Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Phân tích đoạn thơ : “Những đường VB của ta…..Vui lên VB đèo De, núi Hồng” (Việt Bắc).

Phân tích đoạn thơ : “Những đường VB của ta…..Vui lên VB đèo De, núi Hồng” (Việt Bắc).

1.         Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được kí kết, miền Bắc được giải phóng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn toàn thắng lơị. Tháng 10/1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử này, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc” để ghi lại một giai đoạn gian khổ và vẻ vang của cách mạng và kháng chiến đã trở thành những kỉ niệm sâu nặng ân tình, nghĩa tình trong lòng người. Đây là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ “VB” đưa người đọc trở lại với không khí hào hùng sôi nổi trong những cuộc hành quân chiến đấu:
“Những đường VB của ta…..Vui lên VB đèo De, núi Hồng”.
2.         Đoạn thơ thể hiện không khí gấp gáp, hào hùng như được dõi theo bước chuyển mình của dân tộc từ bóng tối ra ánh sáng, từ nô lệ đến tự do, hạnh phúc:
Những đường VB của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Câu thơ đã mở ra không gian của cuộc hành quân kháng chiến. Những con đường VB đều như in dấu chân người lính. Nhà thơ sử dụng tiếng “ta” tạo nên cảm giác gần gũi thân thương. Nếu trong toàn bài, kết cấu “mình – ta” dùng để đối đáp thể hiện tình cảm thuỷ chung keo sơn như anh em một nhà thì ở đây chữ “ta” chỉ sự sở hữu – không chỉ của riêng người VB mà của đất nước dân tộc. Có lẽ bởi vậy con đường kháng chiến ấy đã tái hiện không khí đấu tranh, lòng quyết tâm của cả dân tộc nói chung:
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Câu thơ này tái hiện dòng chảy thời gian. Hai tiếng “đêm đêm” đã đưa ta về cả một chặng đường dài lịch sử, những đêm nối đuôi nhau phủ lên núi rừng VB mà không khi nào thấy ngưng nghỉ những bước hành quân. Từ láy mạnh “rầm rập” tạo nên sự hiệu ứng âm thanh và hình ảnh. Câu thơ như làm sống lại những đoàn người bước đi mạnh mẽ, dứt khoát. Thủ pháp so sánh gây ấn tượng cho người đọc về nhịp độ khẩn trương, không khí sôi sục của con người đi chiến đấu. Thời gian đêm tối không khắc hoạ sự vắng lặng mà tạc sâu hơn những khó khăn gian khổ của đoàn quân. Song khó khăn không làm chùn bước con người kháng chiến. Những bước chân rầm rập thể hiện sự cố gắng, quyết tâm, niềm tin và hy vọng sắt đá:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Anh sao đầu súng như là mũ nan
Cặp lục bát này ghi dấu ấn hình ảnh của đoàn quân ở góc nhìn xa, cao rộng hơn. Hình ảnh “điệp điệp trùng trùng” của mây núi được sử dụng cho con người tạo nên hình ảnh sống động và hoành tráng. Người đọc có cảm giác những đoàn quân ấy nối dài như không bao giờ đứt quãng. Câu thơ thứ hai gợi lên hình ảnh rất đẹp. Quân đi giữa rừng núi đêm khuya làm bạn cùng trăng sao. Hình ảnh ánh sao treo đầu mũi súng mang đến vẻ đẹp lãng mạn thơ mộng, gợi ta nhớ tới câu thơ của Chính Hữu “đầu súng trăng treo”. Khoảng cách giữa con người và thiên nhiên như xích lại gần nhau. Nếu súng biểu tượng cho sức mạnh thì sao biểu tượng cái đẹp. Nếu súng là biểu tượng cho chiến tranh thì sao là ánh trăng dẫn đường. Hình ảnh đa tầng nghĩa giàu sức biểu tượng ấy đã bước ra từ tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn tài hoa. Dù được viết trên thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc song âm hưởng sử thi hào hùng , lãng mạn vẫn cất cánh từ hồn thơ giản dị:
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Ánh sáng của những ngọn đuốc đã thắp sáng núi rừng VB, thắp sáng không khí quyết tâm của người lính. Hình ảnh “Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” gợi nhắc về những hình ảnh trong thần thoại sử thi. Mỗi bước tiến của con người , núi đá và thiên nhiên đất trời như phải nhún nhường khuất phục. Câu thơ như kéo gần người đọc đến không khí ngày chiến thắng:
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Đôi câu lục bát này như lời tổng kết khái quát những năm tháng chiến đấu gian khổ mà anh dũng. Hai tiếng “nghìn đêm” khái quát dòng chảy thời gian. Hai tiếng “thăm thẳm” ghi lại chiều sâu không gian hun hút với bao khó khăn gian khổ. Những tháng ngày đã đi qua là điểm tựa cho tương lai độc lập tươi sáng. Câu thơ thể hiện trí tưởng tưởng tượng phong phú của tác giả khi sử dụng hình ảnh so sánh:  ánh đèn pha hay chính là ánh sáng cuả ngày mai, của hy vọng và niềm tin chiến thắng. Nhà thơ đã khám phá thấy sức sống tâm hồn dạt dào, phong phú trẻ trung của những người lính. Nếu ai đã một lần bứơc trên con đường hành quân đều một lần bước trên con đường của niềm tin vào CM và chiến thắng. Bốn câu thơ cuối đã ghi lại cảm xúc hạnh phúc trẻ trung với một niềm vui lớn trải dài trên mọi nẻo đường quê hương:
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp,Yên Khê
Vui lên VB, đèo De, núi Hồng
Không chỉ gặt hái được những chiến công trên núi rừng VB, quân và dân ta còn làm nên niềm vui chiến thắng khắp trăm miền. Đoạn trích đã đi suốt chặng đường dài của cuộc kháng chiến chống Pháp, kết thúc bởi chiến thắng Điện Biên lịch sử. Khắp từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, hạnh phúc chiến thắng lan truyền như tràng pháo mở ra không gian, thời gian mới cho dân tộc.

3.         Cả đọan thơ mang ý nghĩa tổng kết những nét lớn trong quá trình diễn biến của cuộc kháng chiến chín năm trên đất nước ta. Đó là cuộc kháng chiến đầy hi sinh gian khổ, nhưng rât hùng tráng, lạc quan và nay thắng lợi vẻ vang. Với lối thơ lục bát ngọt ngào mang đậm tính dân tộc, dùng những hình tượng quen thuộc trong ca dao, những từ ngữ có sức gợi cảm, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, và giọng thơ sôi nổi hào hung mang chất sử thi. TH đã gây một ấn tượng mạnh trong lòng người đọc về quê hương đất nước và con người VN dưới ánh sáng của CM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét