Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

ĐỀ THI THỬ 12A3,12A6 VÀ ĐÁP ÁN NĂM 2019


TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI
              LỚP 12A3, 12A6

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2018 - 2019
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi có 02 trang)

I/ ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:
(1)Tôi chưa từng đi qua chiến tranh
Chưa thấy hết sự hy sinh của bao người ngã xuống
Thuở quê hương còn gồng gánh nỗi đau.

(2)Tôi lớn lên từ rẫy mía, bờ ao
Thả cánh diều bay
Lội đồng hái bông súng trắng
Mẹ nuôi tôi dãi dầu mưa nắng
Lặn lội thân cò quãng vắng đồng xa.

(3)Tôi lớn lên từ những khúc dân ca
Khoan nhặt tiếng đờn kìm
Ngân nga sáo trúc
Đêm Trung thu say sưa nghe bà kể
Chú Cuội một mình ngồi gốc cây đa.

(4)Thời gian qua
Xin cám ơn đất nước
Bom đạn mấy mươi năm vẫn lúa reo, sóng hát
Còn vọng vang với những câu Kiều
Trong từng ngần ấy những thương yêu
Tiếng mẹ ru hời
Điệu hò thánh thót
Mang hình bóng quê hương tôi lớn thành người

(5)Đất nước của tôi ơi!
Vẫn sáng ngời như vầng trăng vành vạnh.
(“Cám ơn đất nước”, Huỳnh Thanh Hồng, https://www.thivien.net)
Câu 1 (0.5 điểm). Chỉ ra những những từ ngữ, hình ảnh miêu tả “hình bóng quê hương” trong đoạn (2), (3) ?
Câu 2 (0.75 điểm). Cũng như những tác giả khác, khi viết về đất nước, nhà thơ Huỳnh Thanh Hồng cũng dựa vào ba phương diện. Anh/chị hãy chỉ ra ba phương diện đó trong đoạn (4) ?
Câu 3 (0,75 điểm). Nhận xét hiệu quả của biện pháp tu từ trong đoạn (5) ?
Câu 4 (1.0 điểm). Theo anh/chị, vì sao tác giả nói “Tôi lớn lên từ những khúc dân ca”?

II/ LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
         Từ nội dung ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Câu 2 (5 điểm)
Trong bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví von vẻ đẹp sông Hương như sau:

Lúc ở thượng nguồn: “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại (…) khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.”

Khi về ngoại vi thành phố Huế: “Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại (…) sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới gặp thành phố tương lai của nó.”

 (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, tập 1)

Anh/chị hãy phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong những lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật nét tài hoa trong phong cách kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

……………………………..HẾT………………………………



ĐÁP ÁN
I/ ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1 (0.5 điểm). Chỉ ra những những từ ngữ, hình ảnh miêu tả “hình bóng quê hương” trong đoạn (2), (3) ?
- Đoạn (2): rẫy mía, bờ ao; cánh diều; bông súng trắng, mưa nắng; đồng xa. (nêu đúng 3 từ trở lên: 0,25đ)
- Đoạn (3): khúc dân ca; tiếng đờn kìm; sáo trúc; Trung thu, cây đa. (nêu đúng 3 từ trở lên: 0,25đ)

Câu 2 (0.75 điểm). Cũng như những tác giả khác, khi viết về đất nước, nhà thơ Huỳnh Thanh Hồng cũng dựa vào ba phương diện. Anh/chị hãy chỉ ra ba phương diện đó trong đoạn (4) ?
-           Thời gian: Thời gian qua (0,25)
-           Không gian: lúa reo, sóng hát; (0,25)
-         Văn hóa: những câu Kiều; những thương yêu; tiếng mẹ ru hời; điệu hò thánh thót (0,25)

Câu 3 (0,75 điểm). Nhận xét hiệu quả của biện pháp tu từ trong đoạn (5) ?
-           Biện pháp tu từ so sánh: Đất nước của tôi vẫn sáng ngời như vầng trăng vành vạnh. (0,25)
-           Hiệu quả: Tác giả đã ngợi ca vẻ đẹp những giá trị vật chất và tinh thần về văn hóa và truyền thống của dân tộc(0,25), đồng thời thể hiện lòng tự hào, sự biết ơn sâu sắc bao lớp người đi trước giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy. (0,25)

Câu 4 (1.0 điểm). Theo anh/chị, vì sao tác giả nói “Tôi lớn lên từ những khúc dân ca”?
Tác giả nói “Tôi lớn lên từ những khúc dân ca”. Vì tác giả cũng như bao đứa trẻ thơ khác, từ khi còn nằm trong nôi tác giả được mẹ ru qua những khúc dân ca. Chính những khúc dân ca này đã nuôi dưỡng tình cảm yêu quê hương đất nước, yêu gia đình của tác giả.

PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm).
Câu 1: (2.0 điểm). 

Cũng như các quốc gia khác, Việt nam cũng có bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. (GT)Bản sắc văn hóa là điều cốt lõi mang tính đặc trưng, màu sắc riêng của mỗi một quốc gia, dân tộc; bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước theo cả chiều dài lịch sử. Đó có thể là phong tục tập quán, quan niệm sống, văn hóa nghệ thuật,.... Đối với dân tộc Việt Nam, những giá trị đó luôn bền vững, trường tồn theo thời gian như nền văn minh lúa nước, trống đồng Đông Sơn, tinh thần yêu nước mạnh mẽ, bền bỉ như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc, tinh thần "tương thân tương ái" giàu giá trị nhân văn, hay truyền thống đạo lí "uống nước nhớ nguồn", "ân nghĩa thủy chung",.... (BL)Bản sắc văn hóa có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với mỗi một quốc gia, dân tộc. Nó là tài sản vô giá, để gắn kết các dân tộc lại với nhau. Bản sắc VH chính là cái cốt lõi, linh hồn khẳng định sự tồn tại của mỗi một quốc gia, dân tộc. Không chỉ dừng lại ở đó, bản sắc còn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người; giúp yêu thích lịch sử dân tộc; am hiểu và tự hào về truyền thống đất nước,…. Trong bức tranh đa dạng và muôn màu sắc VH của các dân tộc trên thế giới, bản sắc chính là một trong những yếu tố làm nên nét riêng của mỗi dân tộc, giúp khu biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò vị trí của bản sắc văn hóa dân tộc càng được khẳng định hơn. Những con người Việt Nam đã và đang phát huy bản sắc dân tộc bằng những việc làm tích cực. Mặc dù có sự du nhập và tác động từ văn hóa nước ngoài nhưng không ít bạn trẻ vẫn tìm về với những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như những trò chơi dân gian, những loại hình văn hóa dân gian như ca trù, nhã nhạc cung đình,..., đặc biệt là không ngần ngại quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Trong phần thi về trang phục dân tộc, Hoa hậu H'Hen Niê đã tỏa sáng với bộ quốc phục được lấy cảm hứng từ những chiếc bánh mì, mang theo niềm tự hào về thành tựu nông nghiệp của nước ta trên đấu trường nhan sắc quốc tế. Để giữ gìn bản sắc VH dân tộc, chúng ta phê phán những con người quay lưng lại với văn hoá dân tộc, bài xích, xem thường văn hoá cha ông, chạy theo lối sống lai căng, học đòi, sùng ngoại; phản bội lại lịch sử nước nhà;… đề cao những giá trị văn hóa du nhập từ nước ngoài vượt ngưỡng cho phép. Chẳng hạn, có bạn trẻ vô tư sử dụng tiếng nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Những hành động đó tác động xấu đến việc duy trì, phát huy nền văn hóa dân tộc. Muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các ngành chức năng như Bộ Văn hóa thông tin cần có những chương trình tôn vinh văn hóa dân tộc, hay những trò chơi tìm hiểu nét đẹp văn hóa Việt,… (BH)Đối với bản thân em, em ý thức được việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có vai trò, ý nghĩa lớn đối với dân tộc Việt Nam. Em sẽ ra sức rèn luyện lối sống, có những hành động tích cực phù hợp với những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc nhằm bảo lưu và phát huy những giá trị riêng đậm đà bản sắc dân tộc. 

Câu 2 (5 điểm)

            HPNT là cây bút chuyên viết kí – là một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất của VH ta hiện nay (Nguyên Ngọc) và Huế là quê hương văn học đích thực của ông. Tác phẩm của ông có rất nhiều ánh lửa của tình yêu thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam; kết hợp chặt chẽ giữa trí tuệ và trữ tình, nghị luận sắc bén và suy tư nhiều chiều, tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng. Bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” được tác giả viết tại Huế, vào tháng 1-1981, đăng báo “Văn nghệ”, sau đó đưa vào tập kí cùng tên năm 1986, là món quà tri ân tình nghĩa của HPNT với mảnh đất quê hương xứ Huế. Trong bài bút kí, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhiều lần ví von vẻ đẹp sông Hương ở thượng nguồn và ở ngoại vi thành phố Huế, từ đó toát lên nét tài hoa độc đáo trong phong cách kí của ông.
           Nếu ta chỉ hiểu sông Hương với nét đẹp dịu dàng thơ mộng thì hẳn ngạc nhiên khi nhà văn khám phá ra những vẻ đẹp lạ lùng, bất ngờ và thú vị. Đó là vẻ đẹp hoang dại và đầy quyến rũ của dòng sông trên thượng nguồn - đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ: “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại (…) khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.”
            Thật độc đáo khi dưới con mắt của tác giả, sông Hương được nhân hóa và so sánh tựa như "Cô gái di-gan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng". Có lẽ đây là phép nhân hóa đầy ẩn ý nhằm gợi lên nét đẹp hoang sơ nhưng hấp dẫn của con sông này. Như vậy có thể thấy được qua ngòi bút phóng khoáng của tác giả, sông Hương vùng thượng nguồn toát lên vẻ đẹp kì bí, hùng vĩ và đầy cá tính. Vẻ đẹp toát ra từ toàn bộ bản năng tự nhiên vốn có của nó. Đây là phần hồn sâu thẳm của dòng sông.
           Ở góc nhìn khác, sông Hương ở thượng nguồn còn được Hoàng Phủ Ngọc Tường ví như người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Với biện pháp nhân hóa này, người con xứ Huế đã xem sông Hương như một đấng sáng tạo góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên, xứ sở. Đây là một phát hiện độc đáo về sông Hương chỉ có thể có ở một người gắn bó và am tường về mảnh đất cố đô. Tác giả đặt ra giả thiết: nếu chỉ nhìn gương mặt “kinh thành” sang trọng, quý phái, sắc đẹp dịu dàng của người mẹ phù sa thì không thể hiểu hết bản chất của sông Hương. Vì thế, tác giả đã ngược dòng lên thượng nguồn để khám phá nửa phần đời của dòng sông. Thật là một phát hiện mới mẻ, thú vị!
             Tác giả còn khảo cứu dòng sông trong cuộc thủy trình, trong cái nhìn của người nghệ sĩ, dưới con mắt của tình yêu. Từ góc nhìn này, tác giả đã có những liên tưởng bất ngờ thú vị khi SH về ngoại vi thành phố Huế: “Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại (…) sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới gặp thành phố tương lai của nó.”. Trước khi về với Huế, sông Hương như một người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức nàng. Chi tiết tưởng tượng thơ mộng này làm cho sông Hương như một người tình thủy chung trong một câu chuyện tình lãng mạn nhuốm màu cổ tích, gợi nhớ câu chuyện dân gian “Công chúa ngủ trong rừng”.
           Cuộc hành trình về với Huế là một cuộc tìm kiếm có ý thức. Khi ra khỏi vùng núi, sông Hương như một nàng tiên được đánh thức, như bỗng bừng lên sức trẻ và niềm khao khát của tuổi thanh xuân: “Chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột”, “uốn mình theo những đường cong thật mềm”. Về đến đồng bằng, sông Hương vẫn còn đi trong dư vang của Trường Sơn và chuyển dòng liên tục: có những khúc quanh đột ngột, có những đường cong mềm mại. Cuộc thủy trình chẳng khác nào bước chân của người con gái khao khát tình yêu, đi theo tiếng gọi của trái tim. Cuộc thủy trình về với đồng bằng được tác giả vẽ nên như một bức tranh có thời gian, không gian, đường nét, màu sắc với cách phối cảnh tài hoa làm cho bức tranh thêm kì thú hài hòa.
            Sông Hương được cảm nhận qua tâm hồn của một người con gắn bó với Huế, yêu Huế say đắm, một con người có vốn sống, vốn văn hóa phong phú, vốn ngôn ngữ dồi dào, tài hoa lịch lãm; những ví von, so sánh nhân hóa giàu chất thơ, chất nhạc, chất họa và chất suy cảm, hướng nội đã làm nên nét thanh tao rất riêng trong chất kí HPNT. Khi miêu tả vẻ đẹp của dòng sông, tác giả đã quan sát ở nhiều điểm nhìn khác nhau: theo cuộc thủy trình trong mối quan hệ với thiên nhiên; được nhìn từ trên cao, từ trên sông và nhìn dòng sông trong không gian văn hóa đặc thù của xứ Huế. Thể loại tùy bút tự do, phóng khoáng đã bộc lộ rõ cái tôi tài hoa của nhà văn. Giọng điệu chuyển đổi linh hoạt, khi thì tự sự, khi tưởng tượng bay bổng, khi im lặng đầy xúc động. Tác giả vừa kể, vừa tả, vừa bình, vừa bộc lộ quan điểm riêng về vẻ đẹp sông Hương và pha chút khảo cứu về dòng sông. Nét riêng trong lối viết kí của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là ông biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú: triết học, văn hoá, lịch sử, địa lí…Lối hành văn trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường thường hướng nội, súc tích, mê đắm và rất mực tài hoa.
Tóm lại, Sông Hương là dòng sông của xứ Huế và đã trở thành hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ. Dòng sông đã gợi cảm hứng cho nhà văn, là một cơ hội để HPNT thể hiện cái tài của mình trên nhiều phương diện: cái nhìn đầy tính phát hiện, am hiểu sâu sắc và sự hiểu biết về nhiều ngành khoa học, nghệ thuật, lối viết văn tinh tế…Và trên hết là tấm lòng yêu quê hương tha thiết và niềm tự hào về vẻ đẹp xứ Huế. Bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài văn xuôi đặc sắc đầy chất thơ về dòng sông Hương. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến dòng sông đẹp hơn như một bức họa đồ. Điều đó làm dấy lên trong lòng người đọc những khao khát được đến với sông Hương-một công trình nghệ thuật mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét