Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

NHÂN VẬT ÔNG LÁI ĐÒ_LIÊN HỆ HUẤN CAO

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò sông
Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ
với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11,
Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp
con người.

ĐÁP ÁN
I. Mở bài: 
Nguyễn Tuân là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, một cây bút tài hoa uyên
bác, một bậc thầy trong sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Có thể nói Nguyễn Tuân là định
nghĩa về người nghệ sĩ, đối với ông văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật
trước hết phải là nghệ thuật và đã là nghệ thuật phải có phong cách độc đáo. Nét nổi bật
trong phong cách của ông là luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ, nhìn con
người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Điều này được thể hiện rõ nét qua hình tượng người
lái đò trong cảnh vượt thác ở tùy bút Người lái đò sông Đà trích trong tập Sông Đà (1960).
Sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến
đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi để tìm “thứ vàng mười đã qua
thử lửa”.
II. Thân bài:
1. Giới thiệu chân dung, lai lịch
- Không có tên tuổi cụ thể: hình tượng có tính khái quát về người lao động
- Ngoại hình: khỏe mạnh mang dáng dấp của người lao động trên sông nước
Đọc bài kí, ta thấy Nguyễn Tuân không đặt tên cụ thể cho người lái đò, không có tiểu sử
đó là một chân dung vô danh. Điều đó dễ gợi lên tính chất khái quát của hình tượng người
lái đò. Ông lái đò chỉ là một trong vô số những người lao động bình dị trên sông nước.
Ngoại hình ông lái đò cũng thật đặc biệt: tay dài lêu nghêu như cái sào, chân lúc nào cũng
khuỳnh khuỳnh như kẹp lấy cái cuống lái tưởng tượng, giọng nói ồm ồm như tiếng nước
trên mặt ghềnh... Đúng là con người sinh ra từ dòng nước sông Đà, vóc dáng, hình hài
khỏe mạnh của ông đã in đậm dấu ấn của một người làm nghề sông nước.
2. Vẻ đẹp của người lái đò sông Đà trong quá trình vượt thác
* Vẻ đẹp tài hoa:
- Ông thạo nghề sông nước: thuộc lòng binh pháp của thần sông, thần đá
- Dòng sông nắm ghềnh, nhiều thác vô cùng nguy hiểm nhưng đối với người lái đò lại là
một sở thích
=> Ông là người có tài, có bản lĩnh.
* Vẻ đẹp trí dũng: được thể hiện qua 3 vòng vượt thác
Người xưa quan niệm:
Có gió lay mới biết tùng bách cứng
Có ngọn lửa lừng mới biết thức vàng cao
Vì vậy để làm nổi bật tài nghệ và trí dũng của ông lái đò Nguyễn Tuân đã dụng công mô
tả thuyền của ông lái vượt qua 3 thạch trận với thác ghềnh dữ dội, với sóng nước gầm reo
như một thứ lửa để thử vàng làm nổi bật tài nghệ ông lái đò.
 Cuộc vượt thác lần 1
- Sông Đà:
+ Bày thạch trận: 5 cửa (4 cửa tử và 1 cửa sinh)
+ Đá tướng, đá quân, đá tiền vệ
+ Nước reo hò làm thanh viện cho đá
+ Sóng nước liều mạng ùa vào sát nách mà đá trái mà thúc gối
- Người lái đò:
+ Thạch trận dàn bày vừa xong thì con thuyền vụt tới => tư thế chủ động
+ Người lái đò bị thương, mặt méo bệch đi
+ Tiếng chỉ huy tỉnh táo đưa con thuyền vượt thác
Lời văn: Nguyễn Tuân đã tạo dựng được những cảnh tượng vượt thác mang không khí
chiến trận thực sự giữa một bên là con thuyền với 6 tay chèo mà nổi bật nhất là ông lái đò
và bên kia là dòng sông Đà hung bạo.
Ở vòng giao đấu thứ nhất sông Đà bày ra 5 cửa gồm 4 cửa tử và 1 cửa sinh. Chi tiết này
cho thấy sông Đà quả là một đối thủ đáng gờm tinh quái và nham hiểm. Thêm vào vào đó
những hòn đá trên sông với đá tướng, đá quân... dữ tợn, ngỗ ngược. Chúng bày thạch trận
có tổ chức, có quy mô, có dã tâm: có đá tiền vệ để dụ dỗ thuyền vào, có đá đánh tập hậu
đằng sau. Nguyễn Tuân đã sử dụng sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để truyền hồn sống
cho những thớ đá, truyền cho đá cái linh động ma quái biến chúng thành một bầy thạch
tinh hung hãn trên sông Đà. Khi cuộc giao đấu bắt đầu sông Đà giống như một con thủy
quái nham hiểm tấn công con thuyền của người lái đò từ nhiều phía: có nước reo hò làm
thanh viện cho đá, sóng nước liều mạng ùa vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối, đội thuyền
lên.
Trước sức mạnh hung bạo ấy của thác dữ người lái đò đã thể hiện bản lĩnh dũng cảm như
khả năng chống đỡ, chủ động chiến đấu và quyết chiến: “thạch trận dàn bày vừa xong thì
con thuyền vụt tới”. Nhưng trước sự tàn bạo của thác dữ người lái đò có lúc đã gặp nguy
hiểm, ông đò bị thương “mặt méo bệch đi”. Cũng chính lúc này với trí tuệ tỉnh táo, sự bình
tĩnh can đảm ông đò đã chỉ huy tỉnh táo đưa con thuyền vượt qua 4 cửa tử vào cửa sinh
bình yên.
 Cuộc vượt thác lần 2:
- Sông Đà:
+ Tăng thêm nhiều cửa tử, cửa sinh bố trí lệch sang phải
+ Dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông đá
+ 4, 5 bọn thủy quân xô ra níu con thuyền vào tập đoàn cửa tử
- Người lái đò:
+ Thay đổi chiến thuật
+ Nắm chắc bờm sóng, ghì cương lái
+ Nhớ mặt bọn này... đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên,
chặt đôi, mở ra đường tiến
Lời văn: Qua vòng vây thứ nhất ông đò lập tức rơi vào trận địa thứ hai. Ở cuộc giao tranh
lần này sông Đà hiện lên đầy tham vọng với nhiều cửa tử, cửa sinh duy nhất bố trí ngược
lại với cửa sinh ở vòng thứ nhất. Với nghệ thuật so sánh, ẩn dụ độc đáo: “Dòng thác hùm
beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đá”. Con sông giống như một con thú hoang dại đầy
bản năng nó hiện thân cho sức mạnh thiên nhiên khó chế ngự.
Nhưng cũng như lần trước ông đò không hề nao núng. Ông không phải là con người có
phép màu nhiệm, cũng không có sức mạnh phi thường để đấu lại với vị thần sông Đà, ông
chỉ có vũ khí là mái chèo, là trí tuệ, là khối óc nhanh nhẹn linh hoạt. Ở vòng vây này ông
đò thay đổi chiến thuật: có lúc ông đã nắm chắc bờm sóng, ghì cương lái, cưỡi lên thác dữ
sông Đà như cưỡi hổ, có lúc trước sự liều lĩnh của bọn thủy quân đá nước xô ra níu con
thuyền vào tập đoàn cửa tử thì ông đối xử thật linh hoạt: ông nhớ mặt bọn này, đứa thì ông
tránh mặt mà rảo bơi chèo lên, đứa thì đè sấn lên chặt đôi và mở ra đường tiến... Trên
chiến trận sông Đà, người lái đò đã thắng để lại sau lưng mình “thằng đá tướng đứng chiến
ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng”.
 Cuộc vượt thác lần 3:
- Sông Đà:
+ Bày ít cửa hơn nhưng cả bên trái, phải đều là luồng chết.
+ Luồng sống duy nhất ở giữa hai cổng đá cánh mở cánh khép.
- Người lái đò:
+ Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động
lái được, lượn được.
Lời văn: Sang cuộc giao tranh thứ ba thì thực sự là một cuộc giao tranh đầy kịch tính. Ở
đây ngòi bút của Nguyễn Tuân trở nên bay bổng, linh hoạt bởi những liên tưởng đầy thú
vị khi miêu tả cảnh vượt thác của ông lái đò. Do sông Đà bị thua ở hai cuộc giao tranh nói
trên nên giờ đây nó trở nên nham hiểm và xảo quyệt như hiện thân của kẻ thù số một của
con người. Sông Đà bày ra ít cửa hơn nhưng cả bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng
sống duy nhất ở giữa bọn đá hậu vệ.
Nhưng chính trong giây phút nguy hiểm đó người đọc nhận ra được sự tài hoa phi thường
trong tay lái ông đò: “Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên
vừa tự động lái được, lượn được. Thế là hết thác”. Ông lái đò thực sự là “tay lái ra hoa” tay
lái đã đạt đến trình độ điêu luyện thành cái đẹp, cái sang, đã chinh phục thần sông thần đá
dữ dội sông Đà. Ông xứng đáng là người anh hùng của thời đại mới trong cuộc chinh phục
thiên nhiên hoang dã. Đây là vẻ đẹp của con người thời đại mới, thời đại làm chủ thiên
nhiên, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh, cuộc sống của mình.
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật ông lái đò:
+ Nguyễn Tuân đã chú ý tô đậm nét tài hoa nghệ sĩ ở ông lái đò
+ Ông đặt nhân vật vào tình huống thử thách: trong cảnh vượt thác
+ Ngôn ngữ: đầy cá tính, giàu chất tạo hình hoàn toàn phù hợp với đối tượng. Người lái đò
sông Đà là những thước phim bằng ngôn từ đắt giá giữa con người lao động, với thiên
nhiên hoang dã, hung bạo. Con người ở thế nhỏ bé nhưng bằng mưu trí, bằng tài hoa, bằng
bản lĩnh kiên cường con người đã chiến thắng.
3. Liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ để nhận xét quan niệm của nhà
văn về vẻ đẹp con người.
* Giới thiệu về Huấn Cao:
- Huấn Cao là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
được viết trước Cách mạng tháng Tám.
- Là một người tài hoa, nghệ sĩ
- Vẻ đẹp tài năng: viết chữ siêu việt (đẹp lắm, vuông lắm, được người đời xem như báu
vật, tác động sâu sắc đến nhân vật quản ngục)
- Vẻ đẹp khí phách: tiền bạc, quyền lực không khuất phục được ông
- Vẻ đẹp thiên lương trong sáng: toát ra từ chữ của Huấn Cao, bản thân Huấn Cao có thiên
lương, biết trân trọng một tấm lòng
* Hình tượng Huấn Cao trong cảnh cho chữ:
- “Từ trong những dòng chữ mà Huấn Cao để lại cho đời đã là sự kết tinh của cái đẹp, cái
thiên lương trong sáng vời vợi của Huấn Cao”. (Hoài Thanh).
- Cái tài, cái tâm và khí phách của Huấn Cao được thể hiện rõ nhất trong cảnh cho chữ. Cái
tâm hòa quyện cái tài để sáng tạo ra cái đẹp.
- Những dòng chữ ông Huấn hiện lên một cách trực tiếp đó là những nét chữ vuông vắn,
tươi tắn mang những hoài bão tung hoành của đời người cho nên không chỉ là tấm lụa bach
trắng tinh mà chính những dòng chữ trên bức lụa Huấn Cao viết ra đã có sức tỏa sáng, làm
nổi bật những tấm lòng trong thiên hạ.
* Nhận xét về quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người:
Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp. Ông luôn nhìn con người ở phương
diện tài hoa, nghệ sĩ. Trước và sau Cách mạng tháng Tám Nguyễn Tuân có những điểm
thống nhất và thay đổi trong quan niệm về vẻ đẹp của con người.
- Điểm thống nhất (giống nhau):
+ Nhà văn luôn tiếp cận và khám phá con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ: Huấn Cao
- tài viết chữ siêu việt; người lái đò – tài vượt thác.
+ Lối văn, ngòi bút uyên bác thể hiện ở lượng kiến thức khổng lồ, sự phối hợp của nhiều
tri thức, nhiều bộ môn văn hóa, nghệ thuật trong tác phẩm.
+ Kho từ ngữ phong phú, sử dụng điêu luyện. Nguyễn Tuân là bậc thầy của ngôn ngữ sống
động.
- Những thay đổi (khác nhau):
+ Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân chỉ khám phá chất tài hoa nghệ sĩ ở những người trí
thức (Huấn Cao) trong những thú chơi tao nhã (thư pháp) thì nay ông đã tìm thấy vẻ đẹp
nghệ sĩ ngay ở con người lao động bình thường nhất (ông lái đò). Theo Nguyễn Tuân nét
tài hoa nghệ sĩ của con người không chỉ thể hiện trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà
còn trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nữa. Khi con người đạt tới trình độ điêu luyện
trong công việc của mình là khi họ bộc lộ nét tài hoa nghệ sĩ đáng được đề cao.
+ Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân là một người tài tử, thích chơi ngông, thích chiêm
ngưỡng, chắt chiu cái đẹp thì sau Cách mạng, nhà văn nhạy cảm với con người mới, cuộc
sống mới từ góc độ thẩm mĩ của nó. Ông đã nhìn cái đẹp của con người là cái đẹp gắn với
nhân dân lao động, với cuộc sống đang nảy nở, sinh sôi đồng thời lên án, tố cáo chế độ cũ,
khẳng định bản chất nhân văn của chế độ mới. Có thể nói, trước 1945 Nguyễn Tuân là nhà
văn lãng mạn, sau 1945 ông là nhà văn cách mạng. Đó là bước chuyển tiếp tất yếu của
người trí thức yêu nước, một tài năng nghệ sĩ lớn.
+ Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân không còn đối lập giữa quá khứ, hiện tại và tương lai nữa,
ông tìm thấy vẻ đẹp ở ngay hiện tại và tin tưởng ở tương lai.
+ Chất giọng khinh bạc không còn, nếu còn chỉ là để ném vào mặt kẻ thù của dân tộc hay
những mặt tiêu cực của xã hội.
Có sự chuyển biến đó là do trước Cách mạng, Nguyễn Tuân được biết đến với chủ nghĩa
xê dịch – bước chân của cái tôi lãng tử, vang bóng một thời – các nhà nho cuối mùa gặp
buổi giao thời Tây tàu nhố nhăng làm mất cả quan niệm cũ, làm tiêu hao bao nhiêu giá trị
thẩm mĩ, họ cảm thấy phẫn uất với buổi giao thời. Họ đã lưu giữ những vẻ đẹp xưa, những
thú chơi tao nhã: uống rượu, thưởng hoa, thư pháp. Thông qua các nhân vật này nhà văn
bày tỏ thái độ bất hòa sâu sắc với xã hội đương thời, ông không chạy theo danh lợi, lưu giữ
tâm hồn trong sạch với hai chữ “thiên lương”. Và đến sau Cách mạng, Nguyễn Tuân đã
đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo, đầy nghệ thuật, ca ngợi quê hương,
ca ngợi nhân dân trong chiến đấu và trong sản xuất.
III. Kết bài: 
Nguyễn Tuân với sự tài hoa, uyên bác, với vốn tri thức văn hóa sâu rộng kết hợp với vốn
từ ngữ giàu có đã miêu tả thành công hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác, một
người tài hoa trí dũng, chất vàng mười của con người Tây Bắc. Đồng thời nó càng khắc
họa rõ nét hơn quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người trước và sau Cách mạng qua
đối sánh nhân vật Huấn Cao và người lái đò sông Đà. Với Nguyễn Tuân, con người chính
là tác phẩm tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét