Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

NÉT KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC QUA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

NÉT KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC QUA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=555&so=21
Nguyễn Thị Thu Thủy
Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước
Tiếng của ngày xưa và cả tiếng mai sau
Tố Hữu
Đã sáu mươi lăm năm trôi qua nhưng lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình dường như vẫn còn vọng mãi. Chất giọng trầm ấm, chậm rãi vang vang trong buổi sáng mùa thu rực nắng trước hàng triệu quốc dân đồng bào có sức thu hút một cách kì lạ. Bởi trong giờ phút trọng đại đó, Bác đã tuyên bố chấm dứt chế độ thuộc địa phong kiến ở nước ta và mở ra kỉ nguyên độc lập tự do của dân tộc. Tuyên ngôn độc lập không chỉ có giá trị lịch sử, giá trị pháp lý mà còn có giá trị văn chương. Với kết cấu mạch lạc, văn phong, khúc chiết, tác phẩm đã thể hiện sự kế thừa và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc so với các văn bản tuyên bố độc lập dân tộc trong văn học trung đại.
 Văn kiện lịch sử này không phải chỉ được đọc trước quốc dân đồng bào mà còn trước thế giới, đặc biệt là trước bọn đế quốc thực dân đang chuẩn bị tái chiếm nước ta. Mặt khác, tại thời điểm này thực dân Pháp tuyên bố: Đông Dương là đất bảo hộcủa người Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải trở lại với người Pháp. Bản tuyên ngôn đã dứt khoát bác bỏ những luận điểm đó. Vì vậy đối tượng hướng tới của văn bản này, không chỉ là hai mươi triệu đồng bào Việt Nam để khẳng định quyền độc lập dân tộc, nhân dân tiến bộ thế giới để tranh thủ sự ủng hộ mà còn hướng đến bọn đế quốc: Anh, Pháp, Mỹ nhằm ngăn chặn mọi âm mưu xâm lược của chúng.
Tuyên ngôn độc lập là bản hùng ca của thời đại mới bởi nó đã kế thừa và phát triển bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Mặc dù hai tác phẩm trên được ví như những bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của quân dân Đại Việt song văn bản của Hồ Chí Minh mới là một Tuyên ngôn độc lập đúng nghĩa. Bởi tác phẩm có lối viết ngắn gọn, hàm súc đầy sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ, lời văn hùng hồn. Tiếp cận Tuyên ngôn độc lậptrên cơ sở so sánh nét tiếp thu và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc so với các văn bản trên nhằm thấy được những đặc sắc trong phong cách văn chính luận của Bác.
Như thông thường, tác phẩm cũng gồm ba phần; phần mở đầu tác giả đã tạo được cơ sở pháp lý và chính nghĩa cho Tuyên ngôn độc lập. Nếu ở Nam quốc sơn hà, Lý Thường Kiệt vào đầu bằng một lời tuyên ngôn đanh thép: Nam quốc sơn hà Nam đế cư (sông núi nước Nam vua Nam ở); trong Bình ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã khẳng định một chân lý lịch sử: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo thì Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng cách trích dẫn hai câu nói nổi tiếng trong hai bản tuyên ngôn của thế giới. Câu thứ nhất được trích từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Câu thứ hai được rút ra từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền Cách mạng Pháp năm 1791: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đây là một dụng ý chiến lược và chiến thuật của Bác. Người muốn dùng lời của ông cha người Pháp và người Mỹ để đập vào lưng của con cháu họ, dùng cây gậy độc lập tự do đánh vào lưng những kẻ thù của độc lập tự do. Nếu câu mở đầu của Nam quốc sơn hà là lời khẳng định chủ quyền dân tộc, mở đầu của Bình Ngô đại cáo là một triết lí nhân nghĩa gắn với an dân thì mở đầu của Tuyên ngôn độc lập là một lời tranh luận ngầm nhằm lột tẩy những mưu mô thủ đoạn của bọn thực dân. Cách trích dẫn ấy vừa tạo được cơ sở vững chắc cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, vừa sảng khoái niềm tự hào dân tộc. Như ngày xưa Nguyễn Trãi đã từng viết: Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương nhằm đặt ngang hàng các triều đại nước Việt với các triều đại Trung Hoa cổ. Lý Thường Kiệt đã từng cho quân sĩ nấp vào đền Trương Hống, Trương Hán bên sông Như Nguyệt để đọc lên lời sấm:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Như đẳng hành khan thủ bại hư.
Tạm dịch: Sông núi nước Nam, vua Nam
Rành rành định phận, ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Nguyễn Ái Quốc muốn đặt ba cuộc Cách mạng tư sản ở Mỹ năm 1776, Cách mạng tư sản năm 1791 và Cách mạng tháng tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam trong vị thế ngang bằng nhau. Đây cũng chính là một nét kế thừa sáng tạo cách làm của các vị tiền bối.
Trong phần mở đầu, ngoài việc trích dẫn lời lẽ của hai bản Tuyên ngôn độc lập trên, Bác còn thể hiện một tư duy đầy biến hóa và sáng tạo qua luận điểm suy rộng ra: Tất cả các dân tộc đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Ở đây, Bác đã nâng từ quyền con người lên thành quyền dân tộc, từ vấn đề nhân quyền, vấn đề quyền cá nhân lên thành quyền của mọi dân tộc bị áp bức trên thế giới. Một nhà văn hóa nước ngoài đã viết: Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình.
Phần giữa của Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã thiết lập cơ sở thực tế cho văn bản bằng việc đưa dẫn chứng cụ thể để tố cáo tội ác giặc Pháp và nêu cao cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Ở phần này, Hồ Chí Minh đã thể hiện nét tương đồng với Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi. Ức Trai tiên sinh đã từng vạch tội giặc Minh mượn gió bẻ măng, lợi dung thời cơ phù Trần diệt Hồ để thôn tính nước ta: Nhân họ Hồ chính sự phiền hà - Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa. Trong tác phẩm của mình, Bác đã dùng lập luận bác bỏ để vạch trần năm tội ác về chính trị, bốn tội ác về kinh tế của thực dân Pháp. Nếu nước mẹPháp đưa ra chiêu bài bảo hộ thì Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ: Trong năm năm, chúng bán nước ta cho Nhật… Năm xưa, Nguyễn Trãi đã khái quát lại tội ác tày trời và chủ trương cai trị phản nhân đạo của giặc Ngô qua hai câu thơ: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn- Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.  Tuyên ngôn độc lập, với văn phong đĩnh đạc, giàu tính luận chiến, Bác đã viết: Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Với cách lặp kết cấu cú pháp, điệp ngữ “chúng”, kết cấu song hành, tăng tiến,Tuyên ngôn độc lập là bản tuyên cáo chi tiết những hành động tham tàn bạo ngược của giặc Tây trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt, ở Tuyên ngôn độc lập, với những dẫn chứng, số liệu cụ thể, bằng ngòi bút giàu sức chiến đấu, Nguyễn Ái Quốc còn vạch rõ thủ đoạn thâm độc của chính sách ngu dân, cai trị dân tộc Việt Nam bằng rượu và thuốc phiện, lập nhà tù nhiều hơn trường học. Nước Pháp ở thời điểm này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế; thay vì đổ xuống biển hàng tấn rượu thì bọn thực dân đã mở rộng khai thác thuộc địa sang các nước Đông Dương và biến các nước này trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa ế thừa của chúng. Vì vậy chúng cấm người dân Việt Nam không được nấu rượu bằng các sản vật địa phương như gạo, mía, sắn mà phải dùng rượu Pháp. Trở lại những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi, ta mới thấy hết được không khí ngột ngạt, đau khổ của thôn xóm Việt Nam. Khắp nơi , bọn tay sai phong kiến và thực dân Pháp truy tìm, bắt bớ bỏ tù hàng ngàn người dân vì tội nấu “rượu lậu”. Bên cạnh đó, bọn chúng cho phép các tiệm hút được mở công khai ở Hà Nội, Hải Phòng nhằm làm suy nhược sức khỏe và băng hoại ý chí đấu tranh của tầng lớp thanh niên ta. Lên án âm mưu thâm độc này, trong Tuyên ngôn độc lập, Bác viết: Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Ở truyện ngắn Vi hành, qua lời thư gửi người em họ, tác giả đã trực tiếp lên án tội lỗi của vua Khải Định thừa lệnh quan thầy Pháp đầu độc nhân dân ta bằng rượu và thuốc phiện đưa họ vào vòng đói khổ: Tôi không được rõ ý đồ nhà vi hành của chúng ta ra sao? Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lêch-xăng Đệ nhất có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài hay không? Bên cạnh việc sử dụng lập luận bác bỏ và những dẫn chứng xác thực để tố cáo tội ác kẻ thù, Nguyễn Ái Quốc còn đưa ra những số liệu cụ thể, thời gian chính xác về các cuộc đấu tranh giành hòa bình của dân ta. Đây là những cơ sở thực tế vững chắc, chứng cứ hùng hồn để đập tan lời lẽ của bọn thực dân là nhờ phe Đồng minh chiến thắng phe Phát xít nên Nhật đầu hàng, dân ta mới giành độc lập: Sự thật là mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải tay Pháp. Để có được thắng lợi vĩ đại đó, ta phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt thậm chí xương máu của hàng triệu liệt sĩ. Điệp ngữ “ sự thật là” vang lên một cách sảng khoái khiến trái tim của hàng triệu dân náo nức, mê say. Trong Nam quốc sơn hà, nhà thơ vị tướng đời Lý đã hùng hồn lên tiếng: Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm – Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác đã ngợi ca thái độ khoan hồng và nhân đạo của người dân đất Việt: Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ. Tinh thần nhân nghĩa đó vốn xuất hiện từ lâu trong đạo lý dân tộc: Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Trong truyện cổ dân gian, khi nghe Thạch Sanh đàn, quân giặc rụng rời chân tay và xin hàng. Trước khi chúng về nước, Thạch Sanh không chỉ tha bổng mà còn cấp cho chúng niêu cơm “ăn mãi không hết”... Truyền thống ấy đặc biệt được kết tinh trong trang viết của Nguyễn Trãi: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Tư tưởng nhân nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Bình Ngô đại cáo và cuộc đấu tranh chống quân Minh của quân dân Đại Việt. Sau khi giặc đầu hàng, lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn đã có những hành động hết sức cao thượng: Mã Kì, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể mà hồn bay phách lạc – Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà tim đập chân run. Sự thảm hại của kẻ thù vừa làm tôn lên khí thế hào hùng của nghĩa quân đồng thời càng làm nổi bật tính chất chính nghĩa, nhân đạo sáng ngời của cuộc kháng chiến chống quân Ngô thuở nào.
Như vậy ở phần hai, Bác đã xác lập một nền tảng vững chắc cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Độc lập tự do mãi mãi là khát vọng cháy bỏng của mỗi một con người trên dải đất cong cong hình chữ S này: Tự do đã nở hoa hồng – Trong dòng máu đỏ, trên đồng Việt Nam. Lời kết thúc Bình Ngô đại cáo với sự hòa quyện giữa cảm hứng độc lập và cảm hứng vũ trụ, Ức Trai tiên sinh trịnh trọng tuyên bố nền độc lập tự do: Xã tắc từ nay vững bền – Giang san từ đây đổi mới – Càn khôn bỉ mà lại thái – Nhật nguyệt hối mà lại minh – Muôn thuở nền thái bình vững chắc – Ngàn năm, vết nhục nhã sạch làu.  Tuyên ngôn độc lập, trước khi công bố quyền được hưởng tự do độc lập một cách xứng đáng của dân tộc ta, Hồ Chí Minh đã tuyên bố thoát lí mọi quan hệ với thực dân, xóa bỏ mọi hiệp ước, mọi quyền lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam. Đây là một việc làm vô cùng có ý nghĩa. Để thiết lập một đất nước Việt Nam mới và mở ra một kỉ nguyên độc lập tự do của đất nước, ta phải xóa bỏ mọi ràng buộc, mọi mối quan hệ với thực dân Pháp, phải đập tan mọi luận điệu của Đờ Gôn (tướng Pháp) và bọn thực dân phản động Pháp đang âm mưu tái chiếm Đông Dương: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Đoạn văn gồm ba ý, xây dựng theo lối tăng cấp: quyền hưởng tự do độc lập của dân tộc, hưởng tự do độc lập là sự thực, quyết tâm giữ vững độc lập tự do bằng mọi giá của con người Việt Nam. Đây là lời tuyên bố hào hùng, là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu dân(Trần Dân Tiên). Chính Hồ Chí Minh đã tự đánh giá tác phẩm là một thành công khiến Người cảm thấy sung sướng trong cả cuộc đời viết văn, làm báo đầy kinh nghiệm của mình.
Về tổng thể, Tuyên ngôn độc lập có điểm tương đồng giữa các phần như Bình Ngô đại cáo song bố cục ngắn gọn và chặt chẽ hơn. Nếu hai tác phẩm trên sáng tác theo các thể thơ văn cổ Trung đại thì Tuyên ngôn độc lập viết theo phong cách văn chính luận hiện đại với lập luận sắc sảo, bằng chứng rõ ràng, hình ảnh gợi cảm, ngôn từ chính xác, kết hợp sâu sắc giữa văn học và chính trị, kế thừa và phát triển. Tính đến hôm nay tác phẩm sắp bước vào tuổi thất thập cổ lai hy song nó vẫn còn giá trị bền vững với chúng ta. Mọi vật đều sợ thời gian bởi thời gian sẽ phủ mờ lên tất cả, song thời gian lại sợ các vĩ nhân bởi sự tồn tại của các vĩ nhân là trường cửu. Đó là trường hợp của Bác và sự nghiệp văn chính luận của Người, trong đó có Tuyên ngôn độc lập. Tìm hiểu tác phẩm của Bác ta hiểu hơn tầm văn hóa, chiến lược của một vị lãnh tụ trong việc phát huy quan điểm dùng văn chương làm vũ khí phục vụ Cách mạng.
Mỗi lần nghe lại tiếng Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, chúng ta lại bồi hồi xúc động. Lời Bác như vẫn còn đâu đây nhắc nhở cháu con đất Việt không ngừng phấn đấu bảo vệ chủ quyền dân tộc, xây dựng đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
N.T.T.T


PHÁT BIỂU 20.11 (TRÂN)

Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa quý thầy cô, cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Thế là ngày 20/11, ngày Tết của thầy-cô giáo lại đến…Hòa trong không khí vui tươi, nhộn nhịp chào mừng kỉ niệm lần thứ 36 ngày Nhà Giáo Việt Nam, em rất vinh dự được đứng ở đây, đại diện cho toàn thể học sinh trường THPT Nguyễn Trãi phát biểu cảm nghĩ trong buổi lễ trang trọng, thiêng liêng này.
Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô cùng các bạn học sinh thân mến!
Là một học sinh đang độ tuổi cấp sách đến trường, em không thể nào quên truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc mà ông cha ta đã truyền dạy từ bao đời nay qua những câu ca dao quen thuộc như: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” hay câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”.
Thật vậy, thầy cô là những người lái đò miệt mài đưa từng lớp học sinh chúng em đến bến bờ tri thức, dẫn bước chúng em chạm đến tương lai tươi sáng. Thầy cô luôn hết mình trong từng bài giảng, luôn tìm tòi và sáng tạo phương pháp giảng dạy dễ hiểu để truyền đạt hết kiến thức đến với chúng em; luôn tận tình giúp đỡ, chỉ dẫn cho chúng em những kiến thức khó. Không chỉ truyền kiến thức trên sách vở, thầy cô còn dạy cho chúng em bao điều hay lẽ phải,  dạy cho chúng em những cách ứng xử khéo léo, lễ phép; dạy cho chúng em cách nhìn nhận vấn đề- sự vật- con người không chỉ ở hiện tượng- ở bề ngoài, mà nhìn ở bản chất bên trong, nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau nhằm giúp chúng em có một nhân sinh quan đúng đắn. Từ đó, chúng em trưởng thành hơn và hoàn thiện bản thân hơn.
Kính thưa Thầy cô, đã từ lâu chúng em luôn thầm nghĩ thầy cô là tấm gương sáng về tri thức và nhân cách sống để chúng em noi theo. Đã bao lần chúng em vì ham chơi mà quên đi trách nhiệm của mình, bao lần chúng em có những suy nghĩ và hành động sai lệch khiến cho thầy cô thất vọng và phải bận lòng. Thế nhưng thầy cô luôn bao dung, tha thứ, giúp chúng em nhận ra và sửa chữa những sai phạm của bản thân.
Chúng em xin cảm ơn thầy cô về những gì thầy cô đã dành cho chúng em và chúng em cũng xin cúi đầu gửi đến thầy cô lời xin lỗi chân thành, sâu sắc nhất.
Ngày 20/11 năm nay là một ngày rất ý nghĩa đối với chúng em – những học sinh cuối cấp, bởi chúng em sắp phải xa trường, xa thầy cô. Em xin đại diện cho tất cả các bạn học sinh lớp 12, cũng như toàn thể học sinh trường THPT Nguyễn Trãi, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của chúng em đối với thầy cô. Kính chúc quý thầy cô có một ngày lễ thật vui vẻ và ý nghĩa, kính chúc quý thầy cô luôn dồi dào sức khỏe, vui vẻ, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện bản thân thật tốt, trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội để không phụ công ơn to lớn của thầy cô.
Em xin chân thành cám ơn!


SÓNG - LIÊN HỆ VỘI VÀNG (2)


Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
                          
(Sóng – Xuân Quỳnh)

Liên hệ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
                                (Vội vàng – Xuân Diệu)
Từ đó nhận xét khát vọng của hai nhà thơ.
Bài làm

Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. “Sóng” là bài thơ tình yêu đặc sắc của Xuân Quỳnh, được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế đến vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Hai khổ thơ cuối trong bài ”Sóng” thể hiện khát vọng tình yêu, khát vọng sống của thi sĩ.:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
            Đoạn thơ của XQ gợi người đọc nhớ đến đoạn thơ của “ông hoàng của thi ca tình yêu” XD trong bài thơ ”Vội vàng”:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Những khổ thơ trên, XQ đã ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu: dù có gặp nhiều thử thách nhưng sóng cũng như em đã chinh phục ”muôn vời cách trở” để đến với bờ, đến với anh. Khi chạm đến bến bờ hạnh phúc, Xuân Quỳnh lại âu lo, trăn trở về sự hữu hạn của cuộc đời, của tình yêu trong sự vô hạn của thời gian. Đến khổ thơ cuối, nữ sĩ có một khát vọng mãnh liệt – khát vọng được bất tử hoá tình yêu:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
          Mở đầu bài thơ là con sóng bỏ bờ để “tìm ra tận bể” và khổ thơ cuối cùng này như tâm nguyện đã hoàn thành của sóng. Còn em thì sao?
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
          Hai chữ “làm sao” như tả hết được những trăn trở, băn khoăn, niềm mong mỏi, khát khao mãnh liệt của người phụ nữ. Khát vọng được hóa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lí trong tình yêu là “Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt” (Christopher Hoare). Hai chữ “tan ra” gợi ra nhiều cách hiểu. “Tan ra” không phải là mất đi mà “tan ra” là hi sinh, là dâng hiến, là khao khát được hoá thân cái tôi cá thể vào “trăm con sóng nhỏ” để hoà mình vào “biển lớn tình yêu” bất tử hoá tình yêu; cũng là một cách để vượt qua giới hạn mong manh của cõi người. “Tan ra” còn là để vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian để trường tồn cùng tình yêu. Trong phút giây giao hoà của cảm xúc thì “tan ra” là biểu hiện của sự hoà nhập trọn vẹn, thăng hoa. Yêu và mong ước được hiến dâng và hi sinh cũng chính là khao khát được sống hết mình vì tình yêu. Có như thế tình yêu mới có thể tồn tại vĩnh hằng cùng với thời gian; có như thế tình yêu mới chiến thắng được cái hữu hạn, mong manh của đời người.
Hai câu thơ cuối khép lại đoạn thơ như lời kết cho một quan niệm tình yêu hoàn mỹ:
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
         Xuân Quỳnh đã đặt “biển lớn”- không gian vô tận bên cạnh “ngàn năm”- thời gian vô cùng. Ý thơ vì thế trở nên mênh mông như tình yêu nối dài vô tận. Đúng là khi hoà vào biển lớn tình yêu của nhân loại thì tình yêu của những cá thể sẽ không còn cô đơn, không còn mong manh nữa. Sự trường tồn bất tử với thời gian, không gian làm nỗi day dứt hữu hạn và những mong manh của cõi người như cũng tan biến. Ở đó chỉ còn thấy sóng vỗ bờ và “còn vỗ” là còn yêu, còn vỗ bờ là còn tồn tại. Như em còn sống thì sẽ còn yêu anh và sẽ còn yêu anh “cả khi chết đi rồi” (Xuân Quỳnh).
         Đặt hoàn cảnh năm 1967 khi bài thơ ra đời, khi cả nước ào ào xông trận vì miền Nam ruột thịt thì những tình yêu lứa đôi kia cũng phải gác lại cho tình yêu lớn lao hơn – tình yêu Tổ Quốc. Suy cho cùng, đó cũng là dâng hiến và hi sinh, hi sinh tình yêu cá nhân mình để tình yêu cá nhân hoà vào biển lớn tình yêu của đất nước, của trách nhiệm cao cả. Sự hiến dâng ấy cũng như tâm nguyện góp những “mùa xuân nho nhỏ” để làm nên mùa xuân lớn của dân tộc; sự hoá thân thành trăm con sóng nhỏ cũng là hoá thân cho đất nước khi “Tổ Quốc gọi tên mình”.
Đoạn thơ sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu diễn tả đúng những cung bậc cảm xúc của tình yêu. Đoạn thơ còn sử dụng các phép tu từ nhân hoá, ẩn dụ…rất thành công. Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế; giọng thơ mềm mại, nữ tính…dễ đi vào lòng người.
Chẳng những yêu hết mình, yêu chân thành mà tuổi trẻ còn có một niềm ham sống mãnh liệt. Không ai khác ngoài Xuân Diệu có thể bộc lộ cái tôi sổi nổi, giàu khát vọng ấy của đời thanh niên:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

           
Nhân vật trữ tình trong “Vội vàng” có một khao khát được “tắt nắng” cho màu hoa đừng phai, được “buộc gió” cho “hương đừng bay đi”. Nắng và gió, hương và hoa ở đây là mùa xuân của đất trời. Đó là “đồng nội xa rì”, là “lá cành tơ phơ phất” và còn là “của yến anh này đây khúc tình si”. Nhưng ẩn sâu trong vẻ đẹp diệu kì ấy của mùa xuân là vòng quay không ngừng của thời gian. Thời gian có sức mạnh ghê gớm, nó bào mòn mọi thứ, kể cả tuổi thanh xuân của con người. Vì vậy mà Xuân Diệu luôn lo sợ về tình yêu, về tuổi già trước mắt: Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua- Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.
Nỗi sợ vô hình ấy cứ ảm ảnh nhà thơ mãi không thôi. Chính vì lẽ đó mà Xuân Diệu đã khát vọng chiếm đoạt quyền năng của tạo hóa, buộc vũ trụ ngừng quay, thời gian dừng lại. Từ đó, thi nhân được hưởng trọn vẹn những phút giây đẹp nhất của đời người. Khát khao ấy nghe có vẻ ngông cuồng, điên rồ những lại rất hợp lí. Có người từng bảo rằng: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa”. Tuổi thanh xuân, là quãng thời gian mà con người cảm thấy mình đẹp nhất, sung sức nhất. Nhà thơ muốn được níu giữ, được tận hưởng thời trẻ, điều đó cũng không quá khó hiểu. Đây chính là khát vọng đầy chất nhân văn của tác giả. Xuân Diệu, qua đó, cũng nhắc nhở người đọc: “Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm”. Nghĩa là ta phải nhanh lên để tình non chẳng chóng già, để một mai ngẫm lại ta không hối tiếc vì đã “chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Tác giả sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, lột tả chân thực khát vọng mãnh liệt của bản thân cũng như làm tăng sức truyền cảm đối với độc giả. Các động từ mạnh “tắt”, “buộc”,… cùng với điệp ngữ “Tôi muốn” góp phần nhấn mạnh nội dung của thi phẩm, đồng thời tạo nên cái hay cho đoạn thơ, mang đậm phong cách thơ Xuân Diệu.
Hai đoạn thơ trên của Xuân Quỳnh và Xuân Diệu đều sử dụng thể thơ ngũ ngôn, giàu nhịp điệu nhằm tăng tính biểu cảm khi truyền tải ý nghĩa nhân văn đến người đọc. Ngoài ra, hai khổ thơ trên đều bộc lộ cái tôi khát vọng với đời vô cùng cháy bỏng của thế hệ trẻ thời hiện đại. Tuy nhiên, khát vọng trong “Sóng” là khát vọng tình yêu lứa đôi, là khao khát được tận hiến, được hi sinh cho một tình yêu đẹp, giữa “biển lớn ngàn năm sóng vỗ”. Còn trong “Vội vàng”, ấy lại là một quan niệm nhân sinh về lẽ sống: sống vội vàng , giục giã để tận hưởng những giá trị của cuộc sống.
Người ta nói: “Tuổi trẻ là tuổi không ngại ngùng gì và không nghi ngờ gì”. Tuổi thanh xuân của đời người trôi qua nhanh lắm. Vậy nên, đừng ngại ngùng, hãy yêu hết mình, sống vội vàng với cả nhiệt huyết của người trẻ như Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Chỉ có thế, ta mới vươn tới được hạnh phúc vĩnh hằng và hưởng thụ lấy những tinh hoa, những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời này.
            Tình yêu là tiếng gọi của con tim và lý trí. Nếu Xuân Quỳnh lại dịu dàng mà mãnh liệt qua khao khát được tan ra, được hiến dâng cho cuộc đời thì “Vội vàng” khát khao làm chủ tạo hóa để được mãi ngất ngây tận hưởng hương sắc của đời, hương sắc của tình yêu. Dù mang hai quan niệm khác nhau trong tình yêu nhưng cả hai đoạn thơ và tư tưởng của những thiên tài thi ca Xuân Quỳnh – Xuân Diệu vẫn cất lên những giá trị nhân bản, nhân văn: yêu là sống hết mình cho tình yêu.
_______________
                             

SÓNG - LIÊN HỆ VỘI VÀNG


Cảm nhận:
“Cuộc đời tuy dài thế
…Để ngàn năm còn vỗ”
(Sóng – Xuân Quỳnh)
Liên hệ với:
“Ta muốn ôm
…cắn vào ngươi
(Vội vàng – Xuân Diệu)
Từ đó nhận xét về khát vọng tình yêu, khát vọng sống của 2 thi sĩ.

Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. “Sóng” là bài thơ tình yêu đặc sắc của Xuân Quỳnh, được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế đến vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Hai khổ thơ cuối trong bài ”Sóng” thể hiện khát vọng tình yêu, khát vọng sống của thi sĩ.:
“Cuộc đời tuy dài thế
…Để ngàn năm còn vỗ”
            Đoạn thơ của XQ gợi người đọc nhớ đến đoạn thơ của “ông hoàng của thi ca tình yêu” XD trong bài thơ ”Vội vàng”:
“Ta muốn ôm
…cắn vào ngươi
Mới ở khổ thơ trước, chị viết với tất cả niềm tin yêu vô bến bờ với những cảm xúc tình yêu nồng nàn trong sự dào dạt của sóng xô bờ và nỗi nhớ người mình yêu tràn ngập khắp không gian và thời gian: đêm – ngày, dưới lòng sâu – trên mặt nước, trong mơ còn thức…thì ở đoạn thơ này thi sĩ lại đầy ắp những âu lo, dự cảm.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Thế giới của thời gian và không gian được Xuân Quỳnh đặt cạnh nhau trong sự tương phản và đối lập giữa cái hữu hạn (kiếp người) và cái vô hạn (thời gian và biển lớn). “Cuộc đời” và “năm tháng”, “biển rộng” và “mây trời” và kiểu câu điều kiện “tuy-vẫn; dẫu-vẫn” kết hợp các tính từ “dài-rộng-xa” tạo nên nỗi day dứt ám ảnh. Đặt cái hữu hạn vào cái vô hạn tận của thời gian, nữ sĩ như thấy mình nhỏ bé, mong manh. Cuộc đời thì dài nhưng năm tháng vẫn cứ thế đi qua; biển dẫu rộng nhưng không níu nổi một đám mây bay về vuối chân trời; thời gian vô thuỷ vô chung mà quỹ thời gian tuổi xuân của mỗi con người lại hữu hạn. Cuộc đời tưởng là dài, nhưng trong dòng thời gian chảy trôi bất tận, giữa trời biển bao la, con người có thể chỉ là một thoáng phù vân. Với người phụ nữ, điều ám ảnh nhất vẫn là sợ sự tàn phai, tàn phai năm tháng, tàn phai của tuổi trẻ, của nhan sắc và theo đó là sự tàn phai của tình yêu.
          Thế mới biết, hạnh phúc của người phụ nữ phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: nhan sắc và tình yêu. Điều đó chứng tỏ, tình yêu có sức mạnh vô biên nhưng cũng đầy mong manh bởi “lời yêu mỏng mảnh như làn khói – ai biết lòng anh có đổi thay”.  Và cả chính hình ảnh “mây vẫn bay về xa” kia trong câu thơ cuối cũng đầy những ám ảnh. Phải chăng vì biết trước không có gì vĩnh viễn – “hôm nay yêu mai chắc phải xa rồi” nên anh cũng như đám mây trời phiêu du kia bay về bến bờ khác, dù vòng tay em có rộng như biển, có dài như sông cũng không thể nào níu giữ được anh trong vòng tay. Chính sự nhạy cảm và day dứt của cái tôi Xuân Quỳnh trước thời gian và kiếp người; giữa đổ vỡ và tin yêu đã làm cho hồn thơ này trở nên tha thiết mãnh liệt hơn giữa cuộc đời.
Và với Xuân Quỳnh, những âu lo, dự cảm đã mang đến một khát vọng mãnh liệt – khát vọng được bất tử hoá tình yêu:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
          Mở đầu bài thơ là con sóng bỏ bờ để “tìm ra tận bể” và khổ thơ cuối cùng này như tâm nguyện đã hoàn thành của sóng. Còn em thì sao?
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
          Hai chữ “làm sao” như tả hết được những trăn trở, băn khoăn, niềm mong mỏi, khát khao mãnh liệt của người phụ nữ. Khát vọng được hóa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lí trong tình yêu là “Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt” (Christopher Hoare). Hai chữ “tan ra” gợi ra nhiều cách hiểu. “Tan ra” không phải là mất đi, không phải là để tan loãng vào cõi hư vô mà “tan ra” là hi sinh, là dâng hiến, là khao khát được hoá thân cái tôi cá thể vào “trăm con sóng nhỏ” để hoà mình vào “biển lớn tình yêu” để vĩnh hằng hoá, bất tử hoá tình yêu; cũng là một cách để vượt qua giới hạn mong manh của cõi người.
 “Tan ra” còn là để vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian để trường tồn cùng tình yêu. Trong phút giây giao hoà của cảm xúc thì “tan ra” hay “tan vào nhau” đều là biểu hiện của sự hoà nhập trọn vẹn, thăng hoa. Tình yêu của lứa đôi phải chăng hạnh phúc nhất vẫn là lúc được trọn vẹn cùng những khao khát: “em yêu anh cuồng điên – yêu đến tan cả em” (Dệt tầm gai- Vi Thuỳ Linh); yêu đến nỗi mà “từng nguyên tử của em cũng thuộc về anh” (Uýt man). Yêu và mong ước được hiến dâng và hi sinh cũng chính là khao khát được sống hết mình vì tình yêu. Có như thế tình yêu mới có thể tồn tại vĩnh hằng cùng với thời gian; có như thế tình yêu mới chiến thắng được cái hữu hạn, mong manh của đời người.
Hai câu thơ cuối khép lại đoạn thơ như lời kết cho một quan niệm tình yêu hoàn mỹ:
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
          Ở đây, Xuân Quỳnh đã đặt “biển lớn” – không gian vô tận bên cạnh “ngàn năm” thời gian vô cùng. Ý thơ vì thế trở nên mênh mông như tình yêu nối dài vô tận. Đúng là khi hoà vào biển lớn tình yêu của nhân loại thì tình yêu của những cá thể sẽ không còn cô đơn, không còn mong manh nữa. Sự trường tồn bất tử với thời gian, không gian làm nỗi day dứt hữu hạn và những mong manh của cõi người như cũng tan biến. Ở đó chỉ còn thấy sóng vỗ bờ và  “còn vỗ” là còn yêu, còn vỗ bờ là còn tồn tại. Như em còn sống thì sẽ còn yêu anh và sẽ còn yêu anh “cả khi chết đi rồi” (Xuân Quỳnh).
          Bàn về sự dâng hiến và hi sinh trong tình yêu, có lẽ chúng ta cũng nên rộng mở “chân trời nghệ thuật” của bài thơ. Đặt hoàn cảnh năm 1967 khi bài thơ ra đời, khi sân ga, giếng nước, con tàu diễn ra những “cuộc chia ly màu đỏ” – khi cả nước ào ào xông trận vì miền Nam ruột thịt thì những tình yêu lứa đôi kia cũng phải gác lại cho tình yêu lớn lao hơn – tình yêu Tổ Quốc. Bởi vậy những chàng trai cô gái “xa nhau không hề rơi nước mắt – nước mắt dành cho ngày gặp lại”. Bởi “khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Suy cho cùng, đó cũng là dâng hiến và hi sinh, hi sinh tình yêu cá nhân mình để tình yêu cá nhân hoà vào biển lớn tình yêu của đất nước, của trách nhiệm cao cả. Sự hiến dâng ấy cũng như tâm nguyện góp những “mùa xuân nho nhỏ” để làm nên mùa xuân lớn của dân tộc; sự hoá thân thành trăm con sóng nhỏ cũng là hoá thân cho đất nước khi “Tổ Quốc gọi tên mình”.
Đoạn thơ sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu diễn tả đúng những cung bậc cảm xúc của tình yêu. Đoạn thơ còn sử dụng các phép tu từ nhân hoá, ẩn dụ…rất thành công. Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế; giọng thơ mềm mại, nữ tính…dễ đi vào lòng người.
Nếu đoạn thơ trong Sóng của Xuân Quỳnh là vẻ đẹp của cái tôi muốn vượt qua sự hữu hạn của đời người để hoá thân vào biển lớn tình yêu; thì đoạn thơ trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu lại bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và khát vọng chiếm lĩnh. 
            Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới” (Hoài Thanh). Ông mang đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. “Vội vàng” là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu trước cách mạng.
Ở phần đầu của bài thơ, thi sĩ luận giải cho người đọc thấy được tạo hoá có sinh ra con người không thể mãi mãi hưởng lạc thú ở chốn trần gian. Đời người ngắn ngủi, tuổi xuân có hạn và thời gian trôi đi vĩnh viễn không trở lại. Vì vậy thi nhân “giục giã” chúng ta phải “nhanh lên”, “vội vàng lên” để tận hưởng bữa tiệc của trần gian khi mà “mùa chưa ngả chiều hôm”, khi mà xuân đang non, cành còn tơ, đồng nội xanh rì, tháng giêng ngon…Có lẽ chính vì vậy mà thi nhân đã khép lại bài thơ bằng một đoạn thơ  mang sắc màu ái ân mãnh liệt.
Ba chữ “Ta muốn ôm” đứng biệt lập ở giữa đoạn thơ, gợi tư thế chủ động, tâm thế sẵn sàng của một chủ thể đang đứng giữa đất trời, dang rộng vòng tay đón trọn hương đời.
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Điệp ngữ “ta muốn” như nhịp điệu hối hả, như hơi thở gấp gáp của thi nhân. Chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Thi nhân như muốn ôm hết vào lòng mình “mây đưa và gió lượn”, muốn đắm say với “cánh bướm tình yêu”, muốn gom hết vào lồng ngực trẻ trung ấy “một cái hôn nhiều”. Muốn thu hết vào hồn nhựa sống dạt dào “Và non nước, và cây, và cỏ rạng”. Để rồi, chàng như con ong bay đi hút nhụy đời cho đến say “chếnh choáng” hút cho đã cho đầy ánh sáng,  “Cho no nê thanh sắc của thời tươi” mới lảo đảo bay đi.  Điệp từ “cho” với nhịp độ tăng tiến nhấn mạnh  các cấp độ khát vọng hưởng thụ đạt đến độ thoả thuê, sung mãn, trọn vẹn. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, xuân hồng, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ.
            Thơ Xuân Diệu có đặc trưng là sự vồ vập, cuồng nhiệt, mạnh bạo. Mỗi một lần khao khát “Ta muốn” thì lại đi liền với một động từ chỉ trạng thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, nồng nàn hơn “ôm-sự sống”, “riết-mây đưa, gió lượn”, “say-cánh bướm, tình yêu”, “thâu-cái hôn nhiều”, để cuối cùng là một tiếng kêu của sự cuồng nhiệt, đắm say thể hiện niềm yêu đời, khát sống chưa từng có trong thơ ca Việt Nam “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. Đây chính là đỉnh điểm của sự khao khát cháy bỏng của nhà thơ.
Dưới ngòi bút của Xuân Diệu và trong ánh mắt “xanh non”, “biếc rờn” của thi sĩ, mùa xuân hiện lên rõ rệt và sống động như có hình có dáng, có hồn có sắc “Xuân hồng”. Mùa xuân như môi, như má của một người thiếu nữ trẻ trung, tràn trề nhựa sống và đẹp xinh, trinh nguyên đang rạo rực yêu đương, hay như một quả chín ngọt thơm trong vườn “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.  Đứng trước cái hấp dẫn của mùa xuân, cuộc sống, thi sĩ hình như không nén nổi lòng yêu đã đi đến một cử chỉ cũng thật đáng yêu:
Ta muốn cắn vào ngươi !
Có lẽ trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ Xuân Diệu nhất. Vì mỗi câu, mỗi chữ đều mang hơi thở nồng nàn, đắm say, ham sống của “một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
Thành công của đoạn thơ chính là nhờ vào một số yếu tố nghệ thuật điệp ngữ “Ta muốn” được lặp đi lặp lại nhiều lần ; sử dụng động từ mạnh : thâu, riết, say, hôn, cắn; giọng điệu say mê; nhịp điệu gấp gáp; chuyển đổi thể thơ linh hoạt; từ ngữ táo bạo thể hiện cái tôi tràn đầy cảm xúc của tác giả.
            Hai đoạn thơ đều thể hiện cái tôi giàu cảm xúc, giàu khát vọng mãnh liệt về tình yêu;  đều thể hiện được khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng về tình yêu với cuộc đời. Khát vọng trong “Sóng” là khát vọng của tình yêu lứa đôi, là khao khát dâng hiến đến tận cùng, khát vọng thăng thiên, bất tử hoá tình yêu. Còn trong “Vội Vàng” – Xuân Diệu thể hiện một quan niệm sống: sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ sẽ không còn. Vì lẽ cuộc đời trôi đi không đứng đợi nên con người cần sống tận hưởng và tận hiến trong từng giây phút cuộc đời, và đừng lãng phí những tháng năm của đời người, nhất là những tháng năm của tuổi trẻ. Bởi “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt – Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.

          Tình yêu là tiếng gọi của con tim và lý trí. Nếu Xuân Quỳnh lại dịu dàng mà mãnh liệt qua khao khát được tan ra, được hiến dâng cho cuộc đời thì “Vội vàng” giục giã thi nhân Xuân Diệu sống vồ vập, đắm say với cuộc đời bởi “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”; sống để tận hưởng hương sắc ngất ngây của đời. Dù mang hai quan niệm khác nhau trong tình yêu nhưng cả hai đoạn thơ và tư tưởng của những thiên tài thi ca Xuân Quỳnh – Xuân Diệu vẫn cất lên những giá trị nhân bản, nhân văn: yêu là sống hết mình cho tình yêu.

VIỆT BẮC - LIÊN HỆ TỪ ẤY


TH là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam với phong cách thơ trữ tính chính trị, mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đậm đà. Những chặng đường thơ Tố Hữu gắn liền với các chặng đường cách mạng của dân tộc. “Từ ấy” và “Việt Bắc” là hai bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. Bài thơ “VB” được tác giả viết năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cán bộ kháng chiến rời chiến khu VB về thủ đô Hà Nội. Bài thơ “Từ ấy” được viết năm 1938, ghi lại sự kiện quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu khi TH được kết nạp vào ĐCS. Hai đoạn thơ sau đây thể hiện sự vận động và phát triển cái tôi trữ tình TH:
Những đường Việt Bắc của ta,
Đêm đêm rầm rập như là đất rung.
Quân đi điệp điệp trùng trùng,
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn,
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
(Việt Bắc)
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
.....
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
(Từ ấy)
Bài thơ ”VB” được kết cấu theo lối đối đáp giao duyên, có lời của người đi – cán bộ kháng chiến và lời của người ở lại – đồng bào VB. Trong lời hồi tưởng của người về xuôi có đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ về khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến :

Những đường Việt Bắc của ta,
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
Tác giả dùng các từ chỉ số nhiều về không gian ”những đường”, về thời gian ”đêm đêm”, về chủ thể sở hữu ”của ta” kết hợp với biện pháp so sánhnhư là đất rung, cách điệp phụ âmr đã tái dựng lại một không khí kháng chiến đông vui, nhộn nhịp, mạnh mẽ của một lực lượng, một tập thể lớn, khiến cho đất trời rung chuyển. Cái tôi trữ tình Tố Hữu đã hòa vào trong cái ta chung, hội tụ sức mạnh lớn lao của dân tộc.
Mở đầu là hình ảnh hào hùng của đoàn quân được thể hiện trong hai câu thơ:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
            Hai từ láy “điệp điệp" và “trùng trùng" đi liền nhau ở câu thơ có sức gợi tả đó, nó vừa gợi lên hình ảnh của một đoàn quân đông đúc, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của một đoàn quân. Đoàn quân ra mặt trận hùng tráng, mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Câu thơ thứ hai đưực ngắt theo nhịp 4/4: "Ánh sao đầu súng / bạn cùng mũ nan" càng làm tăng thêm vẻ đẹp của người lính - một vẻ đẹp vừa mang tính lãng mạn vừa mang tính hiện thực sâu sắc. Hình ảnh “Ánh sao đầu súng" có thể là hình ảnh ánh sao trời treo trên đầu súng của những người lính trong mỗi đêm hành quân như "Đầu súng trăng treo” trong bài thơ ”Đồng chí” của Chính Hữu; “ánh sao đầu súng" ấy cũng có thể là ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính, ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi cho người lính bước đi.
            Góp phần vào sự hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta có cả một tập thể quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến. Họ là những “dân công đỏ đuốc từng đoàn" tải lương thực, súng đạn để phục vụ cho chiến trường. Hình ảnh của họ cũng thật đẹp, thật hào hùng và đầy lạc quan không kém những người lính:
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
            Bằng một cách nói cường điệu “bước chân nát đá ”, nhà thơ đã làm nổi bật sức mạnh yêu nước, yêu lí tưởng cách mạng, ý chí quyết tâm đánh thắng quân thù của người nông dân lao động. Người nông dân lao động (lực lượng nòng cốt của cách mạng) là lực lượng góp phần rất lớn để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn sau này - Họ là những người nông dân đôn hậu, chất phác, lớn lên từ bờ tre, gốc lúa nhưng họ đi vào cuộc kháng chiến với tất cả những tình cảm và hành động cao đẹp, họ bất chấp những hi sinh, gian khổ, chấp mưa bom bão đạn của quân thù, đạp bằng mọi trở lực để đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước và lí tưởng cách mạng. Hai hình ảnh "bước chân nát đá" và “muôn tàn lửa bay" đã thể hiện cái khí thế hào hùng đó của nhân dân.
            Âm điệu của đoạn thơ mạnh mẽ, dồn dập, sôi nổi, hào hùng ; hình ảnh thơ hoành tráng, mang đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn bay bỗng góp phần thể hiện khí thế hào hùng của nhân dân ta. Thơ lục bát đậm đà bản sắc dân tộc ; sử dụng thành công từ láy, điệp từ ; ngôn từ mộc mạc, giàu sức gợi,…
            Cái tôi TH trong đoạn thơ trên là cái tôi nhân danh VB, cái tôi mang tầm vóc sử thi và cảm hứng lãng mạn. Còn cái tôi trữ tình trong « Từ ấy » thì như thế nào ?
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
.....
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Từ khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng, với sự nhiệt huyết chân thành, người thanh niên tuổi trẻ Tố Hữu đã bắt đầu có những nhận thức thay đổi trong lẽ sống cao đẹp, trách nhiệm cuộc đời mình. Nhờ chân lý cách mạng soi sáng, nhà thơ có những nhận thức mới trong gắn bó với mọi người. Động từ “buộc” thể hiện sự ràng buộc của bản thân nhà thơ đối với môi trường rộng lớn mọi giai cấp, bỏ đi cái tôi cá nhân để hòa vào cái ta rộng lớn. Cụm từ “trang trải” và “trăm nơi” nói lên tình yêu thương giai cấp tronng trái tim nhà thơ với mong muốn đồng cảm sâu sắc với người lao động nghèo khó. Sự đồng cảm của nhà thơ với bao “hồn khổ” là tiếng lòng thiết tha yêu thương, gần gũi với những người bị bóc lột trong xã hội, đó là em nhỏ, những bà mẹ nghèo, những người không nhà cửa…Câu thơ cuối là niềm ước ao, khát khao cháy bỏng của nhà thơ không phân biệt giai cấp, gần gũi, bao bọc nhau để thêm “mạnh khối đời”. Điều đó thể hiện mong ước đoàn kết mọi giai cấp để tạo nên một khối thống nhất với sức mạnh cực kỳ to lớn. Điệp từ “để” được điệp lại hai lần cùng nhịp thơ nhịp nhàng, giọng thơ hân hoan, háo hức càng thể hiện được sự thay đổi mạnh mẽ, sôi nổi trong lý tưởng sống của nhà thơ.
Như vậy, cái tôi TH là cái tôi tự nguyện gắn bó với quần chúng lao khổ, là cái tôi khao khát được cống hiến hết mình cho lý tưởng, thể hiện ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ; là cái tôi nhận thức sâu sắc về sức mạnh của khối đoàn kết; là cái tôi đầy hào hức, trẻ trung, sôi nổi,...

            Hai đoạn thơ trong ”Từ ấy” và ”VB” đã thể hiện sự vận động và phát triển của cái tôi TH. Từ bài thơ Từ ấy đến bài thơ VB thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ của cái tôi trữ tình song hành với bước chuyển của CM VN. Từ cái tôi của một trí thức yêu nước say mê, hạnh phúc khi bắt gặp lý tưởng Đảng (Từ ấy) phát triển thành cái ta nhân dnah CM và dân tộc lớn lao, cao đẹp (VB); đó là sự chuyển biến từ nhận thức lý thuyết đến trải nghiệm thực tế trong hành trình CM của người chiến sĩ.

            Tóm lại, cùng với sự vận động của đời sống dân tộc, thơ Tố Hữu ở từng giai đoạn cũng có những thay đổi. Từ cái tôi cá nhân với nhiệt tình cống hiến cho lý tưởng cộng sản trước cách mạng tháng Tám trong “Từ ấy”, đến cái tôi nhập vai quần chúng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở “Việt Bắc”, đến cái tôi nhân danh cách mạng, nhân danh dân tộc. Hai đoạn thơ nói riêng, hai bài thơ nói chung nồng nàn hơi thở của thời đại và tiêu biểu cho phong cách thơ TH.


Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

PB NGÀY 20/11 (L.ANH)

Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa quý thầy cô giáo! Thưa toàn thể các bạn học sinh thân mến! Hôm nay, hoà chung trong không khí rộn ràng, tươi vui đón chào ngày lễ trọng đại - ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ 35; em rất vinh dự được thay mặt các bạn học sinh trường THPT Nguyễn Trãi bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đến thầy cô - những người cha, người mẹ thứ hai trong cuộc đời chúng em. Kính thưa quý thầy cô giáo! Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Trong dân gian, có nhiều câu nói ca ngợi vai trò to lớn của thầy cô như: “Muốn sang phải bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”; “Trọng thầy mới được làm thầy”; “Không thầy đố mày làm nên”,... Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý; nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Các thầy giáo, cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người . Họ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương, dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Đúng vậy! Thầy cô là những người ươm mầm tri thức, nâng cánh ước mơ cho chúng em bay vào tương lai. Thầy cô như những người chèo đò miệt mài, không ngại sóng gió, cầm lái con thuyền tri thức, đưa chúng em cập bến bờ tương lai; để từ đó chúng em được bay cao bay xa hơn nữa. Kính thưa, quý thầy cô! “Công cha – nghĩa mẹ – ơn thầy”. Cái đạo lý giản dị nhưng vô cùng sâu xa ấy, đi theo suốt cả cuộc đời mỗi chúng em. Cha mẹ là người cho chúng em vóc dáng hình hài này. Nhưng thầy cô là người cho chúng em tri thức làm hành trang bước vào đời. Thầy cô đã dạy cho chúng em biết suy nghĩ và hành động đúng đắn; biết khóc, biết cười trước những mảnh đời; biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã; biết yêu thương gia đình và quê hương...v.v… Không có chữ nghĩa nào ghi hết công lao của thầy cô dành cho chúng em. Chúng em xin cúi đầu ghi tạc công ơn Thầy Cô. Các bạn học sinh thân mến! Hãy thử một lần, các bạn hãy lặng mình đi, hãy nghĩ đến những gì thầy cô đã làm cho chúng ta thì chắc chắn các bạn sẽ trưởng thành hơn. Trong giờ phút này, các bạn hãy nhóm lên ngọn lửa yêu thương trong tim mình, hãy nói ra lời “Cảm ơn” vì sự hi sinh thầm lặng của thầy cô dù có muộn màng, hãy nói lời “Xin lỗi” vì đã làm thầy cô buồn, hãy hứa là sẽ cố gắng học tốt hơn …Đó chính là món quà vô giá mà thầy cô mong đợi. Trong giây phút này đây, tôi tin chắc rằng trái tim chúng ta đã cùng chung một nhịp đập. Chúng ta hãy dâng lên thầy cô những đoá hoa tươi thắm, những lời hứa chân thành nhất! Kính thưa, quý thầy cô! Rồi thời gian sẽ cuốn trôi đi tất cả, năm tháng sẽ làm nhạt nhòa tất cả, nhưng có điều chắc chắn là tất cả chúng em sẽ không bao giờ quên những ngày tháng được học ở mái trường này, chúng em sẽ không bao giờ quên công ơn của thầy cô giáo Trường THPT Nguyễn Trãi. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Cuối cùng, em xin thay mặt các bạn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến thầy cô – những người đáng kính nhất. Xin kính chúc thầy cô sức khỏe dồi dào, luôn vui tươi trong cuộc sống, tràn đầy nhiệt huyết trên con đường dạy học. Xin chân thành cám ơn BGH nhà trường cho chúng em có dịp để Tri ân thầy cô. Chúng em xin chân thành cám ơn!