Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

“Có tài mà không có đức là người vô dụng , có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Đề 16
           Trong một buổi nói chuyện với cán bộ, học sinh, sinh viên, Bác Hồ đã ân cần khuyên dạy: 
                   “Có tài mà không có đức là người vô dụng , có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
                Viết một bài văn (khoảng 400 từ ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên dạy trên. 
 
DÀN Ý THAM KHẢO
1. Giải thích:
- Tài: là tài năng, là năng lực, kĩ năng, kĩ xảo của con người. Người có tài thì có khả năng hoàn thành công việc một cách tốt nhất và sáng tạo, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn, tình huống phức tạp. Tài được biểu hiện cả trong lao động chân tay và lao động trí óc. Đó là kết quả của năng khiếu và cả sự chăm chỉ, cần cù rèn luyện.
- Đức là đạo đức, là cách cư xử hợp lẽ phải, đạo lí, sống có trách nhiệm với mọi người, là sự biểu hiện của nét đẹp nhân cách con người. Đức biểu hiện ở lời nói, cử chỉ, hành động của con người hướng tới chân – thiện – mĩ.
- Lời khuyên của Bác:  khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa tài và đức.
     
Ÿ Có tài, không có đức - vô dụng: tài năng nếu không vì ích lợi của con người, không phục vụ nhân dân thì cũng trở thành “vô dụng” – không có ý nghĩa đối với cuộc đời, con người
     
Ÿ Có đức, không có tài  làm gì cũng khó: có khát vọng cống hiến, muốn hành động vì lợi ích của mọi người nhưng năng lực kém thì ý định tốt đến đâu cũng khó trở thành hiện thực. Thiếu tài, làm việc sẽ khó khăn, chất lượng không cao.
2. Phân tích - chứng minh :
Ý 1: Có tài mà không có đức là người vô dụng:
- Người có tài nhưng lại không đem tài để phục vụ nhân dân, làm giàu đất nước thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Người có tài mà chỉ nhằm thu vén lợi ích cá nhân, phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích nhân dân thì người đó cũng trở thành vô dụng, thậm chí là có tội.
- Người có tài mà không có đức thường kiêu căng hợm hĩnh, thậm chí xảo quyệt, gian ngoa và dễ trở thành kẻ xấu xa, gây tác hại, nguy hiểm cho gia đình, xã hội    ( Dẫn chứng)
Ý 2: Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó:
 - Người có đức thường được mọi người kính mến, quý trọng.; nhưng có đức mà không có tài thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành nhiệm vụ, khó đạt kết quả cao trong công việc.
- Tài năng cũng có tầm quan trọng không kém. Không có tài năng thì con người làm việc gì cũng khó khăn, thậm chí làm hỏng việc và làm hại đến sự nghiệp chung.
Ý 3:  Đức và tài đều cần thiết đối với mỗi con người, làm nên giá trị con người. 
- Con người thiếu một trong hai giá trị trên đều là người không trọn vẹn. Đức là nền tảng giúp tài bay cao vững chắc, có tài thì đức càng tỏa sáng.
    * Dẫn chứng: học sinh  chọn phân tích  một tấm gương tiêu biểu về các nhân vật toàn đức -  toàn tài : Louis Passteur, Hồ Chí Minh, Ngô Bảo Châu …để thấy rõ tài và đức luôn quan trọng và  cần thiết )
3.  Đánh giá- mở rộng : 
- Cách nói của Bác giản dị và cụ thể, giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức  tài. “Đức” và “tài” là hai mặt không thể thiếu được trong phẩm chất của người lao động kiểu mới. Hai mặt này không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau tạo nên phẩm chất của con người toàn diện. -. Đức là gốc, là yếu tố quan trọng hàng đầu.“Tài” là biểu hiện cụ thể của “đức”, không có khái niệm đạo đức chung chung, tách rời hiệu quả việc làm. Giá trị của một con người là ở những đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Đức  tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện và có thể làm việc, cống hiến một cách hiệu quả nhất.
- Phê phán những kẻ có tài mà hợm hĩnh, kiêu căng, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc những người có đứcnhưng tài năng, năng lực còn kém cỏi mà không chịu học tập, phấn đấu.
 - Đức  tài đều là kết quả của nhiều yếu tố. Nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì tài  đức đều không phát triển được và có thể bị mai một .
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, rèn luyện của thế hệ trẻ. Ngày nay, tài là kĩ năng nghề nghiệp, là óc sáng tạo; đức là phẩm chất của con người Việt Nam yêu nước, yêu người, phấn đấu cho lí tưởng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, ấm no, hạnh phúc.
- Mỗi người phải không ngừng học tập, tu dưỡng, phải rèn đức luyện tài để trở thành người lao động toàn diện, có ích cho đất nước như Bác Hồ hằng mong muốn ở thế hệ trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét