BÀI LÀM ĐỀ THI HSG QUỐC GIA (NLXH)
Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)
Người xưa có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương". Quan điểm
trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc
sống hiện nay.
Bài của Huyền Trang, HSG QG năm
2020
"Picasso từng là một
họa sĩ vô danh. Ông đã dùng 15 đồng bạc cuối cùng trong túi để thuê sinh viên dạo
quanh hàng tranh và hỏi: "Ở đây có bán tranh của Picasso không?". Sau
đó chưa đầy một tháng, tên tuổi ông lan khắp Paris và ông trở nên nổi tiếng.
Câu chuyện này của Picasso ngày nay được người ta lan truyền như một bài học điển
hình của việc quảng bá và truyền thông thương hiệu cá nhân, nhưng liệu có mâu
thuẫn với quan điểm "Hữu xạ tự nhiên hương" của người xưa hay chăng?
Như chất xạ mang trong
mình hương thơm đặc biệt thì ắt sẽ tự lan tỏa và thu hút xung quanh; mỗi người
nếu mang trong mình giá trị riêng, tư chất riêng thì ắt sẽ được công nhận, một
cách tự nhiên không gượng ép.
Nikola Tesla chưa từng
phải tự nhận mình là "cha đẻ của công nghệ thời hiện đại", nhưng cả
thế giới đều mệnh danh nhà bác học này như thế vì những phát minh đi trước thời
đại của ông. William Shakespeare có thể sẽ chỉ mãi là một chân nhắc tuồng hoặc
một diễn viên vô danh trong nhà hát, nếu không tài tình sáng tác nên những tác
phẩm vừa kịch tính, vừa sâu sắc phản ánh được khủng hoảng của thời đại, để trở
thành một nhà soạn kịch danh tiếng. Dù trong bất kì lĩnh vực nào, khi mỗi chúng
ta hoàn thành được trách nhiệm và bổn phận của bản thân, đó đã là điều quý giá
vô cùng. Khi ấy, ta đã vô hình trung kiến tạo nên một giá trị nhất định. Mà đã
là giá trị, tự nhiên sẽ tỏa sáng mà chẳng cần bất kì ánh đèn sân khấu nào.
Tập trung vào việc phát
triển bản thân, tự khắc cái "tôi" của ngày hôm nay sẽ khác với cái "tôi"
của ngày hôm qua, có thể trưởng thành hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Cũng giống
như mỗi ngày bước lên một nấc thang mới, bạn sẽ bước đến một đỉnh cao mà không
cần phải giới thiệu, người ta cũng biết bạn là ai. Còn khi sự tập trung của
chúng ta bị phân tán vào việc "làm sao để được nhiều người biết đến
hơn?", "làm sao để trở nên nổi tiếng?", để rồi bất chấp tất cả
mà đánh đổi sự nổi lên nhất thời của mình bằng những tai tiếng còn lại mãi về
sau. Thì khi ấy, giá trị ở đâu ta đã kiến tạo? Trước khi đặt ra câu hỏi trách
móc rằng sao cuộc đời bạc bẽo quá, không cho mình nổi một sự công nhận, thì hãy
tự hỏi lại chính mình đã làm được những gì để đòi hỏi một sự ghi công?
Song, trong một thời đại
bùng nổ và cạnh tranh thông tin, thời đại mà bất kỳ cái gì cũng cần được quảng
cáo rầm rộ và nhờ truyền thông để nâng tầm giá trị, thì liệu "hữu xạ"
có còn "tự nhiên hương", liệu cứ hoàn thiện bản thân là sẽ tự thu hút
những cơ hội? Nhiều người chắc hẳn sẽ trả lời rằng: Không! Đã qua rồi cái thời
mà "tiếng lành đồn xa", tỏa hương ngồi chờ ong bướm đến. Thời đại hiện
nay với những sự thay đổi chóng mặt đòi hỏi chúng ta phải chủ động và hành động
quyết liệt chứ chẳng thể "há miệng chờ sung". Người ta chẳng còn ngạc
nhiên với những thương hiệu toàn cầu vẫn ngày ngày quảng cáo và phủ sóng trên
khắp các kênh truyền thông, từ truyền hình đến mạng xã hội…
Quả thực, vật đổi sao dời,
thời thế thay đổi đã là quy luật tất yếu. Nhưng thời thế không phải là cái cớ
cho việc gồng mình xây dựng hình ảnh cá nhân một cách giả tạo, rồi tự an ủi rằng
ngày nay phải làm thế cho hợp thời.
Quả thực, sống là không
chờ đợi, là chủ động nắm bắt cơ hội cho chính mình. Nhưng sống chủ động cũng chẳng
phải cái cớ cho sự vội vã và nóng lòng muốn thành công sớm, để rồi bất chấp đốt
cháy giai đoạn, ngụy tạo và giả dối.
Đừng vội vin vào câu
chuyện của Picasso để ngụy biện rằng, không tự quảng bá mình thì sẽ chẳng ai biết
đến. Vì trước khi nghĩ đến chuyện tự truyền thông, Picasso cũng phải vẽ những bức
họa, dấn thân vào nghệ thuật sáng tạo, cũng phải có một giá trị nào đó để đem đến
cho người. Và mọi sự ghi nhận, nể phục đều trên nền tảng của cái chất rất riêng
mà chúng ta có, chứ không phải qua việc "gióng trống khua chiêng" cho
một bản sao nhạt nhòa hoặc phô trương cho sự dị biệt lố lăng.
Xây dựng hình ảnh bản
thân trong cuộc sống hôm nay là cần thiết. Nhưng linh hồn của việc tạo dựng
hình ảnh ấy là cái chất bên trong, cái giá trị mà chúng ta có, chứ chẳng phải một
cái vỏ rỗng tuếch. "Hữu xạ tự nhiên hương" vẫn đúng, vì bức thông điệp
quan trọng nhất trong quan niệm này của người xưa là hướng mỗi con người đến sự
phát triển và hoàn thiện bản thân mình, tập trung nâng tầm giá trị mình bằng
chính cách mình sống và cách mình ứng xử. Và "tự nhiên hương" giống
như quả ngọt cho quá trình đi tìm phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, cũng
là một sự lựa chọn. Chúng ta có thể chọn "tự nhiên hương", cũng có thể
chọn chủ động truyền thông thương hiệu cá nhân, chỉ cần có điều cốt lõi là
"hữu xạ" thì mọi con đường đều là đáng quý.
Nhìn lại lời nhận xét của
Einstein dành cho vua hề Charlot: "Ngài chỉ diễn câm thế mà mọi người trên
thế giới đều hiểu. Ngài chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại". Phải
chăng, cũng vì thế chúng ta càng có thể có niềm tin rằng: Chỉ cần mình thực sự
là ánh sáng, thì mình ắt sẽ tỏa sáng…"
Bài làm 2 (Sưu tầm)
Albert Einstein đã từng nhận định:
“Cái tôi và sự hiểu biết tỉ lệ nghịch với nhau. Hiểu càng nhiều, cái tôi càng
bé. Hiểu càng ít, cái tôi càng to”. Thật vậy, sông càng sâu thì càng phẳng
lặng, núi càng cao lại càng cúi đầu. Điều này gợi nhắc tôi nhớ đến câu nói “Hữu
xạ tự nhiên hương”. Thế nhưng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
như hiện nay, câu nói này đã khiến ta phải suy nghĩ đến quan niệm xây dựng hình
ảnh bản thân có còn “Hữu xạ tự nhiên hương” hay không?
“Hữu xạ tự nhiên hương” là một thành
ngữ Hán Việt mà ở đó, từng từ đều mang nét nghĩa riêng. “Hữu” có nghĩa là hiện
hữu, tồn tại còn “xạ” là hương thơm xạ hương. Từ “xạ” có nguồn gốc từ tuyến
hươu xạ sống ở phía Nam Trung Quốc. Chất xạ có mùi rất đặc trưng, thơm một cách
đặc biệt. “tự nhiên hương” được hiểu là có mùi từ nhiên, hương thơm tự nhiên,
xuất phát từ bản thân vật chủ mà không cần tác động. Như vậy, nếu ghép nghĩa
của các từ lại, ta sẽ hiểu được câu nói này. Giống như chất xạ mang trong mình
hương thơm khác biệt ắt sẽ được trọng dụng và yêu thích, “Hữu xạ tự nhiên
hương” đề cập đến vấn đề bản thân con người nếu có “hương thơm”, có “chất
riêng” thì sẽ tự thu hút, hấp dẫn những thứ khác. Hiểu một cách sâu xa hơn, câu
thành ngữ Hán Việt này mang lại cho chúng ta bài học triết lý làm người về sự
khiêm tốn. Nếu ta sống lương thiện, sống có đức, có tài thì người khác sẽ tự
nhận ra điểm tốt của ta mà không cần phải khoe khoang, phô bày. Nếu trong bất
cứ lĩnh vực nào, chỉ cần ta tận tâm, tận lực làm tốt bổn phận và trách nhiệm
của bản thân thì sẽ đến một lúc “hữu xạ” và sẽ “tỏa hương” mà không cần bất kỳ
tuyên bố phô trương, ầm ĩ nào. Cuốn sách chữ Hán “Tam tự kinh” có câu nói “Nhân
chi sơ, tính bản thiện”. Trong bản thân mỗi con người đều có bản tính hiền
lành, lương thiện nhưng liệu trong quá trình trưởng thành, tu dưỡng, ta có giữ
và phát huy được phẩm chất đó không hay là dễ dàng bị dụ dỗ, sa đọa và làm
những điều lầm lỡ. Vì vậy “Hữu xạ tự nhiên hương” còn là lời khuyên con người
nên tu tâm dưỡng tính, rèn sức luyện tài ắt sẽ không phụ lòng.
Con người từ khi sinh ra đều là
những trang giấy trắng, là những số không tròn trĩnh. Trong quá trình lớn lên
và trưởng thành, mỗi người tự gây dựng, gặt hái được những thành tích cho bản
thân theo những con đường khác nhau. Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, khi mỗi
người đều hoàn thành tốt công việc, làm tròn bổn phận và trách nhiệm của bản
thân thì sẽ kiến tạo nên những giá trị nhất định. Những điều đó nó sẽ tự tỏa
sáng theo cách riêng mà không cần bất kỳ ánh đèn sân khấu nào soi chiếu. Đồng
thời khi tập trung phát triển và hoàn thiện cái “tôi” của riêng mình thì theo
thời gian, ta của ngày hôm nay sẽ tốt hơn ta của ngày hôm qua. Ngày qua ngày,
ta trưởng thành hơn, có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm sống hơn. Khi trên
người hội tụ đầy đủ những giá trị, phẩm chất tốt đẹp thì tự khắc, người đời tự
biết đến ta là ai? Đó là bản chất của “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Nhìn rộng ra thế giới, người ta biết
đến tên tuổi của William Shakespeare là người “Hữu xạ tự nhiên hương”. Có lẽ
nếu ông không sáng tác những tác phẩm nổi tiếng, mang đặc trưng riêng của bản
thân, được người đời biết đến là nhà soạn kịch danh tiếng thì mãi mãi chỉ là
một diễn viên vô danh trong nhà hát hay là một chân nhắc tuồng. Với những phát
minh vĩ đại dành cho nhân loại, nhưng Einstein cũng chưa bao giờ khẳng định
mình là một người tài giỏi: “Tôi chỉ là một người bình thường như bao người
khác thôi, cũng sống và làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người
nổi tiếng”. Thật vậy, những người nổi tiếng chân chính đều là người kiến tạo
những giá trị cần thiết và có ích cho cuộc sống của nhân loại nhưng chẳng một
ai thừa nhận mình là người tài giỏi. Chính điều đó đã thu hút ánh nhìn của mọi
người về họ và họ cứ tỏa sáng theo cách riêng của bản thân giống như vì sao
tinh tú trên bầu trời bao la.
Trong thời đại hiện nay, việc xây
dựng hình ảnh cá nhân là điều quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Điều
đó vừa là động lực thúc đẩy ta tiến bộ, phát triển qua từng ngày đồng thời sẽ
đem đến lợi ích cho chính bản thân mình. Nếu xây dựng được hình ảnh cá nhân tốt
từ ban đầu, ta sẽ tiết kiệm được thời gian cho những thử nghiệm, hạn chế sai
sót, vấp ngã. Có lẽ chúng ta không quá xa lạ với Trần Khánh Vy - người biết đến
với biệt danh đầu tiên là hot girl 7 thứ tiếng. Dù ban đầu, cô cũng gây tranh
cãi về khả năng phát âm nhiều ngoại ngữ của mình nhưng đó cũng chính là động
lực Khánh Vy trưởng thành như hiện tại. Cô đã từng bước, đặt từng viên gạch để
xây dựng thương hiệu cá nhân như hiện nay với bảng thành tích học tập khủng tại
Học viện ngoại giao, trở thành Host của IELTS Face Off đồng thời là người dẫn
chương trình của chương trình truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia”. Cô là người
truyền cảm hứng rất nhiều cho các bạn trẻ về năng lượng sống tích cực và con
đường chinh phục ngoại ngữ. Phải nói cô là một trong số những người trẻ gây
dựng thương hiệu rất thành công.
Đại Văn hào Lev Tolstoy đã từng nói
“Người ta như một phân số mà tử số là giá trị thật của người ta, còn mẫu số là
giá trị mà người ta tưởng tượng là mình có. Mẫu số càng to thì phân số càng
nhỏ. Khi mẫu số là vô cùng tận thì phân số bằng không”. Tuy nhiên, trong thời
đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay, liệu “Hữu xạ” có “tự nhiên hương”? Giữa
thời đại vật chất quyết định ý thức, liệu con người có bị cuốn theo xã hội đồng
tiền để bất chấp tất cả mà đánh đổi sự nổi lên nhất thời của mình bằng những
tai tiếng về sau hay không? Liệu có người “không hữu xạ” mà vẫn được mọi người
biết đến không? Đó là những câu hỏi khiến ta phải băn khoăn, trăn trở. Quả
thật, trong thời đại bùng nổ và cạnh thông tin như hiện nay, có một bộ phận
không nhỏ sợ rằng thế giới không biết mình là ai nên đã quảng cáo rầm rộ và nhờ
truyền thông để nâng tầm giá trị. Lâu dần, người ta chẳng còn ngạc nhiên với
việc quảng cáo khác xa với sự thật, từ cá nhân cho đến tập thể, thương hiệu.
Đôi lúc, nhiều người không có “hữu xạ” nhưng vẫn muốn được người đời biết đến
nên đã làm những điều vốn dĩ bản thân không có, sống không thật với lương tâm.
Vì nóng lòng muốn nổi tiếng, muốn thành công nên đã ngụy tạo bằng chứng, giả
dối.
Ngày nay, xây dựng hình ảnh cá nhân,
gây dựng thương hiệu là điều cần thiết nhưng không phải vì vậy mà bất chấp mọi
thủ đoạn. Dù “hữu xạ” rồi “tự nhiên hương” hay “hữu xạ” nhưng dùng những cách
khác nhau để người khác biết đến thì đều đáng quý, chỉ cần “hữu xạ” một cách
đúng nghĩa bởi khi đã “hữu xạ” thì “tự nhiên hương” chính là những trái ngọt mà
ta xứng đáng được nhận. Thay vì xây dựng bản thân bằng những điều rỗng tuếch
thì hãy tạo dựng hình ảnh ấy là những giá trị, những “chất” bên trong con
người. Chỉ cần mình là ánh sáng, mình thực sự vẫn sẽ tỏa sáng hay nói cách
khác, việc của mình không phải là đuổi theo những vì tinh tú mà tỏa nắng như
ánh mặt trời.
“Hữu xạ tự nhiên hương” là một thông
điệp đúng đắn, trường tồn mãi theo thời gian. Khi chúng ta có niềm tin vào bản
thân là ánh sáng thì chắc chắn sẽ tỏa sáng. Ngắm nhìn thế giới tươi đẹp, tôi
nhận ra bản thân còn những điều chưa tốt. Nhưng qua câu thành ngữ này, tôi muốn
tỏa sáng theo cách riêng của bản thân nên chắc chắn, tôi sẽ lập ra kế hoạch cụ
thể để hành động, hoàn thiện và phát triển bản thân. Và tôi tin rằng qua từng
ngày, tôi sẽ trưởng thành hơn và sẽ “Hữu xạ tự nhiên hương” theo năm tháng.
Trong bức thư thứ 805 của quyển sách
“999 lá thư gửi cho chính mình” được chắp bút bởi Miêu Công Tử có đoạn viết
“Đừng đuổi theo một con ngựa. Hãy dành thời gian trồng cỏ, đợi đến khi xuân
sang hoa nở, tự khắc sẽ có một đàn tuấn mã tìm đến để bạn tùy ý lựa chọn”. Ta
hãy cứ hoàn thiện bản thân qua từng ngày, là phiên bản tốt nhất của chính mình
rồi sẽ “Hữu xạ tự nhiên hương”. Hãy khiêm tốn, hãy học hỏi rồi sẽ có thật nhiều
cánh cửa rộng mở với bạn.