Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Phân tích đoạn thơ : “Ta về mình có nhớ ta………Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” (Việt Bắc)

Phân tích đoạn thơ : “Ta về mình có nhớ ta………Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” (Việt Bắc)

1. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn toàn thắng lơị. Tháng 10/1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử này, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc” để ghi lại những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình trong lòng người. Đoạn trích sau thể hiện nỗi nhớ về thiên nhiên thơ mộng và con người Việt Bắc chan chứa tình người:
Ta về mình có nhớ ta
…………………………………………………
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
2. Đọan thơ viết theo thể lục bát dân tộc, lời thơ giản dị và giàu hình ảnh như ca dao. Cảm xúc của nhà thơ được thể hiện qua những lời đối đáp giữa kẻ ở - người đi trong cuộc tiễn đưa. Cặp đại từ xưng hô “mình – ta”, gợi nhớ những câu ca dao quen thuộc ngày xưa:“Mình về có nhớ ta chăng-Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” hay trong cách xưng hô vợ chồng thân thiết gợi màu sắc trữ tình cho tác phẩm.
Mở đầu là câu thơ giới thiệu cảm xúc chủ yếu của cả đoạn:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
            “Mình có nhớ ta” là lời hỏi của người cán bộ về xuôi hỏi người ở lại -VB. Kết cấu của đoạn thơ theo hình thức đối đáp thường thấy trong ca dao dân ca. Nội dung đối đáp là để bộc lộ tình nghĩa cách mạng. Câu hỏi tu từ là cái cớ để bộc lộ tình cảm của người ra về, nhớ nhất là hoa và con người VB. Ở đây thiên nhịên hoà điệu với con người, giữa chúng có mối quan hệ tương hổ, tương sinh lẫn nhau. VB sinh ra con người và con người làm nồng ấm quê hương VB.
            Tám dòng lục bát sau như một bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người VB. Đầu tiên là bức tranh tả cảnh mùa đông ở VB:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
            Ở chốn núi rừng heo hút này, mùa đông rừng biếc xanh đột ngột bùng lên màu đỏ tươi của hoa chuối rừng như những bó đuốc thắp sáng lên rực rỡ. Vẻ đẹp nên thơ và rực rỡ của VB vào mùa đông gợi ở người đọc những rung động sâu xa. Dù mùa đông lạnh giá nhưng sự sống vẫn cứ tuôn trào, đem đến cho con người cảm giác ấm áp. Còn con người mùa đông thì:
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
            Hình ảnh con người xuất hiện mạnh mẽ và tự tin. Hình ảnh này mang đậm nét miền núi với ánh nắng làm lấp loá con dao đi rừng của họ. Từ “đèo cao” cho ta thấy tầm nhìn của nhà thơ hướng lên nơi cao xa hút mắt. Con người ở đây như là kẻ tạo ra ánh sáng, đẹp như viên kim cương toả ánh nắng và hơi ấm xuống mùa đông lạnh lẽo.
            Kế tiếp là cảnh mùa xuân, với hoa mơ nở trắng rừng:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
            Thời gian được xác định là “ngày xuân”. Không gian ở đây biến đổi như là cổ tích. Mới là màu xanh bạt ngàn điểm hoa chuối đỏ, bây giờ nở bung ra những hoa mơ trắng muốt toả hương thơm. Cái màu trắng dìu dịu tinh khiết ấy phủ lên cả cánh rừng, gợi lên trong lòng ta một cảm giác thơ mộng bâng khuâng. Ngoài ra màu trắng của hoa mơ còn gợi cho con người cái thanh thoát hơn, đem lại trong lòng người sự thảnh thơi. Câu thơ cho ta thấy màu xanh đã bị lấn lướt. Mùa xuân ở đây không tưng bừng mà lặng lẽ như ng không kém phần vui:
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
            Mùa xuân miêu tả trong câu thơ rất đặc trưng cho mùa xuân VB. Sợi giang là sản phẩm của VB. Do vậy, người lao động đó là người VB chư không phải người miền xuôi. Nhìn thấy được từng sợi giang là thấy được con người ở tầm gần.
            Thế rồi khoảnh khắc nhàn hạ của mùa xuân cũng qua mau, con người tiếp tục sống cuộc sống của họ trong mùa hè:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
            Bức tranh gợi chú ý cho người đọc bằng thị giác lẫn thính giác. Đầu tiên cái độc đáo ở đây là âm thanh mùa hạ. Hình ảnh nhân hoá “ve kêu” khiến rừng phách đổ vàng. Tiếng ve kêu râm ran đã báo hiệu mùa hạ nhưng ở đây là cuối hạ. Cái lạnh đang tràn ngập núi rừng, lá cây bắt đầu chuyển sang màu vàng, cả rừng phách thay áo mới, chiếc áo vàng óng ánh dưới mặt trời. Cảnh thiên nhiên đẹp và lãng mạn hơn bởi trong rừng bạt ngàn ấy có thêm dáng của một thiếu nữ hái măng một mình. Từ “”hái” thể hiện nét dịu dàng, uyển chuyển, mềm mại của cô gái. Cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt mĩ như thế lại chạm thêm hình ảnh người thiếu nữ nhẹ nhàng làm việc càng tuyệt mĩ hơn. Quả là bức tranh vừa đẹp vừa có thần. Rõ ràng thiên nhiên và con người đã hoà quyện vào nhau tô điểm cho nhau.
            Cuối cùng đoạn thơ đã kết thúc bằng hình ảnh mùa thu cũng không kém phần đẹp đẽ:
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
            Thiên nhiên được miêu tả bằng ánh trăng. Việc sử dụng ánh trăng cũng không có gì độc đáo. Tuy nhiên đặt vào hoàn cảnh này thì ta thấy được niềm mơ ước hoà bình của người cán bộ cũng như toàn dân VB. Tất cả đều nói lên niềm tin tưởng chiến thắng sẽ đến với cách mạng. Câu thơ thiếu cụ thể nên con người ở đây cũng thiếu cụ thể. Từ “ai” nhoà đi để tạo nền cho cả đoạn  và cũng nhằm trả lời cho câu hỏi đầu tiên: “Mình về có nhớ ta chăng”. Tuy hỏi thế nhưng trong lòng họ cũng biết rằng con người ấy vẫn thuỷ chung son sắt. Đây là li đồng vọng trong tâm hồn của cả hai người yêu nhau cùng nhớ, cùng thương: “Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”.

1.                  Với 8 dòng lục bát, TH đã hòan thành 4 bức tranh, bức nào cũng có sự sắc sảo riêng, hợp lại thành cái chung tiêu biểu của cảnh và người VB. Bốn bức tranh ấy nằm trong khuôn khổ của 1 từ “nhớ” được nhà thơ láy lại mấy lần. Đoạn thơ diễn tả được tình cảm nhớ thương VB sâu nặng của người cán bộ CM khi rời VB để trở về thủ đô Hà Nội. Ngôn ngữ uyển chuyển ngọt ngào. Nhịp điệu của câu thơ lục bát êm dịu, có sức ngân vang trong lòng người đọc như khúc hát ru. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét