Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

ĐỀ- ĐÁP ÁN KT HK2 NGỮ VĂN 12 (2015)

ĐỀ KTRA HK2
I. Phần đọc - hiểu.
Văn bản:
"Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son. Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi. Cô nói với tôi thế, đã biết nói thế đâu phải đã già. Mấy ngày sau, cô kể tiếp, thành phố cho máy cẩu tới đặt bên kia bờ, quàng dây tời vào thân cây si rồi kéo dần lên, mỗi ngày một tí. Sau một tháng, cây si lại sống, lại trổ ra lá non, vẫn là cây si của nhiều thế hệ Hà Nội, nghĩ cứ lạ, tưởng là chết đứt bổ ra làm củi, mà lại sống. Cô nói thêm : "Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được".
Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết, nhưng phải biết là trên đời này còn có nhiều lý sự không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết. Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng".
(Trích Một người Hà Nội - Nguyễn Khải)
1. Đoạn văn trên được viết theo giọng kể của ai?
2. Phong cách ngôn ngữ của đoạn văn?
3. Tại sao nhân vật "Tôi" lại ví "cô" (cô Hiền) là "một hạt bụi vàng của đất Hà Nội"?
4. Câu văn "Những hạt bụi vàng lấp lánh....những ánh vàng" giúp anh/chị hiểu gì về nhân vật "tôi"?
II. Phần II. Làm văn (7đ)
Câu 1 (3đ). Viết một bài văn khoảng 400 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Cơ hội của thanh niên VN trong thời kì hội nhập của đất nước.
Câu 2 (4đ). Trong chương trình Ngữ văn 12 có nhiều tác phẩm (đoạn trích) viết về số phận của người phụ nữ, anh/chị hãy chọn một nhân vật mà mình yêu thích để viết bài văn cảm nhận của mình về số phận của nhân vật đó.
ĐÁP ÁN


Phần I. Đọc hiểu: (3,0 điểm)
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo giọng kể của bà Hiền (nhân vật) và tác giả (xưng hô tôi). (0,5 điểm)
Câu 2: Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. (0,5 điểm)
Câu 3: Nhân vật tôi ví nhân vật cô Hiền là một hạt bụi vàng của Hà Nội. Cô Hiền là một hạt bụi vàng nhỏ bé nhưng rất đẹp, quý giá vì tâm hồn, tính cách cô là biểu tượng cho vẻ đẹp thanh lịch và phẩm chất trong sáng, cao quý của con người Hà Nội (1,0 điểm)
Câu 4: Câu văn “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng!” giúp người đọc hiểu thêm về nhân vật tôi là người am hiểu Hà Nội sâu sắc, yêu, say mê nét đẹp văn hóa người Hà Nội và thiết tha muốn lưu giữ mãi nét đẹp văn hóa chốn kinh kì.(1,0 điểm)
Phần II. Làm văn: (7,0 điểm)
Câu 1: (3,0 điểm )
* Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng bài viết cần tập trung làm rõ được các ý chính sau:
- Nêu được vấn đề cần nghị luận.
- Giải thích: Thời kì hội nhập là thời kỳ đất nước ta đang trong quá trình phát triển hội nhập với thế giới. Thời kỳ mở ra cho nước ta nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách.
- Bình luận:
+ Chỉ ra một số cơ hội của thanh niên Việt nam trong thời kỳ hội nhập: cơ hội học tập, mở mang kiến thức, phát huy được nhiều nhất khả năng sáng tạo và cống hiến của mỗi người.
+ Mỗi người cần phải nắm bắt được những cơ hội quý giá đó và vượt qua những khó khăn thử thách mà thời kỳ mới đặt ra.
+ Phê phán một bộ phận thanh niên không cố gắng phấn đấu học tập để hòa nhập với giai đoạn phát triển mới của đất nước, đồng nghĩa với việc không nắm bắt được cơ hội cho mình.
- Bài học nhận thức và hành động.
* Cho điểm:
- Điểm 3,0: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
- Điểm 2,0: Bài làm đáp ứng được các yêu cầu trên, sai sót về nội dung và kĩ năng không nhiều; phần phân tích rõ ràng, phần bình có thể còn chưa thật sâu.
- Điểm 1,0: Bài làm sơ sài, chưa hiểu vấn đề.
- Điểm 0: Bài lạc đề.
Câu 2: (4,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một tác phẩm văn học. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về nhà văn, tác phẩm, nhân vật mà mình yêu thích, học sinh có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm, nhân vật mà mình yêu thích.
- Giải thích lí do của sự lựa chọn ấy.
- Trình bày những cảm nhận về nhân vật:
+ Hoàn cảnh của nhân vật.
+ Số phận của nhân vật.
+ Những tình huống éo le mà nhân vật đã từng trải qua.
+ Vẻ đẹp tâm hồn nhân vật: sức sống, sự yêu thương, lòng vị tha,…
- Ảnh hưởng hay tác động của nhân vật đến cách nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống.
- Rút ra được những bài học cho bản thân.
* Cho điểm:
- Điểm 4,0: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
- Điểm 3,0: Bài làm đáp ứng khá các yêu cầu trên và còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Bài làm đáp ứng được một nửa các yêu cầu trên, sai sót về nội dung và kĩ năng không nhiều; phần phân tích rõ ràng, phần đánh giá có thể còn chưa thật sâu.
- Điểm 1,0: Bài làm sơ sài, chưa hiểu vấn đề.
- Điểm 0: Bài hoàn toàn lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.
Lưu ý:
- Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm tuy chưa toàn diện nhưng tỏ ra độc đáo, sáng tạo.
- Giám khảo căn cứ vào biểu điểm, thảo luận định ra những mức điểm còn lại.
.....Hết.....












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét