"THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ - THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG" -
HAY LÀ CÁI TỘT CÙNG CỦA SỰ TÙY TIỆN ?
Báo "Văn Nghệ" số 47, ngày 20 -11-2004 có đăng bài của
tác giả Văn Giá nhan đề : "Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về
Thơ Mới", nhằm hết lời ca ngợi cuốn tiểu luận : " Ba đỉnh cao Thơ
Mới" của Chu Văn Sơn ( NXB Giáo Dục, 2003). Có thể nói, những lời ca ngợi
Chu Văn Sơn của Văn Giá nếu dùng cho Hoài Thanh e còn hơi quá, ví dụ :
"...Công trình này tự nó đã có dáng dấp của một lý thuyết nghiên cứu
riêng, mặc dù tác giả chưa có ý định lập thuyết. Một công trình nghiên cứu được
gọi là hay không chỉ có được những kết quả hay mà còn thể hiện được phương pháp
nghiên cứu hay, mới mẻ, thú vị. Công trình này có được những phẩm chất như vậy.
Tác giả đã thực sự làm mới lại, trẻ lại những gương mặt thi sĩ cách chúng ta
chừng 70 năm..."... " Người viết đã như gọi được hồn vía của mỗi nhà
thơ hiện lên trang giấy..."... " Chu Văn Sơn đã có một ngôn ngữ phê
bình riêng, hiểu theo cả nghĩa rộng như một cách thức tiếp cận riêng, và cả
nghĩa hẹp, như một hệ thống từ vựng xác định, mang ấn tín , quyền uy của Chu
Văn Sơn"... " Công trình này mang tính chuyên môn cao"...
"Công trình này là một minh chứng thuyết phục cho tính chuyên nghiệp của
nghiên cứu phê bình văn học..." ... " Với một tinh thần lao động như
thế, chữ nghĩa của tác giả đã làm nên tư tưởng, làm nên dấu ấn riêng trên con
đường định hình một phong cách nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn
Sơn..."...
Chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát ba phần của cuốn : " Ba đỉnh
cao Thơ Mới" của Chu Văn Sơn ( viết về Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử)
xem những lời tụng ca hết cỡ trên của Văn Giá với tác giả này đúng hay sai, xem
"tư tưởng", "phong cách", "ấn tín" và "quyền
uy" của Chu Văn Sơn là những món gì... Phần đầu tiên, chúng tôi muốn bàn
với hai ông Chu Văn Sơn và Văn Giá về linh hồn phần viết về Hàn Mặc Tử của Chu
Văn Sơn từ trang 226 đến trang 245 trong cuốn sách đã dẫn với tiêu đề : "
THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ - THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG".
Trước hết, chúng tôi muốn bàn về khái niệm : "THƠ ĐIÊN HÀN MẶC
TỬ" do Chu Văn Sơn phát minh ra trên cơ sở nhận xét của Chế Lan Viên về
"trường thơ Loạn Quy Nhơn" trong lời tựa cho tập "Điêu tàn"
như sau : " Cái gì của nó cũng tột cùng !". Nghe nói Hàn Mặc Tử có ý
định đặt tên cho tập thơ " Đau thương" là " Thơ điên", nhưng
rồi thi hào bỏ ý định không chuẩn đó. Có lẽ vì điều này mà Chu Văn Sơn lầm
tưởng rằng "Đau thương" là "Thơ điên" nên ông đã điên hoá
toàn bộ thơ Hàn chăng? Đồng thời, Chu Văn Sơn còn ngây thơ tách câu văn "
Cái gì của nó cũng tột cùng" của Chế Lan Viên ra khỏi văn cảnh, ngữ cảnh
của nó là bài tựa của chính Chế Lan Viên cho tập "Điêu tàn", để lấy
từ "CÁI TỘT CÙNG" này ra làm "mỹ học của cái tột cùng",
"thi học của cái tột cùng". Chao ôi, "CÁI TỘT CÙNG SỐNG",
tận cùng sống là gì nếu không phải là "CHẾT". Như vậy, theo công thức
của Chu Văn Sơn : Thơ điên Hàn Mặc Tử = Thi học của cái tột cùng, theo phép tam
đoạn luận, ta có đẳng thức TỘT CÙNG SỐNG = CHẾT = THƠ ĐIÊN... ư ? Có bao nhiêu
sự vật (bao gồm sự vật vật chất và sự vật tinh thần), thì cũng có bấy nhiêu cái
tột cùng, có thể kể ra VÔ TẬN CÁI TỘT CÙNG như tột cùng tốt, tột xùng xấu, tột
cùng thiện, tột cùng ác, tột cùng chim, tột cùng khỉ, tột cùng tuỳ tiện, tột
cùng lăng nhăng...Thành ra theo Chu Văn Sơn, ta có thể có hàng tỉ tỉ chủng loại
THI HỌC ư ? Cho nên, khái niệm THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG = THƠ ĐIÊN ...là một
khái niệm tuỳ tiện, lăng nhăng chẳng hề có cơ sở khoa học gì cả.
Xin hãy nghe Chu Văn Sơn lập thuyết, lập luận : "Chinh phục
cái tột cùng, tất nhiên, cần phải có thơ ca của một hình thức tột cùng. Hình
thức ấy liệu có thể là gì khác hơn Thơ điên ?". Như vậy, theo Chu Văn Sơn
"Thơ điên" không hề là một nội dung, mà nó chỉ là MỘT HÌNH THỨC, tức
là THƠ ĐIÊN = MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG. Ở trang 231, Chu Văn Sơn lại viết gần như
ngược lại rằng thơ điên không còn thuần tuý là một hình thức như kết luận ban
đầu của ông nữa, mà nó có nội dung đấy, như sau : " Và đây là cái gốc của
Thơ điên . Đúng thế, nếu ĐAU THƯƠNG LÀ NỘI DUNG SÁNG TẠO, thì ĐIÊN LÀ HÌNH THỨC
của sáng tạo ấy" ( Phần chữ in hoa trong bài đều do TMH nhấn mạnh). Qua
kết luận này của Chu Văn Sơn, ta có một đẳng thức sau : THƠ ĐIÊN = NỘI DUNG ĐAU
THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN. Kết hợp đẳng thức 1 với đẳng thức 2 trên đây, ta có
một đẳng thức khá trọn vẹn của Chu Văn Sơn như sau : THƠ ĐIÊN = MỘT HÌNH THỨC
TỘT CÙNG = NỘI DUNG ĐAU THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN.
Đến mức này, "lý luận" của Chu Văn Sơn đang đẩy "hệ
thống điên" của ông vào chốn tắc tị. Vậy, xin hỏi thế nào là MỘT HÌNH THỨC
TỘT CÙNG ? Chẳng lẽ, CÁI TỘT CÙNG mà Chu Văn Sơn nâng lên thành "Thi học",
thành " Nguyên tắc mĩ học đặc thù của Thơ điên" ( trang 227) lại chỉ
là một hình thức mà không có nội dung ư ? Hoá ra, theo Chu Văn Sơn, lại có một
thứ "THI HỌC", một thứ "MĨ HỌC" chỉ thuần có hình thức mà
không có nội dung ư ? Nhưng rồi, sao MỘT HÌNH THỨC TỘT CÙNG lại chính là HÌNH
THỨC ĐIÊN; hoá ra, rút gọn lại, ta thấy Chu Văn Sơn lại đồng nghĩa CÁI TỘT CÙNG
chính là ĐIÊN. Nhưng quả tình luẩn quẩn, lung tung beng, làm sao trong MỘT HÌNH
THỨC TỘT CÙNG lại chứa nổi cái NỘI DUNG ĐAU THƯƠNG + HÌNH THỨC ĐIÊN đây ? Ôi
chao, thuật ngữ kinh dị của Chu Văn Sơn phát minh ra mới lẩm cẩm làm sao : HÌNH
THỨC ĐIÊN ? Thế nào là "hình thức điên", rồi "một hình thức tột
cùng" thì xin ông Chu Văn Sơn lý giải cho rõ, kẻo chúng tôi người trần mắt
thịt không có cách gì nhận thức nổi !
Bây giờ, xin quý độc giả hãy nghe Chu Văn Sơn giải thích từ ĐIÊN ở
trang 227 : " Cái tên có phần giật gân của Thơ điên, ngay từ đầu đã có sức
mê hoặc giới nghiên cứu. Người ta nghĩ ngay đến việc nhận diện bản chất của
ĐIÊN và bản chất Thơ điên. Không ít người đã yên trí với cách nghĩ giản đơn :
điên chỉ là một trạng thái bệnh lý, đồng nghĩa với chứng loạn thần kinh, mà
không thấy rằng còn có ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG TẠO".
Chao ôi, ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG TẠO là một định đề hết sức phi
khoa học của Chu Văn Sơn. Không một trạng thái sáng tạo nào có thể được gọi là
sáng tạo nếu nó được sáng tạo trong cơn điên. Bới vì mọi sự sáng tạo trong các
lĩnh vực khoa học, nghệ thuật đều ra đời trong sự kết hợp giữa cảm xúc và lý
trí. ĐIÊN dù trong trường hợp nào, trạng thái nào cũng đều là sự loạn trí, mất
hết lý trí, mất hết nhận thức. Không còn nhận thức, không còn lý trí, không còn
bộ óc thì làm sao người nghệ sĩ có thể sáng tạo? CÁI ĐẸP của sáng tạo nghệ
thuật bao giờ cũng là một cái đẹp của khát vọng CHÂN THIỆN MỸ trong thế giới
con người. Khi một kẻ nào đó, một trạng thái nào đó bị coi là điên, tức là mất
khả năng nhận thức, mất khả năng NHẬN CHÂN; thiếu cái CHÂN, nghệ thuật cũng
đồng thời không đạt tới cái THIỆN. Trong trạng thái ĐIÊN nơi kết luận của Chu
Văn Sơn, nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng đã khước từ khả năng CHÂN
THIỆN thì làm sao nó có thể đạt được tới cái MỸ là CÁI ĐẸP đích thực thi ca ?
Trong khi định nghĩa : " ĐIÊN NHƯ MỘT TRẠNG THÁI SÁNG
TẠO" Chu Văn Sơn đã cố tình lờ đi ngữ nghĩa của từ ĐIÊN. Xin xem định
nghĩa của ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Bộ GD&ĐT do NXB Văn hoá Thông tin in
năm 1999, trang 633 như sau : " ĐIÊN : Ở tình trạng rối loạn thần kinh,
không tự chủ được bản thân, phát khùng, rồ dại...". Bảo Thơ Hàn Mặc Tử là thơ
điên, thơ khùng, thơ rồ dại, thơ mất trí là một sự vu khống trắng trợn, phủ
nhận sạch trơn thiên tài thi ca Hàn Mặc Tử của Chu Văn Sơn vậy.
Người đọc thơ, hơn nữa là một người nghiên cứu văn học chuyên
nghiệp như Chu Văn Sơn, sao lại không biết một nguyên tắc đơn giản là muốn kết
luận một điều gì cần phải căn cứ trên văn bản, chứ không căn cứ những lời đồn
thổi hay tuyên bố ngoài văn bản dù là của ngay chính tác giả. Trong một số
tuyên bố của Hàn Mặc Tử hay Chế Lan Viên thời "trường thơ Loạn Quy
Nhơn", có thể các thi sĩ này nghiêng về phần "mê", phần "vô
thức", phần "loạn", hoặc toan đặt tên tập thơ mình là "Thơ
diên"... cho hợp với phong trào giả điên của thời thế đang tiếp thu cái
phần cực đoan của "tượng trưng", "đa đa", "dã
thú", "siêu thực"... Nên nhớ rằng những người điên thực sự không
bao giờ nhận mình điên. Chỉ những người tỉnh táo mới thậm xưng nói mình điên,
như một sự làm dáng nghệ thuật, hoặc chứng tỏ ta đây đã thoát khỏi trường thơ
truyền thống...
Thơ Hàn Mặc Tử phần lớn vẫn là sự tiếp thu nghệ thuật trữ tình
truyền thống ông cha xưa kết hợp với chất lãng mạn và một chút tượng trưng.
Ngay cả những bài thơ mang tựa đề rất điên như "Anh điên" dưới đây
của Hàn Mặc Tử cũng vẫn dựa trên thể ngũ ngôn truyền thống với một hiện thực
trữ tình, chẳng hề là một thứ "Thơ điên-Thơ khùng" mất hết lý trí như
Chu Văn Sơn vu khống : " Anh nằm ngoài sự thực / Em ngồi trong chiêm bao /
Cách nhau xa biết mấy / Nhớ thương quá thì sao ? / Anh nuốt phút từng chữ / Anh
cắn vỡ lời thơ / Anh cắn cắn cắn / Hơi thở đứt làm tư !". Xin dẫn thêm một
bài thơ khác được Hàn Mặc Tử đặt tên là "Em điên" thì vẫn cứ là thứ
thơ truyền thống kết hợp tí chút lãng mạn, một vẻ đẹp nền nã, mê đắm kiểu
"Gái quê", chẳng hề có sự mất trí, sự rồ dại khùng điên nào như Chu
Văn Sơn vu vạ : " Em xé toang hơi gió / Em bóp nát tơ trăng / Em túm muôn
trời lại / Em cắn vỡ hương ngàn / Em cười thì sao rụng / Em khóc thì đá bay /
Em nhớ chàng quá trí / Mà chàng vẫn không hay !"...
Chính vì sự đọc không kỹ, chưa biết cách đọc thơ Hàn hay vì một
nguyên nhân nào đó mà việc Chu Văn Sơn xoá sổ Hàn Mặc Tử bằng cách vu cáo thơ
ông là Thơ điên, thơ khùng, thơ mất trí, thơ rồ dại lại được Văn Gía ca ngợi
hết lời trên báo Văn Nghệ là một việc không sao hiểu nổi. Chỉ trong phần viết
về Hàn Mặc Tử, Chu Văn Sơn tung ra bao nhiêu điều tuỳ tiện, lăng nhăng núp dưới
bóng khoa học. Chẳng hạn như việc Chu Văn Sơn tách
Thơ Hàn Mặc Tử ra khỏi lãnh địa THƠ TRỮ TÌNH vì nó là THƠ ĐIÊN như
sau : "Trong thơ trữ tình, việc chủ thể phân thân, hoá thân vào các đối
tượng hết sức khác nhau để cất lên những tiếng nói trữ tình phong phú khác lạ
không còn là điều xa lạ nữa. Ở Thơ điên, tình hình có khác hơn...". Hoá
ra, theo Chu Văn Sơn, vì Thơ Hàn Mặc Tử là Thơ Điên nên nó không phải là thơ
trữ tình ?
Ở phần đầu, Chu Văn Sơn cho rằng Thơ Điên từ trong Thơ Mới
(1932-1945) mà ra nhưng rất khác Thơ Mới. Nhưng đến đoạn cuối, ông quên mình đã
nói điều này, để đến nỗi viết ngược lại rằng THƠ ĐIÊN và THƠ MỚI là hai loại
khác nhau : "Nếu Thơ Mới là hành trình đi mãi vào địa hạt cái tôi, thì Thơ
Điên mang cái tham vọng muốn tới chỗ sơn cùng thuỷ tận của cái tôi đó. Nếu Thơ
Mới là nỗi cô đơn của con người, thì Thơ Điên là trạng thái chót cùng hoàn toàn
quá tải của cô đơn...". Hoá ra Thơ điên Hàn Mặc Tử không nằm trong lãnh
địa của Thơ Mới ư ?
Chu Văn Sơn còn đưa cái thứ thơ mất lý trí, thơ rồ dại, phi nhân (
vì con người không còn trí não thì không còn là người hoàn chỉnh nữa) do ông
"phát minh" ra rồi gán cho Hàn Mặc Tử, đặng ca ngợi hết lời cái thuật
ngữ "thơ điên" là đã vượt lên trên cả siêu thực, tượng trưng, hiện
đại như sau : " Xem ra, Siêu thực, Tượng trưng, Hiện đại... đều là những
cái ô chật chội đối với thể hình ngoại chuẩn của Thơ điên". Để kết luận,
Chu Văn Sơn khái quát rất tuỳ tiện như sau : " THƠ ĐIÊN - chỉ có thể là
chính nó- Tiếng thơ của những cái tột cùng". Với định nghĩa về Thơ Điên
thoáng tới mức vô bờ bến như thế này, ta có thể theo Chu Văn Sơn mà kết luận
Thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... thảy đều là
THƠ ĐIÊN CẢ. Vì sao vậy ? Vì thơ của các thi sĩ kia đều là THƠ CỦA CÁI TỘT
CÙNG. Này nhé : Xuân Diệu là tột cùng yêu, Nguyễn Bính là tột cùng nông thôn,
Chế Lan Viên là tột cùng ma, Lưu Trọng Lư là tột cùng ngơ ngác, Huy Cận là tột
cùng vũ trụ... Ngay cả với định nghĩa THƠ ĐIÊN LÀ TIẾNG THƠ CỦA CÁI TỘT CÙNG
của Chu Văn Sơn thì những đại thi hào dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ
Xuân Hương cũng sẽ bị Chu Văn Sơn xếp vào rọ THƠ ĐIÊN mất thôi; vì Thơ Nguyễn
Trãi là thơ của tột cùng buồn đau, thơ Nguyễn Du là thơ của cái tột cùng hay,
tột cùng kêu thương, thơ Hồ Xuân Hương là cái tột cùng bản ngã, tột cùng cái
tôi...
Và học theo phương pháp luận về "mỹ học của cái tột
cùng", "thi học của cái tột cùng là thơ điên", một thứ thơ dùng
"hình thức điên" mà diễn đạt các khái niệm u u ơ ơ nơi bài viết trên
của Chu Văn Sơn và bài ca ngợi của Văn Gía, cho phép chúng tôi được bắt chước
hai ông mà thưa lời cuối rằng : những điều các ông "phát minh" ra
trên đây quả thực là CÁI TỘT CÙNG TUỲ TIỆN vậy .,.
28-11-2004
(source : "Thế Giới Mới số 614, ngày 4-12-2004)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét