Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Tư liệu hay: TRẦM TÍCH VĂN HOÁ NGƯỜI VIỆT TRONG ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Lương Minh Chung

TRẦM TÍCH VĂN HOÁ NGƯỜI VIỆT
TRONG  ĐÂY THÔN VĨ DẠ CỦA HÀN MẶC TỬ 



Mỗi tác phẩm văn học đều có một đời sống văn hoá tinh thần tự trị riêng. Đời sống ấy diễn tiến kể từ khi nhà văn chia tay đứa con tinh thần của mình, và tác phẩm được chuyền đến tay bạn đọc. Tuỳ thuộc vào từng trường nhìn mà người ta thu nhận được những kết quả nhất định. Điều đó rất đúng đối với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Xuất phát từ tình yêu đối với văn chương, con người và mảnh đất miền duyên hải, chúng tôi xin mạnh dạn đề cập thêm một hướng tiếp cận tác phẩm dưới góc nhìn văn hoá. Cũng xin bạn đọc xem bài viết này như một sự cảm nhận chủ quan của riêng tôi. Và đã là sự cảm nhận chủ quan thì đó là một Đây thôn Vĩ Dạ trong mắt tôi. Bạn đọc có ai quan tâm đến những dòng này, xin hiểu cho điều ấy.

Cần phải nói ngay rằng, xuyên suốt ba khổ thơ là một sự trải nghiệm buồn. Trong khung cảnh bàng bạc của nỗi buồn, Hàn mặc Tử đã hiện diện như một cá nhân xuất sắc mang theo sứ mệnh thiêng liêng, đó là một mã di truyền văn hoá mà tổ tiên người Việt từ thuở xa xưa còn gửi lại trên đất nước này. Vì thấp thoáng sau câu hỏi tu từ Sao anh không về chơi thôn Vĩ?, còn có những biểu tượng mà người hoạ sĩ ngôn từ đã khéo dùng để tô điểm cho phông nền của khu vườn với những đường nét, màu sắc giàu tính nhân sinh. Bởi nói đến “nắng hàng cau” ta đâu chỉ tri nhận bằng thị giác. Đành rằng, khi “nắng mới lên”, bình minh ấy sẽ gột rửa cho khu vườn thôn Vĩ sau một đêm sương thành lá ngọc cành vàng. Đã từng có ý kiến cho rằng, khổ thơ đầu diễn tả những cung bậc tình cảm náo nức, vui tươi. Riêng tôi, tôi thấy bài thơ buồn ngay từ đầu. Bởi khi nhắc đến “hàng cau” sẽ khiến nhiều người đọc liên tưởng đến một biểu tượng kết hợp thú vị khác, đó là dây trầu.

Phải chăng, dụng ý mà tác giả muốn độc giả suy ngẫm ở đây là một cái gì khác cao thượng hơn, sâu sắc hơn. Rõ ràng, trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam hiện đaị, motiv trầu cau thường được nhiều nhà thơ nhắc đến như một ẩn dụ phổ biến của câu chuyện tình duyên. Chẳng hạn “Nhà em có một giàn giầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng/ Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?” (Tương tư - Nguyễn Bính), hoặc “Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới/ Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau/ Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn/ Đâu ngờ lúc đó mất tin nhau” (Núi Đôi - Vũ Cao).

Tuy nhiên, biểu tượng trầu - cau hay câu chuyện tình duyên trong Đây thôn Vĩ Dạ chẳng thể hoà quyện vào nhau được, vì có hàng cau nhưng thiếu đi bóng dáng của dây trầu. Dù cho hàng cau thôn Vĩ trong mắt cái tôi trữ tình có ánh lên những sắc biếc xanh, nhưng đó chỉ là một nửa chẳng tròn đầy. Vì vậy, từ trong sâu thẳm đáy lòng người thi sĩ vẫn cứ nhức nhối một câu hỏi tu từ, và cái màu xanh ngọc dưới ánh nắng ban mai cứ như trêu ngươi, như xoáy vào lòng người ở xa một nỗi buồn tội nghiệp. Quan sát rộng hơn sẽ dễ dàng nhận thấy, chen lẫn trong khu vườn ai “mướt quá” có thể có sắc xanh non tơ của trầu vàng. Khi ấy, khu vườn tưởng tượng trong mắt thi nhân sẽ biến đổi thành một viên ngọc quý khổng lồ, và đính kèm theo nó là một tập hợp màu tiềm ẩn, cùng thứ ánh sáng diệu kỳ đang tỏa ra lẫn với thứ hương vị cay nồng còn thơm trong ký ức, để tương ứng với vẻ đẹp xa xa của hàng cau còn đứng lưng chừng trời. Có như vậy mới góp thêm một phần nữa để tương xứng với cau xanh, nhưng tất cả chỉ là giả định, là “vườn ai”, và chen lẫn trong khu vườn thôn Vĩ là một khuôn mặt tội nghiệp, khuất lấp của cái tôi trữ tình. Đó là hình bóng con người về chơi mà len lén, như có một nỗi niềm gì đó muốn nói nhưng chẳng nên lời. Về biểu tượng cau và sự liên đới của câu chuyện này với Sự tích trầu cau, chúng tôi xin nói thêm ở phần sau.

Ở khổ thơ thứ hai, có một cặp phạm trù được Hàn Mặc Tử đặt trong tương quan nghịch chiều như Gió theo lối gió mây đường mây. Cảnh tượng ấy được nhà thơ kiến trúc như một giấc mơ diệu kỳ, mà sau khi bừng tỉnh, người đọc rất khó đoán định cho thật rõ ràng về dòng thời gian cơ học kiểu Newton. Hình như trong một đêm trăng buồn, có một bàn tay vô hình nào đó đang tung nỗi buồn trắng xoá vào dòng nước để gửi về cõi xa xăm. Khi tri nhận không gian trăng và nỗi buồn thiu ấy, người đọc cảm giác như có một làn hơi lạnh và nỗi cô đơn thổi tràn trên da thịt. Cũng vậy, hai câu thơ tiếp  Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay cũng rất mơ hồ và khó minh định.

Phải chăng, chúng ta nên lí giải hai câu thơ này theo logic kỳ diệu của giấc mơ, của huyền thoại. Chỉ trong giấc mơ, con người mới có thể nuốt vào mình những khoảnh khắc tuyệt vời của cái đẹp để thoả mãn trong không gian và thời gian. Từng có nhà nghiên cứu viết rất tinh tế về hai câu thơ này “Ở đó ta dường như không nghe tiếng động thực nào, dù lắng trong âm hưởng của hai từ chởkịp còn thấy hắt ra nhè nhẹ hơi thở chốn phàm trần, và ta thấy thuyền trăng lướt đi thắc thỏm vào niềm lo âu mơ hồ vừa được đánh thức”[1, 169].

Tuy nhiên, con thuyền trăng và cái đẹp mông lung ấy vẫn như một cái gì đó quá tải, con đường từ cõi mơ trở về cõi thực vẫn còn quá xa vời, cái duy nhất còn đọng lại là một sự hoài nghi. Mặt khác, dòng thời gian trên có vẻ bị xoá nhòa như thời gian trong cổ tích, như cái đêm lạnh mà ba người trong Sự tích trầu cau cứ vô tình nương tựa vào nhau bên một dòng suối lớn.

Đấy là sự thống nhất trong chỉnh thể nghệ thuật. Chính vì vậy, ở khổ thơ cuối, tâm hồn người trở về vẫn còn một điểm tựa nào đó để bấu níu ở một miền hoài niệm thuở xa xưa. Tiếp nữa, bằng việc lặp lại cụm từ chỉ khách thể trữ tình “khách đường xa”, con đường trở về với khu vườn thôn Vĩ của chủ thể vẫn như là không tưởng. Chắc chắn hai câu thơ trên còn có một sự kết dính chặt chẽ với khổ thơ đầu, với biểu tượng hàng cau. Vì con đường trở về chỉ là giả định nên người trong cuộc tất yếu phải mộng mơ. Đọc tiếp câu thơ Áo em trắng quá nhìn không ra chúng ta thật sự bị ám ảnh bởi sắc màu cụ tượng. Đến đây, chúng tôi xin được trở lại với tích trầu cau ở luận điểm trên, và để hiểu thêm giá trị của các biểu tượng trong toàn bài thơ. Có thể, biểu tượng trầu vẫn còn lẫn khuất đâu đây trong khu vườn thôn Vĩ, để một lúc nào đó sẽ ánh lên, cộng hưởng với hàng cau, thì màu áo “trắng quá” gợi cho ta liên tưởng đến một biểu tượng tương đồng khác, đó là vôi trắng. Tương tự như văn học dân gian, biểu tượng tà áo trắng ở đây ngoài nghĩa tinh khiết, trinh nguyên của một người con gái, chắc chắn nó còn là niềm khát khao hạnh phúc đến “tột cùng” của nhà thơ, của sự hoà quyện cau xanh, vôi trắng, trầu vàng.

Nói cách khác, ẩn sau “hàng chữ gấm” là “đôi mắt mờ lệ” của một con người đang độc đạo trên con đường đi tìm câu hát Lý thương nhau (dân ca Nghĩa Bình), từ đó giúp ta dễ dàng nhận ra giá trị đích thực của tác phẩm qua “lớp biểu tượng trầm tích” [2, 269]. Có phải Hàn Mặc Tử đã quá yêu thương cuộc đời mà phổ vào giấc mơ của mình một dáng hình “hoá đá”. Mặt khác, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy việc nhà thơ sắp xếp các các biểu tượng văn hoá này như một sự sao chép bất chợt các kỷ niệm được định hình từ giấc mơ. Do vậy, có biểu tượng rất tường minh như hàng cau, lại có biểu tượng nhập nhoè như màu vôi trắng, và trong “vườn ai” biết đâu có sự che khuất, đan xen, trộn lẫn với màu xanh của loài thảo mộc khác mà ta rất khó, hoặc không thể nhận ra bóng dáng lá trầu.

Có phải do những giới hạn phân cách của không gian trở về hay sự mờ nhoè của nước mắt ! Bên cạnh sự chia cắt, phân mảnh rời rạc, sự trống vắng của một trong ba biểu tượng, cho ta thấu hiểu hơn về bi kịch cô đơn muôn thuở của con người trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Dù sao đi chăng nữa, niềm khát khao hạnh phúc, sự tin tưởng vào một mối lương duyên cũng chẳng bao giờ trọn vẹn, vì trong tam vị nhất thể kia còn thiếu biểu tượng lá trầu.Thêm nữa, trong thơ Hàn Mặc Tử, có một gam màu ám ảnh thường trở đi trở lại đó là màu trắng.

Chẳng hạn “Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ/ Em lấy chồng rồi hết ước mơ/ Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng/ Ngồi lên để thả cái hồn thơ” (Em lấy chồng). Tại sao khi người con gái ấy đi lấy chồng, nhà thơ lại đi tìm mỏm đá trắng ? Đi tìm mỏm đá trắng hay tìm lại chính mình và hoá đá như Sự tích trầu cau ! Có lẽ vì thế mà mỗi khi màu trắng trở lại, cái màu có liên quan đến tình yêu lứa đôi và hạnh phúc vợ chồng, đã khiến tác giả không ít lần kêu lên khắc khoải “Ống quần vo vấn lên đầu gối/ Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình”, hoặc “Chết rồi xiêm áo trắng như tinh”, hay “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”... 

Nhớ lại Sự tích trầu cau của người Việt, chúng ta có cảm giác thơm cay nồng nàn trong miệng, cũng thật sự cảm phục về sức sống bền bỉ của dòng chảy văn hoá trong văn chương. Dòng chảy ấy vẫn như những mạch nước ngầm chợt phun trào, và ánh lên những vỉa tuyệt đẹp nhờ sức nặng của con chữ, dù cho Hàn Mặc Tử không ý thức được tích trên ! Và ở một chốn bất định nào đó, hình bóng con người vẫn còn che lấp sau một làn khói sương ảo mờ, tất cả sẽ như là ảo ảnh. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ khép lại bằng một câu hỏi buồn, ở đó Hàn Mặc Tử sẽ hỏi cho tất cả những ai còn vương tơ lòng với cái đẹp, và nặng nợ với tình yêu, hạnh phúc. Dư âm của bài thơ vẫn còn một chút ngậm ngùi, một nỗi niềm thương cảm pha chút lo âu, trách móc, dỗi hờn. Đó cũng là tính hai mặt của tình yêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Phan Huy Dũng, Đây thôn Vĩ Dạ và nỗi niềm của Hà Mặc Tử, in trong Phan Huy Dũng, Lê Huy Bắc, Thơ mới trong trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008.

2.     Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ mới : Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét