Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi…Làm nên Đất Nước muôn đời”


Phân tích đoạn thơ sau:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
      Làm nên Đất Nước muôn đời”
                             (Trích Chương V – Trường ca “Mặt đường khát vọng” – Nguyễn Khoa Điềm)

DÀN BÀI
I. Mở bài:
- N.K.Đ là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ
- Trường ca “Mặt đường khát vọng” là tác phẩm tiêu biểu, làm nên tên tuổi của ông.
- Điểm đặc sắc, độc đáo của đoạn thơ “Đất Nước” trong bản trường ca này là sự cảm nhận về đất nước trong một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện và làm nổi bật tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. Đặc biệt ở đoạn thơ sau:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
         …Làm nên Đất Nước muôn đời”
II. Thân bài:
1. Khái quát:
- Đoạn thơ “Đất Nước” trích phần đầu chương V của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Tác phẩm viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các vùng thành thị miền Nam tạm chiếm, nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ, hướng về nhân dân, Đất Nước, ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, đứng dậy xuống đường hòa nhịp với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc. Trường ca được hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974.
- “Đất Nước” là một đoạn thơ trữ tình - chính luận. Nguyễn Khoa Điềm trình bày những cảm xúc và suy tưởng về Đất Nước dưới dạng một lời tâm tình, trò chuyện đằm thắm giữa “anh” và “em”. Từ tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân dân” nhà thơ có những phát hiện mới mẻ, đặc sắc về Đất Nước.
- Mỗi một thời đại có một cách hiểu, một quan niệm riêng về Đất Nước. Thời trung đại, quan niệm Đất Nước gắn liền với công lao của các triều đại. Còn ở thời hiện đại, chúng ta thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, thấy rằng Đất Nước là của nhân dân. Điều này được các nhà văn Việt Nam ý thức sâu sắc hơn ai hết khi dân tộc ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại chống Mĩ cứu nước. Tư tưởng xuyên suốt chương V của “Mặt đường khát vọng” chính là tư tưởng ấy:
“Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân
  Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại”
2. Phân tích:
a. Đất Nước là những gì gắn bó, gần gũi với đời sống của mỗi con người.
--- Hình tượng thơ của Nguyễn Khoa Điềm óng ánh một màu sắc đặc biệt của chất liệu văn hóa dân gian. Âm hưởng của những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca đã tạo nên một “khí quyển” dân gian độc đáo, đầy quyến rũ của đoạn thơ. Khí quyển ấy tạo nên một không gian nghệ thuật gần gũi đến bất ngờ:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
  Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”
+Đất Nước là một giá trị lâu bền, vĩnh hằng, được tạo dựng, bồi đắp qua nhiều thế hệ, được truyền nối từ đời này qua đời khác. Vì vậy:
+ Khi mỗi người sinh ra, ý niệm về Đất Nước đã thấm đẫm trong môi trường gia đình, qua thế giới tinh thần và vật chất mà người đó sống.
+ ĐN bắt đầu từ những câu chuyện kể: “Ngày xửa ngày xưa …”của bà, là nhịp điệu lời ru của mẹ, là những điều hay lẽ phải ngàn đời trong những câu chuyện dân gian có khả năng ngân vang trong tiềm thức của người Việt.
=>  Người đọc lặng đi trước cách định nghĩa về Đất Nước thật bất ngờ ,và bình  dị của Nguyễn Khoa Điềm.
--- Hình ảnh “miếng trầu bây giờ bà ăn” thật độc đáo, sâu sắc:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”
+ Câu thơ nói đên một tập tục đã ăn sâu vào truyền thống của dân tộc Việt: tục ăn trầu,  gợi ra:
   *  câu thành ngữ quen thuộc: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”=> nét đẹp trong văn hóa ứng xử của DT ta
   *  sự tích “Trầu cau” …=> nét đẹp trong đạo nghĩa anh-em, vợ-chồng thủy chung, cảm động
    *thành ngữ “ miếng trầu nên duyên nhà người”=> nét đẹp trong tục cưới xin 
=>  Hình ảnh “miếng trầu” là biểu tượng thiêng liêng: mỗi miếng trầu đều gánh trong nó một phần Đất Nước, mỗi miếng trầu bà ăn hôm nay đều có bốn ngàn năm tuổi. Quá khứ luôn có mặt với hiện tại, lịch sử vẫn hiện diện với hôm nay. Câu thơ là sự phát hiện bất ngờ của nhà thơ: Đất Nước được chắt chiu, giữ gìn trong cả những sự vật bình thường, nhỏ bé.
---  Sự nghiệp mở mang - gây dựng luôn gắn liền với sự nghiệp hi sinh và bảo vệ bờ cõi:
“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
---- Đất Nước gắn bó, hiện diện trong những gì thân thuộc, bình dị của cuộc sống hàng ngày, trong mỗi gia đình:
“Tóc mẹ thì bới sau đầu
  Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
  Cái kèo cái cột thành tên
  Hạt gạo phải một nắng hai sương xay ,giã ,giần, sàng”
+ Đó là hình ảnh người mẹ “tóc bới sau đầu, tần tảo, đảm đang”. Đây là hình ảnh gợi lại cội nguồn của dân tộc, gợi đến một nét đặc thù của văn hóa Việt Nam – gắn với cách bới tóc thùy mị của người phụ nữ.
+ Đất Nước được tạo dựng trên nền tảng thủy chung của tình chồng vợ: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Trong cay đắng, gian nan của cuộc sống vất vả, nhọc nhằn cha mẹ càng gắn bó, khăng khít chia ngọt sẻ bùi. Ý thơ làm ta liên tưởng đến âm điệu tình nghĩa của bài ca dao:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
+ ĐN có trong những cái rất gần gũi với mỗi người, từ hạt gạo ta ăn, đến cái nhà ta ở
b. Đất Nước được cảm nhận theo chiều rộng của không gian, chiều dài của thời gian và chiều sâu của lịch sử:
- Đất Nước được cảm nhận theo chiều rộng của không gian:
+ Đất và Nước là hai yếu tố chỉ vật chất, hai yếu tố khởi nguyên của thế giới, tạo thành khái niệm chỉ Giang Sơn Tổ Quốc. Đất Nước là không gian gần gũi gắn bó với anh và em (Đất là nơi anh đến trường – Nước là nơi em tắm); là không gian của tình yêu đôi lứa (“… là nơi ta hò hẹn, … là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”).
+ Ở đâu trên đất nước cũng gắn với những câu chuyện kể, truyền thuyết, những câu ca đã đi vào thế giới tinh thần của con người: “Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc – Nước là nơi con cá ngư ông móng ước biển khơi”.
® Đất Nước vừa mang ý nghĩa cụ thể, gắn bó, gần gũi với từng cá nhân, vừa mang ý nghĩa khái quát là lãnh thổ chủ, quyền của quốc gia.
- Đất Nước được cảm nhận theo chiều dài của thời gian và chiều sâu của lịch sử:
  + Từ truyền thuyết  Lạc Long Quân - Âu Cơ => khẳng định nguồn gốc con rồng cháu tiên  cao quí
  Nước là nơi Rồng ở
  Lạc Long Quân và Â u Cơ
  Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”
+ Mỗi con người Việt Nam, bằng máu xương, mồ hôi, công sức của mình, đã chiến đấu và lao động để mở mang và hoàn thiện đất nước, để truyền lại cho con cháu một Đất Nước trọn vẹn. Những giá trị tinh thần bền vững của đất nước gắn liền với quá khứ và - hiện tại - tương lai được nuôi dưỡng qua các thế hệ, nên mỗi cá nhân phải có trách nhiệm giữ gìn và truyền lại cho con cháu mai sau những truyền thống tốt đẹp của cha ông:
“Những ai đã khuất
  Những ai bây giờ
  Yêu nhau và sinh con đẻ cái
  Gánh vác phần người đi trước để lại
  Dặn dò con cháu chuyện mai sau
  Hằng năm ăn đâu làm đâu
  Cũng biết cúi đầu nhờ ngày giỗ Tổ”
c. Đất Nước là sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và dân tộc:
- Đất Nước có trong mỗi chúng ta:
“Trong anh và em hôm nay
  Đều có một phần Đất Nước”
+ Xưng hô “anh - em” ® Lời thơ trở thành một lời trò chuyện, tâm tình đằm thắm giữa Nguyễn Khoa Điềm và thanh niên đô thị miền Nam.
+ Mỗi cá nhân sinh ra và lớn lên đều mang trong mình một phần Đất Nước. Trong “anh và em” có dòng máu của Lạc Long Quân - Âu Cơ, có truyền thống của “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc, có tình nghĩa thủy chung của cha và mẹ …”
Þ Hai câu thơ vừa là lời nhắc nhở, vừa là sự khẳng định một cách trang trọng trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc.
- Đất Nước là sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung:
+ Đất Nước có trong tình yêu đôi lứa:
“Khi hai đứa cầm tay nhau
  Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”
® Ngay từ những dòng thơ đầu tiên của bài “Đất Nước”, hình ảnh Đất Nước đã hòa quyện, gắn bó với hình ảnh gia đình thân thuộc: miếng trầu của bà; búi tóc, câu chuyện kể của mẹ … Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, gia đình là những tế bào nhỏ bé làm nên sự gắn kết của cả một cộng đồng. “Anh và em cầm tay nhau” – Đất Nước sẽ “hài hòa nồng thắm” trong tình yêu đôi lứa, trong hạnh phúc gia đình. Hai câu thơ là sự phát hiện giản dị nhưng cảm động về sự hòa hợp giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu đất nước và tình yêu dân tộc.
- Đất Nước có trong tình yêu cộng đồng:
“Khi chúng ta cầm tay mọi người
  Đất nước  vẹn tròn to lớn”
+ Ý thơ mở rộng từ cái “tôi” đến cái “chúng ta”: từ hình ảnh “hai đứa cầm tay nhau” đến chúng ta cầm tay mọi người” – Đất Nước cũng từ “hài hòa nồng thắm” chuyển thành “vẹn tròn to lớn”. Đó chính là sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng.
+ Tình yêu đôi lứa được mở rộng đến tình yêu đồng bào, làm nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, tạo nên thế đứng kiêu hùng của dân tộc trong suốt 4 ngàn năm lịch sử.
- Hình ảnh Đất Nước trong tương lai:
“Mai này con ta lớn lên
 Con sẽ mang Đất Nước đi xa.
 Đến những ngày tháng mơ mộng”
® Đất Nước sau bao biến động thăng trầm của lịch sử đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, đó là sự kế tục của các thế hệ nối tiếp nhau. Cụm từ “tháng ngày mơ mộng” đã phác họa vẻ đẹp của Đất Nước trong tương lai. Nhà thơ bộc lộ niềm tin vào thế hệ sau có đủ bản lĩnh và trí tuệ để đưa Đất Nước bay cao và bay xa.
- Trách nhiệm của cá nhân đối với đất nước:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
 Phải biết gắn bó và san sẻ
 Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
 Làm nên Đất Nước muôn đời…”
+ Lời thơ như thủ thỉ, tâm tình: “em ơi em” cũng là lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu lắng về trách nhiệm của mỗi người với Đất Nước.
+ Đất Nước là “máu xương của mình” => cách so sánh độc đáo thể hiện sự gần gũi, thiêng liêng ,cần thiết  của ĐN với mỗi người
+ Hàng loạt những động từ “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” nhằm nhắn nhủ thế hệ trẻ phải biết yêu  thương, quí trọng di sản của cha ông, phải cống hiến tâm huyết, tài năng và cả đời sống của bản thân để xây dựng đất nước. Từ “hóa thân” giàu ý nghĩa hơn từ “hi sinh”, biểu hiện sự dâng hiến, hòa nhập, sống còn cùng Đất Nước.
III .Kết bài :
- Hai chữ “Đất Nước” được viết hoa trang trọng, điệp ngữ “Đất Nước” vang vọng cả bài thơ.
- Sủ dụng nhiều chất liệu VHDG với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhà thơ đã bình dị hóa Đất Nước một cách bất ngờ, để Đất Nước hóa thân vào truyền thuyết, cổ tích, ca dao, dân ca … Bên cạnh những khái niệm trừu tượng kì vĩ về Đất Nước mà ta đã bắt gặp trong “Nam quốc sơn hà” (Lí Thường Kiệt), “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi), người đọc ngỡ ngàng, cảm động nhận ra một Đất Nước thân thương, máu thịt trong Nguyễn Khoa Điềm – “Đất Nước của nhân dân – Đất Nước của ca dao, thần thoại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét