Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Kỹ năng làm câu hỏi 2 điểm

HƯỚNG DẪN LÀM DẠNG CÂU HỎI 2 ĐIỂM 

Dạng đề: Phân tích ý nghĩa một chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm

Phi lộ: Như đã trình bày trong bài giới thiệu khái quát về cách làm câu hỏi 2 điểm trong đề thi ĐH-CĐ, thường có 4 dạng hay xuất hiện. Ở đây chỉ tập trung hướng dẫn làm dạng phổ biến nhất (trong khoảng 3 năm trở lại đây), gây nhiều khó khăn nhất cho các em học sinh: Dạng 1: Phân tích ý nghĩa một chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm.
Trong đáp án của câu hỏi này thường đòi hỏi người viết trình bày được 2 nội dung cơ bản:
- Tái hiện chi tiết
- Ý nghĩa của chi tiết:
+ Ý nghĩa về nội dung
+ Ý nghĩa về nghệ thuật
Trong điều kiện thời gian có hạn (thực ra là sự lười nhác của thầy), thầy chỉ trình bày ngắn gọn phần Ý nghĩa của chi tiết, phần Tái hiện các em có thể xem lại trong Sách giáo khoa. Thầy sẽ tiếp tục cập nhật phần phân tích ý nghĩa của các chi tiết ở các tác phẩm khác.
VỢ CHỒNG A PHỦ
1. Ý nghĩa cảnh xử kiện trong vợ chồng a phủ
- Thể hiện sự bất công, tàn bạo của bọn cường hào dưới xã hội phong kiến miền núi. Vụ xử kiện như một cơ hội để chúng kiếm chác, bóp nặn những người dân nghèo vô tội, thấp cổ bé họng.
- Tình cảnh đau khổ, tủi nhục của những người dân lương thiện dưới ách áp bức của tầng lớp thống trị.
=> Giá trị hiện thực của tác phẩm
2. Ý nghĩa chi tết cảnh A Sử trói Mỵ
- Thói gia trưởng, sự tàn nhẫn, độc ác của bọn thống trị. Chúng trói thể xác Mị bằng một thúng sợi đay và trói cả tâm hồn, sức sống, khát vọng tự do, yêu đương qua hình ảnh mái tóc dài bị quấn chặt vào cột. Sau khi trói Mị, A Sử tắt đèn, đóng cửa, tiếp tục muốn giam cầm cô trong tăm tối của kiếp ngựa trâu.
- Tình trạng đau khổ, bế tắc, tủi cực của người phụ nữ khao khát sống, khao khát yêu thương nhưng mỗi lúc định vùng lên lại bị trà đạp, bị vùi dập tàn nhẫn.
=> Giá trị hiện thực (tố cáo sự tàn ác) và giá trị nhân đạo (xót thương, cảm thông cho số phận bất hạnh của con người)
CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ
3. Ý nghĩa chi tiết Huấn Cao dỗ gông
- Thể hiện bản lĩnh cứng cỏi của một đại trượng phu, tuy đã sa cơ nhưng không chịu cúi đầu trước bạo quyền.
- Thể hiện tài năng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân khi sáng tạo một chi tiết thật độc đáo để khắc họa tính cách nhân vật.
4. Ý nghĩa chi tiết viên quản ngục so sánh Huấn Cao với “1 ngôi sao hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân giời ko định’
- Khẳng định và ngợi ca nhân phẩm, tài năng, khí phách của Huấn Cao, tấm lòng ấy, sự nghiệp ấy sáng tựa sao trời.
- Thể hiện sự tiếc thương đối với con người tài hoa khí phách sắp phải từ giã cõi đời.
- Qua đó thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc lựa chọn chi tiết đồng thời kín đáo thể hiện niềm kính ngưỡng của nhà văn với những con người mà nhân cách, tài năng đều ở vào hàng xuất chúng, kín đáo thể hiện lòng yêu nước.
CHÍ PHÈO
5. Ý nghĩa tiếng chửi chí phèo
- Thể hiện tâm trạng bi phẫn đến cùng cực của Chí Phèo khi bị xã hội tuyệt giao, không coi là một con người.
- Tiếng chửi là lời kết án toàn xã hội, cái xã hội vô nhân đã sinh ra hiện tượng Chí Phèo
- Thể hiện khát vọng được giao tiếp, được trở lại làm người của Chí Phèo
- Thể hiện tài năng nghệ thuật của Nam Cao trong việc sử dụng ngôn ngữ trần thuật nửa trực tiếp, trong cách miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật.
6. Ý nghĩa hành động của viên ngục quan: “ngục quan cảm động,vái người tù 1 vái,chắp tay nói 1 câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào:kẻ mê muội này xin bái lĩnh”
- Thể hiện sự xúc động, niềm kính ngưỡng của quản ngục với Huấn Cao.
- Cái cúi đầu bái lĩnh của quản ngục phải hiểu là cái cúi đầu trước vẻ đẹp của tài năng, khí phách và thiên lương. Đó là sự toàn thắng của cái thiện trước cái ác, cái đẹp trước cái xấu.
- Hành động ấy tôn vinh cả hai người: người vái lạy và người được vái lạy.
7. Ý nghĩa chi tiết rạch mặt ăn vạ của chí phèo ở nhà bá kiến
- Đánh dấu sự thay đổi trong tính cách Chí: từ một người nông dân hiền lành lương thiện thành kẻ lưu manh.
- Khẳng định bi kịch của người nông dân bị đẩy vào bước đường cùng, bị lưu manh hóa, phải bán cả nhân hình, nhân tính để tồn tại
- Thể hiện bản chất thâm hiểm, gian hùng của Bá Kiến
8. Ý nghĩa chi tiết: “Hình như có 1 thời hắn đã ước ao có 1 gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê vợ dệt vải…”
- Thể hiện phần tốt đẹp, lương thiện không bao giờ mất đi trong con người Chí. Việc Chí nhớ lại cái ước mơ thuở nào đánh dấu quá trình thức tỉnh và khát khao trở thành người lương thiện của anh.
- Thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm khi nhà văn phát hiện, nâng niu, trân trọng những phần tốt đẹp bị khuất lấp, bị lãng quên, bị vùi sâu bên trong cái vẻ ngoài độc dữ, thú vật của Chí.
- Thể hiện tài năng trong nghệ thuật miêu tả tâm lí của nhà văn.
9. Ý nghĩa chi tiết cái lò gạch cũ
- Xuất hiện mở đầu và kết thúc tác phẩm tạo nên kiểu kết cấu vòng tròn (kết cấu đầu cuối tương ứng), khẳng định một quy luật xã hội khốc liệt: chừng nào chưa thay đổi tận gốc xã hội thì hiện tượng Chí Phèo sẽ vẫn còn tồn tại.
- Thể hiện cái nhìn hiện thực sâu sắc, toàn diện của nhà văn.

Kĩ năng làm câu 2 điểm trong Đề thi ĐH-CĐ


1. Phân loại và nhận dạng (Nội dung)
Dạng 1: Hỏi về một chi tiết cụ thể trong tác phẩm
VD1: Câu I (2,0 điểm) ĐH C-2011
Trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những bản tuyên ngôn nào? Việc trích dẫn đó có ý nghĩa gì?
VD2: Câu I (2,0 điểm) ĐH D-2010
Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, việc nhân vật Tràng “nhặt” được vợ đã khiến cho những ai ngạc nhiên? Sự ngạc nhiên của các nhân vật đó có ý nghĩa như thế nào về nội dung và nghệ thuật?
VD3: Câu 1 (2,0 điểm) ĐH C-2012
Trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), ở phần nói về thượng nguồn sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví vẻ  đẹp của dòng sông này với hình  ảnh hai người phụ nữ,  đó là những hình  ảnh nào?  Ý nghĩa của những hình ảnh ấy?
VD4: Câu 1 (2,0 điểm) ĐH D-2012
Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), việc Mị nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lí của nhân vật Mị?
VD5: Câu I (2,0 điểm) CĐ – 2011
Trong phần đầu vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết bất ngờ của nhân vật Trương Ba? Kết thúc vở kịch (cảnh VII), Hồn Trương Ba đã tự quyết định về sự sống, chết của chính mình như thế nào? Nêu ngắn gọn ý nghĩa nội dung lời thoại của nhân vật Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.
VD6: Câu I (2,0 điểm) CĐ-2012
Trong đoạn kết truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục điều gì sau khi cho chữ? Câu nói “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” của viên quản ngục có ý nghĩa như thế nào?
VD7: Câu 1. (2,0 điểm) TN-2012
Trong phần cuối tác phẩm Số phận con người, nhà văn M. Sô-lô-khốp viết:
Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ…
(Ngữ văn 12, Tập hai, tr.123, NXB Giáo dục – 2008)
Hai con người được nói đến ở trên là những nhân vật nào? Vì sao tác giả gọi họ là hai con người côi cút? Hình ảnh hai hạt cát trong câu văn có ý nghĩa gì?
VD8: Câu 1. (2,0 điểm) TN-2011
 Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kĩ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?

Dạng 2. Hỏi về một/một số đặc điểm nổi bật (về ND hoặc NT hoặc cả hai) của tác phẩm
VD1:  Câu I (2,0 điểm) ĐH D-2011
Trong đoạn trích bài thơ Việt Bắc (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2009), Tố Hữu đã  sử dụng những phương tiện nghệ thuật giàu tính dân tộc nào? Những phương tiện  đó phù hợp với việc diễn tả tình cảm gì của người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc?
VD2: Câu I (2,0 điểm) ĐH C-2009
Anh/chị hãy nêu những nét chính về tình cảm nhân  đạo và bút pháp nghệ thuật của Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ.
VD3: Câu I (2,0 điểm) CĐ-2010
  Anh/chị hãy nhận xét ngắn gọn về cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

Dạng 3. Hỏi về Tác giả
VD1: Câu I (2,0 điểm) ĐH C-2010
Anh/chị hãy trình bày ngắn gọn về sự đa dạng mà thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.
VD2: Câu I (2 điểm) ĐH D-2008
Anh/ chị hãy nêu những nét chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám. 
VD3: Câu I (2 điểm) ĐH C-2008
Anh/ chị hãy giới thiệu ngắn gọn về hai tập thơ Từ ấy và Việt Bắc của Tố Hữu.
VD4: Câu 1. (2,0 điểm) TN-2010
Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô-lô-khốp.

Dạng 4. Hỏi về một vấn đề văn học sử
VD1: Câu I (2,0 điểm) ĐH D-2009
Một trong những đặc điểm cơ bản của nền văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 là chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.  Anh/chị hãy nêu những nét chính của đặc điểm trên.
 VD2: Làm gì có. Vì dạng này tuy không “quý” nhưng lại thực sự “hiếm”.
2. Kĩ năng làm bài (Cách trình bày)
Yêu cầu chung:
- Thời gian thực hiện: không nên vượt quá 25 phút
- Nội dung: ĐÚNG và ĐỦ
- Hình thức:
+ Ngắn gọn, súc tích, rõ ràng. Ngôn từ, diễn đạt không cần văn hoa nhưng trình bày phải logic, trôi chảy.
+ NÊN trình bày thành những đoạn văn ngắn, có câu mở đầu giới thiệu chung vấn đề và có câu kết đánh giá ý nghĩa, giá trị của vấn đề.
- Cách làm:
+ Gạch nhanh các ý chính ra nháp (1 – 3 phút). Sắp xếp ý theo trình tự hợp lí. Các ý có thể chưa đầy ĐỦ nhưng phải là những ý ĐÚNG. Trong quá trình làm bài, có thể sẽ nhớ ra những ý còn thiếu.
+ Trình bày bài viết, đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức.
+ Khi đã làm xong câu 1, chuyển sang câu khác mà nhớ ra những ý còn thiếu của câu 1: ghi lại những ý thiếu ra nháp, sau khi hoàn thành câu đang làm dở, bổ sung nội dung cho câu 1. Ghi vào bài thi như sau: Câu 1 (Bổ sung)
KĨ NĂNG LÀM TỪNG DẠNG BÀI
Dạng 1: Hỏi về một chi tiết/hình ảnh trong tác phẩm
Tùy theo từng đề cụ thể, song về cơ bản, bài làm cần đảm bảo các nội dung sau:
- Tái hiện lại các chi tiết/hình ảnh/sự kiện trong tác phẩm: cần viết chính xác, đầy đủ các chi tiết liên quan. Tốt nhất là trích dẫn nguyên văn một (vài) đoạn độc đáo, ấn tượng, thể hiện rõ nét đặc sắc của chi tiết/hình ảnh ấy (các trích dẫn trực tiếp cần cho vào dấu ngoặc kép ” “). Nếu không thể trích dẫn trực tiếp có thể gián tiếp kể/tả lại chi tiết/hình ảnh đó.
- Nêu ý nghĩa của chi tiết/hình ảnh:
+ Ý nghĩa về nội dung (làm nổi bật tính cách nhân vật, thể hiện sống động nội dung, chủ đề, tư tưởng tác phẩm …)
+ Ý nghĩa về nghệ thuật (góp phần vào nghệ thuật xây dựng nhân vật, thúc đẩy cốt truyện, thể hiện phong cách/tài năng nghệ thuật độc đáo của nhà văn …)
Dạng 3, 4 : Tự “chém” vì yêu cầu không quá phức tạp, chủ yếu là học thuộc và ghi nhớ nội dung trong Sách giáo khoa.
Riêng Dạng 2 cần có sự tổng hợp kiến thức và thực sự nắm chắc nội dung và đặc sắc nghệ thuật của các tác phẩm. Đôi khi đề ra có đề cập đến một vài khái niệm lí luận văn học (nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, tình huống truyện, cốt truyện, kết cấu, tính sử thi, cảm hứng lãng mạn, chủ nghĩa nhân đạo/hiện thực, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ….), các em cần trang bị cho mình kiến thức về các khái niệm này làm công cụ vì sẽ còn sử dụng rất nhiều trong quá trình học/thi. Khi nào rảnh rang thầy sẽ viết kĩ hơn về dạng này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét