Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

ĐỀ THI BÀI "ĐẤT NƯỚC" THEO HƯỚNG 2019


(1)Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

(2)Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
                                                                                    (Đất Nước – NKĐ)
PT những đoạn thơ trên, từ đó hãy nhận xét về những suy nghĩ và cảm nhận mới mẻ của NKĐ về ĐN.
 BÀI LÀM
Nguyễn Khoa Điềm sinh 1943, trong một gia đình tri thức có truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng ở tỉnh TTH. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nt trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông lôi cuốn người đọc bởi xúc cảm lắng đọng, giàu chất suy tư, mang màu sắc trữ tình-chính luận. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo ấy là đoạn trích “ĐN”. “Đất Nước” trích phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”- tác phẩm được viết vào năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra khốc liệt. Bản trường ca ra đời nhằm thức tỉnh thế hệ trẻ miền Nam xuống đường chống Mĩ cứu nước. Tuy nhiên, hình ảnh Đất Nước trong thơ ông không chỉ có đau thương mất mát hay chỉ có cảnh sơn hà hùng vĩ mà Đất Nước hiện lên trọn vẹn qua những suy nghĩ và cảm nhận hết sức mới mẻ. Cụ thể qua những đoạn thơ sau: (thơ)

Khái quát: Đất Nước vốn là một đề tài lớn và xuyên suốt trong chiều dài lịch sử VHVN. Điều đó có thể giải thích từ lịch sử đấu tranh sinh tồn của dân tộc phải trải qua hàng ngàn năm liên tục chiến đấu gìn giữ đất nước, cho nên người Việt Nam luôn luôn gắn bó sâu nặng với đất nước. Trong văn học thời phong kiến có những kiệt tác viết về đất nước như bài thơ thần của Lí Thường Kiệt, “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi… Từ sau Cách mạng Tháng Tám, đề tài này xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Duy, Thanh Thảo,.... Nhưng đoạn trích “Đất Nước” nói riêng, trường ca “Mặt đường khát vọng” nói chung, vẫn chiếm được cảm tình của người đọc, bởi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho đề tài này những mới mẻ, không giống bất kì cây bút nào.
PT đoạn 1: Khác với các tác giả khác, Nguyễn Khoa Điềm không định nghĩa Đất Nước ở phương diện lịch sử, hay ở khía cạnh chính sử mà ông tìm hiểu Đất Nước ở những cái thân quen, gần gũi tưởng chừng như nó kết tinh, hóa thân ở ngay trong cuộc sống của mỗi chúng ta:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Câu thơ mở đầu được tác giả viết ra thật bình dị như một lời nói thường nhật của bất kì một người nào khi được hỏi “ĐN có từ bao giờ?”. Câu thơ như một lời trò chuyện, một chân lý vốn có, một sự thật hiển nhiên: “Đất Nước đã có rồi”. Nghĩa là khi vừa mới lọt lòng thì Đất Nước đã tồn tại từ rất lâu trước đó. Điều đó cũng có nghĩa Đất Nước là những gì vô cùng gần gũi, binh dị, gắn bó thật sâu nặng với mỗi con người, mỗi gia đình. Tác giả dùng từ “ta” chứ không dùng từ “tôi” nhằm khẳng định Đất Nước không của riêng ai, mà là của tất cả mọi người. Câu thơ mở đầu đã hoàn thành được sứ mệnh của nó, thể hiện được tư tưởng tác phẩm: “Đất Nước của Nhân Dân”.
Vì Đất Nước của Nhân Dân nên khi truy nguyên về nguồn cội, Nguyễn Khoa Điềm tìm trong dã sử, trong những câu chuyện cổ tích mẹ kể hàng ngày:
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Với NKĐ, Đất Nước thật gần gũi, hiện diện trong những câu chuyện cổ tích thường mở đầu bằng “ngày xửa ngày xưa”. Câu thơ khiến ta nhớ đến hình ảnh người bà, người mẹ thường hay kể chuyện cho con cháu nghe, là hình ảnh cô Tấm bị mẹ con Cám bắt nạt, là hình ảnh nàng tiên bước ra từ quả thị…. Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” thật quen thuộc và gần gũi với con người Việt Nam. Bởi, mỗi câu chuyện là mỗi bài học đạo lí dạy ta biết ở hiền gặp lành, biết sống thủy chung,… Tác giả không dùng từ ngữ, hình ảnh hoa mĩ tráng lệ mang tính biểu tượng để thể hiện Đất Nước mà dùng cách nói giản dị, tự nhiên, dễ hiểu, dễ thấm vào lòng người. Tác giả giúp ta tìm hiểu Đất Nước có từ nền văn hóa dân gian cha ông ta để lại.
Tác giả cũng cảm nhận Đất Nước gắn với phong tục tập quán, hình thành nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”
Đó là tục ăn trầu, là miếng trầu giao duyên, miếng trầu nên nghĩa nên tình để thành một nét văn hóa đẹp của dân tộc. Miếng trầu gợi nhớ đến truyện cổ tích “Trầu cau” thắm đượm tình anh em, tình vợ chồng; là câu thành ngữ đã thành câu nói cửa miệng của dân gian: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”… Hình ảnh trầu cau có mặt trong những lễ cưới hỏi để trở thành một nét văn hóa của người dân VN. Và cũng trong những truyền thuyết ấy, xuất hiện hình ảnh người anh hùng làng Gióng, nhổ tre bên đường đánh đuổi giặc Ân:
“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc”
Bốn ngàn năm qua, Đất Nước Việt Nam phải chịu biết bao trận chiến xâm lược của chế độ phong kiến phương Bắc, và lúc bấy giờ là thế lực cướp nước của tư bản phương Tây. Có thể nói, Đất Nước chúng ta sống trong chiến tranh và trưởng thành trong những cuộc chiến tranh vê quốc vĩ đại. Hình ảnh “cây tre” còn gợi lên hình ảnh của con người Việt Nam, cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó: “Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre anh hùng chiến đấu, tre anh hùng đánh giặc”. Như vậy, từ khi có ĐN, ông cha ta đã có ý thức bảo vệ ĐN, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và để lại cho đời sau.

PT đoạn 2: Với cách tiếp cận ĐN như thế, không khó hiểu khi NKĐ chọn cho mình giọng điệu tâm tình, thủ thỉ, lối trò chuyện thân mật, tự nhiên. Vẫn bằng lời trò chuyện tâm tình, nhà thơ đã diễn giải khái niệm Đất Nước theo kiểu riêng của mình:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Tác gỉa đã khai thác cách cấu tạo từ tiếng Việt- từ ghép “ĐN” để đi sâu vào từng thành tố làm nên ĐN. Tác gỉa đã tách “ĐN” thành “Đất” và “Nước” rồi hợp nhất trong một chỉnh thể thống nhất hài hoà. Cứ thế tách rồi hợp, hợp rồi tách, ĐN hiện ra vừa cụ thể, riêng tư, gần gũi, nhỏ bé; vừa lớn lao cao cả, thiêng liêng. Thật thú vị khi tách riêng Đất gắn với anh, Nước gắn với em, khi đôi ta hòa hợp thì thành Đất Nước. Chia tách rồi hợp lại, nhà thơ xoay trở nhiều mặt, nhiều chiều để khám phá Đất Nước sâu sắc hơn. Trong văn học từng có cách nhìn Đất Nước trong không gian mênh mông:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
(Nguyễn Đình Thi)
 Đến trường ca “Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa Đất Nước trở về với không gian sinh hoạt thân thương, dung dị, đời thường: Đất là nơi anh đến trường- Nước là nơi em tắm. Đất mở ra cho anh một chân trời kiến thức, nước gột rửa tâm hồn em trong sáng dịu hiền. Cùng với thời gian lớn lên, Đất Nước trở thành nơi anh và em hò hẹn. Không những thế, Đất Nước còn người bạn chia sẻ những tình cảm nhớ mong của những người đang yêu. Hình ảnh “chiếc khăn” gợi cho người đọc nhớ đến bài ca dao: “Khăn thương nhớ ai…” chất chứa bao tình yêu thương, nhớ mong sâu nặng của những người yêu nhau. Đất và Nước tách rời khi anh và em đang là hai cá thể, còn hoà hợp khi anh và em kết lại thành “ta”.
Đất Nước còn là nơi trở về của những tâm hồn thiết tha với quê hương. Hình ảnh “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, con cá ngư ông móng nước biển khơi” mang phong cách dân ca miền Trung, thẫm đẫm lòng yêu quê hương cả tác giả. Đất Nước mình bình dị, quen thuộc nhưng đôi khi cũng lớn rộng, tráng lệ và kì vĩ vô cùng, nhất là đối với những người đi xa. Dù chim ham trái chín ăn xa, thì cũng giật mình nhớ gốc cây đa lại trở về.
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Nhận xét: Như vậy, trong những cảm nhận ban đầu của NKĐ, khởi nguyên của Đất Nước chưa phải là những trang sử hào hùng với những chiến tích của thuở hồng hoang vĩ đại mà là những huyền thoại, những truyền thuyết, những phong tục tập quán riêng biệt đã có ngàn đời nay. Lịch sử lâu đời của ĐN không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp các triều đại hay các mốc son lịch sử chói lọi mà được nhìn từ trong chiều sâu văn hoá và văn học dân gian. Còn trong cách nhìn về không gian ĐN, NKĐ nghiêng nhiều hơn về không gian riêng tư, không gian đời thường rất đổi nhỏ bé, bình dị, gần gũi. Đây chính là điểm mới trong cách nhìn về nguồn cội và cách định nghĩa về ĐN của NKĐ. Nhà thơ sử dụng tài tình và hiệu quả chất liệu văn học, văn hóa dân gian gợi dậy trong tâm thức người đọc cả một bề dày và chiều sâu văn hóa nghìn đời của dân tộc. 
.......
Tóm lại, “Đất Nước” được coi là phần hay nhất của trường ca “Mặt đường khát vọng” và tiêu biểu cho suy nghĩ mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước. Qua đó, tác giả khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam trong mỗi người đọc. Đoạn trích còn tạo nên một tượng đài về Tổ quốc Việt Nam bằng thơ, tượng đài ấy vĩnh hằng qua thời gian, năm tháng và trong lòng mỗi người dân Việt Nam yêu đất nước mình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét