Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Tưởng tượng 20 năm sau....

Tưởng tượng 20 năm sau, một ngày em về thăm trường, viết thư cho 1 người bạn cùng học ngày ấy kể lại buổi thăm trường này.
Bài làm:
Mặt trăng, 12 tháng 6 năm 2033
Khánh thân mến!
Tớ viết thư này trước hết là để hỏi thăm cậu, cậu dạo này có khỏe không?
Cuộc sống của cậu như thế nào? Có gì đặc biệt không? Nghe nói vẫn chưa có vợ à, phải cố gắng lên, sắp 40 rồi đấy. Tớ dạo này vẫn khỏe, cuộc sống của tớ rất tuyệt vời lắm.
Cậu có biết thành phố thứ 3 trên mặt trăng không? Tớ có một biệt thự ở khu ngoại ô trên ấy, hàng năm cứ cuối hè tớ lại lên đấy chơi cùng với gia đình, nhắc mới nhớ, tớ cưới vợ được gần một năm rồi. Vợ tớ xinh lắm, mặt không tì vết. Gia đình tớ sống rất tốt. Hiện tại, tớ đang trên phi cơ riêng bay sang Anh để tiếp xúc cùng các đại biểu cấp cao của Liên Hợp Quốc.
Cách đây ba hôm, khi đang trên đường sang Mĩ để giải quyết một số việc quan trọng và nhận giải thưởng Nô-ben về hòa bình, tớ có dừng lại ở Hải Phòng - nơi mà hồi nhỏ anh em mình còn học ở đây. Tớ về chính ngôi trường Trần Phú từ thuở nào, ngày nay nó đã được tu sửa lại khang trang hơn và được dát toàn bộ bạch kim ở khắp trường. Không những thế, nó đã được đưa lên trên không, cao hơn 100m so với mặt đất để mở rộng chỗ ở cho người dân. Khi bước vào trường, tớ mới phát hiện ra hiệu trưởng ở đây chính là Hiền Thảo - một trong những người bạn đã học chung với anh em mình trong bốn năm cấp hai.
Cậu ấy giờ đã khác, với vị trí hiệu trưởng, cậu ấy chín chắn, cứng rắn hơn nhưng vẫn đầy tình cảm và tình yêu thương ấy. Cậu đón tiếp tôi với sự niềm nở, tự hào kể cho tôi về những việc cậu đã làm nào là các dãy nhà đã được tăng lên thành sáu tầng, được lắp cầu thang máy, được xây thêm khu liên hợp, khu thể thao có thêm bề bơi, sân bóng đá, bóng rổ, sân tenis, bãi giữ xe...
Ngoài ra, tớ vẫn thấy được một vài điểm quen thuộc trong khuôn viên trường, đó là cây hoa sữa trước cửa lớp mình, nó đã cao hơn, to hơn. Tớ vẫn nhớ hồi anh em mình học thể dục, vì trời nắng nên lại chạy ào về gốc cây này tránh nắng, đứa này tranh nhau ngồi ở gốc cây với đứa kia, bàn tán rôm rả để rồi bị trực ban nhắc hay cái lần thằng Hùng, thằng Phát thi nhau trèo cây để xem ai giỏi hơn ai, cuộc thi chưa kết thúc, thì bảo vệ đuổi, chạy tóe khói khắp trường để rồi bị bắt lên phòng bảo vệ.
Đang xao xuyến vì những kỉ niệm, đột nhiên có một giọng nói khàn khàn, nhưng đầy sự trìu mến, gọi : "Trường Ân đó hả em?" Tôi ngờ ngờ rồi quay lại. Hóa ra đó chính là thầy Nguyên, Khánh ạ. Thầy bây giờ trông đã già hơn hẳn. Đầu thầy đã không còn tóc, bóng loáng rồi đột nhiên, tôi xúc động đến tột cùng - thầy Nguyên đây ư? Người thầy đã dạy tôi "đây ư?" Trời, thầy giờ già quá, người đã dạy cho tôi cấp hai và cũng là người đã dành hơn bốn thập kỉ để cống hiến cho giáo dục nước, nhờ thầy, bao thế hệ đã lớn lên, trở thành những trụ cột, những người đi xây dựng đất nước, là người cống hiến thầm lặng...
Ôi, chả có nhẽ mái tóc của thầy đã ra đi cùng với sự cống hiến ấy. Khi nghĩ về những điều đó, Khánh ạ, tớ chỉ chực bật khóc.
Thầy quá tận tâm với nghề, cống hiến hết mình. Thầy giờ là một ông lão ngoài bảy mươi cũng về thăm trường rồi tình cờ gặp tôi... Tôi dìu thầy ra ghế đá, nó đã được lắp đặt thêm một bộ tản nhiệt nên mặc cho trời hôm ấy nóng hơn 30 độ, tôi và thầy vẫn thoải mái ngồi nói chuyện...
Tớ hỏi thầy rất nhiều, và cũng tự hào kể ra những thành tựu mình đã đạt được nhưng không quên cám ơn thầy vì những công lao như biển cả của thầy. Nhìn thầy, tôi lại nhớ về những kỉ niệm với thầy, như lần thầy cho tôi và lũ bạn kiểm tra 15' một bài cực dài nhưng rồi lại không thu khiến cả lũ lăn đùng ngã ngửa, nghĩ đến đó, tớ và thầy lại bật cười.
Mặc dù không muốn, nhưng cuối cùng cũng phải rời đi, tôi chào thầy, từ biệt Hiền Thảo, rồi hẹn một lần khác gặp sau. Buổi chia tay ấy đầy xúc động, rồi tớ lên phi cơ bay đi, ngó lại, tớ thấy được bóng dáng của thầy mờ dần, nhỏ dần rồi cuối cùng biến mất sau làn mây làm tôi lại suy nghĩ viển vông.
Tớ chỉ viết đến đây thôi. Cho tớ gửi lời chào đến gia đình của cậu và chúc cậu gặp thành công trong mọi mặt cuộc sống".

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

ĐỀ CƯƠNG ÔN THI HK1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 11/13-14

ĐỀ CƯƠNG ÔN THI HK1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 11
GV: Trần Văn Tâm
KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN THÁNG 8 NĂM 1945

  1. Tại sao văn học thời kì này được gọi là văn học hiện đại ?

Hiện đại hoá văn học là quá trình làm cho văn học thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức của văn học phương Tây, có thể hội nhập với nền văn học hiện đại trên thế giới.

  1. Những đặc điểm của nền văn học thời kỳ này?

- Nền văn học đổi mới theo hướng hiện đại hóa
- Nền văn học phân hóa phức tạp thành nhiều xu hướng
- Nhịp độ phát triển mau lẹ

  1. Hãy làm rõ đặc điểm thứ nhất: Nền văn học đổi mới theo hướng hiện đại hóa.

- Từ đầu thế kỉ đến khoảng năm 1920: chuẩn bị điều kiện vật chất. Thơ văn của chí sĩ cách mạng, nho sĩ đã có sự tiến bộ vể tư tưởng nhưng về hình thức cơ bản vẫn là văn học trung đại.
- Khoảng từ năm 1920 đến năm 1930: quá trình hiện đại hóa đã đạt được nhiều thành tích với sự xuất hiện của các thể loại văn học hiện đại và sự hiện đại hóa của thể loại truyền thống. Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí đều phát triển.
- Khoảng từ năm 1930 đến năm 1945: có sự cách tân sâu sắc ở nhiều thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ; phóng sự, phê bình ra đời và đạt nhiều thành tựu.

  1. Hãy làm rõ đặc điểm thứ hai: Nền văn học phân hóa phức tạp thành nhiều xu hướng.

- Bộ phận văn học phát triển hợp pháp gồm các sáng tác được đăng tải và xuất bản công khai. Những tác phẩm này vẫn có tính dân tộc và có tư tưởng lành mạnh nhưng không có được ý thức cách mạng và tinh thần chống đối trực tiếp chính quyền thực dân Pháp. Ngay trong bộ phận này cũng có nhiều xu hướng khác nhau: hiện thực, lãng mạn, tự nhiên, siêu thực,...
- Bộ phận văn học phát triển bất hợp pháp và nửa hợp pháp là sản phẩm của các nhà văn – chiến sĩ. Đây là bộ phận văn học cách mạng. Nó sẽ trở thành dòng chủ lưu của văn học Việt Nam sau này.

  1. Hãy làm rõ đặc điểm thứba: Nền văn học có nhịp độ phát triển mau lẹ.

Văn học thời kì này có sự hiện đại hóa nhanh chóng về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, xuất hiện các thể loại mới với nhiều tác phẩm có giá trị.

  1. Những thành tựu chủ yếu của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945?

- Về nội dung tư tưởng: vẫn tiếp tục phát huy những truyền thống tư tưởng lớn của văn học dân tộc và đóng góp thêm về tinh thần dân chủ. Lòng yêu nước gắn với yêu quê hương, trân trọng truyền thống văn hóa dân tộc, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, lòng yêu nước gắn với tinh thần quốc tế vô sản. Chủ nghĩa nhân đạo gắn với sự thức tỉnh ý thức cá nhân của người cầm bút.
- Về hình thức thể loại và ngôn ngữ văn học:
Các thể loại văn xuôi phát triển mạnh, nhất là tiểu thuyết và truyện ngắn. Các thể loại mới như phóng sự, bút kí, tùy bút, kịch nói đều đạt được thành tựu. Thơ ca phải thoát khỏi những quy tắc chặt chẽ của thơ ca trung đại để thể hiện tinh thần dân chủ của thời đại mới với cái tôi cá nhân đầy cảm xúc.
- Đây là thời kì văn học có vị trí rất quan trọng đối với lịch sử phát triển của văn học Việt Nam.Ở thời kì này, văn học đã có bước phát triển nhảy vọt về mọi mặt, tạo tiền đề cho sự phát triển của văn học thời kì sau. 

“HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA” – VŨ TRỌNG PHỤNG

  1. Tác giả Vũ Trọng Phụng.

- Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939), tại Hà Nội trong một gia đình “nghèo gia truyền”(Ngô Tất Tố).
- Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng.
- Ông nổi tiếng về tiểu thuyết, truyện ngắn và đặc biệt ông còn được mệnh danh là “Vua phóng sự đất Bắc”.
- Các tác phẩm tiêu biểu: Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, Cạm bẫy người….

  1. Tác phẩm “Số đỏ”.

- “Số đỏ” (sáng tác 1936) được coi là một trong những tác phẩm xuât sắc nhất của văn học Viết Nam, có thể làm “làm vinh dự cho mọi nền văn học”. ( Nguyễn Khải)
- Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” thuộc chướng XV của tiểu thuyết này.

3. Ý nghĩa nhan đề “Hạnh phúc của một tang gia”.

- Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia chứa đựng mâu thuẫn trào phúng: nhà có tang mà lại hạnh phúc, hàm chứa tiếng cười chua chát,
- Nhan đề vừa kích thích trí tò mò của người đọc vừa phản ánh một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn: con cháu sung sướng, hạnh phúc khi ông bà chết vì cái chết ấy mang lại quyền lợi cho họ.

4. Những chân dung biếm họa trong đoạn trích.

- Những thành viên trong gia đình:
+ Cụ cố Hồng mơ màng nghĩ mình được mặc áo xô gai, được khen ... già,
+ Văn Minh tranh thủ quảng cáo kiếm tiền;
+ Cô Tuyết tranh thủ chưng diện;
+ Cậu tú Tân muốn chứng tỏ tài chụp ảnh;
+ Ông Phán mọc sừng kiếm món lợi lớn,...
+ Riêng Xuân Tóc Đỏ, danh giá và uy tín càng cao thêm.
-         Những người tham dự tang lễ:
+ Hai cảnh sát Min Đơ, Min Toa có việc làm; b
+ Bạn cụ cố Hồng được dịp khoe huân chương và râu ria các loại;
+ Những “giai thanh gái lịch” được dịp hẹn hò, tán tỉnh,... đều vui vẻ, hạnh phúc.
Tóm lại, mọi người, dù là chủ hay khách đều vui vẻ, hạnh phúc trước cái chết của cụ cố Tổ.

 5. Quang cảnh đám tang.

- Bề ngoài thật long trọng, “gương mẫu” nhưng thực chất chẳng khác gì đám rước nhố nhăng lố bịch, có đủ ‘kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, kèn tây kèn ta, vòng hoa câu đối”; “giai thanh gái lịch” thản nhiên nói chuyện, bình phẩm, cười tình,...
- Đỉnh điểm của sự giả dối diễn ra lúc hạ huyệt khi cậu tú Tân yêu cầu mọi người tạo dáng để chụp ảnh, con cháu tự nguyện trở thành những diễn viên đại tài và nhất là màn kịch siêu hạng của ông Phán mọc sừng.
 

6.  Nghệ thuật Trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích.

- Tạo tình huống trào phúng cơ bản rồi mở rộng ra những tình huống khác;
- Phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật, sự việc.
- Thủ pháp nói ngược, nói mỉa,... được sử dụng một cách linh hoạt;
- Miêu tả biến hóa, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, nói trúng nét riêng của từng nhân vật.
 
7.  Ý nghĩa văn bản
Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia là một bi hài kịch phơi bày bản chất nhố nhăng, đồi bại của một gia đình đồng thời phản ánh bộ mặt thật của xã hội thượng lưu thành thị trước Cách mạng tháng Tám.

HOA BẠCH MAI TRÊN NÚI BÀ - Nguyệt Anh    

1.      Non Linh đất phuớc trổ hoa thần
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân
Mây lành gió lạnh nương hơi chánh
Vóc ngọc mình băng bặt khói trần
Sắc nước hương trời nên cảm mến
Non linh đất phước trổ hoa thần”.
2. Tác giả  Sương Nguyệt Anh .

- Nguyệt Anh tên là Nguyễn Thị Khuê (1864 – 1921) là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, có tài văn chương, goá chồng nên gọi là Sương Nguyệt Anh
- Bà là chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên của nước ta - tờ ”Nữ giới chung”(Tiếng chuông của giới phụ nữ)

2. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

       Bài thơ ra đời vào dịp rằm tháng giêng năm Tân Sưủ (1901) khi tác giả viếng núi và Điện Bà theo lời mời của nhiều văn nhân Tây Ninh. Đây là tác phẩm chữ Nôm.

3. Chủ đề.

Bài thơ ca ngợi cốt cách trong sạch, tinh khiết của một loài hoa ở vùng núi linh thiêng hùng vĩ, đồng thời nói lên lòng cảm mến cảnh đẹp thiên nhiên của tác giả khi đến thăm Tây Ninh.
4. Nội dung, nghệ thuật .

Bài thơ viết bằng Quốc âm, theo lối Đường thi thất ngôn bát cú, thủ vĩ ngâm (câu thơ đầu và cuối giống nhau), mượn hình ảnh hoa bạch mai để ca ngợi  núi Điện Bà của vùng đất Tây Ninh, đó là “ Non linh, đất phước”, nơi có “Tuyết đượm, sương pha, mây lành, sắc nước”, “in sắc trắng” của loài hoa thanh cao và quân tử.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Phân tích đoạn thơ : “Ta về mình có nhớ ta………Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” (Việt Bắc)

Phân tích đoạn thơ : “Ta về mình có nhớ ta………Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” (Việt Bắc)

1. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn toàn thắng lơị. Tháng 10/1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử này, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc” để ghi lại những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình trong lòng người. Đoạn trích sau thể hiện nỗi nhớ về thiên nhiên thơ mộng và con người Việt Bắc chan chứa tình người:
Ta về mình có nhớ ta
…………………………………………………
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
2. Đọan thơ viết theo thể lục bát dân tộc, lời thơ giản dị và giàu hình ảnh như ca dao. Cảm xúc của nhà thơ được thể hiện qua những lời đối đáp giữa kẻ ở - người đi trong cuộc tiễn đưa. Cặp đại từ xưng hô “mình – ta”, gợi nhớ những câu ca dao quen thuộc ngày xưa:“Mình về có nhớ ta chăng-Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” hay trong cách xưng hô vợ chồng thân thiết gợi màu sắc trữ tình cho tác phẩm.
Mở đầu là câu thơ giới thiệu cảm xúc chủ yếu của cả đoạn:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
            “Mình có nhớ ta” là lời hỏi của người cán bộ về xuôi hỏi người ở lại -VB. Kết cấu của đoạn thơ theo hình thức đối đáp thường thấy trong ca dao dân ca. Nội dung đối đáp là để bộc lộ tình nghĩa cách mạng. Câu hỏi tu từ là cái cớ để bộc lộ tình cảm của người ra về, nhớ nhất là hoa và con người VB. Ở đây thiên nhịên hoà điệu với con người, giữa chúng có mối quan hệ tương hổ, tương sinh lẫn nhau. VB sinh ra con người và con người làm nồng ấm quê hương VB.
            Tám dòng lục bát sau như một bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người VB. Đầu tiên là bức tranh tả cảnh mùa đông ở VB:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
            Ở chốn núi rừng heo hút này, mùa đông rừng biếc xanh đột ngột bùng lên màu đỏ tươi của hoa chuối rừng như những bó đuốc thắp sáng lên rực rỡ. Vẻ đẹp nên thơ và rực rỡ của VB vào mùa đông gợi ở người đọc những rung động sâu xa. Dù mùa đông lạnh giá nhưng sự sống vẫn cứ tuôn trào, đem đến cho con người cảm giác ấm áp. Còn con người mùa đông thì:
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
            Hình ảnh con người xuất hiện mạnh mẽ và tự tin. Hình ảnh này mang đậm nét miền núi với ánh nắng làm lấp loá con dao đi rừng của họ. Từ “đèo cao” cho ta thấy tầm nhìn của nhà thơ hướng lên nơi cao xa hút mắt. Con người ở đây như là kẻ tạo ra ánh sáng, đẹp như viên kim cương toả ánh nắng và hơi ấm xuống mùa đông lạnh lẽo.
            Kế tiếp là cảnh mùa xuân, với hoa mơ nở trắng rừng:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
            Thời gian được xác định là “ngày xuân”. Không gian ở đây biến đổi như là cổ tích. Mới là màu xanh bạt ngàn điểm hoa chuối đỏ, bây giờ nở bung ra những hoa mơ trắng muốt toả hương thơm. Cái màu trắng dìu dịu tinh khiết ấy phủ lên cả cánh rừng, gợi lên trong lòng ta một cảm giác thơ mộng bâng khuâng. Ngoài ra màu trắng của hoa mơ còn gợi cho con người cái thanh thoát hơn, đem lại trong lòng người sự thảnh thơi. Câu thơ cho ta thấy màu xanh đã bị lấn lướt. Mùa xuân ở đây không tưng bừng mà lặng lẽ như ng không kém phần vui:
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
            Mùa xuân miêu tả trong câu thơ rất đặc trưng cho mùa xuân VB. Sợi giang là sản phẩm của VB. Do vậy, người lao động đó là người VB chư không phải người miền xuôi. Nhìn thấy được từng sợi giang là thấy được con người ở tầm gần.
            Thế rồi khoảnh khắc nhàn hạ của mùa xuân cũng qua mau, con người tiếp tục sống cuộc sống của họ trong mùa hè:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
            Bức tranh gợi chú ý cho người đọc bằng thị giác lẫn thính giác. Đầu tiên cái độc đáo ở đây là âm thanh mùa hạ. Hình ảnh nhân hoá “ve kêu” khiến rừng phách đổ vàng. Tiếng ve kêu râm ran đã báo hiệu mùa hạ nhưng ở đây là cuối hạ. Cái lạnh đang tràn ngập núi rừng, lá cây bắt đầu chuyển sang màu vàng, cả rừng phách thay áo mới, chiếc áo vàng óng ánh dưới mặt trời. Cảnh thiên nhiên đẹp và lãng mạn hơn bởi trong rừng bạt ngàn ấy có thêm dáng của một thiếu nữ hái măng một mình. Từ “”hái” thể hiện nét dịu dàng, uyển chuyển, mềm mại của cô gái. Cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt mĩ như thế lại chạm thêm hình ảnh người thiếu nữ nhẹ nhàng làm việc càng tuyệt mĩ hơn. Quả là bức tranh vừa đẹp vừa có thần. Rõ ràng thiên nhiên và con người đã hoà quyện vào nhau tô điểm cho nhau.
            Cuối cùng đoạn thơ đã kết thúc bằng hình ảnh mùa thu cũng không kém phần đẹp đẽ:
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
            Thiên nhiên được miêu tả bằng ánh trăng. Việc sử dụng ánh trăng cũng không có gì độc đáo. Tuy nhiên đặt vào hoàn cảnh này thì ta thấy được niềm mơ ước hoà bình của người cán bộ cũng như toàn dân VB. Tất cả đều nói lên niềm tin tưởng chiến thắng sẽ đến với cách mạng. Câu thơ thiếu cụ thể nên con người ở đây cũng thiếu cụ thể. Từ “ai” nhoà đi để tạo nền cho cả đoạn  và cũng nhằm trả lời cho câu hỏi đầu tiên: “Mình về có nhớ ta chăng”. Tuy hỏi thế nhưng trong lòng họ cũng biết rằng con người ấy vẫn thuỷ chung son sắt. Đây là li đồng vọng trong tâm hồn của cả hai người yêu nhau cùng nhớ, cùng thương: “Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”.

1.                  Với 8 dòng lục bát, TH đã hòan thành 4 bức tranh, bức nào cũng có sự sắc sảo riêng, hợp lại thành cái chung tiêu biểu của cảnh và người VB. Bốn bức tranh ấy nằm trong khuôn khổ của 1 từ “nhớ” được nhà thơ láy lại mấy lần. Đoạn thơ diễn tả được tình cảm nhớ thương VB sâu nặng của người cán bộ CM khi rời VB để trở về thủ đô Hà Nội. Ngôn ngữ uyển chuyển ngọt ngào. Nhịp điệu của câu thơ lục bát êm dịu, có sức ngân vang trong lòng người đọc như khúc hát ru. 

Phân tích đoạn thơ : “Những đường VB của ta…..Vui lên VB đèo De, núi Hồng” (Việt Bắc).

Phân tích đoạn thơ : “Những đường VB của ta…..Vui lên VB đèo De, núi Hồng” (Việt Bắc).

1.         Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được kí kết, miền Bắc được giải phóng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn toàn thắng lơị. Tháng 10/1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử này, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc” để ghi lại một giai đoạn gian khổ và vẻ vang của cách mạng và kháng chiến đã trở thành những kỉ niệm sâu nặng ân tình, nghĩa tình trong lòng người. Đây là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ “VB” đưa người đọc trở lại với không khí hào hùng sôi nổi trong những cuộc hành quân chiến đấu:
“Những đường VB của ta…..Vui lên VB đèo De, núi Hồng”.
2.         Đoạn thơ thể hiện không khí gấp gáp, hào hùng như được dõi theo bước chuyển mình của dân tộc từ bóng tối ra ánh sáng, từ nô lệ đến tự do, hạnh phúc:
Những đường VB của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Câu thơ đã mở ra không gian của cuộc hành quân kháng chiến. Những con đường VB đều như in dấu chân người lính. Nhà thơ sử dụng tiếng “ta” tạo nên cảm giác gần gũi thân thương. Nếu trong toàn bài, kết cấu “mình – ta” dùng để đối đáp thể hiện tình cảm thuỷ chung keo sơn như anh em một nhà thì ở đây chữ “ta” chỉ sự sở hữu – không chỉ của riêng người VB mà của đất nước dân tộc. Có lẽ bởi vậy con đường kháng chiến ấy đã tái hiện không khí đấu tranh, lòng quyết tâm của cả dân tộc nói chung:
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Câu thơ này tái hiện dòng chảy thời gian. Hai tiếng “đêm đêm” đã đưa ta về cả một chặng đường dài lịch sử, những đêm nối đuôi nhau phủ lên núi rừng VB mà không khi nào thấy ngưng nghỉ những bước hành quân. Từ láy mạnh “rầm rập” tạo nên sự hiệu ứng âm thanh và hình ảnh. Câu thơ như làm sống lại những đoàn người bước đi mạnh mẽ, dứt khoát. Thủ pháp so sánh gây ấn tượng cho người đọc về nhịp độ khẩn trương, không khí sôi sục của con người đi chiến đấu. Thời gian đêm tối không khắc hoạ sự vắng lặng mà tạc sâu hơn những khó khăn gian khổ của đoàn quân. Song khó khăn không làm chùn bước con người kháng chiến. Những bước chân rầm rập thể hiện sự cố gắng, quyết tâm, niềm tin và hy vọng sắt đá:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Anh sao đầu súng như là mũ nan
Cặp lục bát này ghi dấu ấn hình ảnh của đoàn quân ở góc nhìn xa, cao rộng hơn. Hình ảnh “điệp điệp trùng trùng” của mây núi được sử dụng cho con người tạo nên hình ảnh sống động và hoành tráng. Người đọc có cảm giác những đoàn quân ấy nối dài như không bao giờ đứt quãng. Câu thơ thứ hai gợi lên hình ảnh rất đẹp. Quân đi giữa rừng núi đêm khuya làm bạn cùng trăng sao. Hình ảnh ánh sao treo đầu mũi súng mang đến vẻ đẹp lãng mạn thơ mộng, gợi ta nhớ tới câu thơ của Chính Hữu “đầu súng trăng treo”. Khoảng cách giữa con người và thiên nhiên như xích lại gần nhau. Nếu súng biểu tượng cho sức mạnh thì sao biểu tượng cái đẹp. Nếu súng là biểu tượng cho chiến tranh thì sao là ánh trăng dẫn đường. Hình ảnh đa tầng nghĩa giàu sức biểu tượng ấy đã bước ra từ tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn tài hoa. Dù được viết trên thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc song âm hưởng sử thi hào hùng , lãng mạn vẫn cất cánh từ hồn thơ giản dị:
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Ánh sáng của những ngọn đuốc đã thắp sáng núi rừng VB, thắp sáng không khí quyết tâm của người lính. Hình ảnh “Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” gợi nhắc về những hình ảnh trong thần thoại sử thi. Mỗi bước tiến của con người , núi đá và thiên nhiên đất trời như phải nhún nhường khuất phục. Câu thơ như kéo gần người đọc đến không khí ngày chiến thắng:
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Đôi câu lục bát này như lời tổng kết khái quát những năm tháng chiến đấu gian khổ mà anh dũng. Hai tiếng “nghìn đêm” khái quát dòng chảy thời gian. Hai tiếng “thăm thẳm” ghi lại chiều sâu không gian hun hút với bao khó khăn gian khổ. Những tháng ngày đã đi qua là điểm tựa cho tương lai độc lập tươi sáng. Câu thơ thể hiện trí tưởng tưởng tượng phong phú của tác giả khi sử dụng hình ảnh so sánh:  ánh đèn pha hay chính là ánh sáng cuả ngày mai, của hy vọng và niềm tin chiến thắng. Nhà thơ đã khám phá thấy sức sống tâm hồn dạt dào, phong phú trẻ trung của những người lính. Nếu ai đã một lần bứơc trên con đường hành quân đều một lần bước trên con đường của niềm tin vào CM và chiến thắng. Bốn câu thơ cuối đã ghi lại cảm xúc hạnh phúc trẻ trung với một niềm vui lớn trải dài trên mọi nẻo đường quê hương:
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp,Yên Khê
Vui lên VB, đèo De, núi Hồng
Không chỉ gặt hái được những chiến công trên núi rừng VB, quân và dân ta còn làm nên niềm vui chiến thắng khắp trăm miền. Đoạn trích đã đi suốt chặng đường dài của cuộc kháng chiến chống Pháp, kết thúc bởi chiến thắng Điện Biên lịch sử. Khắp từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, hạnh phúc chiến thắng lan truyền như tràng pháo mở ra không gian, thời gian mới cho dân tộc.

3.         Cả đọan thơ mang ý nghĩa tổng kết những nét lớn trong quá trình diễn biến của cuộc kháng chiến chín năm trên đất nước ta. Đó là cuộc kháng chiến đầy hi sinh gian khổ, nhưng rât hùng tráng, lạc quan và nay thắng lợi vẻ vang. Với lối thơ lục bát ngọt ngào mang đậm tính dân tộc, dùng những hình tượng quen thuộc trong ca dao, những từ ngữ có sức gợi cảm, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, và giọng thơ sôi nổi hào hung mang chất sử thi. TH đã gây một ấn tượng mạnh trong lòng người đọc về quê hương đất nước và con người VN dưới ánh sáng của CM.

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Phân tích “Khi ta lớn lên ĐN đã có rồi… nước biển khơi”-GDTX

Phân tích đoạn thơ Khi ta lớn lên ĐN đã có rồi… con cá ngư ông móng nước biển khơi” của Nguyễn Khoa Điềm.

1. Đất Nước là nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ ca hiện đại. Trường ca“Mặt đường khát vọng” đă thể hiện suy nghĩ và cảm nhận mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Trường ca được viết ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đoạn trích sau thể hiện niềm tự hào về lịch sử lâu đời và bờ cõi mênh mông của ĐN ta:
“Khi ta lớn lên ĐN đã có rồi …
…Nứơc là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi
2. Cũng như tòan chương Đất Nước, đọan trích được viết rất giản dị: lời thơ g̀n với lời nói dân dã trong cuộc sống; câu thơ tự do, có nhịp điệu nhưng không có vần, không giống 1 thể thơ nào thường gặp. Chất liệu thơ lấy từ cuộc sống quen thuộc hoặc từ nguồn văn học dân gian, nhưng ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa về ĐN mình.
ĐN qua những hình ảnh tḥt cụ thể, thân thuộc:
“Khi ta lớn lên ĐN đã có rồi…
…..ĐN lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Câu thơ mở đầu rất đơn giản mà bất kì ai cũng có thể nói được. Nhưng người đọc có thể nghe xôn xao trong câu thơ là niềm tự hào mãnh liệt và lòng biết ơn mênh mông của nhà thơ. ĐN đã có từ hàng ngàn năm trước, là kết quả của bít bao thế hệ với bao nhiêu hi sinh xương máu, nứơc mắt và mồ hôi. Nhà thơ khẳng định ĐN có từ “ngày xửa ngày xưa”-từ thuở đất trời còn hồng hoang- trong những câu chuyện mẹ thường hay kể. Không biết ai là người đầu tiên ăn trầu để rồi họ đẵ tạo ra một tập tục. Nhà thơ thật sâu sắc khi nói đến việc dân mình trồng tre mà đánh giặc trong câu chuyện Thánh Gióng nhổ tre bn đường quật tan giặc Ân. Đúng là nhân dân đã lớn lên trong ý thức chủ quyền ĐN, lớn lên với sức mạnh để bảo vệ sự vẹn tòan của cõi bờ.
Bắt đầu tạo dưng, rồi lớn lên trong khỏang thời gian đằng đẵng mấy nghìn năm, ĐN đã tạo nên biết bao giá trị:
“Tóc mẹ thì bới sau đầu”
Hình ảnh bới tóc sau đầu là nét đẹp tự nhiên của người phụ nữ VN. Nét đẹp ấy góp phần làm nên bản sắc văn hóa dn tợc. Cùng với nét đẹp bn ngoài là vẻ đẹp bên trong:“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Cu thơ gợi nhớ tới câu hát dân gian:Tay bưng đĩa muối chấm gừng- Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Nhắc đến chuyện gừng cay muối mặn là nhắc đến sự vững bền thủy chung trong tình yêu và tình vợ chồng.
Theo tiến trình phát triển, dân tộc ta tiến lên nền văn minh nông nghiệp:
“Cái kèo cái cột thành tên…………Đất Nước có từ ngày đó”
Cái kèo cái cột là tên gọi những bộ phận trong cấu trúc ngôi nhà truyền thống VN và ơng cha ta dùng để đặt tên cho con cái mình. Đó là những tên gọi không thể viết bằng tiếng Hán mà hòan tòan VN. Nghĩa là từ xưa, ơng cha ta đã có những tên gọi riêng, mà by giờ chúng ta gọi là tiếng Việt thân yêu. Từ xưa, tở tiên ta đã biết làm nên hạt gạo để có miếng ăn hàng ngày, tạo dựng nên nền văn minh luá nước, nền văn minh sông Hồng.
Không chỉ tự hào về thời gian lâu dài, nhà thơ còn tự hào về không gian mênh mông của ĐN:
“Đất là nơi anh đến trường- Nứơc là nơi em tắm”
Một điều rất thú vị trong tiếng Việt, từ Đất và từ Nước đứng riêng thì chỉ có nghĩa là đất và nước, nhưng khi kết hợp lại thì thành tổ quốc thiêng liêng. Từ kinh nghiệm sống của mình, những người trồng luá nước đã nhận ra đất và nước là 2 yếu tố hàng đầu. Muốn làm nên ĐN, phải có Đất và Nước. Từ thuở ấu thơ, ta đến trường, chân giẫm lên mặt đất thì Đất ấy là đất của ĐN; mỗi dòng nước cho ta tắm mát thì nước ấy là Nứơc của ĐN.
ĐN hiện ra cả trong những điều tưởng chừng như hòan tòan riêng tư, như lời hẹn hò:
“ĐN là nơi ta hò hẹn - ĐN là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
Nơi hò hẹn là nơi của riêng ta, nhưng nếu không có đất, thì cuộc hẹn hò biết hò hẹn ở đâu? Chiếc khăn vắt trên vai, vì nỗi nhớ thương mà rơi xuống đất, nhưng nếu không có đất, thì chiếc khăn có chỗ nào để rơi.
ĐN c̣n là giang sơn yêu quư qua làn điệu dân ca trữ tùnh:
“ Đất là nơi “con chim phượng hòang bay về hòn núi bạc” - Nứơc là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Hòn núi bạc là nơi cuối cùng của đất. “Nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi” là nơi tận cùng của biển. Đứng trên mặt đất này, nhìn khắp xung quanh, nơi nào cũng là đất và nước của ta. Hai câu thơ như được nhà thơ lấy nguyên từ câu hát ru em xứ Huế, những cảm nhận cụ thể trong những câu hát kia cũng không kém tầm cao vời vợi.
3. Đọan thơ viết rất giản dị, nhưng thật ra bên trong lớp vỏ ngôn ngữ giản dị là nội dung sâu xa, mỗi câu thơ là 1 phát hiện của nhà thơ về đất nước, có hiểu thấu đáo nội dung ấy thì mới thấy được giá trị của đọan thơ. Nhà thơ vận dụng các chất liệu văn hóa dân gian, từ ca dao, dân ca đến các truyền thuyết, từ phong tục tập quán của dân tộc qua những h́nh ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật đậm đà tính dân tộc và giàu chất trí tuệ.


Phân tích "Trong anh và em hôm nay...làm nên ĐN muôn đời"-GDTX

PT: “Trong anh và em hôm nay…….Làm nên Đất Nước muôn đời...” (Nguyễn Khoa Điềm)
1. NKĐ là một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu thời chống Mỹ, cứu nước. Thơ ông giàu chất trí tuệ, cảm xúc được dồn nén và có nhiều liên tưởng phong phú. Đất Nước được trích trong trường ca Mặt đường khát vọng (1971) khá điển hình cho vẻ đẹp của thơ Nguyễn Khoa Điềm những năm tháng ấy. Đoạn trích:
Trong anh và em hôm nay…….Làm nên Đất Nước muôn đời...”
thể hiện suy nghĩ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về mối quan hệ riêng – chung, quan hệ cá nhân – cộng đồng, sự tiếp nối của các thế hệ trong một đất nước, một dân tộc. Những suy nghĩ ấy được thể hiện bằng thơ, tức không đơn thuần là tư tưởng, mà chứa đựng cảm xúc, tình cảm của tác giả. Do đó, có sức lay động tâm tư người đọc.
2. Khổ thơ mở đầu bằng một lời khẳng định:
Trong anh và em hôm nay-Đều có một phần Đất Nước
Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, đất nước luôn là những khái niệm trừu tượng. Với nhà thơ trẻ đang đôi mặt với cuộc chiến tranh khốc liệt một mất một còn, đất nước gần gũi, thân thiết. Đó là nơi ta yêu tha thiết. Đó là buổi sáng làm đồng. Đó là từng miếng ăn quê kiểng mỗi ngày...Song, cái mới ở khổ thơ của Nguyễn Khoa Điềm là Đất Nước ở trong mỗi một con người, Đất Nước ở trong ta : Trong anh và em ... Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm... Đất Nước là máu xương của mình. Đó là nhận thức mới về đất nước. Nhận thức ấy được nêu ra để dẫn dắt đến một ý tứ khác của những dòng thơ ở cuối khổ này (từng cá nhân phải làm gì cho đất nước)
Bốn dòng thơ kế tiếp mở rộng ý ban đầu:
Khi hai đứa cầm tay……..Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Hai câu thơ (bốn dòng) được cấu trúc giống nhau theo kiểu cấu trúc của câu có điều kiện trong văn xuôi hay lời nói thông thường: Khi... Đất Nước. Hai câu thơ cũng là những lời khẳng định (kết quả của sự nhận thức) về một chân lý. Cả bốn dòng chỉ có một hình ảnh, lại là hình ảnh mang tính tượng trưng: cầm tay diễn tả sự thân thiết, tin cậy, yêu thương lẫn nhau. Hình ảnh ấy đi liền với những tính từ chỉ mức độ (hài hoà, nồng thắm, vẹn tròn, to lớn). Bởi vậy, dù ý tứ tuy không phải là quá mới mẻ, song, những câu thơ ấy lại có sức nặng của tình cảm chân thành. Những câu thơ này còn có một tầng nghĩa thứ hai, tác giả không trực tiếp nói ra. Đó là đất nước không phải là một khái niệm trừu tượng, càng không phải một giá trị bất biến, có sẵn. Đất nước là một thực thể sống và sự sống ấy ra sao ở về phía tất cả những con người trong đất nước đó. Nói rõ ràng ra, đó là mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa mỗi một con người với đất nước.
Từ câu chuyện hiện tại, nhà thơ tiếp tục mạch cảm xúc và suy nghĩ về đất nước ở tương lai:
Mai này con ta lớn lên……Đến những tháng ngày mơ mộng…
Đất nước không chỉ có ngày hôm qua và hôm nay. Đất nước của ngày mai. Từng thế hệ kế tiếp sẽ làm cho đất nước trường tồn mãi mãi nhờ bàn tay, khối óc và sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân.Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến khốc liệt thời bấy giờ, phải thấy ở những câu thơ trên còn là một khát vọng: Đất nước sẽ hoà bình, đất nước sẽ tươi đẹp và còn nhiều hơn thế nữa.
Những khổ thơ cuối, nhà thơ nêu lên trách nhiệm của cá nhân đối với đất nước:
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình…..Làm nên Đất Nước muôn đời...
Câu thơ giàu chất duy lý, trở thành lời nhắn nhủ tha thiết. Những từ tượng trưng rất đáng chú ý: máu xương, gắn bó, san sẻ, hoá thân, dáng hình, muôn đời. Sau rất nhiều suy nghĩ cụ thể về đất nước, đến đây nhà thơ khẳng định Đất nước là máu xương của mình. Rất ít trường hợp người ta ví một điều gì đó với máu xương, bởi nó có ý nghĩa biểu trưng cho sự thiêng liêng. Đất nước là máu xương có nghĩa là đất nước tồn tại như một sự sống và để có sự sống ấy hẳn phải có rất nhiều hi sinh. Quả đúng như vậy, biết bao con người, bao thế hệ đã ngã xuống cho sự sống còn của đất nước. Vì thế, mỗi một con người phải biết gắn bó và san sẻ. Gắn bó là yêu thương, quan hệ mật thiết với nhau. Từ sự gắn bó ấy mới có thể san sẻ. San sẻ trách nhiệm, san sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhau. Đất nước vĩ đại nhưng đất nước là một thực thể sống. Thực thể ấy không phải là sự tập hợp của những cá nhân rời rạc mà là một cộng đồng. Hoá thân cũng có nghĩa là dâng hiến. Thời bình, người ta dâng hiến sức lực, mồ hôi cho tổ quốc. Thời chiến, người ta dâng hiến cả sự sống của mình. Sự dâng hiến ấy, theo suy ngẫm của nhà thơ, là cuộc hoá thân. Bóng dáng mỗi người đã làm nên bóng dáng quê hương xứ sở, đất nước. Không có sự hoá thân kia làm sao đất nước trường tồn, làm sao có được đất nước muôn đời! Những câu thơ in đậm chất duy lý cất lên như tiếng gọi của trái tim, vì thế nó thiết tha, thúc giục lòng người.

3. Qua đoạn thơ, nhà thơ đã thể hiện những suy nghĩ mới mẻ của mình về đất nước bằng một giọng trữ tình, ngọt ngào. Câu chuyện về đất nước đối với mỗi người luôn là câu chuyện của trái tim, vừa thiêng liêng, cao cả, cũng vừa gắn bó, thân thiết. Từ suy nghĩ và tình cảm ấy, khi đối diện với kẻ thù của dân tộc, hẳn người ta phải biết làm gì cho Tổ quốc. Ngày nay, đất nước đã sạch bóng quân thù. Nhưng trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước vẫn rất cần đặt ra thường xuyên, bởi đó là câu chuyện không bao giờ cũ.

Phân tích đoạn 1 Tây Tiến - GDTX

Phân tích đoạn thơ “Tây Tiến”: “Sông mã xa rồi Tây Tiến ơi !.... Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
1. Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài, có hồn thơ lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về những người lính. Tây Tiến là bài thơ xuất sắc nhất, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông.Bài thơ bằng bút pháp lãng mạn, sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đã bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc da diết của tác giả về những người lính Tây Tiến anh dũng hào hoa và núi rừng miền Tây hùng vĩ, mĩ lệ. Có thể nói, nỗi nhớ da diết về núi rừng Tây Bắc được lắng đọng trong 14 câu đầu của bài thơ:
“Sông mã xa rồi Tây Tiến ơi ! .... Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
2. Đơn vị Tây Tiến được thành lập1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao sinh lực Pháp. Địa bàn hoạt động của đoàn quânTây Tiến khá rộng; chiến sĩ Tây Tiến phần đông là học sinh, sinh viên Hà Nội, trong đó có QD. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu anh dũng. Đến1948 thì đơn vị Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Tây Tiến được sáng tác năm 1948 dựa trên nỗi nhớ của QD về đơn vị cũ nên toàn bài thơ là một nỗi nhớ cồn cào, da diết.
Hai câu thơ đầu nói lên nỗi nhớ, nhớ miền Tây, nhớ núi rừng, nhớ dòng sông Mã thương yêu:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi ! - Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”
Đã “xa rồi” nên nỗi nhớ không thể nào nguôi được, nhớ da diết đến quặn lòng, đó là nỗi nhớ “chơi vơi”. Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” vang lên tha thiết như tiếng gọi người thân yêu. Từ cảm “ơi!” bắt vần với từ láy “chơi vơi” tạo nên âm hưởng câu thơ sâu lắng, bồi hồi, ngân dài, từ lòng người vọng vào thời gian năm tháng, lan rộng lan xa trong không gian. Hai chữ “xa rồi” như một tiếng thở dài đầy thương nhớ, hô ứng với điệp từ “nhớ” trong câu thơ thứ hai thể hiện một tâm tình đẹp của người chiến binh Tây Tiến đối với dòng sông Mã và núi rừng miền Tây. Sau tiếng gọi ấy, biết bao hoài niệm về một thời gian khổ hiện về trong tâm tưởng.
Những câu thơ tiếp theo nói về chặng đường hành quân đầy thử thách gian nan mà đoàn binh Tây Tiến từng nếm trải. Các tên bản: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu được nhắc đến không chỉ gợi lên bao thương nhớ vơi đầy mà còn để lại nhiều ấn tượng về sự xa xôi, heo hút, hoang dã. Đoàn binh hành quân trong sương mù giữa núi rừng trùng điệp:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, -Mường Lát hoa về trong đêm hơi
               Bao núi cao, dốc thẳng dựng thành phía trước mà các chiến sĩ Tây Tiến phải vượt qua. Các từ láy: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” đặc tả gian khổ của nẻo đường hành quân chiến đấu: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm – Heo hút cồn mây súng ngửi trời!”. Đỉnh núi mù sương cao vút. Mũi súng của người chiến binh được nhân hóa tạo nên một hình ảnh: “súng ngửi trời” giàu chất thơ, mang vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn, cho ta nhiều thi vị. Nó khẳng định quyết tâm của người chiến sĩ chiếm lĩnh mọi tầm cao mà đi tới. Thiên nhiên xuất hiện như để thử thách lòng người: “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Hết lên lại xuống, xuống thấp lại lên cao, đèo nối đèo, dốc tiếp dốc, không dứt. Câu thơ được tạo thành hai vế tiểu đối: “Ngàn thước lên cao // ngàn thước xuống”, hình tượng thơ cân xứng hài hòa, cảnh tượng núi rừng hùng vĩ được đặc tả, thể hiện một ngòi bút đầy chất hào khí của nhà thơ -chiến sĩ. Đoàn quân còn đi trong mưa: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ được dệt bằng những thanh bằng liên tiếp, gợi tả, sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Trong màn mưa rừng, tầm nhìn của người chiến binh Tây Tiến vẫn hướng về những bản mường, những mái nhà dân hiền lành và yêu thương, nơi mà các anh sẽ đem xương máu và lòng dũng cảm để bảo vệ.
Thiên nhiên hoang dã qua tiếng gầm của cọp beo nơi rừng thiêng nước độc, nơi đại ngàn hoang vu:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét -Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
               “Chiều chiều” rồi “đêm đêm”, những âm thanh “thác gầm thét”, “cọp trêu người”, luôn khẳng định cái bí mật, cái uy lực khủng khiếp ngàn đời của chốn rừng thiêng. Quang Dũng lấy ngoại cảnh núi rừng hiểm nguy để tô đậm và khắc họa chí anh hùng của đoàn quân Tây Tiến. Mỗi vần thơ đã để lại trong tâm trí người đọc một ấn tượng: gian nan tột bậc mà cũng can trường tột bậc! Đoàn quân vẫn tiến bước, người nối người, băng lên phía trước. Uy lực thiên nhiên như bị giảm xuống và giá trị con người như được nâng cao hẳn lên một tầm vóc mới. Quang Dũng cũng nói đến sự hy sinh của đồng đội trên những chặng đường hành quân vô cùng gian khổ:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục lên súng mũ bỏ quên đời…”
Hiện thực chiến tranh xưa nay vốn như thế! Sự hy sinh của người chiến sĩ là tất yếu. Xương máu đổ xuống để xây đài tự do. Vần thơ nói đến cái mất mát, hy sinh nhưng không chút bi luỵ, thảm thương.
Hai câu cuối đoạn thơ như lời nhắn gửi của một khúc tâm tình, như tiếng hát của một bài ca hoài niệm:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói - Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
“Nhớ ôi!”, đó là tiếng lòng của các chiến sĩ Tây Tiến. Câu thơ đậm đà tình quân dân. Hương vị bản mường với “cơm lên khói”, với “mùa em thơm nếp xôi” có bao giờ quên? Hai tiếng “mùa em” là một sáng tạo độc đáo về ngôn ngữ thi ca, nó hàm chứa bao tình thương nỗi nhớ, điệu thơ trở nên uyển chuyển, mềm mại, tình thơ trở nên ấm áp. Nhớ mùi hương “cơm lên khói”, nhớ “thơm nếp xôi” là nhớ hương vị núi rừng Tây Bắc, nhớ tình nghĩa, nhớ tấm lòng cao cả của đồng bào Tây Bắc thân yêu.

3. Qua 14 câu thơ, bức tranh thiên nhiên thật hoành tráng, trên đó nổi bật lên hình ảnh chiến sĩ can trường và lạc quan, đang dấn thân vào máu lửa với niềm kiêu hãnh “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Đoạn thơ để lại một dấu ấn đẹp đẽ về thơ ca kháng chiến mà sự thành công là kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.Nửa thế hệ đã trôi qua, bài thơ “Tây Tiến của Quang Dũng ngày một thêm sáng giá.

Phân tích đoan 3 Tây Tiến - GDTX

Phân tích: “ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

1. Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài, có hồn thơ lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về những người lính. Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Bằng bút pháp lãng mạn, sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu bài thơ đã bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc da diết của tác giả về những người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và núi rừng miền Tây hùng vĩ, mĩ lệ. Có thể nói, nỗi nhớ da diết những người đồng đội của Quang Dũng được lắng đọng trong tám câu thơ khắc hoạ bức chân dung người lính Tây Tiến :
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
…..Sông Mã gầm lên khúc độc hành
2. Bài thơ Tây Tiến in trong tập thơ “Mây đầu ô”, sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh khi ông đã rời khỏi đoàn quân Tây Tiến chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Đơn vị Tây Tiến được thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao sinh lực Pháp. Địa bàn hoạt động của đoàn quânTây Tiến khá rộng; chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Bài thơ được sáng tác dựa trên nỗi nhớ, hồi ức, kỉ niệm của Quang Dũng về đơn vị cũ. Thế nên toàn bài thơ là một nỗi nhớ cồn cào, tha thiết.
Nhớ Tây Tiến, Quang Dũng không chỉ nhớ núi rừng mà còn nhớ những người đồng đội cùng trèo đèo lội suối, vượt qua muôn ngàn thử thách, vào sinh ra tử. Nhà thơ đã hồi tưởng và vẽ lại bức chân dung của họ với vẻ đẹp đậm chất bi tráng. Quang Dũng đã chọn lọc những nét tiêu biểu nhất của những người lính Tây Tiến để tạc nên bức tượng đài tập thể, khái quát được gương mặt chung của cả đoàn quân.
Người lính ấy phải sống trong điều kiện sinh hoạt, chiến đấu thiếu thốn nên :
“ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc-Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Hai câu thơ đã đề cập đến một hiện thực, đó là căn bệnh sốt rét hiểm nghèo mà người lính thường mắc phải . Nhà thơ Chính Hữu trong bài Đồng chí cũng đề cập đến căn bệnh này: “ Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh-Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”. Quang Dũng trong bài thơ cũng không che giấu những gian khổ, khó khăn, căn bệnh quái ác đó và sự hi sinh lớn lao của người lính Tây Ttiến, nhưng hiện thực nghiệt ngã ấy lại được nhìn qua một tâm hồn lãng mạn. Những cái đầu cạo trọc để thuận lợi cho việc đánh giáp lá cà, nhữnh cái đầu bị rụng tóc, vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính qua cái nhìn của Quang Dũng lại trở nên oai phong, dữ dằn, lẫm liệt như những con hổ chốn rừng thiêng.
Những người lính ấy một mặt đầy oai hùng, một mặt lại rạo rực tình yêu thương:
“ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới-Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Các chàng trai Tây Tiến với đôi mắt thao thức “trừng” lên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nhưng trái tim vẫn để dành chỗ cho những dáng kiều thơm chốn Hà thành, những người em, những người bạn gái thân thương quê nhà. Quang Dũng với cái nhìn nhiều chiều, đã khắc hoạ chân dung người lính không chỉ ở dáng vẻ bên ngoài mà còn thể hiện được thế giới nội tâm, tâm hồn mộng mơ lãng mạn, phong phú của họ.
Chiến tranh, mất mát hi sinh là không tránh khỏi.Quang Dũng đã nêu lên hiện thực này không che giấu theo cách riêng của ông :
“ Rải rác biên cương mồ viễn xứ-Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Những từ Hán Việt cổ kính, trang trọng: “ biên cương” , “ mồ” , “viễn xứ” , “ chiến trường” kết hợp với từ láy “ rải rác” đã làm giảm nhẹ yếu tố bi thương, làm những đau thương vì mất mát lắng xuống. Điều nổi bật lên là vẻ đẹp lãng mạn của lí tưởng quên mình, xả thân vì Tổ quốc của những người lính Tây Tiến. Cách nói “ chẳng tiếc đời xanh” vang lên khảng khái khẳng định vẻ đẹp hào hùng của các chàng trai Tây Tiến.
Hai câu thơ:
                        “ Áo bào thay chiếu anh về đát-Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Nhắc đến một sự thật bi thảm: những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường hành quân chiến đấu không có đến cả manh chiếu bó thân, qua cái nhìn của Quang Dũng lại được bọc trong những tấm áo bào sang trọng mang dáng dấp của những tráng sĩ oai hùng thuở xưa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cách nói giảm “ anh về đất” làm vợi đi cái bi thương, rồi cái bi ấy bị lấn át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của sông Mã . Quang Dũng đã mượn âm thanh của dòng sông, của thiên nhiên, của hồn thiêng Tây Bắc để nói lời từ biệt, lời biết ơn ngợi ca đồng đội. Câu thơ mang âm hưởng vừa dữ dội , vừa hào hùng khiến cho sự hi sinh của người lính không hề bi luỵ mà thấm đẫm tinh thần bi tráng.

3. Đoạn thơ có giọng điệu chủ đạo là trang trọng, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hy sinh của đồng đội.Với cảm hứng lãng mạn, ngòi bút sắc sảo trên nền hiện thực nghiệt ngã đoạn thơ đã chạm khắc chân dung tập thể những người lính Tây Tiến đậm chất bi tráng. Qua khổ thơ này, QD đã bộc lộ sâu sắc sự gắn bó, ám ảnh, ghi nhớ hình ảnh về đồng đội những ngày gian khổ nơi núi rừng miền tây.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Phân tích: ‘Tây Tiến đòan binh không mọc tóc(đoạn 3)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng:
‘Tây Tiến đòan binh không mọc tóc
………………
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

       Tây Tiến là bài thơ độc đáo của ngườI nghệ sĩ tài hoa Quang Dũng được sáng tác năm 1948, sau khi chuyển đến công tác ở đơn vị khác. Bài thơ đựơc viết theo thể hành rắn rỏi, chi có 34 câu nhưng câu nào cũng hay, chẳng có chữ nào thừa. Bài thơ là sự hồi tưởng những kỉ niệm trong kháng chiến của những người lính trẻ hầu hết xuất thân từ Hà Nội, tái hiện khung cảnh núi rừng hoang dã đến những tình cảm thắm thiết của hậu phương lúc dừng quân. Đặc biệt khổ thơ thứ ba trong bài thơ  đă khắc họa sinh động hình ảnh người lính Tây Tiến:
                                       Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
                                                             ………….
                                         Sông mã gầm lên khúc độc hành.
       Thật vậy, mở đầu đọan thơ là hình ảnh người lính Tây Tiến hiện ra với dáng vẻ khác thường :
                                          Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
                                           Quân xanh màu lá dữ oai hùm
       Đó là người lính “không mọc tóc” và” xanh màu lá”.Chỉ hai chi tiết thôi nhưng tác giả đã tái hiện hình ảnh người lính với hiện thực khốc liêt của bệnh tật. Rừng sâu, nước độc đã tàn phá ngoại hình những chàng trai trẻ đất Hà Thành. Bệnh sốt rét rừng đã khiến cho tóc rụng trọc, da xanh. Nhưng với sức sống của tuổi thanh niên, ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng đã nắm bắt hiện thực cuôc chiến, tô đậm và phóng đại, hiện lên dáng vẻ người lính đẹp lạ thường. Cũng là bệnh sốt rét rừng ấy nhưng với ngòi bút hiện thực, người lính cùng thời của Chính Hữu có vẻ tiều tụy quá “ anh vớI tôi biết từng cơn ớn lanh, sốt run người vầng trán ướt mồ hôi” .Còn người lính Tây Tiến thì phủ nhận hiện thực đó. Đầu “không mọc tóc” chứ không phải là do tóc không mọc đựơc, da “xanh màu lá” không phải vì sốt rét da xanh mà do tác động của sắc màu núi rừng đó thôi ! Người lính không hề ở trong tư thế  bị động mà trái lại chủ động hiên ngang đầy khí phách “ dữ oai hùm”.
   Bên trong ngoại hình ấy là tâm hồn rất mộng mơ:
                               Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
                               Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
   Ôm giấc mộng giết giặc cứu nưóc, những chàng trai ấy bỏ lại sau lưng quê hương với biết bao kỉ niệm êm đềm, có người ngoảnh mặc ngăn dòng nứơc mắt, bỏ mặc gia đình với những bóng dáng yêu thương.Họ dấn thân ra biên ải với giấc mộng giết giặc bảo vệ sự vẹn toàn của tổ quốc, khát vọng lập chiến công: “ Gửi mộng qua biên giới” với ánh mắt hờn căm, nảy lửa nhìn xuyên không gian như muốn thiêu đốt quân thù: “mắt trừng”. Nhưng đôi mắt ấy chợt dịu lại khi mơ về người con gái thanh lịch Hà thành đã một lần đi qua trong nỗi nhớ của anh :
                                       “ Đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm”.
   Cách nhớ không giống Hồng Nguyên  với“ Những người vợ trẻ, mòn chân bên gối gạo canh khuya”( Nhớ). Nỗi nhớ của người lính Tây Tiến không cụ thể “dáng kiều thơm”.Đó không hẳn là người vợ, người yêu, cũng không hẳn là cô láng giềng ; có thể chỉ là một bóng hồng bất chợt đi qua trong những ngày còn ở  Hà Nội mà thôi.
       Nỗi nhớ của Quang Dũng rất đáng trân trọng vì trong những người lính trẻ thời ấy, mộng và mơ như hòa quyện trong nhau, trong tình yêu đất nước “gửi mộng qua biên giới”có tình cảm riêng tư của mỗi cá  nhân “mơ hà nội dáng kiều thơm”. Câu thơ gợi nhớ đến người lính đánh Pháp năm nào của Nguyễn Đình Thi cũng có cùng cảm xúc “ Những đêm dài hành quân nung nấu, bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”( Đất nước). Chính tình cảm riêng tư ấy đã chắp cánh cho tình yêu nước của anh. Chính sự hài hòa của mộng và  mơ đã tiếp thêm sức mạnh để các anh vượt gian khổ lập nên chiến công hiển hách.
      Hai câu thơ tiếp theo, Quang Dũng đã bộc lộ được ý chí hào hùng của người lính Tây Tiến:
                                                   Rải rác biên cương mồ viễn xứ
                                                 Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
   rải rác là thưa thớt, viễn xứ là nơi xa. Quang Dũng không tránh né hiện thực.Nhà thơ tái hiện một không gian lạnh giá, heo hút với hình ảnh trọng tâm òa những nấm mồ hoang của những người con xa xứ ngoài biên ải.
Những hình ảnh nghiệt ngã như thử thách những chàng trai đang phải đối mặt hằng ngày; cái chết không nhiều: “rải rác” nhưng trên vạn nẻo đường hành quân, người lính đi đâu cũng thấy vài ba nấm mồ thấp lè tè qua mưa gió, thời gian của những người lính trẻ xa nhà đã vĩnh viễn nằm lại ngoài biên cương. Các anh cũng chỉ là con người, còn quá trẻ, lòng ham sống sao không khỏi chạnh lòng khi không khỏi nghĩ đến một ngày nào đó mình cũng không về, ...mẹ già, chị yếu, em thơ....còn bao nhiêu hệ lụy của cuôc đời ràng buộc. Có lẽ các anh đã không nén đựơc tiếng thở dài ! Nhưng trót làm trai thời loạn làm sao có thể đặt tình nhà lên trên nợ nước? “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Anh rũ bỏ tất cả, chân lại tiếp tục cùng đồng đội ra chiến trường nhắm thẳng đầu thù để tiêu diệt không hề tiếc nuối “đời xanh”
         Có thể nói, cuộc chiến khốc liêt cùng lam sơn chướng khí đã bào mòn sức khỏe của người trai trẻ đồng bằng, cái gì đến cuối cùng cũng đã đến! Anh vĩnh viễn nằm xuống giữa núi rừng heo hút. Cái chết đã đến, có thể do súng đạn cũng có tểh do bệnh tật thiếu thuốc men “ áo bào thay chiếu anh về đất”. “anh về đất” là biện pháp nói giảm, nói tránh để chỉ cái chết của người lính, không có cách hiểu thứ hai.Nhưng “áo bào thay chiếu anh về đất” là vấn đề có ý kiến không đồng nhất, ( lời thuật chuyện của Trần Lê Văn  kể rằng : ngày ấy mỗi lần người lính ra trận thường đựơc đồng bào địa phương tặng cho chiếc chiếu, sống để đắp , chết bó thây. Và thực tế  đã được nhiều người vận dụng cho rằng : khi nằm xuống người lính chiến không có được cái hòm, chí có chiếc chiếu liệm thân anh mà thôi! Nhưng căn cứ trên câu thơ “áo bào thay chiếu’ thì khi chết người lính không có cả chiếc chiếu để chôn thân, chiếc áo mặc lúc sống là chiếc quan tài che kín thân anh ! hãy nghe Quang Dũng nói “ ngay cả khi nằm xuống, người tử sĩ không có cả manh chiếu liệm. Nói áo bào thay chiếu là cách nói của người lính chúng tôi, kiểu nói ước lệ.Câu thơ trên đây để an ủi những đồng chí của mình ngã xuống giữa rừng.” Như thế đã rõ những người lính chúng ta đã dâng hiến đời mình cho dân tộc đẹp đến chừng nào. Khi vĩnh viễn giã từ cụôc sống, không có một tiếng khóc của người thân.Đồng đội cố nén dòng lệ phân li để giữ vững tinh thần, chỉ có dòng sông Mã thay lời nước non đang gầm lên tiễn đưa người con ưu tú của dân tộc về với đất mẹ. Khúc điều văn bi tráng của sông Mã đã nâng hình ảnh người lính lên tầm vóc núi sông, ngang tầm với trời đất.

      Tóm lại, trong số những bài thơ viết về người lính năm 1948 như Nhớ của Hồng Nguyên, Cá nước của Tố Hữu, Đồng chí của Chính Hữu.....thì Tây Tiến của Quang Dũng nói nhiều đến sự hi sinh.Tác gỉa không ngần ngại nói đến cái chết của người lính ở chiến trường, ở rừng sâu nước độc, ở biên giới Tây Bắc, cái chết vì súng đạn, cái chết vì bệnh tật, thiếu thốn....nhưng đoạn thơ và cả bài thơ vẫn không hề gây cảm giac bi lụy. Chỉ có 8 câu nhưng Quang Dũng đã dựng lên đươc một bức tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến hào hoa, dũng cảm. Nhà thơ đã tái hiện được hiện thực bi hùng trong niềm cảm hứng lãng mạn dạt dào.

Phân tích: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! (doan 1)

Anh /chị hãy phân tích đọan thơ sau đây trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
………………
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Bài làm tham khảo
       Quang Dũng là một nghệ sĩ tài năng : làm thơ, viết văn, vẽ tranh và sọan nhạc.Dù ở thể lọai nào, ông đều có những đóng góp đáng kể.Tây Tiến là một trong những bài thơ tài hoa của ông.Bài thơ được ra đời vào cuối năm 1948 khi nhà thơ chia tay với đơn vị cũ là đòan quân Tây Tiến .Có thể nói, Tây Tiến là một nỗi nhớ da diết của nhà thơ về một miền quê Tây Bắc và về người chiến sĩ Tây Tiến một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.Đặc biệt là đọan thơ sau đây :
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
………………
   Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
là sự thể hiện nỗi nhớ của nhà thơ về con đường hành quân gian khổ của những người chiến sĩ Tây Tiến.
      Tòan đọan có mười bốn câu, được viết theo thể thơ tự do. Mở đầu đọan thơ là hai câu thơ thể hiện một nỗi nhớ của Quang Dũng như bao trùm lên không gian tạo vật và con người  Tây Tiến, Tây Bắc.Đó một nỗi nhớ da diết khôn nguôi về núi rừng, về dòng sông Mã anh hùng :
                                       “ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
                                         Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.”
   Cách dùng cặp từ láy “chơi vơi” để diễn tả nỗi nhớ của Quang Dũng thật mới lạ,giàu sáng tạo.Bởi lẽ , thông thường ít ai lại nói như vậy.Nhưng đặt trong văn bản thơ tái hiện cảnh núi rừng hùng vĩ, dữ dội, gợi lại những kỷ niệm ấm áp “một đi không trở lại” , nỗi nhớ thương như không bám riết vào đâu.Từ đó khái niệm “nhớ chơi vơi” tự nhiên có cơ sở và có sức sống của nó. Một nỗi nhớ không hình, không ảnh , không thể cân đong , đo đếm…nhưng lại da diết và sâu nặng đến vô cùng.Kết cấu câu cảm thán và điệp từ “nhớ có tác dụng cộng hưởng, nhấn mạnh nỗi nhớ.Lời thơ như lời mời gọi và khơi gợi biết bao hoài niệm của một thời đau thương nhưng anh dũng, gian khổ nhưng vĩ đại hào hùng. Để rồi từ đó, nhà thơ để cho tình cảm của mình trở về với từng kỷ niệm cụ thể.
    Trước hết là nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc gắn với các địa danh xa lạ : Sai Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu …làm cho người đọc thêm cái ấn tượng xa ngái, hoang sơ .Thêm vào đó, cách phối hợp thanh bằng, thanh trắc tạo âm hưởng lạ tai, mông lung, vừa tạo cảm giác âu u, kích thích hứng thú phiêu lưu mạo hiểm cho người đọc :
                                     “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
                                       Heo hút cồn mây súng ngửi trời
                                       Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống…”
Có thể nói : với tần số thanh trắc xuất hiện dày đặc trong các câu thơ trê, nhà thơ đã giúp cho người đọc cảm nhận một cách cụ thể về những con đường hành quân gian nan , hiểm trở, nhiều đèo nhiều dốc, gập gềnh, khúc khuỷu mà người lính Tây Tiến đã phải đi qua. Đặc biệt nghệ thuật đối ngữ, tương phản “ngàn thức lên cao >< ngàn thước xuống” càng gợi lên cảm giác hiểm trở rợn ngợp cả người về địc thế hiểm trở của một vùng đất Tây Bắc nổi tiếng là rừng thiêng , nước độc .Để rồi đi hết con đường ấy là một viễn cảnh hết sức lãng mạn với “ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ như một nét vẽ về hình ảnh của những ngôi nhà sàn ở Pha Luông như đang hiện lên mờ mờ trong sương , trong những làn mưa bụi thật đẹp . Đối lập với những câu thơ tòan thanh trắc ở trên, câu thơ này tòan là thanh bằng như trải ra , như chạy dài trong trí tưởng tượng về một khung cảnh thanh bình và thơ mộng . Đó chính là sự khám phá nghệ thuật độc đáo và rất đẹp của Quang Dũng.
    Trên cái nền của thiên nhiên Tây Bắc hũng vĩ và dữ dội ấy, là hình của những người chiến sĩ Tây Tiến .Họ hiện lên thật oai phong lẫm liệt với hình ảnh “súng ngửi trời”.Một hình ảnh vừa gợi vẻ đẹp oai hùng vừa gợi  chút tinh nghịch, nên thơ. Đặc biệt, trên con đường hành quân gia khổ ấy, đã không ít những người chiến sĩ trẻ đã nằm lại :
                                          “Anh bạn dãi dầu không bước nữa
                                          Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
 Ở đây, Quang Dũng không hề nói đến từ “chết”, mà chỉ nói “không bước nữa”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời”.Cách nói này làm cho sự hy sinh của người lính bi mà không lụy ; bi mà tráng, bi mà hùng.Từ đó, sự hy sinh của người lính mang vẻ mỹ học sâu sắc.
     Đặc biệt ở cuối đọan thơ, nhà thơ bộc bạch nỗi nhớ Tây Tiến bằng hai câu :
                                        “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
                                         Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
 Hai câu thơ ngân lên như tiếng hát của một bài ca hoài niệm vừa ngọt ngào, vừa bâng khuâng, tha thiết.Hai tiếng “nhờ ôi” không những thể hiện tình cảm thủy chung mà còn là niỗi nhớ cồn cào , nhớ mênh mang như một tiếng vang bật lên từ cõi nhớ.
      Tóm lại, đây là một trong những đọan trích hay nhất của bài thơ Tây Tiến.Đọan thơ có sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng -mạn. Nhiều câu thơ có sự phối hợp điêu luyện các kỹ thuật tạo hình , hội họa, điện ảnh, điêu khắc và gần gũi với âm nhạc truyền thống.Phải là một cây bút tài hoa mới có được những vần thơ nghệ thuật đến như vậy.Qua đọan thơ, Quang Dũng đã giúp ta có dịp cảm nhận được vẻ độc đáo của nùi rừng Tây Bắc, cảm nhận sâu sắc về sự gian khổ và vẻ đẹp hào hùng của đòan quân Tây Tiến trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp .Từ đó để lại trong ta những tình cảm yêu kính và ngưỡng mộ với thế hệ cha anh đi trước.