Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA_THPT NGUYỄN TRÃI

TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI              ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
TỔ NGỮ VĂN                                            MÔN: NGỮ VĂN
        Thời gian: 120 phút
I. Đọc hiểu (3.0 điểm) 
Đọc đoạn văn sau:
          …Phía Đông Nam thành phố, bên kia nhánh sông cùng Vân Dương, là một vùng đất bằng trầm mình trong những khu vườn tre trúc xanh biếc, tên là Vĩ Dạ.
 …Vĩ Dạ là vùng đất bên bờ phía đông sông Hương, là nơi người ta lập vườn theo phong cách dân giã trồng hoa cúc, thường mang lên trung tâm Huế bán để ướp trà, để chơi tết.
…Người bình dân lập vườn theo phong cách dân gian, những hưu quan chán cảnh cân đai, những nghệ sỹ thích đời sống phóng khoáng đều tìm về Vĩ Dạ tụ tập thành một khối cư dân thích tự do mang màu sắc cá nhân. Không nghi ngờ gì nữa chính nơi đây mà người ta có thể tìm thấy chút hương vị tiêu dao của kinh thành Huế từ gốc cỏ bay lên, trong những khu vườn xanh biếc. Vĩ Dạ tồn tại ngàn năm như một nhà ẩn dật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như một buồng phổi hít thở đầy không khí tự do của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá…
(Trích Miền cỏ thơm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, www.tapchisonghuong.com.vn, 7/7/2009) 
            Hãy trả lời những câu hỏi:
Câu 1. Nội dung chính của đoạn văn trên.
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của nó trong những câu văn sau:
Vĩ Dạ tồn tại ngàn năm như một nhà ẩn dật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như một buồng phổi hít thở đầy không khí tự do của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá…
Câu 3. Trong nhịp sống sôi động hiện nay, “những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá” có ý nghĩa gì?
Câu 4. Hình ảnh Vĩ Dạ với “khu vườn” xanh biếc lặp đi lặp lại trong đoạn trích gợi anh/chị nhớ đến câu thơ nào của Hàn Mặc Tử?
II. Phần làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
          Từ không khí nhàn du của Vĩ Dạ, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ với chủ đề: Ý nghĩa của những khoảnh khắc yên tĩnh trong đời.
Câu 2 (5 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước gần gũi, giản dị. Đó là cách nhà thơ đi con đường riêng của mình không lặp lại người khác.
          Anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua đoạn thơ sau đây:
       Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”…mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo  phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
( Trích Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.118 )

------------hết----------








ĐÁP ÁN
I. Đọc hiểu (3.0 điểm) 
Câu 1. Nội dung chính của đoạn văn trên (0,5đ)
Nét đẹp rất riêng của Vĩ Dạ: không gian sống bình dân, yên tĩnh; nơi những tao nhân mặc khách có những giây phút bình yên với những thú vui tao nhã giữa thiên nhiên trong lành.
* Lưu ý: HS diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng thể hiện được nội trên vẫn cho điểm tối đa.
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của nó trong những câu văn sau (1,5đ)
Vĩ Dạ tồn tại ngàn năm như một nhà ẩn dật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như một buồng phổi hít thở đầy không khí tự do của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá…
-         Biện pháp tu từ: so sánh (0,5đ)
-         Tác dụng: Nhấn mạnh và tạo ấn tượng trong việc miêu tả vẻ đẹp của Vĩ Dạ (0,5đ); khiến cho đối tượng miêu tả hiện lên sinh động, cụ thể hơn (0,5đ)
Câu 3. Trong nhịp sống sôi động hiện nay, “những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá” có ý nghĩa gì? (0,5đ)
-         Đó là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…
-         Đó là cách sống có ý nghĩa cân bằng tâm lý trong cuộc sống sôi động với nhịp độ nhanh như hiện nay…
-        
* Lưu ý: HS có cách trả lời khác nhưng hợp lý vẫn cho điểm tối đa.
Câu 4. Hình ảnh “khu vườn” xanh biếc lặp đi lặp lại trong đoạn trích gợi anh/chị nhớ đến câu thơ nào của Hàn Mặc Tử? (0,5đ)
            Vườn ai mướt quá xanh như ngọc – Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ)
II. Phần làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 đ). Từ không khí nhàn du của Vĩ Dạ, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ với chủ đề: Ý nghĩa của những khoảnh khắc yên tĩnh trong đời.
* Về nội dung, đoạn văn có những ý sau (1,25đ):
- Nêu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của những khoảnh khắc yên tĩnh  trong đời (0,25đ)
- Những khoảnh khắc yên tĩnh trong đời là khoảnh khắc của những thú vui tao nhã, hòa cùng thiên nhiên, để tâm hồn thư thái, nhàn nhã; là khoảnh khắc thanh lọc tâm hồn trong không khí nhàn du. (0,25đ)
- Nêu ý nghĩa: Những khoảnh khắc yên tĩnh giúp ta cân bằng tâm lý, từ đó có hiệu quả trong công việc; yêu đời, lạc quan hơn trong cuộc sống,… (0,5đ)
- Liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc cá nhân để làm rõ ý nghĩa của những khoảnh khắc đó. (0,25đ)
* Về kỹ năng, đoạn văn đảm bảo những kỹ năng: (0,75đ):
- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn (0,25đ)
- Sáng tạo (0,25đ)
- Dùng từ, chính tả, đặt câu (0,25đ)
Lưu ý: Nếu HS viết bài văn thì cho điểm tối đa là 1 điểm.
Câu 2 (5đ).
* Về nội dung, đoạn văn có những ý sau (3,75đ):
 - Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, chương Đất nước; giới thiệu ý kiến và đoạn trích trong đề bài. (0,5)
- Giải thích ý kiến: Ý kiến khẳng định nhà thơ NKĐ đã xây dựng hình ảnh một Đất Nước giản dị, quen thuộc với tất cả mọi người; chứ không phải là một Đất Nước kì vĩ, xa xôi như những tác giả khác. Nội dung đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật đặc biệt. Đây chính là nét riêng - mới mẽ - trong phong cách nghệ thuật của nhà thơ. (0,25)
- Phân tích đoạn thơ để làm rõ ý kiến:
+ Đoạn thơ thể hiện cảm nhận mới mẻ và độc đáo về Đất Nước. (1,0)
++ Tác giả đã cảm nhận Đất Nước trong chiều sâu văn hóa - lịch sử và trong cuộc sống đời thường của mỗi con người. Nhà thơ không dùng niên đại và sự kiện lịch sử để nói về Đất Nước, mà dùng giọng điệu quen thuộc của cổ tích bắt đầu bằng ‘‘ngày xửa ngày xưa…’’.
++ Sự ra đời của Đất Nước gắn với sự ra đời của những truyện cổ tích, của phong tục ăn trầu và tập quán búi tóc sau đầu, của lối sống chung thủy tình nghĩa, của truyền thống chống ngoại xâm kiên cường và bền bỉ, của truyền thống lao động cần cù, của cách ăn cách ở trong sinh hoạt… Nói cách khác, sự ra đời của Đất Nước gắn liền với sự hình thành văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người Việt Nam, gắn với đời sống gia đình. Những gì làm nên Đất nước cũng là những gì làm nên điệu hồn dân tộc, làm nên sự sống của mỗi người. Vì vậy mà Đất Nước hiện lên vừa thiêng liêng, tôn kính, lại vừa gần gũi, thân thiết.
+ Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng cách nói giản dị đến bất ngờ để nói về sự ra đời của Đất Nước: (1,0)
++ Sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian (dùng những hình ảnh gần gũi trong cuộc hằng ngày, những tình cảm gia đình thân thương, những hình ảnh quen thuộc của ca dao, cổ tích, truyền thuyết…). Tác giả chỉ bắt lấy linh hồn của những câu chuyện, những phong tục…để từ đó đem đến cho người đọc những trường liên tưởng sâu xa. Vì vậy mà Đất nước trong mỗi người đẹp một cách riêng đồng thời ĐN hiện lên trong tâm thức người đọc cả một chiều dài văn hóa.
++ Kết hợp chất chính luận và trữ tình. Giọng thơ trữ tình trầm lắng, cảm xúc dồn nén. Nén trong từng câu chữ là vốn sống, vốn văn hóa, tình yêu Đất nước. Ngôn ngữ dung dị.
- Bình luận về ý kiến: (0,5)
+ Đây là một ý kiến chính xác đã khái quát được giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ và thấy được những phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đề tài Đất nước - Đất nước của Nhân dân, của ca dao thần thoại, của đời thường.
            + Mỗi nhà thơ khi sáng tạo cần tạo cho mình một lối đi riêng, đó là con đường duy nhất để khẳng định tên tuối của nhà thơ, sức sống của tác phẩm.
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Hình tượng ĐN trong thơ NKĐ mới lạ, độc đáo nhưng rất gần gũi, dung dị. Đó là cách để tạo nên một nhà thơ NKĐ không lặp lại bất kì nhà thơ nào trong lịch sử văn học nước nhà. (0,5)
* Về kỹ năng, bài văn đảm bảo những yêu cầu: (1,25đ):
- Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5đ)
- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn (0,25đ)
- Sáng tạo (0,25đ)
- Dùng từ, chính tả, đặt câu (0,25đ)


------------hết----------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét