liên tưởng cho người đọc. Ví dụ : Truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Việt chỉ hai trang sách, được viết dưới hình thức một bức thư kể về một sự kiện là tác giả bị nhận nhầm là Khải Định. Cốt truyện không có gì, sự kiện đơn giản, dung lượng rất ngắn nhưng truyện lại có sức công phá lớn, tác động mạnh mẽ vào ý thức, khêu gợi trí tưởng tượng của người đọc để đặt ra vấn đề chính trị – xã hội, vấn đề dân tộc, vấn đề đấu tranh…. 
    Đề tài, nội dung: Truyện ngắn có thể lấy ở nhiều mặt của cuộc sống, nhiều vấn đề có tính chất thời sự xã hội. Phần lớn là vấn đề đời tư cá nhân, có khi chỉ là khoảnh khắc trong đời tư đó. Việc lựa chọn đề tài, phản ánh nội dung trong tác phẩm chịu sự chi phối bởi “nhãn quan” nhà văn, trong đó xác lập “điểm nhìn” riêng cho mình là quan trọng hơn cả. Nhà văn tiến bộ luôn đứng trên mọi quan hệ giai cấp, mọi sự ràng buộc của hệ tư tưởng, nói lên tiếng nói lẽ phải của chân lý, cuộc đời. Cảm hứng thế sự chi phối âm vang, độ lắng đọng của truyện ngắn trong dòng thời gian, trong lòng người đọc. Những truyện ngắn trường tồn mãi mãi khi nó âm ỉ bên trong những tiếng nói thầm kín của con người, những khát vọng của mọi thời đại. 
    Về kết cấu, tuy dung lượng nhỏ nhưng truyện ngắn có thể có những kết cấu linh hoạt. Kết cấu truyện ngắn không gồm không gian, thời gian nhiều tầng bậc, nhiều tuyến, mà được tổ chức theo kiểu tương phản, liên tưởng. Truyện ngắn có thể có các kiểu kết cấu sau đây: 🔸️Kết cấu vòng tròn (đầu cuối tương ứng): Chí Phèo (Nam Cao). 
🔸️Kết cấu theo trục thời gian: Truyện được kể theo thời gian, theo diễn biến của dòng sự kiện: Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) 
🔸️Kết cấu tâm lý: Truyện được kể men theo dòng tâm lý nhân vật (NV), làm sáng rõ nội tâm NV và tạo sức hấp dẫn cho câu chuyện: Đời thừa (Nam Cao) 
🔸️Kết cấu đồng hiện: Nhà văn miêu tả sự kiện, quan sát tình huống ở các địa điểm khác nhau trong cùng một thời điểm. Kiểu kết cấu này đem lại khả năng mở rộng dung lượng cho tác phẩm: Bức tranh (Nguyễn Minh Châu). 
🔸️Kết cấu trùng phức (kết cấu truyện lồng trong truyện): Người kể chuyện đứng ra ngoài, đóng vai trò là đạo diễn để tổ chức diễn biến câu chuyện qua lời kể, qua đó hoàn thiện chân dung NV: Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu). 
🔸️Kết cấu mở: Truyện kết thúc nhưng cái kết còn để ngỏ, mở ra những khả năng liên tưởng rộng lớn: CHÍ PHÈO (Nam Cao), Vợ nhặt (Kim Lân). 
    Truyện ngắn đề cập đến mọi đề tài phong phú, đa dạng, chạm đến mọi ngóc ngách đời sống con người. Trên cùng một đề tài, mỗi nhà văn lại có cách khai thác khác nhau, đem lại sắc thái riêng cho tác phẩm của mình. Cùng viết về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Ngô Tất Tố đề cập đến sự bần cùng hóa, phá sản về vật chất của họ; còn ngòi bút Nam Cao lại xoáy vào sự tha hóa về nhân cách, phá sản về tinh thần ở những con người ấy. 
    Nhân vật truyện ngắn ít hơn tiểu thuyết và thường bắt buộc phải được xây dựng theo nguyên tắc điển hình hóa. Nhân vật phải được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, vừa mang tính chung phổ quát vừa mang tính riêng độc đáo. Trong truyện ngắn, nhân vật là một mảnh nhỏ của thế giới, là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người, phát ngôn trực tiếp hoặc gián tiếp cho tư tưởng nhà văn. Nhân vật trong truyện ngắn đa phần được khắc họa bằng nội tâm chứ ít khi thông qua sự đối thoại như văn bản kịch. Nội tâm của nhân vật trong truyện ngắn là mạch chỉ xuyên suốt, quyết định cấu chốt của cốt truyện. Cốt truyện được xây dựng liền mạch với sự phát triển tâm trạng, nó “chủ yếu là nhận ra cái gì, vì vậy nó thường kết thúc theo lối chấm phá”. Kết cấu truyện ngắn cũng không chia thành nhiều thành tố phức tạp. Nó không có kết cấu chương hồi, mà chủ yếu là sự đan bệnh các chi tiết. Chi tiết là nơi gởi gắm nhiều nhất tư tưởng của nhà văn trong bất kỳ truyện ngắn nào. Nội dung của truyện ngắn thể hiện qua hệ thống chi tiết. Các chi tiết có thể xuất hiện nhiều lần, lặp lại có tác dụng nhấn mạnh chủ ý nhà văn. Có những tác phẩm rất nhiều chi tiết, các chi tiết chính được các chi tiết phụ tô bật ý nghĩa. Đối với mỗi nhà văn, việc lựa chi tiết trong truyện ngắn là hết sức cần thiết. “Ý thức về chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là sức sống cảm quan thẩm mỹ đối với người cầm bút. Do dung lượng truyện ngắn hạn chế, nên sự tuyển dụng chi tiết đưa vào tác phẩm phục vụ cho chủ đề, cho tư tưởng chung, cho việc khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật .v.v.. là trách nhiệm, tài năng của nhà văn” (Phùng Quý Nhâm, Thẩm định văn học, NXB Văn nghệ, 1991, tr.83).     Về điểm nhìn và phương thức kể chuyện. 
🔸️Điểm nhìn là vị trí, chỗ đứng để xem xét, miêu tả, bình giá sự vật, hiện tượng trong tác phẩm. Trong tác phẩm tự sự, tương quan giữa nhà văn và chủ đề trần thuật hay giữa điểm nhìn của người trần thuật với những gì anh ta kể là điều đặc biệt quan trọng. Điểm nhìn nghệ thuật được xem như một camera dẫn dắt người đọc vào mê cung văn bản ngôn từ. Khi nghiên cứu điểm nhìn nghệ thuật, người ta chia điểm nhìn thành các loại như điểm nhìn tác giả, điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời gian, điểm nhìn tâm lý, điểm nhìn tư tưởng, điểm nhìn tu từ… Trong nghệ thuật trần thuật, sáng tạo của nhà văn trước hết thể hiện ở cách “ứng xử” với câu chuyện để tạo ra sự đa dạng của các điểm nhìn nghệ thuật. 🔸️Phương thức kể chuyện, trong truyện ngắn, người ta thường dùng nhiều cách kể chuyện. Các nhà văn thường thay đổi cách kể và có thể có các hình thức kể hỗn hợp. Có hai hình thức phổ biến là: 
+ Tường thuật lại quá trình, diễn biến sự việc: Vợ nhặt (Kim Lân) 
+ Miêu tả lại diễn biến sự kiện: Vi hành (Nguyễn Ái Quốc) 
    Để nhận thức phương thức kể chuyện, người ta căn cứ vào các tình huống kể chuyện: 
+ Tình huống khách quan: Tác giả đứng bên ngoài kể lại điều xảy ra: Chiếc lá cuối cùng (Ohenry) 
+ Tình huống chủ quan: Tác giả hoặc người kể chuyện tự đóng vai trò là nhân vật chính của tác phẩm; kể lại những sự kiện, hành động, việc làm, ý nghĩa hoặc mối quan hệ người – người, hoặc phân tích, bình luận chung. Cũng cần chú ý đến quan điểm của người trần thuật trong truyện ngắn. Quan điểm đó thể hiện trong cách kể, nhưng cũng có khi thái độ bề mặt qua ngôn ngữ lại đánh lừa ta (CHÍ PHÈO – Nam Cao). Truyện ngắn cũng thường có viễn cảnh – khung cảnh được mở ra trong tương lai mà qua tác phẩm người đọc phát hiện hoặc cảm nhận được. 
    Về cách xây dựng tình huống. Tình huống truyện là “cái tình thế của câu chuyện”, là cảnh huống chứa đựng trong nó những mâu thuẫn, xung đột hoặc những khả năng tiềm tàng để cốt truyện diễn tiến, phát triển, nhân vật bộc lộ tính cách. Tình huống truyện có vai trò hết sức quan trọng, được ví như “cái chìa khóa vận hành cốt truyện”. Từ tình huống truyện, các sự kiện, biến cố của cốt truyện được phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ. Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống truyện sẽ bộc lộ rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Việc sáng tạo nên các tình huống độc đáo biểu hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người của nhà văn. Tình huống là thời điểm, khoảnh khắc nhất định trong tác phẩm, ở đó tập trung điểm nút chủ đạo trong tác phẩm của nhà văn. Tạo tình huống là một đặc điểm thi pháp truyện ngắn. Do dung lượng nhỏ, truyện ngắn buộc phải tìm đến một tình huống – tức là một khoảnh khắc đặc biệt trong đời sống – để thể hiện tập trung mối quan hệ con người, bật sáng tư tưởng của bản thân tác giả. Truyện ngắn có thể có một hay nhiều tình huống, tạo thành một hệ thống. Các kiểu tình huống truyện tiêu biểu là: tình huống nhận thức, tình huống tâm trạng, tình huống hành động. Tình huống TN thường rất độc đáo, ấn tượng, tạo hiệu quả thẩm mĩ cao. 
    Chi tiết trong truyện ngắn hay tiểu thuyết đều nhằm bộc lộ tính cách, tâm tư truyện ngắn, đan dệt nên các tình huống truyện, đều cùng có hai loại chi tiết: Chi tiết trung tâm và chi tiết phụ trợ. Nhưng chi tiết ở truyện ngắn thường ẩn chứa dung lượng phản ánh rất lớn. Cũng có nghĩa là tính cô đọng, hàm súc và tượng trưng của chi tiết cao. Một chi tiết nổi bật có thể gợi cho người đọc liên tưởng đến cả một trạng thái nhân sinh xã hội, suy rộng ra bề sâu, bề xa của nội dung phản ánh. 
    Ngôn ngữ truyện ngắn thường cô đọng, súc tích. Văn phong trong truyện ngắn đóng vai trò quan trọng, tạo nên phong cách riêng của nhà văn. Giọng văn quyết định hình thức tổ chức kết cấu truyện và nội dung tư tưởng. Thể tài truyện ngắn cũng chịu sự quy định của văn phong. Lời văn bộc lộ, giải bày, suy ngẫm về thế thái nhân tình thì hình thành truyện ngắn trầm tư, thế sự; lời văn trần thuật, hoạt kê tạo nên thể tài châm biến, đả kích; lời văn phân tích, mổ xẻ về những vấn đề thời sự xã hội thì tính hiện thực cao. Vì vậy, “lời văn là yếu tố quan trọng cho nghệ thuật viết truyện ngắn. Lời kể và cách kể chuyện là những điều người viết truyện ngắn đặc biệt chú ý khai thác và xử lý, nhằm đạt hiệu quả mong muốn” (Lại Nguyên Ân, Từ điển Văn học, Bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.1846). 
    Với những đặc trưng trên, truyện ngắn là một thể loại có sức sống bền lâu, được nhiều độc giả yêu chuộng. Nó luôn không ngừng phát triển để càng ngày càng khẳng định giá trị riêng biệt mà không một thể loại nào có được.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN VỀ CHỦ ĐỀ TP VH

KỸ NĂNG NGHỊ LUẬN MỘT NÉT NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN

KỸ NĂNG PHÂN TÍCH CẤU TỨ VÀ HÌNH ẢNH TRONG THƠ TRỮ TÌNH

PHÂN BIỆT TÙY BÚT VỚI BÚT KÝ VÀ THƠ VĂN XUÔI

 Bút ký là một thể loại khá gần gũi với tùy bút. Đôi lúc rất khó phân định ranh giới giữa hai thể loại này, nhất là khi cần xem xét ở những tác phẩm cụ thể. Cùng trong quyển sách “Thạch Lam – về tác gia và tác phẩm”, những người biên soạn cũng chưa có được sự nhất trí với nhau. Trong khi Nguyễn Thành Thi với bài viết "Thạch Lam, từ quan niệm về cái đẹp đến những trang vănHà Nội băm sáu phố phường”" khẳng định “Hà Nội băm sáu phô phường” là “một tập tùy bút” đặc sắc và Thạch Lam, cùng với Nguyễn Tuân, “đã có công đặt những viên đá tảng cho lâu đài tùy bút Việt Nam thời hiện đại”, thì ở phần điểm qua “Tác phẩm của Thạch Lam” cuối sách, tác phẩm này lại được ghi rành rành là bút ký. Hoặc như tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân, sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12 hiện hành có đến ba cách định danh thể loại khác nhau: tùy bút, bút ký và tùy bút pha bút ký.

Như đã biệt, sự nhòe lẫn, giao thoa giữa các thể loại là hiện tượng tự nhiên, bởi những quy tắc chật hẹp của loại thể văn học không câu thúc được sức sáng tạo ở những nghệ sĩ tài năng. Chung gốc gác từ ký, nên trong bút ký và tùy bút luôn có sự hiện diện của yếu tố tự sự. Nhưng vai trò của yếu tố này ở mỗi thể loại có điểm khác nhau. Tự sự trong bút ký bao giờ cũng hướng đến mục đích biểu đạt tư tưởng của tác giả: “Bút ký ghi lại những con người và sự việc mà nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó [...]. Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút ký tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khả năng biểu đạt của tác giả đối với các sự kiện được đề cập đến nhằm phát hiện những khía cạnh nổi bật, những ý manhath tưởng mới mẻ và sâu sắc trong các mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa cá nhân và môi trường” (Phan Cự Đệ chủ biên 2004:429). Trong khi đó, tự sự ở tùy bút thường có ý nghĩa như phương tiện để giải bày thế giới tâm hồn, cảm xúc. Nghĩa là, mặc dù đôi khi cũng có màu sắc trữ tình nhưng bút ký thiên về nhận thức, còn cái mạch chính trong tùy bút bao giờ cũng là cảm xúc, suy nghĩ. Về điểm này, Nguyễn Xuân Nam đã rất có lý khi khẳng định: “Bút ký là thể trung gian giữa ký sự và tùy bút [...]. Bút ký cũng không sử dụng hư cấu vào việc phản ánh hiện thực, những nhận xét, suy nghĩ, liên tưởng nhưng ít phóng túng triền miên, mà tập trung thể hiện một tư tưởng chủ đạo nhất định. Có thể nói, làm nổi bật giá trị nhận thức là ý nghĩa hàng đầu của thể loại” (Đỗ Đức Hiểu et al. 2004:173). Nguyễn Văn Hạnh trong Lý luận văn học – vấn đề và suy nghĩ cũng chỉ rõ những điểm tương đồng và dị biệt giữa bút ký với tùy bút: “Bút ký và tùy bút rất gần nhau, nhưng nếu trong tùy bút [...] phần trình bày suy nghĩ, nhận xét, liên tưởng, tưởng tượng của người viết chiếm một tỉ trọng lớn, và do đó tính chất trữ tình thường khá đậm nét, - bút ký việc ghi chép trung thực sự việc được coi trọng hơn [...].Xét về mức độ kết hợp tự sự và trữ tình, về tính chặt chẽ hay phóng khoáng trong tư duy và kết cấu, thì bút ký có thể xem như đứng giữa kỳ sự và tùy bút” (Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương 1998:100).
Một phương diện khác cũng ghi nhận nét tương đông và dị biệt hư cấu, ở một mức độ nhất định. Hư cấu trong tác phẩm ký “không có giữa bút ký với tùy bút là vấn đề hư cấu. Cả hai đều dung hợp được hư nghĩa là thêm vào thực tại một cái gì đó tự nó không có [....]. Nhiều tại những gì bị xem là thừa thãi [...]. Một tác phẩm ký chỉ được sinh thành sau một quá trình hư cấu, trong đó ý thức sáng tạo hoạt động . Nếu hư cấu trong bút ký có thể xuất hiện ở mọi cấp độ, từ đề tài, nhận vật, chi tiết đến tình huống, tư tưởng thì ở tùy bút, hư cấu khắc tâm trạng hoặc mãnh liệt, rõ nét hoặc chỉ bàng bạc, mơ hồ. Nghĩa được sử dụng trong khi người nghệ sĩ cố gắng ghi lại những khoảnh là, nếu hư cấu trong bút ký nhằm ảo hóa, lạ hóa đối tượng thì ở tùy bút, nó giúp hình tượng hóa, hiện thực hóa thế giới tâm hồn chủ quan của con người.
Lời văn tùy bút rất giàu chất thơ, nhưng vẫn có nhiều nét khác với thơ nhau ở chỗ cấu trúc ngữ pháp có tạo nên nhịp điệu, nhạc điệu. Về phương diện hình thức, thơ văn xuôi và tùy bút gần giống khác biệt trong sự vận động của mạch tư tưởng, cảm xúc ở đây là: một bên đi theo nhịp luân vũ (đường tròn), một bên đi theo bước dạo chơi (đường thẳng). Hình ảnh và ngôn ngữ trong thơ bao giờ cũng đòi hỏi một mức độ cách điệu, lý tưởng vì đã khúc xạ, thăng hoa hoàn toàn qua lăng kính chủ quan của thi nhân. Còn trong tùy bút, chất liệu để làm nền cho mạch xúc cảm cần có độ tươi nguyên của hiện thực. Tùy bút đa phần sử dụng lớp nghĩa tường minh của ngôn từ, trong khi thơ văn xuôi lại phát huy tối đa những nét nghĩa hàm ẩn. Do đó, hình tượng nghệ thuật trong thơ văn xuôi có khả năng biến hóa kỳ ảo, lãng mạn hơn. Mặt khác, cũng như tùy bút, thơ văn xuôi thường đậm đà màu sắc trữ tình: “Thơ văn xuôi là một thể thơ thuộc phương thức biểu hiện trữ tình, dựa trên sự bộc lộ xúc cảm trực tiếp qua hình ảnh và tâm trạng […]. Do đó thơ văn xuôi phải phong phú hơn về cảm xúc trữ tình so với văn xuôi trong tự sự, miêu tả hoặc đối thoại”. (Bùi văn Nguyên, Hà Minh Đức 2003:325). Nhưng nếu ở thơ văn xuôi, các yếu tố tư tưởng, tình cảm, cảm xúc thường hòa tan bàng bạc vào tứ thơ, hình tượng thơ thì trong tùy bút, chúng được bộc lộ tương đối trọn vẹn qua từ ngữ, hình ảnh cụ thể, sinh động.
Suy đến cùng, phân biệt tùy bút với thơ văn xuôi chính là phân biệt giữa một thể văn xuôi giàu chất thơ với một thể thơ có hình thức biểu hiện gần như văn xuôi. Trong văn xuôi, tất cả mọi biện pháp nghệ thuật tập trung vào việc làm sáng tỏ chủ đề, tư tưởng của người viết. Còn trong thơ, chính tứ thơ mới là điểm quy chiếu, chi phối cách nhìn, cách cảm và cách thể hiện của tác giả. Tứ thơ là khái niệm trừu tượng để chỉ một chớp sáng tư tưởng, cảm xúc bất chợt thăng hoa trong quá trình suy tư, nghiền ngắm của người nghệ sĩ. Vì thế, ngôn từ, hình ảnh trong thơ văn xuôi bao giờ cũng tập trung hơn, xoáy vào chiều sâu chứ không dàn trải ra bề rộng như trong tùy bút.
(Trích “Về thể loại tùy bút”, Trần Văn Minh)

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

SO SÁNH, ĐÁNH GIÁ HAI TP VĂN HỌC - ĐỖ NGỌC THỐNG

 

I. YÊU CẦU

    Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm là nêu lên một cách thuyết phục những điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm. Cũng có thể chỉ yêu cầu nêu điểm tương đồng hoặc điểm khác biệt về nội dung, hình thức nghệ thuật của hai văn bản, từ đó bàn luận, nhận xét giá trị độc đáo của mỗi văn bản, nhận ra đặc điểm thể loại, vai trò của cá tính sáng tạo, chỉ ra những điểm chung trong quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương,...
    Bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học thường được thực hiện giữa các tác phẩm cùng thể loại. Cũng có thể yêu cầu so sánh, đánh giá giữa hai thể loại khác nhau nhưng thường để khẳng định điểm giống nhau về đề tài, chủ đề và tư tưởng của hai tác phẩm; ví dụ, các tác phẩm Sông núi nước Nam (khuyết danh), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh),... viết với các thể loại rất khác nhau nhưng đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm,... của các tác phẩm ấy có rất nhiều điểm tương đồng.
Sự khác biệt giữa hai tác phẩm thường biểu hiện rõ ở cách thức, nghệ thuật, hình thức thể hiện từ phương thức biểu đạt đến các hình thức, thủ pháp nghệ thuật.
    - Với các văn bản thơ, cần chú ý đến nghệ thuật sử dụng, sáng tạo từ ngữ; các hình ảnh và biểu tượng; cách cấu tứ, các dạng thức của cái “tôi” trữ tình;...
    - Với các văn bản truyện và tiểu thuyết, cần chú ý đến nhân vật, điểm nhìn trần thuật, kết cấu, cách kết thúc truyện, kĩ thuật miêu tả ngoại hình, chân dung và phân tích tâm lí nhân vật,...
    - Với các văn bản kịch, cần chú ý đến mô típ, cốt truyện, hệ thống nhân vật, xung đột kịch, các dạng thức của lời đối thoại, độc thoại,...
    - Với các văn bản kí, cần chú ý đến đề tài, cách tiếp cận vấn đề, cách khai thác số liệu, tài liệu,...
    Có nhiều cấp độ và yêu cầu so sánh, cụ thể: so sánh hai tác phẩm, hai đoạn trích; so sánh hai yếu tố như chi tiết, nhân vật, cốt truyện, tình huống truyện, bối cảnh, ngôi kể, điểm nhìn, biện pháp nghệ thuật, đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng,...
II. LƯU Ý
    - Xác định mục đích so sánh, đánh giá: Việc so sánh không phải để hướng tới mục đích xem tác phẩm nào có giá trị hơn tác phẩm nào mà để nhận ra những khác biệt, sự đa dạng trong cách nhìn và cảm thụ về đời sống; so sánh để làm rõ vấn đề văn học có trong tác phẩm.
    - Xác định nội dung, tiêu chí so sánh: đề tài, chủ đề, thể loại, các biện pháp nghệ thuật, ngôn ngữ,...
    - Đảm bảo cấu trúc chung của một bài nghị luận văn học, tính chính xác của các dẫn chứng, tính chặt chẽ của các lập luận lô gích và tính hình tượng, biểu cảm của ngôn ngữ,...
III. CÁC BƯỚC ĐỂ VIẾT BÀI NGHỊ LUẬN SO SÁNH, ĐÁNH GIÁ HAI TÁC PHẨM VĂN HỌC NHƯ SAU
    + Tìm kiếm đối tượng so sánh (với trường hợp người viết phải tự xác định) theo các định hướng: thể loại, phong cách tác giả, khuynh hướng sáng tác, thời điểm sáng tác. Xác định phạm vi so sánh (giữa hai tác phẩm, hai đoạn trích, hai mô típ,...).
    + Phân tích điểm giống nhau, điểm khác nhau hoặc cả giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm được so sánh. Chỉ ra ý nghĩa của sự giống nhau và khác nhau, từ đó giúp người đọc nhận thấy tính độc đáo, đặc sắc riêng của từng tác phẩm.
    + Bình luận, lí giải về nguyên nhân dẫn đến sự giống và khác nhau giữa hai tác phẩm.
    + Rút ra những nhận thức về đặc điểm thể loại, vai trò của cá tính sáng tạo, quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương,...
    - Để tìm ý và lập dàn ý cho bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học, HS cần đặt ra và trả lời các câu hỏi như:
    + Mục đích so sánh, đánh giá để thuyết phục hoặc làm rõ vấn đề gì?
    + Đối tượng và phạm vi so sánh là hai văn bản, hai tác phẩm nào?
    + Tiêu chí và phương diện cụ thể cần so sánh là gì (nội dung, nghệ thuật)?
    + Hai tác phẩm được so sánh giống hay khác nhau (hoặc cả hai) như thế nào?
    + Có thể rút ra những nhận xét và đánh giá gì về cái hay, cái đẹp, tính độc đáo, nét đặc sắc riêng của mỗi tác phẩm,...?
- Đỗ Ngọc Thống -

SỨ MỆNH CỦA THƠ CA

 Thơ là “những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại điểm trang cho cuộc sống bằng vẻ đẹp muôn màu của nó”. “… Thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng – nó bất diệt như trái tim con người” (William Wordswarth).

Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người và là sáng tạo đặc biệt của loài người. Nó là những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại trang điểm cho cuộc sống bằng vẻ đẹp muôn màu của nó. Tố Hữu từng nói: ”Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã thật tràn đầy”, khi những cảm xúc mãnh liệt đè nặng trái tim nhà thơ không thể nói thành lời, thì khi ấy thơ lại là nơi để giãi bày. Những vần thơ viết ra từ chính sự xúc động trong tâm hồn của nhà thơ trước cuộc đời là những vần thơ có giá trị hơn bao giờ hết.
Mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Mỗi người đọc tinh hoa là một con đường đến với thơ. “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi cảm” (Lưu Trọng Lưu). Thơ ca lại dùng ngôn từ để nói lên cảm xúc, bộc bạch nỗi lòng và gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng. Thế nhưng, ngôn ngữ trong thơ lại có hạn, không cho phép người nghệ sĩ kể lể dài dòng hay phí phạm câu chữ mà họ phải mài giũa ngòi bút cho thật sắc, thật tinh để viết nên những ngôn ngữ cô đọng, hàm súc nhưng đa nghĩa, giàu tính biểu cảm và hình tượng. Lưu Trọng Lư cũng từng viết: “Thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà ý nhiều”. Sáng tác thơ cũng như làm thí nghiệm hóa học, mỗi chữ viết ra không được thừa, cũng không được thiếu, khi ấy ta mới thu được hạt muối kết tinh của nghệ thuật. Hay nói như nhà thơ Nga Maiacopxki: “Quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim cương”. Ngôn ngữ là những tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ, đó là nơi họ nhắn nhủ những tâm tình, trao gửi bao ước mơ, hoài bão. Thế thì đó càng không thể là thứ câu chữ tầm thường, vặt vãnh được.
Không ai muốn đọc một tác phẩm mà ở đó, ta không tìm thấy sự đồng điệu và chia sẻ hay quá xa lạ, như Chế Lan Viên cũng cho rằng: ”Đừng làm những câu thơ đi tìm kiếm sao Kim; Thứ vàng ấy loài người chưa biết đến”. Tài năng và tâm hồn nhà thơ là một yếu tố hết sức quan trọng nhưng công việc của nhà thơ không phải chỉ dừng ở đó, anh phải là người tìm kiếm “hạt thơ trên luống đất của những người dân cày”(Pauxtôpxki). Từ mảnh đất hiện thực và ấp ủ chúng trong trái tim mình, để lại cho đời những “đóa hoa thơ” thật đẹp. Những đóa hoa ấy sẽ trở lại tô điểm cho cuộc đời và cho loài người niềm an ủi, đồng cảm mãnh liệt nhất.
Thơ bao giờ cũng in đậm chữ “đời” trước hết. Cuộc đời không chỉ ban cho nhà thơ nguồn cảm hứng mà cuộc đời còn là nơi khai thác “chất quặng” nguồn từ để tạo nên thơ: “Vạt áo của nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà cuộc đời rơi vãi; Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang” (Chế Lan Viên). Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và “cái tôi” nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng “vỏ bào” (Pauxtôpxki). Nhà thơ phải nhặt những hạt “bụi quý” trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên những “bông hồng vàng” quí giá, đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc thơ, hiểu thơ và yêu thơ, theo cách diễn đạt của Pauxtôpxki.
Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn.”
(Lê Đạt – Vân chữ)
Cái “vân chữ “của một nhà thơ hay một nhà văn thứ thiệt mà Lê Đạt nhắc đến ở đây chính là phong cách tác giả, là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ qua tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân. Đồng thời cũng là để nhấn mạnh đó là yếu tố quan trọng để tạo nên một “người nghệ sĩ thứ thiệt”- một người nghệ sĩ chân chính, có tài năng và có tư chất, có phong cách nghệ thuật riêng biệt không thể trộn lẫn. Từ đó biết được muốn có bài thơ hay thì “mỗi lời thơ đều dính não cân ta” mà “muốn hồn trào ra đầu ngọn bút” là điều rất khó đạt được, viết lên một tác phẩm hay là điều không dễ dàng. Nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định quy luật của quá trình tinh lọc ngôn ngữ thơ: “Thơ phải súc tích, phải rắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường vẫn nhạt vẫn loãng, thi sĩ đem kết đọng lại, tụ lại làm nên những câu thơ đậm đà, tài liệu thì vẫn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hàng ngày, trong những sự rung động của trái tim, của xương thịt nhưng khi đã đem vào thơ thì tài liệu biến đi và thành ngọc châu”. Thật vậy, sáng tạo ngôn ngữ thơ không phải một điều dễ dàng. Người nghệ sĩ phải xoay sở trên một vùng đất chật hẹp, vậy nên họ không thể lãng phí bất cứ từ ngữ nào để diễn tả những cảm xúc hời hạt, tủn mủn, thứ mà họ viết nên phải là ngôn ngữ được chắt lọc và kết tinh từ hàng vạn chất liệu ở đời.
Nhà văn Nga M.Gorki, trong một bức thư gửi nhà đạo diễn Xtanixlapxki có viết: “Nghệ sĩ là con người biết khai thác những ấn tượng riêng – chủ quan của mình, tìm thấy trong những ấn tượng đó là cái giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng”. Những “ấn tượng riêng – chủ quan” của người nghệ sĩ chính là cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống mang tính khám phá và sáng tạo. Có lẽ một trong những cái khác biệt để tạo ra khoảng cách nghệ sĩ và người thường chính là chỗ đó. Không phải ai cầm bút cũng đều là nghệ sĩ. Các nhà văn, nhà thơ cũng vậy. Họ đều có thể viết được thơ, văn nhưng để làm được thơ văn đích thực, cần có sức sống và có chỗ đứng trong lòng người đọc thì không phải ai cũng làm được. Một nhà văn sáng tạo càng độc đáo, đặc sắc thì người đó càng thành công.
Sứ mệnh nhà văn là như một “người nghệ sĩ trung thành của thời đại” (Balzac), phải giúp cho người đọc hình dung những gì đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta tồn tại, nơi đó gây cho người đọc lòng trắc ẩn, tình yêu thương và ý thức phản khác lại cái xấu, tàn ác. Con người cần nhìn thấy những gì họ chưa bao giờ thấy, hiểu những gì chưa bao giờ biết, tất cả những câu trả lời mà độc giả muốn có mà tác giả mang lại đều phải xoay quanh chính cuộc sống hiện tại. Thế giới trong trang thơ mở ra đâu đó luôn tồn tại những hình ảnh gần gũi từ thế giới hiện thực mà ta đang sống, có điều nó mới mẻ và đặc biệt hơn. Chất thơ vốn có trong hiện thực, bởi nếu không có mùa thu đẹp đẽ của cuộc đời thì không có mùa thu của thi ca
Thơ như con sông thời đại cứ vỗ hoài vào bờ, nhưng thơ làm con người đẹp hơn còn sóng nước làm bờ đá mòn bớt đi. Hai sự thật mâu thuẫn nhưng lại đồng nhất, thơ không bào mòn con người mà tăng trưởng con người hơn. Thơ thực sự là một “Người mẹ”, “quảng đại’’ – tức là ta nói về giá trị đích thực của thơ ca, bởi chỉ có thơ ca đích thực, là nghệ thuật thì mới “quảng đại”, bao dung, nhân từ đối với từng con người…

MỐI QH TƯƠNG TÁC GIỮA SÁNG TẠO VÀ TIẾP NHẬN

 Sáng tạo và tiếp nhận văn học luôn là vấn đề bản chất, then chốt của Khoa Nghiên cứu văn học. Và thực tế, các nhà lý luận văn học từ truyền thống đến hiện đại đã quan tâm nghiên cứu mối quan hệ này từ nhiều cấp độ lý luận với nhiều quan niệm khác nhau. Có sáng tạo văn học là có tiếp nhận văn học, dĩ nhiên là sáng tạo phải đi trước một bước để tạo thành văn bản. Sau đó, văn bản được chuyển đến người đọc, được người đọc tiếp nhận, bình giá thì nó mới trở thành tác phẩm. Cứ như vậy, tác phẩm văn học liên tục được làm đầy những giá trị chỉnh thể của chúng từ những tầm đón nhận và tầm đón đợi của nhiều thế hệ người đọc. Có nghĩa là người đọc đồng sáng tạo từ nhiều góc nhìn, nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau và từ bản chất tự trị vốn có của tác phẩm, họ có thể cung cấp nhiều ý nghĩa và giá trị mới khác cho tác phẩm. Những ý nghĩa và giá trị mới ấy, quả thật trong khi sáng tác, tác giả chưa nghĩ đến hoặc chưa tin rằng, chúng lại được người đọc phát hiện thú vị như vậy.

Nói như vậy, không phải lúc nào người đọc cũng có thể mãi làm đầy những giá trị mới cho tác phẩm. Nó chỉ đúng và có giá trị trong giới hạn cho phép mà tác phẩm gợi mở, vẫy gọi. Điều đó có nghĩa là những phát hiện chủ quan, võ đoán ngoài văn bản hay rất xa với nghĩa gốc của văn bản mà người tiếp nhận gán cho sẽ không được thừa nhận. Từ mối quan hệ bản chất như trên của quá trình sáng tạo và thưởng thức văn học, đã làm xuất hiện nhiều quan niệm khác nhau trong lịch sử tiếp nhận văn học. Quan niệm truyền thống đề cao vai trò của chủ thể sáng tạo, trao cho họ một khả năng và phạm vi rất rộng trong việc làm chủ tác phẩm, tạo nghĩa cho tác phẩm. Đến các nhà mỹ học tiếp nhận hiện đại, họ lại chuyển vai trò trên cho người đọc, xem người đọc là nhân tố quan trọng trong quá trình tạo nghĩa cho tác phẩm. Và khi ấy, tác giả xem như đã hết vai trò trọng yếu của mình. Và quan niệm này được nhiều nhà mỹ học và lý luận văn học phương Tây đồng tình. Nhưng qua thực tiễn của quá trình sáng tạo hiện nay, đặc biệt là với chủ nghĩa hậu hiện đại, thì những định vị trên có sự lung lay. Và có nhiều ý kiến cho rằng, với sự tìm tòi, thể nghiệm liên tục của văn học hậu hiện đại, người đọc không kịp hoặc không thể nhận ra những giá trị bản chất của tác phẩm. Chính vì thế, nên chăng, phải điều chỉnh lại mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận văn học. Và phải trao cho tác giả cái quyền định đoạt giá trị tác phẩm của mình ít nhất là ngang, nếu không muốn nói là cao hơn độc giả. Xem ra, ý kiến này trong tình hình văn học thế giới hiện nay, có thể điều hòa được hai quan niệm nói trên. Có nghĩa là tác giả và độc giả đều có vai trò cộng hưởng quan trọng của mình trong quá trình hoạt động văn học mà ở đây, tác phẩm văn học là đối tượng trung tâm của quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học.
Thời gian qua đã xuất hiện những quan niệm trái chiều về cách đánh giá và tiếp nhận văn học. Nhiều tác phẩm đã có cách thể hiện mới lạ và phong phú, khác xa với cách thể hiện truyền thống và họ tự gọi đó là văn học đổi mới hay văn học theo xu hướng hiện đại, hậu hiện đại. Lấy mốc từ năm 2000 trở lại nay, trên văn đàn nước ta đã có những chuyển biến đáng phấn khởi xuất phát từ khát vọng cao đẹp của các nhà văn chân chính là muốn đưa nền văn học nước ta tiến lên phía trước, hội nhập với văn học thế giới. Nhưng quả thật, số tác phẩm như thế hãy còn chưa tương xứng với yêu cầu của độc giả và thời đại. Đặc biệt là vẫn chưa có nhiều tác phẩm neo được sâu đậm trong lòng độc giả.
Về phía người đọc, chúng tôi nhận thấy, ngày nay, khả năng tiếp nhận văn học của họ cũng đa dạng, phong phú và sáng tạo hơn. Đó là nhân tố cần thiết và thuận lợi cho quá trình phát triển của nền văn học dân tộc, kích thích chủ thể sáng tạo liên tục tìm tòi, đổi mới. Vậy tại sao vẫn còn tình trạng nhiễu tiếp nhận trong những tác phẩm cụ thể? Tìm hiểu bản chất của vấn đề trên sẽ phần nào giải thích được những băn khoăn của nhiều người.
Trước hết là ở sự nhận thức của từng chủ thể sáng tạo. Nhà văn bất kỳ ở thời đại nào cũng đều sống trong môi trường văn hóa cụ thể. Họ không thể thoát khỏi sự quy định có tính xã hội-văn hóa ấy. Vậy những tác phẩm của họ-dù sáng tác theo khuynh hướng nào, kiểu tư duy nào cũng được chấp nhận, miễn là tác phẩm ấy phải hay, phải mang chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, vì sự sống và khát vọng cao đẹp của con người, vì giá trị chân-thiện-mỹ của từng thời đại. Hơn nữa, văn học là loại hình nghệ thuật đặc thù, nó phản ánh cuộc sống bằng hình tượng thông qua chất liệu ngôn từ cũng rất đặc thù. Cho nên, nó có thể miêu tả cuộc sống như nó vốn tồn tại. Khả năng đón đầu, dự báo của văn học nhiều lúc đi trước thời đại là chuyện thường thấy trong văn học của nhân loại từ trước đến nay.
Vấn đề là, làm sao để tạo ra cho được một thời đại mới trong văn học, tạo ra được cuộc cách mạng trong văn chương? Điều ấy, các văn nghệ sĩ phải tìm tòi, thể nghiệm. Tìm tòi, thể nghiệm không chỉ cho riêng mình-dù lúc đầu là thế. Nhưng quan trọng hơn là sau những tìm tòi, thể nghiệm ấy, chúng phải trở thành vệ tinh để thu hút mọi chủ thể sáng tạo học tập, cộng hưởng và cuối cùng tạo ra một phong trào rầm rộ với hệ thi pháp độc đáo, mới mẻ, làm chuyển biến cho cả một thời kỳ hoặc một giai đoạn văn học với nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc. Và đặc biệt là thi pháp văn chương của cả phong trào ấy được bạn đọc đón nhận. Nếu tạo ra được những chuyển biến có tính cách mạng hợp quy luật như thế thì nền văn học giai đoạn ấy, thời kỳ ấy sẽ sống mãi, có giá trị như một nối tiếp giá trị mới cho từng chặng hành trình của cả tiến trình văn học.
Dĩ nhiên là chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, những hạn chế, bất cập ở phía người đọc, đặc biệt là người đọc phổ thông, bình thường trước những đổi thay của đời sống văn học đương đại thế giới và trong nước là có thật. Chưa kể đến những thực tế có liên quan đến văn học hậu hiện đại thì vấn đề lại càng phức tạp hơn. Lúc ấy, những giới hạn của thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận cũng là một thực tế. Cũng chính lúc ấy, Khoa Nghiên cứu văn học lại phải thể hiện vài trò là “mỹ học và triết học” đang vận động của mình để định hướng các vấn đề có liên quan đến quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn học về mặt lý luận, lý thuyết để những gì còn tiềm ẩn, tranh cãi được thể hiện lên một cách hiển minh và khoa học, nhằm định hướng thẩm mỹ cho người đọc và cả người sáng tác.
PGS, TS HỒ THẾ HÀ
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân.